VẤN: Theo con được biết các thiện nam tín nữ vào chùa nếu muốn quy y thì được vị thầy trụ trì đặt cho pháp danh làm con Phật. Vậy việc đặt pháp danh có từ khi nào? Cách đặt pháp danh mỗi chùa đều khác nhau vậy điểm chung của việc đặt pháp danh là như thế nào? Con nghe nói có việc đặt pháp danh theo kệ truyền như vậy có đúng không? Việc đặt pháp danh do từng chùa đưa ra hay theo một nguyên tắc gì? Một vị tu sĩ tu hành như thế nào và bao lâu mới được đủ phẩm hạnh để nhận đệ tử và đặt pháp danh? Điệp quy y của từng chùa là theo quy định của giáo hội hay do từng chùa đưa ra? Ý nghĩa chung việc quy y đặt pháp danh và tên pháp danh? Xin Sư khai ngộ giúp con

ĐÁP:

I .

Ý nghĩa và xuất xứ pháp danh

Ý nghĩa

Trước nhất chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của hai chữ pháp danh. “Pháp” là giáo pháp của Phật, giáo pháp của Phật gồm có kinh, luật, luận tức là những lời dạy của Phật. Pháp Phật có tác dụng xé tan màn vô minh, đưa con người và chúng sanh những ai thọ học đều được thông suốt và có trí tuệ. Giác ngộ tu sửa thân tâm cải sửa thân khẩu ý đi từ xấu đến tốt và cuối cùng thoát hóa luân hồi.

Quá trình duyên khởi, biến động của vũ trụ và con người, có rồi mất, thọat có thoạt không. Đó là quá trình thay đổi đổi thay từ cũ đến mới, từ mới về cũ, tạo thành hiện tượng sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, sanh sanh hóa hóa vô cùng tận, sanh diệt vô chừng theo tấc bóng thời gian. Nhà Phật nói đó là “môt niệm vô thường”, trong một sát na sanh trụ dị diệt, hoặc từ khi sanh ra một tuổi đến một trăm tuổi mới chết gọi là “nhất kỳ vô thường”. Tất cả những biến hóa đó gọi là hiện tượng, hiện tượng gọi là “pháp” cũng là Pháp của Phật.

“Danh” là tên, tức là người có thiện cảm, có quan tâm chú ý đến Đạo Phật, thích nghiên cứu giáo lý Phật, học tập giáo lý Phật. Sau đó nếu cảm thấy giáo pháp Phật phù hợp với đời sống của mình, chấp nhận tu hành theo lời dạy của Phật, hoặc cảm động về lời dạy của đệ tử Đức Phật, quý Sư, quý Thầy, quý Sư cô mà đi theo Đạo Phật học tu thì gọi là tín đồ. Lúc bấy giờ vị tín đồ đó được Thầy đặt cho một tên Phật gọi là “pháp danh”, thời điểm đặt “pháp danh” gọi là “Sơ quy y”. Có chùa làm lễ ”Sơ quy y” trang trọng lắm. Thầy sẽ hướng dẫn tín đồ đền Tổ đường, đảnh lễ Tổ sư, hay chánh điện lễ Tam Bảo. Thầy dùng nhành dương và bình tịnh thủy sái tịnh, tẩy trừ trược uế, giúp người tín đồ thanh tịnh thân khẩu ý. Sau đó Thầy đặt cho pháp danh, người đặt pháp danh cho Bạn gọi là Thầy Bổn sư, tức là người Thầy chính thức của Bạn đó, Bạn sẽ đi cùng Thầy hết khoản đời của Bạn. Nếu Bạn tu hành giỏi thì Bạn hướng dẫn cả gia đình thân bằng quyến thuộc đồng quy y có phước đức vô lượng. Thời gian ba hoặc sáu tháng sau, có khi lâu hơn do quy định của Thầy, hay do chùa chọn ngày quy y chính thức. Có chùa mỗi năm tổ chức 12 lần làm lễ quy y cho Phật tử (tức mỗi tháng 1 lần), có chùa mỗi năm tổ chức hai lần, một lần giữa năm và một lần cuối năm. Có chùa khi có người xin quy y , thì Thầy Trụ trì chọn ngày tốt, ngày rằm hoặc ngày ba mươi, ngày giữa tháng hay ngày cuối tháng tổ chức truyền Tam quy, ngũ giới. Như ở Quan Âm Tu Viện, mỗi năm tổ chức lễ quy y bốn lần vào các ngày rằm tháng giêng, mùng tám tháng tư, rằm tháng bảy và rằm tháng mười, mỗi lần truyền giới quy y có từ 150 tín đồ đến 300 tín đồ tham dự, năm 2010 khi lên đến 700, 800 tín đồ xin lễ quy y.

Với chư Tăng

Theo Phật học Từ điển của cụ Đoàn Trung Còn: Pháp danh là tên đạo lý, phàm người được thế độ làm Tăng chẳng còn dùng tên họ theo đời mà phải lấy tên theo đạo do vị Tôn sư đặt cho mình.

Theo tự điển Phật học Huệ Quang, trang 3498 nói về pháp danh, khi một Phật tử xuất gia đi tu Phật và được Bổn sư thế độ làm Tăng, vị Bổn sư sẽ đặt cho vị ấy một pháp danh. Đôi khi đó còn gọi là pháp hiệu, pháp tự hay pháp húy tức là tên quý trọng không thể đọc ra, không thể viết trên giấy. Pháp danh là tên chính thức của vị tu sĩ trong suốt cuộc đời hành đạo. Vì thế Pháp danh, Pháp hiệu cũng có ba từ ngữ. Đối với nam tu sĩ, từ ngữ khởi đầu là Thích, với nữ tu sĩ là Thích nữ. Chọn từ ngữ “Thích” trong pháp hiệu có nghĩa là cuộc đời vị tu sĩ ấy đã trọn vẹn dâng hiến và theo đạo của Đức Phật Bổn sư Thích ca Mâu Ni là đấng đã sáng lập ra Phật giáo. Hai từ ngữ sau trong pháp danh do tôn ý của vị Trụ trì chùa đó đặt theo môn phong pháp phái của mình.

Nói về môn phong pháp phái Phật giáo Việt Nam, thì ở miền Bắc chư Tổ sư hoằng truyền tông thiền Tào Động. Ở miền Trung và miền Nam đa số thuộc dòng thiền Lâm Tế, truyền pháp thiền tịnh song tu, như phái thiền Tổ sư Vạn Ủy Thời Phong, Tổ Nguyên Thiều Siêu Bạch, Tổ Liễu Quán,... Các phái thiền Phật giáo Việt Nam có xuất nhiều bài kệ để truyền thừa theo từng thế hệ, mỗi thế hệ theo từng chữ trong câu kệ mà chư Tăng được Thầy Bổn sư đặt pháp danh.

Ví dụ bài kệ dòng Lâm Tế: Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên - Minh Như Hồng Nhựt Lệ Trung Thiên - Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ - Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ Huyền. Chúng ta thử tính từ Ngài “Nguyên Thiều”, có chữ “Nguyên”, Ngài có đệ tử thì đặt tên cho đệ tử theo chữ tiếp theo là “Thành” ghép với Nhân là tên đời của đệ tử, gọi là “Thành Nhân”, kế ngài Thành Nhân là chữ Phật, có đệ tử tên Nhẫn thì đặt cho đệ tử là “Phật Nhẫn”...và cứ như thế mà truyền xuống theo dòng kệ.

Pháp danh dòng thiền Lâm Tế ở Việt Nam có giống theo chi xuất dòng kệ pháp của Phật giáo Trung Hoa. Dòng Lâm Tế ở miền Trung và miền Nam Việt Nam thì có pháp danh, pháp hiệu, pháp tự, pháp húy. Pháp danh của vị Hòa Thượng là Nhuận Đức (tên đạo chính thức), pháp hiệu Thiện Công (tên đạo riêng); khi còn là Sa di, Hòa Thượng Thiện Công có pháp danh là Phước Quả (pháp danh khi còn trẻ), khi làm Hòa Thượng được các bậc trên trước, hoặc vua chúa ban thụy hiệu là Hạnh Từ (gọi là húy, tên gọi không gọi hay viết thẳng). Như vậy chúng ta đọc pháp danh Hòa Thượng Nhuận Đức, pháp hiệu Thiện Công, pháp tự Phước Quả, pháp húy Hạnh Từ.

Với Phật tử

Bạn phát tâm quy y, được Thầy thế độ đặt pháp danh, còn lễ quy y là việc khác phải có thêm một nghi thức quy y thực hiện đúng theo lời dạy của Tổ sư truyền dạy rất trịnh trọng, trang nghiêm trong sách “Giới Đàn Tăng” và rất có lực giúp thân tâm Bạn thanh thản nhẹ nhàng, tất cả những bức xúc, bực dọc đều tan mất.

Ở ngoài đời cha mẹ sanh con, đặt cho con một tên gắn liền với dòng họ bên nội, sau đó làm khai sanh, có đủ họ và tên và họ tên đó gắn liền với người con từ đời nầy sang đời khác cùng huyết thống. Khai sanh là giấy chứng nhận tên ngoài đời do cha mẹ có tên nầy và nhìn nhận có sanh đứa con. Ví dụ Võ Văn Vân, tức Võ Văn Vân là con nhà họ “Võ” Còn “Pháp danh” là tên đạo của Bạn. Người con Phật đi theo Phật thì có tên của Phật, tên của Phật do Thầy Bổn sư đặt gọi là tên đạo và không ai có quyền thay Bổn sư đặt tên cho người Phật tử!

Với pháp danh Phật tử có hai từ: một là từ thứ nhất lấy từ trong dòng kệ pháp, hai là dựa vào tên của Phật tử mà đặt pháp danh. Ví dụ: Thầy Bổn sư là Nhuận Hải, theo dòng kệ của dòng Lâm Tế như trên, xuống một chữ là chữ “Từ”. Nếu đệ tử có tên khai sanh là Tú thì Thầy Bổn sư sẽ đặt pháp danh cho Phật tử là “Từ Mỹ”...nếu đệ tử có tên khai sanh là Hưng, Bổn sư thế độ sẽ đặt cho đệ tử pháp danh là “Từ Thịnh”...có ghép trước pháp danh chữ Cư sĩ, Đạo hữu, Phật tử...

Nhìn chung trong Đạo Phật, quý Sư, quý Thầy rất quan tâm đến việc đặt pháp cho đệ tử xuất gia hay tại gia. Các bậc Bổn sư đều nương theo tên đời, có giá trị nói lên tính cách tác phong của người đệ tử mà đặt pháp danh, nên rất có mực thước và phép tắc kỷ cương.

II .

Xuất xứ

Phật giáo với người xuất gia thì pháp danh có ba từ, vì dụ như Thích Giác Quang, khi nghe trước pháp danh người đó có chữ Thích đứng đầu thì biết người đó là tu xuất gia.

Chữ Thích quan trọng lắm, vì một đời người tu xuất gia phát nguyện làm con Phật, đệ tử Phật, chấp nhận họ Thích của Phật làm họ của chính mình là người có túc căn Phật pháp. Trong tư liệu Phật Pháp, một vị Sư trước ngày hòa bình thì giảng chữ Thích có nhiều nghĩa, nhưng càng giảng nhiều nghĩa quá thì càng xa rời ý nghĩa của dòng Thích, vì chữ Thích là họ của dòng dõi Thích ca (Sakya), dù Ngài có làm Phật hay làm Vua thì cũng là họ Thích ca. Ở đây ta có thể hiểu theo từ Phật học “Thích ca” dịch là Năng Nhơn, một người có lực năng động giải quyết thành tựu mọi việc trong đời, trí tuệ Phật có thể phá tan những tối tăm phiền não của nghiệp chướng từ bao đời. Chữ Thích mà các vị tu hành được đặt trước pháp hiệu chỉ có nghĩa đơn thuần là: “tự nhận mình là Thích tử, tức là đệ tử của dòng dõi Phật, bởi theo quan niệm của người Trung Hoa thì từ đời Tấn cho rằng những ai theo đạo của đức Phật Thích ca phải nhìn nhận theo họ Thích cho dễ xưng hô và dễ phân biệt.

Pháp danh thời Phật sanh tiền

Thời Phật sanh tiền, thì khi chư đệ tử đến xin học đạo, người tín đồ đi hữu nhiễu ba vòng, sau đó gieo năm vóc đảnh lễ Đức Thế Tôn cầu xin nghe thuyết pháp, sau đó xin quy y, xuất gia. Người xuất gia học Phật được Đức Phật xoa đầu thọ ký Thiện lai Tỳ kheo! Tức thì râu tóc liền rụng hết trở thành bậc Sa môn đáng kính, chứng quả Tu đà huờn, có người chứng quả A na hàm, có vị chứng quả A la hán. Tuy nhiên có điều đặc biệt là buổi ban đầu pháp danh các bậc Sa môn hay Cư sĩ đều sử dụng theo tên ngoài đời, như Tôn giả Kiều Trần Như, Tôn giả Xá Lợi Phất, Tôn giả A Nan, Tôn giả A Na Luật, Tôn giả Ưu Ba ly...Đức Phật không đặt pháp danh theo đạo và cũng không theo họ Thích.

Pháp danh bên Trung Hoa

Vào thế kỷ thứ nhất ( năm thứ 25 sau tây lịch) thì khi Phật giáo được truyền vào Trung Hoa, thời nhà Hán người tu xuất gia được đặt pháp danh theo họ của vị Sư trưởng. Sư trưởng cũng gọi là Bổn sư đã truyền giáo, truyền giới cho đệ tử tu hành. Ví dụ như Ngài Chi Tuần nguyên trước họ Quan, nhưng vì tu hành với ngài Chi Khiêm nên đổi thành họ Chi, ngài Bạch Đạo Hiển nguyên họ Phùng nhưng Thầy là Bạch Thi Ly Mật nên đổi thành họ Bạch v.v…Như vậy khi đạo Phật mới truyền qua Trung Hoa đến đời nhà Hán, khoảng năm thứ 25 - 220 (tây lịch), tất cả đều theo một tập quán, có tên riêng thông thường như trên.

Trước thời điểm ngài Ngài Đạo An hành đạo bên Trung Hoa thì chư Tổ sư còn lấy hiệu của nước mình làm họ đạo cho mình, chữ của quốc hiệu sẽ đứng trước pháp danh, ví dụ: Ngài Chi Cương Lương, Chi Câu La Sấm, người nước Đại Nhục Chi, dịch Kinh Pháp Hoa Tam Muội (lịch đại Tam Bảo ký), Ngài Trúc Pháp Hộ là người Thiên Trúc, dịch Kinh Pháp Hoa tại Trường An vào đời Tây Tấn niên hiệu Thái Khương bên Trung Hoa. Ngài Khương Tăng Khải, Khương Tăng Hội vị sư truyền Đạo Phật vào Việt Nam và làm Tổ sư năm thứ 193 (sau tây lịch) của Phật giáo Việt Nam người nước Khương Cư.v.v..

Đến thời Đông Tấn khoảng 317 - 349 (tây lịch) Ngài Đạo An người Thường Sơn, tỉnh Hà Bắc, sinh năm 312, xuất gia từ 12 tuổi, học hạnh rất siêu việt đã đề xướng việc cho những vị tu hạnh xuất gia theo đạo của Phật Thích ca nên theo họ của Phật. Vì vậy, những Tăng sĩ thọ đại giới (giới Tỳ kheo 250 giới) lấy theo họ Thích (Lịch sử Phật giáo Trung quốc - HT Thích Thanh Kiểm),

III .

Thế giới tiếp nhận Đạo Phật

Sau Phật nhập diệt 100 năm, chư Trưởng lão tu hành phân ra nhiều bộ phái, trong đó có hai bộ phái lớn trên thế giới là Bắc truyền và Nam truyền, còn gọi là Bắc tông và Nam tông (Đại thừa và Tiểu thừa). Tuy nhiên Phật giáo Nam tông thuộc bộ phái giữ nguyên những hình ảnh của Phật, giữ gìn truyền thống hạnh Phật, giữ nguyên vẹn những lời dạy của Phật nên được tôn vinh nhiều tại các nước Myanmar, Lào, Srilanka, Thái Lan, Campuchia. Các nhà học Phật trên thế giới vẫn tín ngưỡng Phật giáo Nam tông hơn là Phật giáo Bắc tông. Tuy nhiên ngày nay các học phái thiền, tịnh độ (Bắc tông) được các bậc đại sư các nước Đông Bắc á, Đông Nam á và Việt Nam truyền bá sang các nước Âu Mỹ và số tín đồ tu theo thiền tịnh ngày càng đông. Dường như người tín đồ nhận thấy học phái Bắc tông hoằng hóa rộng rãi, giúp cho người con Phật dễ theo dễ tu dễ chứng dễ tiếp nhận làm gia bảo. Đặc biệt Phật giáo Bắc tông (đại thừa) cổ xúy ăn chay, ăn chay kỳ nhẫn đến ăn chay trường, giáo lý bậc thang từ thấp lên cao, từ tiệm đến đốn phù hợp với việc tu hành của tín đồ. Cũng như theo Phật giáo Bắc tông thì có lòng từ bi quảng đại, luôn khuyến tấn tín đồ không giết sát một cách nghiêm túc đối với những loài vật, những chúng sanh yếu mềm hơn mình. Vì vậy mà người tín đồ khởi sanh lòng tin yêu Phật giáo Bắc tông, tu hành theo giáo lý và sống trong môi trường Bắc tông.

Việt Nam là nơi dễ tiếp nhận tín ngưỡng và cũng dễ phát sanh nhiều môn phái. Trên 70 năm qua Đao Phật Khất sĩ được Tổ sư Minh Đăng Quang khai sơn sáng lập và thành lập Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam. Hiện nay hệ phái Đạo Khất sĩ rất thịnh hành các tịnh xá đều có mặt khắp nơi trên cả nước và còn được quý Sư hoằng truyền ra các nước Âu Mỹ, có mặt khắp nơi trên thế giới. Năm 1950 đến 1958 người Phật tử (trong đó có tác giả bài nầy trong đó có thân phụ là Đàm Hữu Lượng của tác giả) tín ngưỡng quý Sư Khất sĩ du Tăng trì bình khất thực như tôn kính Phật, gặp quý Sư đi hoặc đứng bất cứ nơi nào, không phân là Tỳ kheo hay Sa di cũng đều gieo năm vóc đảnh lễ quý Sư một cách kính cẩn đầy niềm tín ngưỡng xúc động.

Ngoài ra Phật giáo Việt Nam còn có nhiều tông phái khác như Lâm Tế tông, Lâm Tế Nguyên Thiều, Lâm Tế Liễu Quán, Lâm Tế Tây Thiên, Lâm Tế chúc thánh Thiền tông, Tịnh Độ tông, Thiên Thai Giáo quán tông, Thiên Thai Thiền Giáo Tông Liên Hữu Hội, phái Thiền Tịnh đạo tràng, Nam tông Khmer, Phật giáo Vĩnh Nghiêm, Linh Sơn Nghiên cứu Phật học hội...

Vấn đề đặt pháp danh trong mỗi chùa

Như chương I đã dẫn, Phật giáo thiền Tào Động (miền Bắc) Thiền Lâm Tế (miền Trung và miền Nam), được Bổn sư đặt pháp danh cho người đệ tử thật nghiêm túc theo dòng kệ lưu xuất từ trên xuống từ trước đến sau. Tuy nhiên hiện nay trong thiền Lâm Tế do sự hoằng truyền có phát triển cao nên có phân chia ra nhiều đời, nhiều chi hệ, nhiều dòng tu lưu xuất theo kệ của Tổ sư, nhưng không còn theo thứ tự lễ nghi. Ví dụ chùa A....chi xuất từ dòng kệ của phái Lâm tế Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên - Minh Như Hồng Nhựt Lệ Trung Thiên - Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Phổ - Chiếu Thế Chơn Đăng Vạn Cổ Huyền. Thầy chùa A...bắt đầu pháp danh là “Minh Chơn”, đặt pháp danh cho đệ tử chữ “Như”, ghép với tên đời của đệ tử là “Định”, gọi pháp danh đệ tử là “Như Định” và lần lượt đi xuống từng chữ mà đặt pháp danh cho đệ tử. Gần đó có chùa B...thuộc dòng Lâm Tế, Thầy pháp danh là “Tiên Phước”, đăt pháp danh cho đệ tử là “Minh” ghép với tên đời của đệ tử là “Tâm” gọi pháp danh đệ tử là “Minh Tâm”. Như vậy theo hệ thống truyền kệ thì Thầy chùa B...lớn hơn Thầy chùa A...vì trên một lớp, đệ tử chùa B...chỉ mới tân Tỳ kheo lại bằng Thầy chùa A...dù Thầy chùa A...là bậc Đại Hòa Thượng nhưng đồng một lớp, một thế hệ, vai vế mới chỉ bằng đệ tử chùa B...

Pháp danh theo Phật giáo Nguyên Thủy:

Pháp danh của chư Tăng theo giáo phái Phật Giáo Nguyên Thủy không như pháp danh của người tu sĩ Bắc tông. Người Cư sĩ và Tăng sĩ cấp Sa di vẫn giữ nguyên tục danh, kêu theo thế danh, hoặc thứ, như Sư Hai, Sư Năm, Sư Ba. Pháp danh của các tu sĩ Phật giáo Nguyên Thủy là tiếng Phạn, nhưng các ngài cũng phiên âm ra tiếng Hán Việt có ý nghĩa như tiếng Phạn. Ví dụ Hòa Thượng Buddhapala gọi là Hộ Giác. Hòa Thượng Supanno là Thiên Tuệ. Hòa Thượng Vansarakkhita là Hộ Tông, về sau có kèm theo từ “Thích”. Xưa Phật giáo Nam tông không có thành lập Giáo đoàn Ni, khiến cho việc tu học của người nữ tu dù giỏi đến đâu cũng gặp trở ngại. Cho đến khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981 một vài chùa Nam tông, như Thiền viện Phước Sơn có cho người nữ tu hạnh xuất gia, nhưng vẫn mặc ”bạch y”. Năm 2.000 tác giả viết bài nầy có ký tên giới thiệu một vài vị “nữ tu bạch y” của Nam tông vào Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh, nhưng vẫn trở ngại do không có giới Tỳ kheo ni.

Pháp danh theo Đạo Phật Khất Sĩ

Từ năm 1960 đến 1965, khi còn là Sa di, Sư ở Tổ đình Linh Sơn tu tịnh chung phòng với Sư Giác Hà, Sư Giác Cải, thuộc Giáo đoàn V (lúc bấy giờ quý Sư là Tập sự Tỳ kheo). Sư kết thân với Sư Giác Xuất đi thuyết giảng, trì bình khất thực, được quý Sư hướng dẫn vể hạnh tu Khất sĩ, lúc bấy giờ Giáo phái Khất sĩ Việt Nam có 5 Giáo đoàn thuộc dòng tu chính thống hạnh Khất sĩ (sau ngày hòa bình có thêm giáo đoàn của Thượng Tọa Giác Huệ, gọi là Giáo đoàn VI). Mỗi vị Sư trong Giáo đoàn khi còn là Sa di được Sư Trưởng đặt pháp danh chữ “Huệ” đứng trước, khi đủ đạo hạnh được Sư Trưởng cho học Tập sự Tỳ kheo, thọ Tỳ kheo đổi thành chữ “Giác” đứng trước, chữ sau tùy theo tên khai sanh mà đặt. Ví dụ: vị Sư có tên đời là “Tâm”, Sư Trưởng sẽ đặt pháp danh cho Sư là “Giác Tâm”. Pháp danh bên các Giáo đoàn đến năm 1967, do pháp tu hạnh Khất sĩ phát triển. Vì Phật tử xin xuất gia đông, cần thiết mở rộng Tăng đoàn nên Giáo hội chi xuất thêm chữ “Minh”, ví dụ như “Minh An”, trước pháp danh của quý Sư đều có chữ “Thích”. Bên Ni giới khi còn là Sa di ni pháp danh chữ “Liên” đứng trước, như “Liên Thanh”, khi tu đủ đạo hạnh, Bổn sư cho Tập sự Tỳ kheo ni và thọ đại giới Tỳ kheo ni, pháp danh là “Thanh Liên”. Đối với Nam Phật tử pháp danh có hai chữ, trước là chữ “Thiện”, nữ Phật tử pháp danh chữ “Ngọc”, chữ sau lấy tên đời ghép với chữ trước, như Thiện Hưng, hay Ngọc Nhiên.

Ngoài ra còn có Đoàn Khất sĩ đại thừa của Đại sự Huệ Nhựt, đặt pháp danh cho đệ tử có chữ “Từ”, ví dụ như pháp danh “Từ Nghiêm”, chữ “Phổ” như “Phổ Ứng”. Khất sĩ Sơn Lâm của Sư trưởng Huỳnh Minh, đặt pháp danh cho đệ tử có chữ “Minh”, ví dụ như “Minh Chơn, Minh Lực”. Năm 1970, Khất sĩ Kacyapa là một Tăng đoàn giúp quý Sư du Tăng trì bình Khất thực, những vị không có trụ xứ tịnh xá, chùa chiền. Sở dĩ có thành lập Đoàn Du Tăng nầy là do chủ trương của Sư Giác Huệ, Sư Giác Hạnh muốn quý Sư tu hành có nền nếp đạo hạnh, có tổ chức.

Thiền tông Việt Nam, xuất phát từ Thiền viện Thường Chiếu, Long Thành, do Đức Tông chủ Thích Thanh Từ khởi xướng sáng lập, hiện nay đang ở thời kỳ hưng thịnh, đại chúng Tăng Ni theo tu học đông. Các Thiền viện thuộc môn phong có mặt khắp nơi trên cả nước, nhất là ở miền Bắc. Hòa Thượng Tông chủ đặt pháp danh cho chúng đệ tử đầu tiên là chư “Thông”, xuống thêm một thế hệ là chữ “Đạo”, xuống thêm một thế hệ là chữ “Đạt Ma” hiện nay đang dừng lại ở chữ “Đạt Ma”

Đoàn Du Tăng Khất sĩ Non Bồng (nhà Sư tu hạnh Khất sĩ, có niệm Phật) xuất phát từ Tổ đình Linh Sơn, núi Bồng Lai, Quan Âm Tu Viện, hiện nay rất hưng thịnh môn phong có 170 tự viện có mặt khắp nơi trên cả nước. Khi đặt pháp danh cho đệ tử là chữ “Thiện”, ví dụ như “Thiện Hồng, Thiện Nhân”. Năm 1960 do đệ tử xin xuất gia đông nên Tăng đoàn có chi xuất thêm chữ “Giác” như Giác Quang, chữ “Huệ”, như “Huệ Hải”, chữ “Minh”, như “Minh Nghiêm”. Pháp danh của Ni giới Non Bồng là chữ “Huệ” như “Huệ Giác”, chữ “Diệu”, như “Diệu Nghiêm”, chữ “Vạn”, như “Vạn Hoa”, chữ “Kim”, như “Kim Lữ”, chữ “Hương” như “Hương Tâm”. Trước mỗi pháp danh bên Tăng giới có chữ “Thích”, bên Ni giới là “Thích nữ”.

IV .

Làm sao để có pháp danh?

Đạo Phật là đạo giác ngộ, thứ đến là duyên do giác ngộ và nhơn duyên mà người xin quy y làm tín đồ của Đạo Phật. Gần đây những xứ sở Hồi Giáo như Bangladesh nhiều người dân quy y Phật lên đền trên 10.000 người, nghĩa là từ tín đồ Hồi Giáo bỏ đạo sang tu với Đạo Phật. Điều nầy cũng có thể gây khó khăn cho Phật giáo, nhưng không tiếp nhận sao được, khi một đất nước nghèo, lạc hậu, nạn nhân mãn hoành hành, người dân cần phải tìm đất sống, để có được từ sự chia sẻ của tín đồ Phật giáo. Lý do đó mà người dân Bangladesh quy y Phật là vậy.

Cũng như năm 1949 đất nước Ấn Độ sau khi người Anh trả lại độc lập tự do, Thủ tướng Jawaharlal Nehru tuyên bố:” lấy chủ nghĩa từ bi bình đẳng của Đức Phật mà xây dựng đất nước Dân chủ”. Vì chỉ có từ bi bình đẳng mới có dân chủ, chỉ có xóa tan giai cấp, mới giúp cho giai cấp nô lệ đi lên và chỉ có thế mới có mọi người ra ứng cử và đắc cử đại biểu Quốc Hội. Nếu người ở giai cấp nô lệ mà không được ứng cử, bầu cử thì đâu gọi là dân chủ...Với ý tưởng sâu xa nầy Thủ tướng Nerhu đã thành công trong điều hành đất nước sau chiến tranh Anh-Ấn.

Như trên chúng ta thấy Đạo Phật do giác ngộ và do duyên, có duyên mới gặp nhau, có duyên mới gặp bạn lành, có duyên mới gặp Phật. Người phát tâm quy y Phật, được bạn thân giới thiệu đến gặp Thầy Trụ trì. Thầy thuyết giảng hướng dẫn một số nguyên tắc tu hành, học giáo lý Phật học thời gian một tháng hoặc ba tháng, Thầy làm lễ đặt pháp danh. Ngày nay, tại Quan Âm Tu Viện cũng như các chùa do môi trường và con người nên số lượng tín đồ rất đông đến xin quy y đặt pháp danh.

Khi đặt pháp danh Thầy Trụ trì cần các điều kiện: họ tên, tuổi của người xin quy y, cộng với sự tín tâm, tác phong của người mà đặt pháp danh. Nếu thầy Trụ trì thuộc dòng thiền Lâm Tế thì tính từ pháp danh của Thầy mà chi xuất theo dòng kệ đặt pháp danh cho người xin quy y. Ví dụ: Thầy pháp danh là Nguyên Trí, thì đặt pháp danh cho đệ tử là Thành ghép với tên đời là Thật, người xin quy y có pháp danh là Thành Thật. Lúc bấy giờ người xin quy y là đệ tử, người đặt pháp danh là Thầy Bổn sư và chỉ có Thầy Bổn sư mới đặt pháp danh cho đệ tử. Đây mới chỉ là sơ quy y, tức là buổi ban đầu quy y, và Bạn còn phải trải qua lễ quy y Tam Bảo, thọ trì Ngũ Giới cấm mới gọi là chính thức quy y. Bạn là đệ tử Phật, thông vị Bổn sư truyền giới, tình Thầy Trò trăm năm cùng gởi thân cho Phật.

Tu sĩ tu bao lâu moi nhận đệ tử và đặt pháp danh:

Theo Chơn lý Đai đồng của Tổ sư Minh Đăng Quang, thì tu sĩ thọ Tỳ kheo giới cho đến 6 năm sau mới tách đoàn đi hành đạo, độ đệ tử xuất gia và một năm thế độ một vị xuất gia. 20 năm sau lên hàng giáo phẩm, làm giới sư mới nhận số đông, lập thành Giáo đoàn 20 vị Tỳ kheo. Không nên làm Thầy mà chẳng biết tư cách làm Thầy, trí tuệ cũng không, đạo hạnh chẳng có, phước đức cũng không mà độ đệ tử thật không may mắn cho hậu thế (Yết Ma chỉ nam - Hòa Thượng Thích Trí Thủ).

Riêng đối với tín đồ Phật tử, nếu có duyên thì có thể theo Thầy để hộ trì Thầy tu học hành đạo. Làm Thầy nếu có nhận Phật tử thì cũng nên đem đến Bổn sư xin Bổn sư thế độ truyền giới quy y, không nên tự ý đặt pháp danh và truyền giới cho tín đồ Phật tử khi Bổn sư còn tại thế. Trường hợp Bổn sư già yếu có ủy thác cho làm Phật sự giới sư thì cung thỉnh Bổn sư lên ngồi ghế chứng minh lúc đó Thầy mới truyền giới.

Điệp quy y, bằng quy y

Điệp là giấy tờ, văn kiện, ở đây điệp là bằng quy y Tam Bảo, xưa điệp quy y mỗi chùa có khác, nhưng đều là bản gỗ khắc chư nho, ngang 0,5 tấc, cao 0,4 tấc, Bổn sư đặt pháp danh quy y và viết vào bản mộc trông rất đẹp và có thần lực. Giới thanh thiếu niên nam nữ lúc nào cũng xếp lại thành 16 ô, để vào túi vải đeo lên cổ, điệp được xem như là lá bùa hộ mệnh đeo vào được Phật hộ an lành, cho đến khi thành người lớn thì không còn đeo nữa. Điệp là một lọai giấy tờ chứng minh mình là người tu sĩ hay tín đồ Phật giáo, người Việt Nam, người nước ngoài nhất là Trung Hoa, các nước Đông Bắc á từ khi làm chú tiểu đến khi làm Hòa Thượng vẫn còn đeo cho đến cuối đời. Năm 1955 đến thời kỳ Phật giáo hưng thịnh, Giáo hội Tăng Già Nam Việt có phiên dịch từ bản gỗ chữ nho thành chữ Việt ghi tên pháp danh, tuổi, địa chỉ, danh tánh Bổn sư, ngày tháng năm quy y, có đóng dấu mộc của Giáo hội. Năm 1956 tôi quy y với Thầy chùa ở gần nhà, Thầy có cấp cho lòng phái (điệp), cho đến khi cầu tu với ân sư Hòa Thượng Quảng Đức, tại chùa Long Khánh, Cai Lậy, Tiền Giang; sau đó phát tâm xuất gia với Hòa Thượng Tôn sư Thiện Phước-Nhựt Ý tại Tổ đình Linh Sơn, núi Dinh, Bà Rịa. Trước ngày hòa bình, từ năm 1950-1959 tại chùa Ứng Quang, đường Sư Vạn Hạnh, Giáo hội Tăng già Nam Việt là nơi cấp giấy chứng nhận cho tín đồ Phật tử đã làm lễ quy y do Hòa Thượng Thích Thiện Hòa ký tên đóng dấu. Trường hợp ở chùa cấp bằng thì có mộc Trụ trì chùa, ấn triện Tam Bảo và pháp danh của Trụ trì Bổn sư.

Hiện nay đại đa số Phật tử Việt Nam trong cũng như ngoài nước lấy tu tâm làm “cấp bằng”, dùng tu hành chơn thật làm “điệp”, lấy hạnh tu làm “lòng phái”. Người Phật tử rất trọng tính chân thật, không muốn màu mè, hình thức tu, ít suy nghĩ đến việc xin cấp bằng quy y, độ điệp quy y, hay cấp giấy chứng nhận quy y, chứng nhận tín đồ Phật giáo.

Phật tử Việt Nam là như thế đó.

Không nên hình thức màu mè

Gắng tu cho chính lắng nghe tâm mình

Phật tử sớm kệ chiều kinh

Sạch thân khẩu ý tâm minh rạng ngời.

HT Thích Giác Quang




Có 2 phản hồi đến “Người Tu Sĩ Cần Những Phẩm Hạnh Gì Mới Được Đặt Pháp Danh Cho Phật Tử?”

  1. Adidaphat Đức Phật cho con xin 1 pháp Danh ạ

  2. Hiền lành giúp đỡ người khác qua hoạn loạn khó khăn

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com