Một người thân, là dì cũng là một bạn đạo sau khi đọc bài viết "Là Phật Tử, Chúng Con Cần Gì Khi Đến Chùa" cho tôi biết dì rất thích bài viết đó. Tuy nhiên, dì cũng rất bất ngờ với giọng văn khá mạnh và cứng của tôi, khác xa với những bài viết đầy tình thương pha lẫn bao sự nhẹ nhàng trong veo tôi từng viết. Đó chỉ là những nguyện mong khẩn thiết của tôi cũng như tiếng nói của nhiều Phật tử thành tâm muốn chùa chiền thật sự là nơi tu hành đúng nghĩa. Tuy nhiên, chúng ta thường có khuynh hướng thích nói về cái xấu của người khác, thích chỉ trích phản biện, chán ghét một số hành động không tốt của các vị xuất gia mà quên mất nhìn lại chính bản thân mình để xét suy, chỉnh sửa.

Xem thêm:

Là Phật Tử, Chúng Con Cần Gì Khi Đến Chùa?

Phật Giáo Trong Y Khoa Ở Hoa Kỳ

Người Cư Sĩ Tại Gia Xin Hãy Nhìn Lại

 Điều tôi muốn nói ở đây chính là những thói xấu trong giới Phật tử từ sơ phát tâm cho đến các Phật tử của bổn tự nhiều năm tu hành, trong đó có tôi. Chúng ta thường tự cho mình quyền được phán xét quý thầy quý cô, tự bào chữa rằng chúng ta là Phật tử nghiệp lực dẫy đầy nên đến chùa cần tìm những vị xuất gia hoàn hảo. Điều gì vừa lòng chúng ta vui và nếu trái tâm chúng ta gây hấn, bất mãn, chán ghét, bỏ chùa bỏ thầy lượn vòng các nơi khác kiếm tìm.

Thông thường, Phật tử đến chùa đều được dạy nên làm điều gì đó có lợi, được thấy mình có ích hoặc là cúng dường tam bảo gieo phước duyên. Tuy nhiên, chuyện cúng dường có rất nhiều điều vui buồn đằng sau. Nhiều vị có chút tiền của, tiếng tăm bên ngoài xã hội tự cho mình được quyền đến chùa xem thường quý vị tăng ni xuất gia. Nhiều vị nghĩ rằng khi đến chùa thỉnh nguyện một điều gì đó nên cúng một ít tiền như một giao dịch song phẳng, không có gì mắc nợ và vô tình biến Tam Bảo thành nơi như họ hay hành xử ở xí nghiệp, công ty mình.

Nhiều Phật tử còn lầm tưởng mình là trụ cột của chùa, là đóng góp công đức rất lớn cho chùa nên tự cho rằng ý kiến của mình phải được xem trọng tối thượng. Nếu vị ấy đóng góp tiền của hay làm một việc gì trước đó rất có ích cho chùa thì nghiễm nhiên ngã mạng tăng lên cho phép mình phải có tiếng nói ở chùa và các vị tăng ni phải xem trọng vị ấy. Ở các buổi lễ tại chùa, các vị ấy còn nghĩ rằng sự có mặt của mình mới giúp cho chùa được thơm lây và nếu không có mình chùa sẽ không thể nào phát triển, tồn tại hoặc tăng ni sẽ rất khốn khó vô cùng.

Nhiều vị không cúng dường thứ chùa cần mà chỉ thích cúng những gì họ muốn cúng, dù chùa đã có quá nhiều. Có vị đầy đủ điều kiện thích được cúng tượng Phật, nhất là những loại tượng được cho là quý hiếm dù chùa không có chỗ thờ hoặc đã quá nhiều tượng. Họ nghĩ rằng cúng tượng Phật hay kinh sách mới chính là công đức bậc nhất vì như thế ai đến chùa cũng chiêm bái tượng, kính lạy tượng họ sẽ có công đức vô biên và họ được tán thán.

Có vị khi được khuyên nên dùng tiền để làm từ thiện, giúp những nơi nghèo khó thay cho cúng tượng họ vẫn không chịu để rồi gây ra bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười vì không còn chỗ để tượng, để kinh. Có người còn muốn được khắc tên mình vào tượng cúng dường như họ vẫn hay làm ở các ghế đá để ai cũng biết đến mình, biết ơn mình. Họ đâu biết rằng làm như vậy thật là tội lỗi do họ sẽ bị mất phước quá nhiều nếu mọi người lạy tượng cũng lạy tên họ . Cuối cùng chính những tâm tính sùng tín của họ biến chùa ngập tượng ngập kinh sách nhưng việc tu hành vẫn còn ở mãi đằng xa.

Nhiều vị rất thích được ca ngợi, tán thán, vinh danh mình, muốn được ghi nhận qua phiếu công đức, qua việc vinh danh trên báo đài, trên các website của chùa để khoe khoan với người khác. Quý vị tu sĩ vì thương yêu tất cả mọi Phật tử, vì thương cho ngã mạn của họ quá cao nên dĩ hòa vi quý để từ từ giúp họ sửa sai. Tuy nhiên, có người vì ngã quá cao đã giận lây sang cho chùa nếu bị góp ý hoặc một ý kiến nào đó không được xem trọng. Một khi hỏa đã nổi lên, sân giận ngập đầu, ác nghiệp của sự nhỏ nhen, ích kỷ bừng dậy thì chuyện gì họ cũng dám làm, kể cả nói xấu, chỉ trích, kể tội thầy tổ, những người mà họ một thời tôn kính quy y.

Ngược lại, có nhiều quý vị vì gia đình không có điều kiện, khó khăn nên đến chùa cảm thấy mặc cảm rằng mình không được trọng vọng. Nếu vì một điều gì đó hay có người nói điều gì đó với họ, họ lại tưởng vì mình không có cúng dường nên mình không có giá trị ở chùa. Vô hình chung, họ lại ngại đến chùa và tự đặt ra tâm lý đến chùa phải có tiền mới được tiếp đón, được hòa đồng tu hành với mọi người.

Ở xã hội bên ngoài, chuyện lừa đảo, thủ đoạn lợi mình hại người báo đài ngày ngày lên tiếng làm ai cũng chán nản cho thời cuộc. Mọi người mong vào chùa gặp những Phật tử được giáo dục về lý nhân quả của nhà Phật sẽ có niềm tin tốt hơn. Tuy nhiên, tập tính cố hữu vẫn xảy ra thường xuyên ngay chốn thiền môn yên tịnh. Biết bao nhiêu người gắn mác Phật tử vào chùa kể khổ giả nghèo lừa đảo bằng mọi hình thức từ ăn xin, trộm cắp tiền của, đồ dùng, hương khói nhang đèn tài sản của tam bảo nên chùa phải luôn canh phòng cẩn mật.

Một số ban đầu vào chùa để gây dựng niềm tin với mọi người. Sau một thời gian, họ bắt đầu lừa đảo quý bạn đạo xung quanh và sau đó là đến quý thầy, quý sư cô họ cũng không tha. Nhiều người có địa vị, có danh tiếng, ban đầu họ đến chùa gọi là dùng danh tiếng của họ giúp chùa hoằng pháp, ca ngợi tán thán chùa. Sau một thời gian niềm tin được củng cố, họ bắt đầu hành sự lừa thầy phản bạn, bán danh, làm tổn hại uy tín của chùa. Quý tăng ni ở chùa chỉ biết tu hành, không thể mưu mẹo hoặc tranh cãi, ăn thua như người đời nên cũng chỉ biết mỉm cười tha thứ cho họ nhưng nhân quả nào sẽ để những người đó được yên.

Chuyện giữa các Phật tử với Phật tử mãi luôn là câu chuyện dài tập. Việc tỵ hiềm, nói xấu, khóe cạnh nhau vẫn diễn ra như cơm bữa không khác ở chợ đời là mấy. Rất nhiều Phật tử có thâm niên ở chùa tu tập nhiều năm nên tự cho mình có quyền được thay công việc của quý sư thầy, sư cô đối xử với những người khác, nhất là Phật tử vừa bước vào chùa. Quả thật, nhiều khi vào chùa các Phật tử sơ tâm không cảm thấy sợ hãi, lo lắng khi tiếp xúc với các quý vị tăng ni mà sợ nhất từ những vị kỳ cựu Phật tử này.

Có một số quý Phật tử được giao một nhiệm vụ nào đó hay giúp trách nhiêm lãnh đạo, đứng đầu một khóa tu nào đó lại hành xử với người khác như nhân viên của mình. Họ tự cho phép mình quyền được sai khiến người khác và mọi thứ đều phải báo cáo cho họ. Đôi khi họ còn nhầm tưởng mình là quý thầy đi thuyết pháp, truyền đạt rất nhiều giáo lý mà đôi khi đó là ma đạo ngược với tông chỉ của chốn thiền môn.

Nhiều vị dù mang tiếng tu ở chùa lâu năm, hiểu nắm các thời khóa tu tập, kinh tụng đều thuộc nhưng Phật pháp cơ bản không hề biết, chỉ nghe qua một số lời giảng rồi tri kiến đầy Ta Bà của mình phán giảng cho người khác. Nếu biết một Phật tử nào cùng đạo tràng hơn họ một điều gì đó hay vô tình có làm gì đó được đánh giá cao, thay vì cùng tán thán công đức học tập, họ lại nổi tâm ích kỷ cố gắng đi moi móc, chỉ trích, nói xấu đời tư người ấy với một sự hả hê, tự hào, hạ người nâng mình.

Nhiều vị tu hành cho là lâu năm nhưng chỉ là số thời gian còn chúng sanh tánh vẫn y nguyên, có khi còn nặng hơn. Không biết có phải bị tẩu hỏa nhập ma hay không tìm được lối thoát cho mình, họ càng tu càng thấy sầu não, sân si dẫy đầy, gặp ai cũng có thể chửi mắng, ăn nói rất vô phép không tôn ty trật tự ai nhìn cũng đều lo sợ. Nhiều vị lại cố gắng bè phái để có tiếng nói, để được cảm thấy có giá trị và sẵn sàng đè bẹp chỉ trích người khác không tha. Chính những người được cho là "Phật tử thuần tâm" này làm cản trở rất nhiều duyên tu học của các Phật tử mới bước vào chùa và làm nhiều người ngộ nhận không dám đến chùa vì họ.

Quý tăng ni tu hành và làm rất nhiều chuyện Phật sự bận rộn ở chùa nhưng có lẽ còn đau đầu và mệt mỏi hơn phải hành xử với nhiều Phật tử có những tâm tính, đòi hỏi rất khác người. Có vị vì một nhân duyên hay cảm thích một vị thầy nào đó chỉ muốn đến chùa suốt ngày, muốn quý thầy, quý sư cô phải hầu chuyện, tiếp xúc với mình. Nếu bị nhắc nhở khuyên nhủ nên bớt thời gian ở nhà lo cho gia đình, lo tu hành, họ đâm ra giận dỗi cho rằng họ không được trọng vọng, thầy cô không có lòng từ bi nên đuổi họ và tự ái sân si không đến chùa.

Có vị muốn biến quý thầy thành của riêng họ, chỉ muốn được tiếp xúc với họ thôi và dùng mọi thủ đoạn, tâm tính vị kỷ như Ma Đăng Già nhốt vây kiềm hãm ý tưởng người tu.Nhiều bạn nữ nhìn thấy quý thầy tâm tướng đều đẹp, ăn nói hòa nhã, lịch sự, dễ thương lại đâm ra ngộ nhận tình cảm để xảy ra rất nhiều chuyện "lửa gần rơm lâu ngày cũng bén" dở khóc dở cười. Nếu tình cảm ấy bị chỉnh sửa, bị từ chối, các bạn đâm ra thất tình, nghĩ quẩn, oán hờn quý thầy. Trang nhà Linh Sơn Phật Giáo thường xuyên nhận rất nhiều câu hỏi về tình duyên ngang trái của các bạn với người xuất gia và mong được tháo gỡ.

Nếu là đồng đạo cùng tu hành với một vị thầy, họ chỉ muốn mình được nổi trội, được quý thầy chú ý, được thương hơn người khác. Do đó họ luôn cành kẹ, xem ngó, dành dựt lẫn nhau rồi chỉ trích, nghi ngờ rằng thầy thiên vị thương người nọ hơn người kia. Đôi khi chỉ vì bản ngã, để chứng minh mình là số một, họ cố gắng dùng mọi hình thức để gây sự chú ý, để người khác dè chừng. Nếu quý thầy, quý cô không dùng hay từ chối vật phẩm gì họ cúng dường nhưng chấp nhận của người khác, chiến tranh sẽ nổi lên như con trẻ ở nhà dù họ đã trưởng thành có gia thất.

Nhiều bạn vì đã sống cuộc sống sung sướng, đầy đủ nên khi đến chùa nhìn quý thầy sống thanh bần giản dị, họ cố gắng vật chất hóa người tu hành. Suốt ngày họ đòi cúng dường đủ thứ tiện nghi đời thường, kể cả các phương tiện giải trí đăt tiền thời thượng nghĩ rằng như thế sẽ giúp cho quý thầy đỡ nhàm chán, sống tu tốt hơn và cũng để cảm thấy mình có giá trị khi đồ đạt của họ được trưng bày ở chùa. Họ nào biết đó chính là những thứ rác làm cản trở sự tu hành, gây ra bao nhiêu phiền não, choáng ngợp không gian của người tu mà thôi. Nếu không, họ lại làm cho người tu dễ bị sa vào việc hưởng thu, gây tâm tham ái làm thế nào để tu đây.

Việc đến chùa tìm thầy, cầu pháp, so sánh giữa các tông phái chùa chiền quả thật là những vấn đề nan giải, mệt mỏi. Hiện giờ băng giảng của các giảng sư và các chùa ngập trên mạng nên chỉ cần bấm vào là có thể nghe được mọi điều họ muốn không khác "thần thông nghe nhìn là bao." Vì chưa bao giờ có sự nhìn nhận tu hành đúng nghĩa, thay vì rút ra những bài học cho mình trên đường tu hành, họ dùng thời gian đi so kè xem sự đúng sai giữa các vị thầy, xem ai nói hay hơn, tốt hơn, thuận tai ưa muốn cái nghe của họ hơn.

Nếu họ thần tượng, sùng bái, quy y một vị thầy nào đó thì chỉ muốn chăm chăm bảo vệ pháp môn, thầy tổ của mình mà bất cần đến người khác. Họ sẽ dùng đủ mọi phương cách, kể cả nói xấu, trích dẫn những điều họ cho là được nghe, được đọc để chống lại vị thầy, pháp môn kia và chỉ có những gì thầy họ nói, pháp họ tu mới là chân lý, là đúng đường tu hành của nhà Phật.

Ngày ngày làm việc trên thế giới mạng, tôi phải tiếp xúc với khá nhiều quý vị Phật tử cuồn tín đến cực đoan này. Họ suốt ngày từ khuyên nhủ đến hăm họa rồi kể cả thóa mạ nếu tôi không nghe theo họ, không quan tâm đến những điều họ nói khi họ cố tuyên truyền chống phá tịnh độ, chống phá những bài viết về pháp môn niệm Phật, về Mật Tông, về các quý Latma. Dù chưa bao giờ biết một chút gì về Mật Tông hoặc nghe những điều giảng thiển cận từ ai đó, họ đã đến phủ chụp tố cáo đó là pháp môn dâm loạn, là phá hoại Phật pháp và người tu Tịnh Độ chính là những con người mê tín, lá pháp môn không phải do Phật thuyết pháp. Để rồi họ quay ra chỉ trích gần như tất cả những quý tôn túc, những quý thầy trưởng thượng, những vị tổ sư truyền thừa và cho rằng chỉ có thầy họ mới chính là người dám nói những điều cao siêu, huyền diệu, đi ngược lại với lối mòn và mới chính là người kế thừa sự nghiệp hoằng dương Phật pháp đúng nghĩa.

Đó là trên thế giới mạng còn những Phật tử đến chùa lại soi mói cũng như muốn thử xem quý thầy tu hành hiểu Phật pháp thế nào. Có vị đến chùa toàn so sánh thầy nọ thầy kia, chỉ trích thầy nọ, nói xấu chùa kia, chê trách tông phái, cách tu các nơi cứ như họ chính là cán cân công lý. Trên mạng ngày ngày có rất nhiều những anh hùng bàn phím ảo thì ở chùa quý thầy cũng rất sợ những anh hùng rơm tu hành suốt ngày chỉ toàn thấy lỗi của người như thế này.

Có một số vị có chút hiểu biết, đọc được một số ít bài giảng, bài viết hoặc có chút ít thâm niên tu hành lại đến chùa muốn khoe kiến thức, khoe sự hiểu biết của mình để tự cho rằng mình tu giỏi, tu hay.Nhiều vị đến chùa nói thao thao bất tuyệt cứ như sợ thầy quên pháp quên kinh nên "giảng" lại cho thầy nghe. Họ nói cứ như thể họ là giảng sư, là người đã nắm được yếu chỉ của sự tu hành và để phô diễn bản ngã họ mới là Phật tử chân chánh, là người hiểu đạo thâm sâu.

Nhiều vị đến chùa không phải để cầu pháp, tu học mà là muốn thử xem quý thầy, quý cô tu đến đâu. Họ đọc được một số câu chuyện về công án thiền, về pháp tu của các vị tổ thời xưa rồi lầm tưởng mang đến chùa thách đấu, thi thố, so kè pháp với Phật tử và quý thầy ở chùa. Nếu bị bẻ gãy, thay vì nên quy phục xin được chỉ dẫn tu hành, họ đâm ra bất mãn, ghen tỵ, xấu hổ rồi đi đến nơi khác diễn trò. Họ còn lầm tưởng họ cứ thể như Duy Ma Cật Bồ Tát thưở xưa đi vào đời mà quên rằng họ mãi vẫn sẽ luôn thua kém tâm của một vị sơ phát tâm xuất gia mặc y áo nhà Phật.

Chuyện Phật tử suốt ngày chạy nhảy, tìm tòi, mong học những pháp cao siêu, huyền diệu, chạy theo những thứ mà họ cho là thượng thừa, tối thượng, là pháp sớm được chứng ngộ có nói hoài cũng không bao giờ nói hết. Cứ hễ nghe ở đâu có ai đấy hay có gì gọi là linh hiển, linh thiêng, thánh nhập Phật sống quay lại, họ sẽ đổ vây chạy đến lạy lục van xin như những kẻ xin ăn tội nghiệp. Biết bao nhiêu là người mang mác Phật lừa đảo xảy ra khắp nơi nhưng sự nhẹ dạ cả tin cùng tâm tham lam, ích kỷ, họ nào quảng từ. Để rồi sau một thời gian biết đó là sự lừa đảo, tiền mất tật mang hay bị lậm pháp, bị ông lên bà xuống hành hạ, họ khóc lóc ăn xin chạy vạy khẩn cầu. Tuy nhiên, hôm qua vừa khóc nhưng hôm mai lại chuẩn bị lên đường tìm thánh sống Phật hiển linh khắp cùng mà bỏ bê Phật tâm của mình.

Thời hiện đại, cuộc sống tiện nghi cùng văn minh khoa học phát triển, đáng lẽ mọi người sẽ có sự chánh tín hơn nhưng hình như sự mê tín lại lên ngôi cùng cực. Rất nhiều vị hiện giờ biến chùa, biến Phật Giáo thành Đạo Bà La Môn chỉ chuyên cúng bái, van xin. Bất cứ điều gì họ cũng cho là do thánh thần nên tổ chức cúng tế, giải nạn, cúng sao, xem ngày giờ, xin xăm, gieo quẻ, lên đồng lên bóng nhang khói ngợp trời. Họ cứ nghĩ rằng chỉ cần bỏ ra tiền cúng tế, mua linh vật được chú nguyện phụng thờ, lạy lục khẩn xin dâng mâm lễ, dù đôi khi là đồ mặn, đồ sát sanh, tiền vàng mã, rượu thịt ê hề ngược với giáo lý nhà Phật, họ sẽ được phát tài, nạn tai tránh đường. Một màu đen tối của mê tín si lầm bao phủ làm cho chính mình mất sự tự chủ đi lên.

Những chuyện bên lề của quý Phật tử đến chùa làm cho quý sư thầy, sư cô phải đau đầu dung hòa khá nhiều không thể nào kể siết. Người xuất gia tu hành nguyện độ tất cả chúng sinh nên dù thế nào các Ngài cũng chấp nhận . Tuy nhiên, quý thầy, quý sư cô cũng là con người, cũng đang trên đường tu tập mong làm những hành giả Như Lai thật thụ nên xin quý Phật tử đừng thần thánh hóa các thầy, đừng cầu mong các thầy đều phải hoàn hảo, chỉnh chu, đều dung chứa tất cả mà không có sự sân si chúng sanh tánh thông thường.

Là một Phật tử chân chính, kính mong quý vị đến chùa dù là người mới hay cũ đều một tâm mong cầu tu hành theo đúng tông chỉ của thầy tổ, của chư Phật chỉ dạy. Ở đó chúng ta sẽ cùng nhau tu tập, cùng nhau học pháp lục hòa, nghe để hiểu, nhìn để thương bao dung vị tha cho nhau, cùng gắn kết nương tựa nhau đi về phía trước.

Đến chùa, niềm mong mỏi của quý tăng ni là cầu mong sao cho Phật tử tinh tấn tu hành, sửa bớt tính sai, điều xấu, bớt khổ bớt buồn, sống làm những con người chân chính giúp mình, giúp gia đình, xã hội thì đó mới phụng sự tam bảo Phật pháp trọn vẹn. Chuyện có cúng dường hay không đều không phải là điều quan trọng vì "Mỗi người mỗi nước mỗi non. Khi vào cửa Phật là con một nhà" thì hãy xem nhau như huynh đệ giúp đỡ lẫn nhau, đừng bao giờ cống cao ngã mạn và cũng không nên có suy nghĩ mặc cảm tự ti. Người tu hành chân chính, sống thiện lành đó mới chính là người con Phật thực thụ mà thầy tổ luôn tán thán, ca ngợi.

Tôi nhớ mãi hoài hai câu chuyện trong kho tàng Phật Giáo làm tôi vô cùng xúc động và cũng động viên tôi tinh tấn tu hành. Chuyện thứ nhất đó là hình ảnh cây đèn mãi không bao giờ tàn của bà lão cúng dường đèn. Vua A xà thế phát tâm cúng đèn với cả trăm thùng dầu nhưng đến sáng các cây đèn đều tắt hết. Bà lão quá nghèo chỉ có hai tiền nhưng phát đại tâm muốn dâng cúng đèn lên Đức Phật với thệ nguyện "Nếu sau này tôi được chứng đạo Vô thượng như đức Phật thời ngọn đèn này sẽ đỏ suốt đêm và sáng tỏ khác thường." Cây đèn với thành tâm chuyên nhất thuần khiết của bà mãi sáng rực dù Ngài Mục Kiền Liên dùng thần thông không thể nào dập tắt được. Đó chính là hào quang của một vị Phật tương lai tỏa sáng, tín tâm tròn đầy tỏa công đức vô lượng chứ không phải ở việc cúng ít hay nhiều. Dù làm rất nhiều việc có ích với công đức rộng lớn như vua A xà thế vẫn không được thọ ký vì tâm của vua không được chuyên nhất bằng bà lão nghèo nhưng tâm tu đầy khiết linh.

Chuyện thứ hai là Phẩm Hoa Thiên trong kinh Hiền Ngu. Khi Hoa Thiên sinh ra đời, trên trời rải đầy hoa mạn đà la, chư thiên trỗi nhạc đón chào. Khi Hoa Thiên mời Đức Phật và tăng chúng về nhà cúng trai tăng, từ trên hư không chư thiên mang đến đầy đủ mọi tọa cụ đồ ăn đầy đủ cúng dường. Nhiều vị đại đệ tử Phật đã ngạc nhiên không biết Hoa Thiên đã tu như thế nào lại được phước báu vĩ đại như vậy. Đức Phật cho biết thưở xa xưa khi Đức Phật Tỳ Bà Thi hóa hiện thuyết pháp, Hoa Thiên vì quá nghèo không có gì để cúng dường Phật. Thấy một ít hoa cỏ xung quanh, Hoa Thiên đã hái tung lên dâng cúng Phật với cả tâm thành. Vì sự thuần khiết thành tâm ấy nên bao nhiêu đời Hoa Thiên đều được sinh vào nhà tôn quý gặp Phật để tu hành. Do đó ngày Ngài sinh ra, hoa trời rơi xuống cúng dường để Ngài được mang tên gọi là Hoa Thiên.

Mong sao quý Phật tử chúng ta khi đến chùa hãy cố gắng học hạnh của Hoa Thiên, của Bà Lão cúng đèn đến Phật. Hãy dâng trọn thành tâm của mình đến cho Tam Bảo, tìm Phật ngay chính trong tâm mình, trong con người của mình, bớt sự tranh luận hơn thua, chỉ trích, cống cao ngã mạn, mê tín dị đoan. Chúng ta hãy là những người Phật tử và cũng là những người hộ pháp thật thụ, đừng nề hà việc khó nhọc, công quả nào cả. Bất cứ việc gì cũng đều là việc Phật, không có sự hơn thua, xấu tốt. Có như vậy thì dù chúng ta đi đến đâu với nụ cười như hoa sen nở, trên bầu trời chư Phật và chư Thiên vẫn mãi dõi theo tung hoa dâng tặng "một vị Phật tương lai." Và tôi cũng đang tự nhắc nhở mình như vậy.

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Xin Hãy Là Một Phật Tử Hộ Pháp Thuần Tâm”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com