VẤN

Con đọc trong kinh có nội dung sau: “Tương lai của cõi Tịnh Độ khi Đức Phật A Di Đà diệt độ thì sẽ do Bồ tát Quán Thế Âm giáo hóa”. Đức Phật nhập Niết bàn: Với suy nghĩ đơn giản của một phàm phu như con là chết, là từ bỏ thân phàm phu này. Vậy khi đã là thân Phật thì diệt độ là thế nào vì đã là thân Phật thì không sanh không diệt, vượt thoát luân hồi sao còn diệt độ?

ĐÁP

“Diệt độ” là cụm từ Phật học “hóa độ và tịch diệt”, như Đức Phật thị hiện trong cõi Ta bà hóa độ chúng sanh, sanh vào cung vua Tịnh Phạn, xứ Ca tỳ la vệ. Ngài thị hiện có sinh ra, lớn lên, trốn hoàng cung xuất gia tu thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni, rồi giáo hóa chúng sanh suốt 49 năm dài cho đến khi 80 tuổi tịch diệt nhập Niết bàn, gọi là “diệt độ”.

Trong hành trình giáo hóa, đức Phật Thích Ca có những sự thọ ký, như phó thác cho Ngài Di Lặc, trong tương lai khoảng 16.800.000 năm sẽ thành Phật dưới cội cây Long Hoa, nhân hạnh của ngài Di Lặc cũng giống như Phật Thích Ca (Phật học tinh yếu của Thích Thiền Tâm), tiếp đến trước khi nhập Niết bàn, Đức Thích Ca phó thác cho Ngài Đại Ca Diếp (cùng thời gian với Đức Phật) nối thừa giáo pháp của Ngài (Phật tổ thuyền uyển kế đăng lục) đến vị Tổ sư thứ 28 là Bồ đề Đạt ma (470-543). Dòng pháp được truyền sang Trung Quốc đến Lục tổ Huệ Năng (638-713), thì không còn thọ ký phó thác nữa. Lục Tổ Huệ Năng sau khi viên tịch, thì tông chỉ của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn được chia thành hai dòng (nam Năng bắc Tú), nghĩa là pháp của Tổ sư Hoằng Nhẫn được truyền về phương Nam Trung Quốc là thuộc về Lục Tổ Huệ Năng, truyền về phương Bắc của Trung Quốc thuộc về ngài Thiền sư Thần Tú .

Từ đó đến nay chư vị Tổ sư không còn lập lại sự truyền thừa bằng cách đem y bát giáo pháp của Đức Phật truyền cho “một người” nữa; mà được phân ra nhiều phương tiện pháp môn tu hành, sanh sanh hóa hóa mà truyền giáo “truyền đạt cho nhiều người” và cụ thể giúp cho con người tiến hóa vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời.

Hiện nay, Đức Phật Thích Ca là vị giáo chủ của cõi Ta bà, vì ở cõi Ta bà chúng sanh có tham sân si, có buồn vui khổ giận, có sống có chết, có luân hồi quả báo... Đức Phật vì muốn độ chúng sanh trong cõi Ta bà nên thị hiện có sanh ra (đản sanh) có chết (nhập Niết bàn) có sự thọ ký (giao việc cho người sau kế thừa) theo lịch trình tiến hóa của chúng sanh trong cõi Ta bà gọi là “diệt độ”.

Trên đây là nói về nhân hạnh Phật Thích Ca Mâu Ni. Còn về nhân hạnh Bồ tát Quán Thế Âm:

Sau khi A Di Đà Như Lai nhập Niết bàn rồi, thì cõi Cực Lạc lại đổi tên là: “Nhứt Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu”, y báo càng tốt đẹp hơn trước đến bội phần. Chừng đó, đương lúc ban đêm, độ trong giây phút, có hiện ra đủ thứ trang nghiêm, thì ngươi sẽ ngồi trên tòa Kim Cang ở dưới cây Bồ đề mà chứng ngôi Chánh Giác hiệu là: “Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai”, phước tròn hạnh đủ, muôn sự vẻ vang, đạo Pháp cao siêu, thần thông rộng lớn, rất tôn rất quý, không ai sánh bằng mà lại sống lâu đến chín mươi sáu ức na do tha kiếp, rồi khi diệt độ thì chánh pháp còn truyền bá lại đến sáu mươi ba ức kiếp nữa.

Bất Huyến Thái tử nghe Phật Bảo Tạng thọ ký rồi, liền vui mừng mà thưa rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nếu sự thề nguyện của tôi quả đặng hoàn mãn như lời Ngài nói đó, thiệt là hân hạnh biết bao! Nay tôi lạy Ngài xin làm thế nào cho các Đức Phật hiện ở hằng sa thế giới cũng đều thọ ký cho tôi và khiến cho cả thảy thế giới đều đồng thời vang ra những tiếng âm nhạc, và các chúng sanh nghe tiếng ấy đều đặng thân tâm thanh tịnh mà xa lìa mọi sự dục vọng trên đời”.

Lúc Bất Huyến Thái Tử thưa rồi, đương cúi đầu lễ Phật, tức thì các thế giới tự nhiên rung động vang rền, kêu ra những tiếng hòa nhã, ai ai nghe đến cũng sanh lòng vui vẻ, là do dục vọng bổng nhiên tiêu tan cả.

Khi ấy, thoạt nghe các đức Phật ở mười phương đồng thinh thọ ký cho Quan Thế Âm rằng:“Đương khi thời kiếp Thiện trụ, ở tại cõi San Đề Lam thế giới, nhằm lúc Phật Bảo Tạng ra đời mà giáo hóa chúng sanh, có con của vua Vô Tránh Niệm, tên là Bất Huyến Thái tử phát tâm cúng dường Phật và đại chúng trong ba tháng: Do công đức đó, nên trải hằng sa kiếp sẽ thành Phật, hiệu là: Biến Xuất Nhất Thiết Công Đức Quang Minh Sơn Vương Như Lai, ở về thế giới Nhứt Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu”.

Bất Huyến Thái tử khi đặng Chư Phật thọ ký rồi, thì lòng rất vui mừng. Đến khi mạng chung, thì Ngài thọ sanh ra các đời khác, trải kiếp nọ qua kiếp kia, hằng giữ bổn nguyện, gắng công tu hành, cầu đạo Bồ đề, làm hạnh Bồ tát, chăm lòng thi hành những sự lợi ích cho chúng sanh, không có khi nào mà Ngài quên cái niệm đại bi đại nguyện.

Hiện nay Quan Thế Âm đã chứng được bực Đẳng Giác Bồ tát, ở cõi Cực Lạc mà hầu hạ Đức Phật A Di Đà, hằng ngày tiếp dẫn chúng sanh trong mười phương đem về cõi ấy.

Đến sau, Đức Phật A Di Đà nhập Niết bàn rồi, thì Ngài kế ngôi Phật vị mà giáo hóa chúng sanh (trích Phật học tạp chí Từ Bi Âm, số 200-204 nói về nhân hạnh đức Bồ tát Quán Thế Âm...)

Đoạn kinh trên đây là nói về nhân hạnh của Bồ tát Quán Thế Âm tu hành đắc đạo được Phật A Di Đà thọ ký phó thác giao việc cho Bồ tát thay thế Phật A Di Đà giáo hóa chúng sanh. Tuy nhiên không phải ở cõi Ta bà mà ở cõi “Nhứt Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu”, tức là tên khác của cõi Cực Lạc.

Phật thị hiện độ đời bao giờ cũng có ba thân: một là Pháp thân, hai là Báo thân, ba là Hóa thân.

Pháp thân là thân thường trụ không sanh, không diệt, không sống không chết, từng giờ từng phút, từng niệm luôn có trong tâm chúng sanh khắp mười phương.

Báo thân là thân quả báo như thân Phật Thích Ca sanh ra nơi thế giới khổ đau, vui buồn; thân Phật A Di đà sanh ra nơi thế giới trang nghiêm không khổ chỉ toàn là vui.

Hóa thân là thân tùy theo cảm ứng của chúng sanh mà đức Phật phát nguyện thị hiện, như thị hiện cõi Ta bà cứu độ loài người thì Ngài thị hiện thân người có hóa sanh có diệt độ...

Chư Phật là bậc giác ngộ, tâm không, tâm trong sạch, không sanh không tử, không hóa sanh không diệt độ, nhưng vì sự giáo hóa chúng sanh mà phát nguyện có thị hiện có hóa sanh có diệt độ.

HT Thích Giác Quang



Có 2 phản hồi đến “Đức Phật A Di Đà Đã Vượt Thoát Luân Hồi Sao Cõi Tịnh Độ Diệt Độ?”

  1. nguyên huu bang đã nói

    cho con hỏi phật di đà diệt độ vậy còn pháp môn niệm phật vãng sanh nữa không

    • Phật Di Đà không có diệt độ chỉ là khi Ngài nhập Niết Bàn thì sẽ có Bồ Tát Quán Thế Âm lên thay Ngài. Bạn không cần phải quan tâm chừng nào cõi Phật hay Phật diệt độ vì chỉ có Phật với Phật mới biết mà chỉ lo chúng ta có tu hành để về tịnh độ hay không mà thôi. Xin chúc bạn tinh tấn tu hành

  2. trần văn trí đã nói

    cho con hỏi khi phật a di đà nhập niếp bàn ở cực lạc vậy ngài sẽ về đâu và còn hiện hữu nữa không.Phật A DI ĐÀ còn giáo hóa chúng sanh trong mười phương PHẬT không.

    • Mô Phật! Bạn đọc các bài viết sau để rõ hơn nhé. Xin cảm ơn bạn. BBT Linh Sơn Phật Giáo http://linhsonphatgiao.com/28/5/2015/cau-duc-phat-va-hanh-gia-vang-sanh-tinh-do-co-hinh-tuong-nhu-the-nao.html http://linhsonphatgiao.com/24/5/2014/duc-phat-da-giac-ngo-co-con-bi-chi-phoi-boi-quy-luat-nhan-qua-khong.html http://linhsonphatgiao.com/7/2/2013/coi-tinh-do-co-tuan-theo-quy-tac-thanh-tru-hoai-khong-va-sinh-diet-khong.html

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com