Mục Lục
1. CỐ Ý NÓI DỐI
Phật ở Ca tỳ la vệ, trong vườn Ni câu luật (Nigrodha) Tỳ kheo Trượng lực phạm. Ông thuộc dòng họ Thích ca, có tài biện bác thường tranh luận với ngoại đạo. Mỗi khi người đối thoại chứng minh ông nói sai thì ông quật lại rằng mình chưa từng nói câu ấy. Mọi người chê bai Tỳ kheo gì mà lại chuyên nói dối. Phật quở trách đương sự và chế giới.
2. NHIẾC MẮNG THÀNH PHẦN
Phật ở Xá vệ chế giới. Lục quần Tỳ kheo phạm. "Thành phần" là như lôi nghề nghiệp, cố tật, thành phần xã hội của người ta ra mà nhiếc móc, như nói "đồ con nhà thợ săn", "hàng thịt" vân vân.
Kết giới xong, Phật kể một câu chuyện ngụ ngô. Vào một thời xa xưa, khi loài vật cũng biết nói, ở xứ này có người bà la môn nuôi một con trâu đực chỉ có một sừng nhưng sức mạnh phi thường. Bà la môn cho trâu ăn, săn sóc trâu rất chu đáo. Một ngày kia trong nước có hội đấu trâu, trâu ai kéo nặng đi nhanh nhất sẽ thắng cuộc một ngàn lượng vàng. Con trâu nói với chủ: "Xin chủ hãy đem tôi ra đấu, tôi sẽ làm cho chủ được cuộc". Bà la môn nghe lời trâu, bỏ tiền ra dự cuộc.
Đến ngày dự thi, lúc đem trâu ra trình làng, ông ta giới thiệu: "Thưa bà con cô bác, đây thằng lõi một sừng của tôi đây, xin bà con hãy xem sức mạnh của nó".
Trâu nghe nhắc đến dị tật "một sừng" của mình, lấy làm hổ thẹn buồn sầu, kéo xe không nổi. Người Bà la môn bị thua cuộc tiu nghỉu dắt trâu về. Về đến nhà, ông bảo trâu: "Bình thường mày mạnh lắm, sao hôm nay bỗng dưng mày trở chứgn kéo xe không nổi, làm ta mất toi một ngàn cây?".
Trâu nói: "Ai bảo chủ ở trước công chúng mà gọi tôi là thằng lõi một sừng, nghe thế tôi hổ thẹn buồn sầu chẳng còn chút sinh lực nào nữa. Nếu chủ muốn thắng cuộc, hãy đem đặt tiền cuộc gấp đôi, rồi dùng lời êm tai vỗ về trước khi đấu, tôi sẽ đem về cho chủ hai ngàn lượng cho coi".
Người Bà la môn nghe vậy, hết lời xin lỗi trâu, rồi đem trâu ra đấu nữa. Lần này trước khi đi ông dụ ngọt: "Con cưng của ba ơi, hãy theo ba ra trường đấu, lần này con rán kéo xe cho thắng cuộc, rồi ba sẽ bồi dưỡng cho con nhiều rượu thịt và cho con đi xem cải lưởng hát bóng...".
Trâu nghe bùi tai, hăng hái ra đi. Đến nơi, bà la môn lại vỗ về trâu mà giới thiệu: "Thưa bà con cô bác, đây là anh chàng Hoàng Ngưu báu vật số một của tôi. Hoàng Ngưu đẹp trai, thông minh, lại khỏe mạnh, dẻo dai vô cùng...". Rồi ông nói riêng với trâu: "Nào Hoàng Ngưu ra đi con, hãy làm cho mọi người trông thấy tận mắt, thưởng thức cái sức mạnh vô địch của con". Con trâu hùng dũng bước ra kéo dễ như bỡn một chiếc xe nặng nhất trong trường đấu, chưa con nào kéo nổi. Mọi người vỗ tay hoan nghênh, và người bà la môn thắng cuộc hai ngàn vàng.
Nhân đấy Phật dạy: "Con vật mà còn ưa nghe lời dịu ngọt như thế, huống chi loài người".
3. NÓI ĐỂ LY GIÁN
Lúc Phật ở Xá vệ, Lục quần Tỳ kheo thường đem lời người này nói sau lưng người kia đi nói lại cho người kia biết, và ngược lại; làm cho những người chưa gây gỗ khởi sự gây gỗ, còn những người đã ghét nhau thì hố ngăn cách càng thêm sâu, không hàn gắn được. Phật nhóm tăng quở trách Lục quần và chế giới.
Đức Thế Tôn kể câu chuyện về tai họa của sự đâm thọc như sau. Ở trong khu rừng nọ, có hai gia đình cọp và sư tử đều là mẹ góa con côi, hang của chúng ở cách xa nhau. Hàng ngày hai bà mẹ đi kiếm mồi, cả hai đều căn dặn con mình ở nhà chơi quanh quẩn, chớ đi xa mà gặp chó sói. Hổ con vâng lời mẹ không dám ra khỏi hang, nhưng chú bé con sư tử thường ưa phiêu lưu mỗi khi mẹ đi vắng. Một hôm chú đi lạc đến gần hang cọp, gặp ngay cọp mẹ vừa đi ra. Ban đầu hổ tính vồ lấy hài nhi sư tử đem về hai mẹ con ăn thịt, nhưng sau thấy chú bé kháu khỉnh thơ ngây, bà lại bắt sống đem về hang chơi với cọp con cho có bạn. Cọp mẹ đang thích thú ngồi xem hai chú nhỏ đùa giỡn làm quen nhau thì bổng nhiên sư tử cái lừ lừ tiến đến. Hổ mẹ thất sắc toan bỏ chạy, thì bà sư tử cái đã ôn tồn: "Chị đã có lòng thương đến con tôi như thế, thí chúng ta hãy kết bạn với nhau đi. Ta thay phiên nhau đi kiếm mồi cho cả hai cháu, chúng ở nhà vừa được bạn chơi, vừa được mẹ săn sóc có phải hơn không?". Cọp cái nghe có lý, từ đấy hai gia đình ở chung một hang rất đầm ấm. Cọp mẹ đạt tên con là Thiệt Bạt (Tát khỏe), sư tử cái đặt tên con là Thiện Nha (Răng nhọn). Hai chú bé càng lớn càng đẹp trai, khỏe mạnh sức địch muôn người, lại thương yêu nhau như ruột thịt. Hai bà mẹ sung sướng thấy hai con thân thiện như thế. Khi đã già gần kề cái chết, họ dặn lại hai con: "Các con yêu dấu, bây giờ hai con đã thành những chúa tể trong rừng sâu nhiều nguy hiểm này. Hai mẹ có chết cũng không lo sợ gì khi thấy các con sống thương yêu hòa thuận. Nhưng các con hãy đề phòng những lời nói xấu, đâm thọc sau lưng".
Sau khi hai bà mẹ lần lượt qua đời, Thiện Nha và Thiện Bạt trở thành một đôi tri kỷ chúa tể rừng sâu, làm cho tất cả thú rừng đều kinh sợ, nể mặt. Chúng thường thay nhau đi kiếm mồi về ăn chung, cũng như lúc còn sinh tiền hai bà mẹ. Nhưng bỗng một ngày kia, xuất hiện một con chồn láu cá. Nó mon men đến gần hang, thốt lời nịnh hót hổ Thiên Bạt đang nằm một mình lúc sư tử Thiện Nha đi vắng. "Anh Thiện Bạt ơi! Sao anh có vẻ buồn thế? Cho em vào đấm lưng, bắt rận cho anh nhé?" Cọp đồng ý cho chồn vào hang chơi trong lúc chờ sư tử đem mồi về. Khi Thiện Nha về vừa trông thấy chồn, Thiện Bạt đã nói trước: "Anh Thiện Nha ạ, nay ta hãy nuôi chú chồn này để sai vặt cũng hay đấy. Nó sẽ hầu hạ anh lúc tôi đi vắng, cũng như vừa rồi nó đấm lưng bắt rận cho tôi. Rồi chúng ta sẽ cho nó ăn những mẩu xương thừa và dọn dẹp nhà cửa cho mát con mắt". Thiện Nha đồng ý. Từ đó chồn bám theo đôi bạn để kiếm chác.
Một hôm chồn sinh tật nói lời ly gian. Khi ở một mình với cọp, chồn bảo: "Anh Thiệt Bạt à, anh biết anh Thiện Nha nói sao với em không? Ảnh nói rằng Thiệt Bạt làm biếng, miệng thối vì không chịu chà răng sau khi ăn, ở chung chán thấy mồ". Thiện Bạt tin là thật, nên lúc Thiện Nha đem mồi về, cọp thờ ơ không săn đón như thường lệ. Hôm sau lúc Thiện Nha ở nhà một mình với chồn, chồn lại tỉ tê: "Anh Thiện Nha ơi! Hôm qua anh Thiện Bạt ở nhà nói xấu anh thậm tệ. Anh ấy bảo rằng, hổ mới là chúa tể sơn lâm; sư tử chỉ nhờ hổ mà được tiếng thơm lây. Sở dĩ thiên hạ sợ hai anh chính là sợ hổ chứ không phải sợ sự tử".
Thiện Nha nghe thế, bán tín bán nghi. Lúc cọp về, sư tử hỏi "Có phải anh nói như vậy với chồn hay không?".
Thiện Bạt cũng hỏi lại sử tử: "Có phải anh chê tôi làm biếng, miệng thối không?".
Cả hai đều vỡ lẽ chỉ tại con chồn, và nhớ lại lời mẹ dặn. Chúng bèn giết chồn ăn thịt.
4. NGỦ CHUNG MỘT NHÀ
(với người khác phái)
Phật ở khoáng dã thành, giữa hai nước Ma kiệt (Magadha) và Câu tát la (Kosala). Tôn giả A nâu lâu đà phạm đầu tiên.
Tôn giả đi từ Xá vệ đế Câu tát la, giữa đường ngủ nhờ trong chỗ nghỉ đêm của một cô gái làng chơi giàu có. Cô này vừa muốn tạo phước vừa muốn câu khách, nên bỏ tiền ra làm một cái nhà nghỉ đêm miễn phí dành cho khách lỡ đường. Tăng tục đi qua đó đều nghỉ lại nhà cô. Hôm ấy nhà ngủ đầy chật cả người. thấy tôn giả A nâu lâu đà ngồi thiền trong một góc náo nhiệt, cô ái ngại đến thưa: "Bạch đại đức, xin mời đại đức vào trong nhà riêng của con cho được sạch sẽ, thanh tịnh". Tôn giả theo cô ta vào nhà trong, trải tọa cụ trên giường để ngồi thiền như trước. Nửa đêm nhìn thấy tôn giả đẹp trai cô bỗng nảy ra ý xấu, muốn quyến rũ. Cô tới trước mặt tôn giả mà khiêu khích, nhưng tôn giả vẫn bất động, cuối cùng cô thoát y nhảy tót lên giường, ngồi bên cạnh. Tôn giả vọt bay lên hư không. khi ấy cô gái hổ thẹn, mặc lại y phục đảnh lễ tôn giả và bạch: "Xin ngài tha thứ, trở xuống đây nói Pháp cho con nghe". Tôn giả trở xuống thuyết pháp cho cô gái. Nghe xong ngay tại chỗ, cô được pháp nhãn ly trần vô cấu, chứng quả Dự lưu (trừ được ba hạn phần kiết sử là thân kiến, nghi và giới cấm thủ). Tôn giả kể lại câu chuyện này khi về lại thành Xá vệ, nghe xong chúng tăng bạch Phật. Đức Thế Tôn nhóm tăng chế giới cấm ngủ cùng nhà với người khác phái, đề phòng người chưa đắc đạo thì không những không hóa độ được kẻ khác (điều mà tôn giả A nâu lâu đà đã làm được) mà còn bị dụ dẫn cho đọa lạc, dù không đoạ cũng mang tai tiếng.
5. NGỦ QUÁ BA ĐÊM
Phật ở Khoáng dã thành (nằm ở ranh giới Ma kiệt đà và Kiều tát la) chế giới. Bấy giờ trong giảng đường có đông người đến nghe Pháp ngủ lại đêm, tăng tục cùng ở trong một ngôi nhà lớn. Lục quần Tỳ kheo trong lúc ngủ say thiếu uy nghi, để lộ thân hình làm cho cư sĩ nhiều lần trông thấy chê cười. Các Tỳ kheo bạch Phật. Phật chế giới, từ nay không được ngủ chung nhà với người chưa thọ giới cụ túc.
Sau đó, đến một nơi khác, vì tuân lời Phật dạy, nên không ai dám để cho Rahula ngủ chung phòng. Chú sa di bảy tuổi đến đâu cũng bị đuổi, đứng ngoài trời ban đêm thì sợ rắn cắn, chú bèn vào đứng suốt đêm trong phòng vệ sinh dành riêng cho Phật. Nửa đêm khi Phật đi ra, thấy có ánh lửa trong nhà cầu, ngài biết mà cố hỏi: "Ai trong đấy?".
Rahula thưa: "Bạch Thế tôn, con là Rahula đây".
- Ngươi đứng làm gì trong ấy?".
- "Bạch Thế tôn, không ai cho con ngủ chung một phòng với các tôn giả như trước nữa, ở ngoài sợ rắn nên con vào trong này".
Phật đưa tay dắt chú bé Ruhula về phòng, cho ngủ một đêm. sáng hôm sau, Phật chế giới cho phép sa di được phép ngủ cùng phòng Tỳ kheo ba đêm.
6. ĐỌC TỤNG ỒN NÁO
Phật ở thành Khoáng dã như trên, chế giới này. Nhân vì Lục quần Tỳ kheo cùng các trưởng giả nhóm họp đọc tụng ồn ào, chướng ngại cho các vị đang tọa thiền, Phật quở trách và chế giới không được cùng người cư sĩ đọc tụng kinh luật.
Tụng kinh lớn tiếng là cốt để gây một bầu khí trang nghiêm, làm tăng tín tâm của người nghe. Nếu không thì đọc thầm hay xem cũng được, cần gì phải lớn giọng? Do vậy, khi tụng chung cần phải bổng trầm có tiết tấu, nhạc điệu hùng tráng thanh thoát mới gây được cảm hứng cho người nghe. Thoe tinh thần của sự tích thế giới, thì cấm sự đọc tụng khi giọng điệu không hòa, mỗi người một kiểu, và nhất là khi sự tụng đọc ấy làm rối loạn một số đông người đang cần yên tĩnh.
7. NÓI TỘI LỖI NẶNG
Phật ở thành Vương Xá chế giới. Bấy giờ có một Tỳ kheo phạm tội, bị tăng chúng xử phạt ở riêng và làm các công việc trong nhà cầu. Khi cư sĩ tới chùa, Lục quần Tỳ kheo thóc mách với họ: "Ông ấy có tội như vậy như vậy, nên phải bị làm những việc như vậy như vậy". Cư sĩ đem những lời ấy chuyền nhau bàn tán, làm cho vị đang hành sám phải xấu hổ, và tăng chúng cũng khó chịu. Phật quở trách Lục quần Tỳ kheo.
Tội lỗi nặng là thuộc hai thiên đầu. Có trường hợp cần phải nói cho cư sĩ biết, như khi Đề bà đạt đa phá tăng, Phật cho phép tăng yết ma cử Xá lợi phất và Mục kiền liên đi nói tội của Đề bà đạt da. Việc làm này không cố trừng phạt, bêu xấu đương sự mà cốt để cho kẻ phá giới khỏi lập thêm bè đảng xấu. Khi đi nói tội của một Tỳ kheo, phải hội đủ một số điều kiện như:
- Do tăng sai nói (người không được tăng sai thì không phép nói).
- Nơi chốn và thời gian nên nói. Như khi người phạm giới lường gạt sắp đến một nơi ở đấy có nhiều thí chủ dễ tin hay cúng dường, thì chỉ nên đến những nơi ấy mà nói, chứ không phải bạ đâu nói đó, vừa mất thì giờ vô ích, mà có hại cho đoàn thể khi người nghe không phải phật tử thuần thành, dễ vơ đũa cả nắm để báng bổ, mất lòng tin.
- Người nói phải vì tâm hộ trì chánh pháp chứ không phải vì thù riêng và ác ý.
Có những người không ưa đi nói tội lỗi người khác, nên khi tăng yết ma đề cử, họ nói không kham năng. Trường hợp ấy, tăng sẽ hỏi ai tình nguyện. Nếu đi một người sợ bị trả thù, thì có thể sai hai người, hoặc tăng yết ma cho phép ai cũng được nói, khi gặp thời gian và nơi chốn thích hợp như trên.
8. NÓI THẬT ĐẮC ĐẠO
Giới này không có ai phạm, vì không ai thật đắc đạo mà đi nói cho cư sĩ biết. Nhưng đây là một giới phụ vào giới trọng thứ tư ở thiên đầu, là tội dối nói đắc đạo để được cúng dường, phạm tội ba la di. Phật dạy, ngay cả khi thật đắc đạo mà đi nói với cư sĩ cũng còn phạm giới nhẹ, huống chi không thật. nguyên do vì cư sĩ thường không biết gì hoặc biết sai lạc về chuyện tu hành của người xuất gia, nên có nói cho họ nghe cũng vô ích, họ không hiểu gì, và đôi khi còn sinh tâm hủy báng là "nói dóc".
Nếu thật đắc đạo đi nói với cư sĩ hay kẻ chưa thụ giới, ấy là sự khoe mình, phạm lỗi kiêu mạn. Nếu nói để được cúng dường, là tham. Luật Tăng kỳ quyền 14 dẫn lời Phật dạy: "Những người vì cái bụng và lỗ miệng mà đem chánh pháp vi diệu nói cho người nghe, thì chẳng khác nào dâm nữ bán mình".
9. QUÁ NĂM SÁU LỜI
Phật ở Xá vệ chế giới. Tôn giả Ca lưu đà di (Kaludhayi) phạm. Tôn giả đi đến nhà hai dâu gia cùng ở góa, kề tai nói pháp cho nàng dâu. Bà gia hỏi: "Ông ấy nói chuyện gì thế?"
Nàng dâu đáp, "Nói pháp".
- "Nói pháp thì cứ việc nói lớn lên, sao lại phải kề tai nói thầm?".
Lần khác cũng tôn gải này đến nhà ấy bảo nàng dâu khi bà gia đi vắng: "Sở dĩ mẹ chồng cô nóng tính bẵn gắt, là vì trong nách bà có nốt ruồi".
Khi khác gặp bà gia một mình, thì ông nói: "Cô dâu của bà ngang ngạnh khó dạy là vì giữa hai vú có nốt ruồi đen và sợi lông xoăn".
Hai dâu gia khi cùng tắm thì thấy quả thực như vậy, nên đêm nghi ngờ nhau, sỉ vả nhau là tư thông với người, để cho Tỳ kheo trông thấy ngực và chỗ kín. Kỳ thực chỉ vì Ca lưu đà di thường coi sách tướng, lại ưa nói nhiều, nói bậy. Phật chế giới không được nói ngoài đề tài phật pháp như năm ấm sáu nhập (quá năm sáu lời). Hoặc cũng có thể hiểu không được nói nhiều, dù nói pháp, với người khác phái.
10. ĐÀO CUỐC ĐẤT ĐAI
Phật ở Khoáng dã thành chế giới. Lục quần Tỳ kheo đào đất tu bổ giảng đường, bị cư sĩ chê bai vì hại nhiều mạng sinh vật. (Ở Ấn Độ, có Kỳ na giáo giữ giới sát sinh rất quá khích. Những tu sĩ này có lúc đi đường mang khẩu trang đề phòng côn trùng bay vào miệng mũi, lại cầm theo cái chổi để quét chỗ mình sắp đặt chân, để khỏi dẫm phải sâu kiến. phật chế giới này là do Tỳ kheo gặp phải sự chê bai của cư sĩ đệ tử những vị này).
Ni Sư Thích Nữ Trí Hải