Hỏi: Tại sao đạo Phật lại đề xướng ăn chay?

Ðáp: Người ăn chay thì dục niệm nhẹ. Kẻ ăn mặn thì dục niệm nặng nề. Có tôn giáo cho rằng động vật được sanh ra là để cho loài người ăn, cho nên ăn mặn là một việc hợp lý trời đất. Song le, Phật Giáo đề xướng tinh thần “mọi vật đều cùng một thể, đó gọi là Ðại Bi,” và xem mọi loài chúng sanh đều có Phật-tánh, đều sẽ thành Phật; cho nên chủ trương giới sát, phóng sanh.

ĂN THỊT TỨC LÀ ĂN NGƯỜI

(Vạn Phật Thành ngày 30 tháng 5 năm 1982)

“Thiên bách niên lai oản lý canh,

Oán thâm tự hải hận nan bình.

Dục tri thế thượng đao binh kiếp,

Thả thính đồ môn dạ bán thanh!

Dịch là:

“Ngàn năm oán hận ngập bát canh,

Oán sâu như biển hận khó tan.

Muốn biết vì sao có chiến tranh,

Hãy nghe lò thịt, lúc nửa đêm!”

Từ xưa đến nay có rất nhiều người hy sinh thân mạng kẻ khác để lợi ích cho chính mình, cam tâm giết hại kẻ khác để bồi dưỡng cho bản thân mình. Thế nên miếng thịt ở trong tô canh chứa chất lòng oán hận thâm sâu như biển cả. Ðời này qua đời khác sát hại lẫn nhau, ăn thịt lẫn nhau. Tất cả chúng sinh đều ham sống, sợ chết, song con người vẫn dùng thủ đoạn áp bức để tàn sát những kẻ yếu kém hơn mình.

Trong tâm thức của những con thú trước khi chết đã kết tinh lòng oán hận rất lớn, chúng chỉ muốn tìm cách báo thù, không có cách gì để thoa dịu ý tưởng cừu hận này được. Các bạn muốn biết trên thế giới, nguồn gốc của chiến tranh từ đâu ra? Thí dụ như chiến tranh Việt Nam hay là hiện tại chiến tranh giữa Á Căn Ðình và Anh Quốc? Ðều là do nghiệp sát quá nặng, quá sâu, cho nên mới dùng phi cơ, đại pháo, thiết hạm, thủy lôi để hủy diệt nhau! Nếu ban đêm mình lắng nghe nơi nhà người đồ tể tiếng kêu la rên xiết của con heo, con bò hay con dê xin cứu mạng, thì mình sẽ biết được nguyên nhân của chiến tranh ở đâu mà ra. Có bài thơ rằng:

“Nhục” tự lý biên lưỡng cá nhân,

Lý biên trác trước ngoại biên nhân.

Chúng sanh hoàn thực chúng sanh nhục,

Tử tế tư lượng nhân thực nhân!”

Dịch là:

“Trong chữ “nhục”gồm có hai người,

Người ở trong dòm người ở ngoài,

Chúng sanh lại ăn thịt chúng sanh,

Suy nghĩ kỹ là người ăn người.”

Tiếng Trung Hoa, chữ “nhục” 肉, nghiã là thịt, gồm có chữ “khẩu” 口 tức là cái miệng mở ra, và hai chữ “nhân” 人tức là hai người: ở bên trong có một người và ở bên ngoài có một người. Người ở bên ngoài chờ người bên trong. Người ở ngoài muốn đi vô nhưng không vô được, người ở trong muốn chui ra ngoài nhưng ra không nổi là vì người bên ngoài đứng cản, không cho anh ta chạy thoát. Nên chữ “nhục” này chính là một kẻ ăn thịt và một kẻ bị ăn thịt. Kẻ ăn thịt thì ở bên ngoài, và là một con người. Kẻ bị ăn thịt thì ở bên trong và cũng là một con người, nhưng y đã biến thành súc sinh, lại còn bị chận không cho chạy ra, chạy lên cũng không được, chạy xuống cũng không xong, như là bị vây khốn, không chạy thoát được. Tuy là miệng mở khá rộng nhưng vì người bên ngoài đã chận, nên kẻ bên trong không thể chạy khỏi vòng vây.

Vòng vây này có thể là chuồng dê, chuồng heo, hay là chuồng bò, chuồng trâu. Người bị ăn thịt thì ở trong chuồng mà người ăn thịt thì ở bên ngoài chận không cho ra. Vì sao mà chận không cho anh ta ra? Là bởi vì muốn ăn thịt anh ta! Người bị ăn thịt và người ăn thịt có một mối quan hệ: đó chính là sự oán hận không thể nào hòa giải được!

Con người là chúng sinh, miếng thịt mình ăn cũng là chúng sinh. Hễ là động vật, là dê, là trâu, là gà, là ngựa, là chó, là heo v.v… đều là một loại chúng sinh cả. Nếu có kẻ nói rằng những thứ động vật này do trời sinh ra để người ăn, như vậy thì người sinh ra để ai ăn? Bởi vậy trời sinh động vật không nhất định là để cho người ăn, bất quá bởi vì con người ỷ mình trí óc cao minh nên mới ăn thịt động vật. Do đó, sự quan hệ ăn thịt này, nếu nghĩ cho kỹ thì chính là người ăn thịt người! Nếu nói rằng người ăn thịt người, thì thử hỏi xem kẻ bị ăn thịt, (tức là bây giờ đã biến thành dê, thành heo, thành ngựa v.v…) đối với mình có quan hệ như thế nào?

Trong Kinh Lăng Nghiêm có nói rằng: “Con dê trở lại biến làm người.” Con dê mà có thể biến làm người thì tất cả động vật khác cũng có thể biến làm người, cũng như là mình cải đầu hoán diện, thay đổi bộ mặt thôi, mà mình không biết loài thú vật đó là ai. Các vị có biết chăng những thứ động vật dê, trâu, heo, gà,… đó không chừng đều là bà con quyến thuộc, là họ hàng thân thích của mình? Mối quan hệ đó, nói xa xôi như vậy, chớ nói gần hơn, thì chúng nó biết đâu chính là cha mẹ mình kiếp trước, hoặc là cha mẹ mình kiếp này, hay là cha mẹ không biết bao nhiêu kiếp về trước! Nghĩ như vậy, thì nếu ăn thịt cha mẹ, thì thật là bất hiếu. Cho nên nghĩ kỹ thì mới biết rằng ăn thịt động vật chính là người ăn thịt người vậy!

Người mà ăn thịt heo thì con heo có thể sẽ biến thành người. Khi heo thành người, nó lại ăn thịt heo do người kia biến thành. Nhân duyên cứ luân chuyển mãi, hỗ tương ăn thịt lẫn nhau: mình ăn nó, nó ăn mình. Do đó cừu hận càng ngày càng sâu; cừu hận càng sâu thì càng muốn ăn thịt; tánh thích ăn đồ ngon là do oan nghiệp dẫn dắt, làm mình cảm thấy hợp lý khi giết sinh mạng của kẻ khác để bổ trợ cho sinh mạng của chính mình!

Nếu các vị không tin thì tôi kể cho nghe một chuyện có thật như vầy: Vào thời vua Lương Võ Ðế thì Phật Giáo hết sức hưng thạnh. Lúc bấy giờ có một vị tên là Chí Công, là một người đã giác ngộ rồi (Minh Nhãn Thiện Tri Thức). Ngài có thể biết được tiền nhân hậu quả mọi sự. Thời bấy giờ Phật Giáo đi tới chỗ các Thầy chỉ đi tụng niệm cho người đời. Gia đình nào có chuyện vui chuyện buồn gì cũng mời các Thầy tới tụng kinh kiết tường, tụng chú kiết tường. Có lần, một nhà giàu nọ làm đám cưới cho con gái nên mới mời ngài Chí Công tới để tụng kinh cầu phước. Bởi vì Phật Pháp không ra ngoài pháp thế gian, nên Tổ Sư cũng tùy thuận theo phong tục của người đời mà đáp ứng. Vừa đặt chân tới nhà, Ngài liếc nhìn và nói rằng: “Cổ quái! Cổ quái! Cháu lấy bà ngoại, Con gái ăn thịt mẹ, Con trai đập da bố, Heo, dê ngồi nơi ghế, Họ hàng nấu trong nồi, Chúng sanh lại tưng bừng, Ta thấy thật là khổ!

Ngài Chí Công nói: “Thật là ‘cổ quái’!” Chuyện gì mà cổ quái? Ðó là cháu lấy bà ngoại của mình! Bởi vì khi đứa cháu vừa mới sinh thì bà ngoại nó bịnh. Lúc gần chết bà cầm tay thằng cháu này, nói rằng bà sợ không có ai lo lắng cho thằng nhỏ, tương lai ai là người giúp nó để thành gia lập nghiệp? Do vậy, lúc bà ngoại thở hơi cuối cùng thì tay vẫn nắm thằng cháu, quyến luyến không đành. Bà ngoại xuống âm phủ gặp vua Diêm La, mới khóc lóc cầu xin: “Diêm La Vương ơi! Xin Ngài ban cho tôi một việc: Ở thế gian tôi có một đứa cháu nhỏ dại không ai săn sóc, xin Ngài cho tôi về lo cho nó được không? Vua Diêm La từ bi vô cùng, mới đáp lời thỉnh cầu, nói rằng: “Ðược, tốt lắm! Bà về lại trần gian săn sóc thằng nhỏ đi. Bà là bà ngoại của nó, bây giờ bà trở về làm vợ của nó, được chăng?”

Bà đó không thể làm chủ được nghiệp báo của mình cho nên đầu thai lên dương thế làm con gái. Ðứa con gái này lớn lên rồi lấy thằng cháu đó. Thật là cải đầu hoán diện, đổi mặt đổi mày mà thôi, như thử mặc bộ y phục mới không ai nhận biết được cả. Chỉ có Ngài Chí Công biết được chuyện đó, nên nói: “Cổ quái! Cổ quái! Cháu lấy bà ngoại.”

Ngài Chí Công lại thấy đứa con gái nhỏ đang ăn miếng thịt heo nên nói rằng: “Con gái ăn thịt mẹ.” Là vì mẹ đứa con gái này vốn làm đủ thứ ác nghiệp nặng nề nên chết rồi thì hóa kiếp làm heo; nay bị đồ tể giết, bị nấu làm món ăn ngon và bây giờ đứa con gái này ăn thịt mẹ của mình.

Khi Ngài thấy ở nơi sau vườn có đứa con trai đang cao hứng đập cái trống bằng da lừa, Ngài mới nói rằng: “Con trai đập da bố.” Nghĩa là bố của thằng nhỏ này vì tạo nghiệp báo cho nên mới đầu thai làm con lừa, chết rồi bị người ta lột da làm trống; bây giờ đứa nhỏ này chẳng biết cha nó là miếng da làm thành trống, nên chỉ biết vui mừng thì đánh trống mà thôi.

Ngài Chí Công lại đi xuống nơi dãy ghế ngồi, nhìn qua thì thấy những kẻ ngồi đó toàn là trâu, bò, dê,… hồi xưa bị người ta ăn thịt, bây giờ biến thành người, làm bà con thân thuộc với nhau. Những loại thịt ở trong nồi đều là những bà con quyến thuộc của họ, nên ngài Chí Công nói rằng: “Quý vị tới đây tiệc tùng hết sức vui vẻ, hân hoan để chúc mừng ông chủ nhà làm đám cưới cho con. Sự thật, ta thấy thật là khổ! Người nào cũng ở trong luân hồi hỗ tương vay trả quả báo, tàn sát lẫn nhau, ăn thịt lẫn nhau; đó là nỗi khổ khó nói cho hết được.”

Sau khi ngài Chí Công nói xong, có rất nhiều người hiểu, rồi phát tâm ăn chay, niệm Phật, tu hành.

Từ xưa đến nay nếu các vị không ăn thịt kẻ khác thì kẻ khác cũng không ăn thịt các vị. Có người nói: “Thầy nói thế nào đi nữa tôi cũng không tin.” Nếu các vị không tin thì tôi cũng không có cách gì khác, cứ thí nghiệm thử xem sao!

HT Tuyên Hóa



Có phản hồi đến “Khai Thị Của Hòa Thượng Tuyên Hóa Về Ăn Chay”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com