I . Nhận định:

Lời Phật dạy:"Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức..." hay Nhứt thiết duy tâm tạo – trong các cõi dục, sắc, vô sắc sở dĩ có đều từ tâm sinh, các pháp hiện hữu trong cuộc đời đều do thức biến hiện...các pháp hữu vi vô vi tất cả đều không ngoài tâm mà có. Nhìn chung sự hiện hữu các hiện tượng giới đều do tâm thức biến hiện; hiện tượng thì thoạt có thoạt không, các pháp vốn không có tự tánh, các pháp do duyên hợp huyển có, các pháp vốn hư huyển, vô thường, khổ, không ,vô ngã...một loạt ý tưởng siêu việt ấy xuất phát từ lời Phật dạy cách đây trên 26 thế kỷ, mà chơn lý ấy không bao giờ thay đổi.

Thật vậy, khi nói đến người nghệ sĩ, người tu Phật cảm niệm họ cũng là những chúng sanh đồng hành trên hành trình ra đi và trở về cố quán của kiếp nhân sinh. Người nghệ sĩ cũng như mọi người, lúc nào cũng muốn làm đẹp cho đời, muốn làm vui cho người, lúc nào họ cũng muốn thấy cái đẹp, tâm hồn họ bao giờ cũng cao đẹp trên sàn diễn và ngoài đời. Họ cũng có sự tĩnh thức thoát xác, sự suy niệm trong giây phút hiện tại , họ có kiếp sống phong phú đa dạng chấp nhận quy luật có sinh, có tử, có luân hồi quả báo, có khổ đau hạnh phúc, có vui buồn tốt xấu, phải quấy...nhưng chính từ cơ sở nầy mà tâm linh họ lúc nào cũng linh động uyển chuyển thân tâm, một cách nhẹ nhàng thư thái mà làm sinh động môi trường xã hội, làm khơi dậy những lặng thinh trong giấc ngũ dài của con người, làm sống lại sự chuyển hóa muôn vật lúc nào cũng đi trong sanh diệt hủy hoại những ước muốn vô biên của vạn vật và con người...Người nghệ sĩ thường làm vui cho những cái buồn muôn thuở, tạo nên sự hòa hợp trong thế thái ly tan. Họ chỉ biết làm vui, làm vui và làm vui cho mọi người.

Đứng về gốc độ tâm linh, người muốn làm vui cho thiên hạ, thì tâm họ phải vui, tâm họ phải phấn khởi, tâm lúc nào cũng lung linh những sống động của cuộc đời, những linh hoạt của con người, những hoạt náo của xã hội...nên khi đứng trên sân khấu sàn diễn, dù có e ngại, rụt rè, run động, nhiều cảm xúc họ vẫn đủ lực để làm vui cho mọi người, mọi việc xuất phát từ tâm, tâm quyết, vì thế mà họ hát được, hát hay, hát giỏi.

Sự tĩnh thức và cảm nhận của người nghệ sĩ:

Đẹp và xấu là những khái niệm thông thường của tri giác, tự tính của vạn pháp vượt trên ý niệm đẹp và xấu. Cái đẹp phụ thuộc vào con mắt của người nghệ sĩ và người nghệ sĩ biết cảm nhận cái đẹp trong những cái bình dị nhất như:một tia nắng sáng, một đám mây, một dòng sông, những ngõ trúc quanh co hay một nụ cười trẻ thơ,...Đó là những cái đẹp mà chúng ta chỉ cảm nhận được khi chúng ta biết sống tỉnh thức và an trú trong chánh niệm như lời Phật dạy. Khi nhìn một tia nắng sáng trong trạng thái tỉnh thức chúng ta sẽ cảm nhận được cái đẹp của nó mà những người không sống tỉnh thức sẽ không cảm nhận được. Những cái đẹp đó mang lại cho ta sự an lạc của nội tâm nó không giống với cái đẹp của nữ sắc chỉ mang lại sự vướng mắc và khổ đau. Đức Phật là một bậc Đạo Sư và ngài cũng là một nghệ sĩ, ngài làm được điều mà các nghệ sĩ ở thế gian không làm được là ngài biết thưởng thức cái đẹp mà không bị vướng mắc vào cái đẹp. Hồi còn tại thế ngày nào Đức Phật cũng ngồi trên đỉnh núi Linh Thứu để ngắm nhìn cảnh mặt trời lặn. Ngày thường đi thiền hành trên những con đường những ngõ trúc quanh co, ngắm nhìn dòng sông gần cây bồ đề và trong một trạng thái hoàn toàn tỉnh thức. Khi biết sống trong tĩnh thức thì ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của vũ trụ những cái đẹp không mang lại sự khổ đau và sự vướng mắc như những cái đẹp của người thế gian, trái lại mang cho ta sự an lạc ở ngay trong giờ phút hiện tại. Người nghệ sĩ biết những yếu tố không đẹp tạo thành cái đẹp và những yếu tố đẹp tạo thành cái không đẹp và biết cảm nhận cái đẹp chân chính: cái đẹp của chánh pháp là cái đẹp bất diệt, chân thật và không tàn hoại. Hằng ngày chúng ta biết sống tỉnh thức biết tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống thì chúng ta sẽ có được sự an lạc, bởi vì sự sống chỉ có mặt ở trong giờ phút hiện tại, đánh mất hiện tại là đánh mất sự sống. – W.Hoa Linh Thoại.

II . Đức Phật trong thế giới nghệ sĩ:

Sinh tiền, có dịp Đức Phật dạy cho mấy người nghệ sĩ:" ...các anh hạ dây đàn dùn tiếng nhạc sẽ không thanh, lên dây căng thẳng thì đứt, phải lên dây đàn vừa phải thì tiếng kêu mới thanh...". Kêu thanh thì giúp cho người nghe vui vẻ, vơi đi những ưu phiền trong thế giới khổ đau phiền trược.

1/. Tổ chức ca nhạc lớn về Đức Phật:

Trung tâm Ananda đang phát động phong trào sáng tác thiền ca trên thế giới và tuyển chọn ca sĩ! Một số tác phẩm gửi về đã được giới thiệu đến qúy vị trong mục THIỀN CA. Qúy ca nhạc sĩ có thể gửi ca khúc về cho trung tâm Ananda

Cali Today News – Vào chiều tối thứ bảy tuần trước, tại một rạp hát sang trọng và tuyệt vời về phương diện thẩm mỹ cũng như thẩm âm (acoustic), trung tâm Ananda đã thử nghiệm lần đầu tiên thể loại thiền ca, đạo ca và Phật ca và đã đạt được những thành công khích lệ mà từ đó trung tâm Ananda chuẩn bị bước một bước xa hơn: Sẽ tổ chức Đêm Thiền Ca Quốc Tế lần đầu tiên cũng vào cuối tháng 3, 2011.

Âm nhạc trong Đêm Tứ Động Tâm chỉ là một phần nhỏ mà thôi, vì phần chính là trình chiếu bộ phim Tứ Động Tâm cũng do trung tâm Ananda vừa mới hoàn thành sau chuyến đi Ấn Độ và Nepal trước đó. Dù là một phần nhỏ (chỉ 10 tiết mục) trong tổng thể chương trình, thế nhưng, đã thu hút được khán giả và đã để lại những tiếng vang đáng kể.

2 /. Ca sĩ, nhạc sĩ phục vụ trong nhà Phật:

Vào những năm 1969 đến 1974 tại Quan Âm Tu Viện, Biên Hòa mỗi năm vào ngày mùng 8 đến 15, tháng tư âm lịch đều có các nhạc sĩ, ca sĩ cổ nhạc, như Minh Hữu, Hoàng Ngọc Ẩn, Vũ Đăng, Dương Hoài Bảo, Hà Lang Quân (sau nầy đi tu tức Sư Giác Thế),Thanh Nga, Đổ Quyên, Thanh Hương, Mộng Lành đến hát cúng dường Đức Phật, mừng ngày Phật Đản sinh suốt một tuần lễ, giúp vui cho hằng trăm ngàn lượt Phật tử đến lễ bái Phật-đà. Sau năm 1975 các nhạc sĩ Vũ Đăng, Dương Hoài Bảo đã qua đời, nhạc sĩ Minh Hữu, Hoàng Ngọc Ẩn là Phật tử quy y Tam Bảo tại Quan Âm Tu Viện.

Đến năm 1988 sau khi Đức tôn sư viên tịch, thì vào những ngày 28, 29, 30 tháng bảy, mùng 01 tháng 8, có các ca sĩ Lệ Thủy, Hồng Nga, Châu Thanh, Tài Linh, Thanh Sơn, Linh Tâm đến hát cúng dường, nhạc sĩ Minh Hữu, Hoàng Ngọc Ẩn và con cháu đều đến giúp vui cho hơn 20.000 người đến dự cúng húy kỵ Đức Tôn Sư trong đêm "cúng tiên thường", được Phật tử rất ái mộ thương quý.Hiện nay có thêm các nhạc sĩ ca sĩ thuộc Ban văn hóa Thành hội Phật giáo Tp.Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ Dân ca Quan họ Bắc Ninh của cô Lưu Nghiêm Thọ, Tp.Biên Hòa cũng đăng ký xin hát cúng dường. Chương trình ca nhạc tại Quan Âm Tu Viện, hằng năm được Đài Phát Thanh Truyền Hình RTV2 Đồng Nai phát hình công hiến cho khán thính giả miền Đông.

Ngoài ra tại Đồng Nai, chùa Viên Giác còn tập họp được các Ca Sĩ Phật Tử, các cháu Thanh Thiếu Niên Phật tử hát giỏi, thường xuyên phục vụ cho các lễ hội như lễ Vésak 2008, Lễ hội 30 năm ngày thành lập GHPGVN tại Tổ đình Kim Cang, phục vụ giúp vui cho hàng mấy mươi nghìn người.

Hiện nay có nhiều chùa tổ chức các lễ lượt, như đại lễ Phật đản, lễ húy kỵ tổ sư khai sơn, lễ khánh thành, lễ mãn khóa học...có đăng ký rước ca sĩ nhạc sĩ tài danh đến phục vụ cúng dường, như Tổ đình Ấn Quang, thiền viện Vạn Hạnh, thiền viện Thuờng Chiếu, thiền viện Phước Sơn, Viên Giác Thiền Tự...

Các nghệ sĩ lớn tài danh như Nghệ sĩ Phùng Há, Kim Chưởng, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Kim Cương, Bạch Tuyết, Thanh Nga, La Thoại Tân, Hương Lan, Thanh Bạch, Thành Lộc, Sĩ Luân, Vieät Trinh, Phương Thanh không những làm vui, làm từ thiện cho mọi người mà còn phát huy những ý tưởng lớn đến với Đạo Phật, như những nhà sư tu hành có đẳng cấp, như: viết sách, tả kinh, nói kinh, tu tập thiền tụng, sách tấn khuyến thiện người đời lánh dữ về lành, tránh xa những nhân quả khổ đau...

3/. Ý tưởng của một vài Ca sĩ, nhạc sĩ :

Nghệ sĩ ưu tú nhạc sĩ Nguyễn Thế Phiệt,

Theo Văn Hiến Việt Nam luận về "mối quan hệ giữa nghệ thuật Phật giáo với sân khấu Chèo truyền thống", Ông nói:

"Phật Giáo là một tôn giáo lớn của loài người, mang tầm của một hệ tư tưởng triết học. Với chèo một hình thức sân khấu đậm chất dân gian của dân tộc Việt Nam. Đây là một đề tài nghiên cứu lớn đòi hỏi nhiều thời gian công sức, khảo chứng đối chiếu từ nhiều nguồn tư liệu phong phú khác nhau có liên quan tới Phật giáo từ trong quá khứ lịch sử đến cuộc sống đương đại hôm nay.

Xét về góc độ lý luận thì như vậy, nhưng đi tìm hiểu về những biểu hiện cụ thể của nghệ thuật phật giáo trong sân khấu chèo là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Nói đến phật giáo là nói đến chùa chiền, miếu mạo, có cúng lễ, có diễn xướng, chạy đàn, phá ngục, hát diễn xá hằn tích nằm trong các điệu ví dụ như: các điệu vãn, ru kệ, tụng kinh, dâng hoa, dâng rượu, liên quan đến tế lễ, biểu hiện rõ nét ở vở diễn Quan Âm Thị Kính, đây là vở truyền thuyết dân gian mang đậm dấu ấn phật giáo.

Không người Việt Nam nào, có ít nhiều hiểu biết về văn hoá dân tộc lại không biết đến truyện thơ nôm Quan Âm Thị Kính, mà nguyên văn vốn được gọi là Quán Âm chính là để chỉ một chữ tâm của phật giáo, một hình thức Bồ Tát cứu khổ cứu nạn cho đời, không rõ truyện Quan Âm Thị Kính do ai sáng tác và ra đời vào niên đại lịch sử nào, chỉ biết rằng bên cạnh, hình thức truyện thơ nôm lại có cả tích chèo cổ Quan Âm Thị Kính cũng khuyết danh tác giả và được truyền qua các phường chèo từ rất sớm. Cũng chẳng rõ được người truyền bá đạo phật thấy chèo là hình thức sân khấu được dân chúng ưa thích nên đã mượn ngôn ngữ sân khấu chèo với sự kết hợp giữa lời ca nhằm diễn lại sự tích đức phật Quan Âm Thị Kính để công chúng thấm thía ý nghĩa của chữ Nhẫn chữ Tâm, của lòng từ bi hỷ xá sẵn sàng chịu nỗi oan nghịch để cứu nhân độ thế được thành phật.

Những người nghệ sĩ chèo xưa đã rung động với câu chuyện của đức Quan Âm Thị Kính đã đưa cuộc đời của Phật bà lên sân khấu thành nội dung của nhân vật để thêm một lần nữa làm lay động tới tận đáy sâu tâm thức của mỗi một con người .

Cái đặc sắc của chèo Quan Âm Thị Kính là mối quan hệ ảnh hưởng qua lại giữa phật giáo và chèo được thể hiện một cách dung dị, ngọt ngào, tài năng của nhiều thế hệ nghệ sĩ chèo từ xưa đã chung sức chung tài để cho vở chèo chuyển tải được nội dung rất thấm thía rất cảm động mà lại tự nhiên không căng cứng, không áp đặt, một mặt ca ngợi sự vị tha mênh mông của Thị Kính vượt lên mọi khó khăn, gian khổ điều tiếng thị phi “ôm con của Thị Mầu để đi xin sữa suốt 3 năm. Thị Kính thủa còn trẻ - chồng ngờ thất tiết - lúc giả trai, thì gái đổ oan tình”. Từ trong nỗi oan trái Thị Kính đã tìm tới giáo lý của phật về chữ Nhẫn chữ Tâm để chịu đựng nỗi oan ức, với tấm lòng cứu độ chúng sinh đã làm động lòng cõi phật và nàng được siêu thoát khỏi bể khổ lên cõi Niết Bàn. Vở chèo Quan Âm Thị Kính đã làm cho người xem khâm phục tài năng của những nghệ sĩ chèo đã xây dựng hình tượng nghệ thuật mà đã trở thành vở diễn mẫu mực điển hình của nghệ thuật chèo..."

Nghệ sĩ Phương Thanh:

Đã đánh dấu cột mốc lịch sử trong giới ca sĩ một thời không ai thay thế. Nhưng rồi chính vòng xoay của danh lợi, tiền tài vật chất đã làm chị tê tái, chết đi sống lại giữa cuộc đời với bao hận thù, ganh tỵ. Trong lúc tột cùng đau đớn, chị đã tìm thấy Phật như tìm thấy một ánh sáng dẫn lối đi về trên vạn nẻo thời gian của an lành để trải nghiệm hạnh phúc.

Phương Thanh nói:"Thanh có nhân duyên sâu dày với đạo Phật, chỉ tiếc một điều là Thanh đến với đạo hơi chậm. Dù vậy, Thanh thấy mình còn hạnh phúc hơn người khác là đã tìm thấy đạo Phật khi chưa thật sự muộn màng. Một điều nữa là Thanh tiếp nhận giáo lý đạo Phật rất nhanh. Diễn viên Việt Trinh đã từng nói với Thanh rằng: “Chanh (Phương Thanh) ơi? Trinh tu trước Chanh mà Trinh còn chậm hơn Chanh nữa, Chanh nhanh quá”. Thường một kẻ giang hồ khi họ đã chấp nhận buông kiếm tu hành thì họ sẽ tu rất mau. Có nhiều người nói rằng; ngoài đời thấy Chanh dữ lắm, giờ vào chùa tu hiền thấy thương. Ai cũng nói Thanh quay đầu rất mau.

Đạo Phật đã xoay chuyển Thanh rất nhiều, xoay chuyển cả tâm tính và cả thân phận nữa. Gặp được Phật pháp, cuộc đời Thanh đẹp hơn trước nhiều. Đến bây giờ Thanh thấy mình học được nhiều điều hay từ đạo Phật. Giờ đi đâu ai cũng thắc mắc Phương Thanh bây giờ nữ tánh hơn, hiền hơn và đằm thắm hơn. Nói chung Thanh đổi cả số phận nhờ đạo Phật.

Từ khi làm Phật tử, tôi hát với một phong cách khác. Khi chưa quy y, cuộc sống của Thanh “động” dữ lắm, phải bon chen đủ thứ, cái mà nhà Phật gọi là tham, sân, si. Từ khi quy y rồi, Thanh có những sự thay đổi rõ rệt. Lúc quy y, trong tâm Thanh nói rằng: “Con vẫn còn sống ở đời thường, nên có những vấn đề nào không hợp trong khi ca hát xin Phật bỏ qua cho con”. Thanh không dám chắc là mình sẽ làm một người Phật tử thật tốt nhưng Thanh thường dặn với lòng sẽ hết sức cố gắng.

Sau khi quy y, Thanh né được nhiều sự đời mà trước đây Thanh vướng phải như nóng tánh, làm những điều cho đã cơn tức, thi thoảng đánh nhau. Từ ngày Thanh có điểm tựa tinh thần, khi làm bất cứ việc gì, Thanh đều nghĩ đến hậu quả của nó, cẩn thận với ba nghiệp thân, khẩu, ý. Đó là những điều mà Thanh thấy rất hay. Thậm chí khi Thanh nói chuyện có chút Phật pháp, người ta cũng khen hay hơn, đằm thắm hơn và sâu hơn một chút..."

Ca sĩ Nhạc sĩ Sĩ Luân:

Là một Phật tử như bao Phật tử khác, nhưng Phật tử nầy lại có tài danh đặc biệt: hát hay, sáng tác nhạc giỏi, kinh doanh có hạng, thường xuyên đi hát trong các chùa ở Thành phố Hồ Chí minh, Vũng Tàu. Sau biến cố tai nạn giao thông, Sĩ Luân phãi nghỉ việc đến 4 năm. Bốn năm thầm lặng Sĩ Luân nghĩ ra nhiều điều, nhất là: Cuộc sống vô thường! Sỹ Luân thường ngồi thiền, đọc kinh Phật mỗi ngày và hầu như vấn đề gì anh cũng dùng Phật giáo để lý giải.

Là nghệ sĩ xưa nay ít ai quan niệm nghệ sĩ đi tu, khó tu, tu không được nhưng ít ai nghĩ đến những nghệ sĩ lớn, ưu tú ngày xưa đi tu trong chùa nghệ sĩ ở Gò Vấp, một Hà Lang Quân đi tu nay là Thượng Tọa ở Tịnh xá Ngọc Quy, Tân Quy đâu có gì phải bị cản trở. Trường hợp Sỹ Luân cũng thế, Sĩ Luân có một ý tưởng rất lớn đó là sẽ xuất gia đi tu tại một ngôi chùa nào đó ở một vùng núi xa xôi hoặc mình tự mở, không gieo duyên với cuộc sống nữa. Sĩ Luân nói:"Từ hồi bị tai nạn đập đầu xuống đường, trong tiềm thức, Sỹ Luân thấy kiếp trước mình xuất gia".

Tuy nhiên, hiện nay Sỹ Luân chỉ là một phật tử, đang tu tập nhưng có sức mạnh của lời nói "có chất Phật" chắc hẳn không phải ý tưởng tầm thường của người nghệ sỹ đi theo con đường của Đức Phật.

Ca sĩ Hồ Huỳnh Hương:

Ăn chay và ngồi thiền đã giúp cho tôi ngộ ra một điều: Tất cả những biến động hay bình an trong cuộc sống đều xuất phát từ tâm của mình. Khi lòng bình yên, không điều gì có thể khiến mình bất an được cả. Trước đây, tôi đi phẫu thuật thẩm mũi vì bản thân tôi muốn giải toả tâm lý, muốn gạt đi những buồn phiền. Hiện nay, khi đã trải qua tất cả những thăng trầm, tôi hài lòng với những gì mình đang có. Vấn đề hình thức không còn quan trọng nữa....

Gần đây, tôi cũng ăn chay và ngồi thiền nữa. Nhờ đó, tôi tìm được bình yên trong cuộc sống. Tôi nhìn cuộc đời tươi sáng hơn, có thể vì vậy mà khuôn mặt tôi rạng rỡ, tươi vui hơn, khác với khuôn mặt u sầu khi mình còn nhiều sân si.

Ăn chay và ngồi thiền đã giúp cho tôi ngộ ra một điều: Tất cả những biến động hay bình an trong cuộc sống đều xuất phát từ tâm của mình. Khi lòng bình yên, không điều gì có thể khiến mình bất an được cả. Trước đây, tôi đi phẫu thuật thẩm mũi vì bản thân tôi muốn giải toả tâm lý, muốn gạt đi những buồn phiền. Hiện nay, khi đã trải qua tất cả những thăng trầm, tôi hài lòng với những gì mình đang có. Vấn đề hình thức không còn quan trọng nữa.

Với người khác thế nào, tôi không biết. Còn với tôi, ăn chay và ngồi thiền là cơ duyên hoàn toàn tự nhiên. Từ nhỏ, gia đình tôi theo đạo Phật, cũng ăn chay vào ngày rằm và mùng Một. Hơn một năm trở lại đây, tôi bắt đầu ăn chay trường và luyện ngồi thiền. Ăn chay rồi, tôi thấy mình không thể ăn mặn trở lại. Còn những triết l‎ý của đạo Phật giúp con người tôi thiện hơn, như hơn và tìm thấy sự bình an.

Có bình an không, chỉ tâm mình hiểu được thôi. Bây giờ, nhiều người gặp tôi và nhận xét: Hồ Quỳnh Hương đã dịu dàng và hòa nhã hơn xưa. ..

Ca sĩ Nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý:

Phóng Viên Thoại Hà, VnExpress hỏi:"mỗi khi bế tắc trong cuộc sống, ngoài âm nhạc, chi thường tìm đến điều gì?

Lê Cát Trọng Lý:"...ngoài âm nhạc, tôi hâm mộ Đức Phật. Lòng tôi tin rằng, nếu như có một tình yêu thật sự thì đó chính là tình yêu của Đức Phật dành cho con người. Tôi hâm mộ Đức Phật ở trí tuệ và sự từ bi".

Lê Cát Trọng Lý là nhạc sĩ ca sĩ trẻ, đưa được chất liệu trẻ trung lên sàn diễn phục vụ cho giới trẻ làm cho các thanh thiếu niên nam nữ giảm bớt những căng thẳng trong ngày làm việc mệt mõi hay những bức xúc bực bội chốn phồn hoa đô hội, giải mã những cuộc sống xu bồ trên đường phố, các phố nhỏ ngõ ngách, hẻm xá của đô thị, rất được giới trẻ hiện nay ái mộ.

Người nghệ sĩ rất nhạy cảm trong cuộc sống, các vị luôn luôn có sự hội nhập nhất thời, do vậy mà người nghệ sĩ sân khấu, kịch nói, phim, cải lương rất dễ hóa thân thành ngươi trong phim, nơi sân khấu. Nhìn chung ở ngoài đời người nghệ sĩ cũng có những tự ngã, ngã ái, tự tin, nhưng các vị rất nhạy cảm trong các vỡ phim mà các vị được được giao, dù đó không phải là tích cách của các vị, cái chất của nghệ sĩ là ở đấy.

Tu sĩ là nghệ sĩ?

Người tu sĩ xuất gia, cư sĩ tại gia gọi chung là đệ tử Đức Phật cũng chính là người nghệ sĩ, các vị dám từ bỏ mọi sự vui thế gian để thế phát quy y, chấp nhận một cuộc sống nhàn hạ, hòa mình với thiên nhiên núi rừng an lan nhã. Cho dù cảnh trí a lan nhã đó ở đô thị, nhưng các vị cũng cố tạo cho thế giới của mình sống thành một thế giới thanh tịnh như núi rừng. Vả lại người tu sĩ Phật giáo cũng sẳn sàng sống một đời sống đơn thuần, xa hẳn người thân, ông bà cha mẹ, tự mình tạo cho mình một cuộc sống cô thân như ở nơi hải đảo xa, chấp nhận mọi thiếu thốn vật chất mà các vị vẫn vui lòng chấp nhận; các vị quan niệm đạo giải thoát là phải có cuộc sống thoát xác, không bị ràng buộc nộ lệ vật chất, những xa hoa phung phí trong cuộc đời chỉ là chủ tể hung thần nhấn chìm con người trong bể khổ phù ta. Khi mình xuất gia thì không mang theo những mớ vật chất phức tạp nào, thì hôm nay khi trở thành vị giáo phẩm tối cao trong giới Tăng Ni, lãnh đạo Phật tử họ cũng chỉ có thế thôi...Đấy là cái chất của tu sĩ một tôn giáo, là tu sĩ Phật giáo.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Nghệ Sĩ Với Đạo Phật”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com