Phật giáo được truyền vào Việt Nam bằng hai con đường là từ Ấn Độ và từ Trung Quốc truyền sang. Vì vậy, Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng của hai nền tư tưởng lớn của Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Quốc.

Phật giáo được truyền vào Việt Nam bằng hai con đường là từ Ấn Độ và từ Trung Quốc truyền sang. Vì vậy, Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng của hai nền tư tưởng lớn của Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Quốc.

Riêng về pháp phục đầu tiên của tu sĩ Phật giáo Việt Nam do các nhà truyền giáo Ấn Độ mang tới theo hình thức Nam truyền Phật giáo là ba y và một bình bát.

Đến khi đất nước Việt Nam bị Trung Hoa đô hộ và chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, bấy giờ người Việt Nam phải có y phục theo kiểu của người Trung Hoa.

Nhưng đến khi đất nước chúng ta được độc lập, thoát khỏi sự thống trị của Trung Hoa, thì đến thời Đinh, pháp phục của tu sĩ Việt Nam mới được chế định. Và đến đỉnh cao của Phật giáo đời Lý Trần, áo mão của Tăng sĩ do vua ban tặng theo phẩm bậc của triều đình. Tuy nhiên, các nhà sư dân dã vẫn mặc y phục theo người dân Việt Nam. Truyền thống này vẫn còn tồn tại ở Phật giáo miền Bắc nước ta dưới hình thức chít khăn đen và áo nhuộm màu bằng vỏ cây, cũng như tu sĩ được thí chủ cúng dường vải màu nào thì may y màu đó. Vì vậy, có thể nói pháp phục của tu sĩ nước ta không đồng màu, không đồng loại vải, không đồng hình thức.

Cho đến năm 1952, khi Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra đời mới quy định lại vấn đề pháp phục như sau: Đối với cư sĩ thì mặc áo tràng năm thân màu lam. Sa di thì mặc áo nhật bình màu lam. Tỳ kheo mặc áo tràng màu nâu. Tỳ kheo Ni mặc áo tràng màu lam. Và khi làm lễ, để phân biệt Tăng Ni, chư Tăng mặc y hậu màu vàng và chư Ni mặc y vàng, hậu màu lam. Tuy quy định y màu vàng, nhưng người mặc y màu vàng chanh, người mặc y màu vàng nghệ, thành ra có nhiều y màu vàng khác nhau.

Đến năm 2005, trước sự khác biệt nhiều y màu vàng như vậy, Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh đã khởi xướng Tăng Ni nên mặc y cùng một màu là màu vàng hoại sắc, thì kể từ đây mới có màu y thống nhất cho Tăng Ni. Và hiện nay, 80 phần trăm Tăng Ni của các tỉnh thành đã hưởng ứng việc thống nhất mặc màu y vàng hoại sắc.

Tuy nhiên, Phật giáo Việt Nam còn có hệ Nam tông vẫn mặc y theo truyền thống Nguyên thủy và Phật giáo Khất sĩ mặc pháp phục riêng, nhưng cũng chọn màu vàng hoại sắc theo chủ trương của Giáo hội chúng ta.

Chúng tôi kêu gọi chư tôn đức Tăng Ni nên mặc màu y thống nhất là màu vàng hoại sắc để chẳng những nói lên rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất tổ chức, thống nhất ý chí, thống nhất hành động, mà còn thống nhất về pháp phục, một hệ quả tất yếu của quá trình gần 30 năm hoạt động thành công trong lòng dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, màu y vàng hoại sắc của Tăng Ni Việt Nam đồng bộ thể hiện nét đẹp hòa hợp của giới Phật giáo chúng ta, sẽ tô đậm thêm sự hiện hữu vững mạnh của Phật giáo Việt Nam trong đất nước này dưới mắt của bạn bè thế giới đến thăm chúng ta.

Vì vậy, quý Phật tử có phát tâm cúng dường y cho Tăng Ni, nên thỉnh y màu vàng hoại sắc như Giáo hội đã quy định, để tạo thêm nét hài hòa trong hàng tu sĩ Phật giáo Việt Nam.

HT.Thích Trí Quảng



Có phản hồi đến “Màu Sắc Pháp Phục Phật Giáo Việt Nam”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com