Hôm nay là kỷ niệm 20 năm sự kiện đau buồn khi nước Mỹ bị khủng bố tấn công vào trung tâm thương mại tài chính của Mỹ và thế giới ở New York cùng các tòa nhà quan trọng của đất nước Mỹ. Đây là cuộc khủng bố tấn công kinh hoàng nhất thế giới không ai có thể tưởng tượng được lại xảy ra ở Mỹ làm 3000 người bị chết. Rất nhiều nhân viên cứu hỏa, nhân viên an ninh, đội ngũ y bác sĩ đã xả thân cứu nguy để mỗi năm những hình ảnh này được chiếu lên không khỏi làm nhiều người sửng sốt và bàng hoàng.

Năm 2001, tôi vẫn còn ở Việt Nam và đang học Đại Học Bách Khoa. Khi ấy, tôi sống ở nhà trọ nên không có tivi, báo chí càng không biết nhiều, chỉ nghe thoáng và xem thoáng một ít hình ảnh trên báo nên thật sự cũng không mường tượng thảm họa này lớn đến thế nào. Lúc đó, gia đình tôi đang lo hoàn tất giấy tờ để sang Mỹ nhập cư. Mọi người đều sợ rằng vì sự kiện 9/11 mà có lẽ việc nhập cư của gia đình sẽ bị ngưng trệ hay nước Mỹ không chấp nhận thêm nhiều người nhập cư, nhất là Á Châu.

Thật sự lúc ấy, tôi không hề muốn sang Mỹ vì tôi sắp tốt nghiệp đại học từ một ngôi trường tốt nhất ở Việt Nam, nghĩ rằng mình sẽ sớm có việc làm, được tự nuôi sống mình. Tôi ngại phải làm lại từ đầu. Vả lại, ba má tôi cũng tiếc cho tôi không được tốt nghiệp, còn nghĩ đến việc khi nào sang Mỹ sẽ cho tôi về để học hết chương trình và tốt nghiệp.

Nghĩ đến ba má cũng già, đều không biết tiếng Anh, các em còn nhỏ không biết tiếng Anh, cũng không biết cuộc sống ở Mỹ là thế nào, sợ không ai giúp đỡ gia đình nên tôi quyết định ra đi. Tôi có nói với ba má tôi là tôi sẽ ra đi vì gia đình chứ bản thân tôi ở hay đi đều không là vấn đề.

Hồi còn nhỏ, ba má tôi có sửa giấy khai sinh sớm để tôi đi học và cứ sợ nếu người ta phát hiện không đúng giấy tờ thì tôi sẽ không đậu phỏng vấn. Ba tôi còn bảo nếu tôi không sang Mỹ được, ba má sẽ cố gắng bán đất, mua cho tôi chiếc xe máy và một ngôi nhà nhỏ ở Sài Gòn còn chị tôi ở Nha Trang. Nhưng gia tài làm nông của ba má tôi chẳng là bao.

May mắn thay, tất cả chúng tôi đều đậu phỏng vấn và cuối năm 2002, gia đình chúng tôi sang Mỹ định cư, ngoài chị tôi vẫn ở Nha Trang. Những ngày đầu đến một đất nước mới thật quá khủng khiếp với chúng tôi vì mọi thứ đều quá xa lạ, bỡ ngỡ, cả về ngôn ngữ lẫn văn hóa. Chúng tôi phải tự bơ vơ, chống chọi. Tôi khóc rất nhiều vì không biết tương lai sẽ đi về đâu dù trước mặt gia đình vẫn cố tỏ ra rất bình thản, mạnh mẽ.

Chúng tôi được đưa đến học tiếng Anh miễn phí ở nhà thờ vào một ngày cuối tuần. Ba má cả gia đình tôi đều đi. Thật sự lúc ấy chúng tôi khá thiếu kém, đồ ăn không có nhiều, cũng không có việc làm, không biết phải mua ở đâu. Chưa nói khi nghĩ đến đổi ngoại tệ giữa Việt Nam và Mỹ là số tiền quá lớn, chúng tôi đều không dám mua. Đồ ăn lúc ấy chỉ là những thứ rất bình thường. Những món ăn sau này rất rẻ chúng tôi lúc đó cũng cho là với tầm.

Những bữa học tiếng Anh miễn phí tụ tập đủ thứ dân, đủ độ tuổi, cũng không thể giúp chúng tôi tiến bộ vì chúng tôi muốn được vào đại học. Điều duy nhất chúng tôi thấy vui vì trường học ở nhà thờ rất nhiệt tình, giữa buổi đều có đồ ăn nhẹ, có nước ngọt nên chúng tôi thường đi học mang về để ăn.

Tuy nhiên, người ở nhà thờ và cả giáo viên rất thân thiện, dễ thương, chào đón chúng tôi và luôn giúp đỡ, cầu mong cho chúng tôi sớm hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng.

Ngày ngày tôi phải nghĩ món để nấu cơm ở nhà, vì ở chung với người thân nhưng đồ ăn cũng rất hạn chế. Hai em tôi được học ở trường trung học cấp hai và cấp ba nên luôn phải có đồ ăn để nhường cho chúng. Mỗi ngày chúng đi học về, tôi là người chỉ bài. Vì chúng còn nhỏ nên lúc đó và cả ở Việt Nam thường hay quấn lấy tôi.

Vì hai em học ở trường nên được ăn cơm trưa miễn phí. Tội nghiệp em trai tôi, buổi chiều đi học về còn mang cho tôi khoai tây chiên miếng trong hộp, là phần cơm trưa em dành lại để mang cho tôi. Những món ăn nghèo nàn fast food thiếu dinh dưỡng rẻ tiền ấy đến giờ đã rất nhiều năm tôi chưa bao giờ đụng đến lại là những thứ xa xỉ ngày đó với chúng tôi.

Má tôi vào làm việc cho một nhà hàng Việt Nam và đó là công việc khủng khiếp nhất chưa bao giờ tưởng tượng được. Tôi và em gái làm việc ở nhà hàng Tàu cũng bị đối xử rất tồi tệ vì họ bắt nạt dân mới nhập cư, làm việc quần quật, cả ngày lột cắt cả bao hành tây, chiên mấy thùng gà, dầu bắn phồng đầy người , rừa hàng trăm mâm chén, làm chả giò, trộn bột đủ thứ trong điều kiện vệ sinh tồi tệ và chỉ được ngồi 10 phút giữa trưa ăn cơm nhưng không nuốt nổi.

Tuy nhiên, họ mướn một người Mỹ da trắng còn trẻ làm thu ngân ở trước , mọi việc đều không làm gì, rất sợ người này vì để thu hút khách đến. Lúc ấy, chúng tôi nào hiểu cái gì gọi là phân biệt chủng tộc, đàn áp người gọi là đồng hương đồng bào với mức lương thấp nhất. Sáng nào chúng tôi cũng đến đây thật sớm và đợi nhiều tiếng nhà hàng mới mở cửa và làm đến chiều tối mới có người đón về. Chỉ nghĩ đến việc mỗi ngày đổi được số tiền ấy sang tiền Việt mà vui chứ đâu có hiểu với số tiền ấy chúng tôi sẽ không thể nào trụ nổi ở đây.

Nhà hàng Việt Nam của má tôi còn khủng khiếp. Mỗi ngày má phải làm 14 tiếng, 6 ngày một tuần, có khi là bảy ngày liên tục, lương còn thấp hơn lương cơ bản, vừa nấu ăn, vừa rửa chén, dọn dẹp và kể cả phải làm phục vụ tiếp tân. Có khi không có khách bà chủ còn bắt má tôi đi rửa x echo bà. Tuy nhiên, tiền tip không được giữ mà bị bà chủ Việt Nam lấy hết vì tiền tip đủ trả lương cho má tôi vài ngày. Vì không biết tiếng Anh và sợ không kiếm được việc làm, má tôi phải ngậm đắng để làm ở đó kiếm thêm tiền và thỉnh thoảng mang đồ thừa cuối ngày nếu có về cho gia đình. Cũng từ làm việc ở nhà hàng ấy mà sau này má tôi bị bệnh vô phương cứu chữa.

Tôi chỉ làm việc ở nhà hàng Tàu ấy gần một tháng thì tách khỏi gia đình để sang Cali sống với họ hàng khá giàu có và thành đạt,mong sẽ sớm đổi đời hay nếu có con đường tốt hơn. Dù làm việc gần cả tháng ở nhà hàng Tàu , cũng nhận được chút tiền lương nhưng tôi cũng chưa biết đi chợ ở đâu hay mua thứ gì. Chúng tôi mừng vô cùng khi có người thân gởi một thùng bánh để ăn dù sau này mới biết bánh ấy rẻ vô cùng và hình như mười mấy năm nay tôi đã không còn đụng đến.

Ngày tôi chuẩn bị sang Cali, tôi muốn đi mua ít đồ ăn để tạm biệt gia đình. Tôi đi bộ ra Publix gần nhà nhất cũng hơn cây số, lần đầu tiên vào siêu thị nhìn đủ thứ đồ, tôi hoa cả mắt. Tôi thấy họ bán các loại chip, bánh và kem ghi mua một tặng một, thấy giá cũng không cao, nhưng tôi lại không biết có thật không. Tôi phải hỏi đi hỏi lại một nhân viên ở đó và an lòng để mua khi họ gật đầu xác nhận. Tôi vui như hội ôm rất nhiều đồ ăn về, lòng mừng vì còn được mua một tặng một với giá không cao.

Ngày tôi ra sân bay sang Cali, nước mắt đầm đìa. Hai em nhỏ của tôi tiễn tôi đi. Sang Cali, ở nhà như cung điện, đồ ăn rất nhiều chứ không phải như gia đình tôi mọi thứ đều thiếu thốn, ở khu ổ chuột nguy hiểm nhất của thành phố vì đủ thứ tệ nạn, trộm cắp, buôn bán thuốc phiện. Nhưng nhà nghèo và lúc đó chỉ lo đi làm kiếm tiền, chẳng biết nhiều tiếng Anh nên cũng không nghĩ nhiều đến vậy.

Nhưng ở nơi càng giàu sang sung sướng như vậy tôi mới thấm thía cái gọi là tình người, tình thân, lạnh khủng khiếp. Hình như ở Cali hai năm, ngày nào tôi cũng khóc, vừa thương cho mình, thương gia đình ở nơi xa không biết ra sao. Tuy nhiên, tôi lại chẳng bao giờ dám nói cho ba má, gia đình tôi biết để mọi người khỏi lo cho tôi.

Tôi vẫn đi làm kiếm tiền, đến trường học tiếng Anh cùng các lớp GED miễn phí chờ đủ một năm vào học đại học khi học phí rẻ. Mọi thứ tôi đều tự lo và tôi vui khi không phải nợ nần ai. Ở trường, các thầy cô người Mỹ rất thương tôi nhưng vì tôi học với những học sinh GED yếu kém khác nên mới luôn được lấy ra làm gương điển hình.

Vào đại học, tôi cũng chỉ suốt ngày một mình, không trò chuyện tiếp xúc bạn bè với bất cứ ai. Thật sự tôi rất sợ và không có niềm tin gì với người Việt hay Á Châu xung quạnh tôi dù ở Cali người Á châu khá nhiều. Người tôi hay trò chuyện, giúp đỡ tôi thật lòng lại là các bạn người Mỹ và thầy cô giáo ở Mỹ. Các thầy cô rất thương tôi vì chăm học và đạt toàn điểm A.

Tôi nhớ có lần lớp học lịch sử, tôi đạt 100 điểm bài thi, một đứa học sinh Việt Nam trong lớp, hình như sang trước tôi khá lâu tròn mắt không tin và còn nghĩ rằng thầy thiên vị tôi. Nó hình như bị điểm C. Lúc đó tôi không hề biết gì về vấn đề phân biệt, kỳ thị ở đây. Nó hỏi tôi cách học và trả lời làm sao, muốn thử tôi. Sau này khi nó biết các lớp học khác điểm tôi đều như vậy thì nó không còn dám coi thường tôi nữa.

Tôi có nói lại vấn đề ấy với thầy lịch sử. Thầy ấy còn khá trẻ, cười bảo tôi những sinh viên như thế tôi không việc gì phải lo nghĩ và sinh viên lười biếng luôn muốn đạt điểm cao. Ngày tôi rời Cali chuyển trường, thầy ấy cũng là người viết thư giới thiệu cho tôi sang trường mới cùng một giáo viện khác.

Hai năm ở Cali, thấm thía và hiểu một chút thế thái nhân tình, tôi trở về lại Florida và có lẽ cả đời về sau chẳng bao giờ muốn sống ở Cali nữa. Nơi đây quá ồn ào đông đúc không giúp tôi bình an. Tôi cũng suốt ngày một mình, làm bạn với lớp học, phòng thí nghiệm, công việc ở trường, ở nhà hàng phụ má, ở sân tennis cùng gia đình, nấu ăn, dọn dẹp và trò chuyện với các giáo sư.

Bất cứ lớp học nào tôi cũng đều được các giáo sự khuyến khích, động viên, hướng dẫn nhiệt tình, chúc tôi thành công còn người thủ thư viện luôn biết sách tôi cần là gì để sẵn vì tôi suốt ngày ở thư viện. Công việc ở nhà hàng phụ má vì má vẫn bị hành hạ quá thê thảm và má bắt đầu bệnh mất trí từ đây. Hai năm sau, má tôi cũng phải nghỉ làm vì bệnh khi tôi sắp tốt nghiệp đại học đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Từ đó về sau, ở trường học, sau này ở bệnh viện, dù làm y tá chăm bệnh nhân hay làm bác sĩ khám chữa bệnh, tôi cũng thường được các sếp quý và đồng nghiệp cũng giúp đỡ. Thỉnh thoảng, vẫn có những sự mâu thuẩn hay đố kỵ xảy ra nhưng may mắn rất ít và chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Họ bảo vệ giúp đỡ tôi vì tôi luôn làm việc nhiệt tình hết sức mình nên họ cũng không muốn mất một nhân viên như tôi.

Ngược lại, tôi cũng mừng mình có công việc ổn định, có một chỗ đứng thành đạt nhất định ở đây và được rất nhiều người giúp đỡ. Má tôi bị bệnh không biết gì là điều đau buồn như chị em chúng tôi đều thành đạt, học hành rất cao, là bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư ở đây. Nước Mỹ đã giúp đỡ và cho chúng tôi một cuộc sống tốt đẹp như vậy.

Thời đó, chúng tôi cũng không biết nhiều về chính trị, chỉ lo đi làm kiếm tiền và học hành. Vả lại, kể cả trên mạng truyền thông, ý kiến có thể bất đồng nhưng không khủng khiếp như bây giờ. CHúng tôi là công dân Mỹ, cũng đã đi bầu cử vài lần. Họ chỉ ồn ào trong thời gian tranh cử tổng thống chứ sau đó tất cả đều lắng xuống khi tân tổng thống mới kế nhiệm.

Các vị tổng thống có thể thuộc đảng này hoặc đảng kia, quan điểm kinh tế, chính trị có thể khác nhau nhưng ai cũng vì lợi ích nước Mỹ, dù có thích hay không, trước công chúng họ đều là các diễn giả kêu gọi đoàn kết, giúp đỡ, yêu thương, hướng đến xây dựng đất nước, đoàn kết cộng đồng, liên hết với thế giới và chào đón công dân nhập cư như chúng tôi.

Chỉ có hơn bốn năm qua, nước Mỹ mới trở nên ích kỷ, xấu xí, nôi chiến xảy ra khi người trong một nước xem nhau như kẻ thù. Lãnh đạo vì lợi ích cá nhân, vì quyền thế thiển cận, vì bản ngã quá lớn, kể cả thiển cận, thiếu kiến thức lại xúi dục, gây chia rẽ thù hằn, hãm hại nhau. Mọi thứ đều bị biến thành quân cờ chính trị.

Đại dịch covid xảy ra, gần 700 ngàn người đã thiệt mạng, hơn 100 ngàn người và một nửa trẻ em bị bệnh nhưng họ vẫn tiếp tục xúi dục chống phá không mang khẩu trang, không tiêm vaccine. Ngày ngày làm việc tiếp bệnh nhân, nghe họ nói tôi không bao giờ nghĩ nước Mỹ mà tôi thương quý của 20 trước lại trở nên thiển cận, xấu xa đến vậy. Trong tôi luôn tự hào người Mỹ đứng đầu về giáo dục, về khoa học, về tri thức và nhận thức thì giờ đây niềm tin ấy lại bị đánh mạnh lung lay.

Nhiều lãnh đạo vẫn nhân danh bất chấp lấy tính mạng người dân, tính mạng của sinh viên, học sinh ra làm công cụ chính trị cho họ, phản tuyên truyền khoa học. Nhìn bao nhiêu bệnh nhân phải có người thân bị chết họ mới sợ mà lo tiêm vaccine, tôi đau buồn.

Ngày ngày trên mạng luôn toàn là những tin chống phá nhau. Họ xem việc chống đối như là niềm hãnh diện, là sự tự hào khi cổ súy cho cái ác, xúi dục người ta bạo loạn, tự sát hại nhau. Cha mẹ nhân danh người lớn nhưng không bảo về con mình lại mang con mình ra thử thách với covid, chống phá vaccine để các đứa trẻ ấy bị bệnh và chết thê thảm.

Rất nhiều học sinh, sinh viên, kể cả nhân viên y tế, những người có trình độ học thức cao vẫn ngã mạn thách thức bản thân với covid để rồi bị bệnh chết thảm mới hối hận. Tuổi trẻ là thời gian đẹp nhất của cuộc đời sao họ lại hủy hoại mình vì những sự bốc đồng, thiển cận mang danh tự do dân chủ như vậy khi chính họ hại bao nhiêu người bị bệnh bị chết vì lan truyền bệnh tật khắp nơi.

Đôi khi tôi tự hỏi có phải nước Mỹ đã đến ngày tàn.Hay ở Mỹ vì có quá nhiều thứ, mọi thứ đều được miễn phí mà họ không biết trân quý. Hãy nhìn thế giới ngoài kia, hay như ở Việt Nam nước tôi, bao nhiêu người chết vì không có vaccine và được tiêm một liều vaccine Mỹ là cả một ân huệ. Đất nước phải dùng những vaccine gì có thể để tiêm cho người dân mà không bao giờ có sự lựa chọn như ở đây.

Sáng nay, nhân lễ tưởng niệm 20 năm thảm họa khủng bố 9/11, dưới thời cựu tổng thống Bush và hôm nay vị tổng thống này đã có một bài phát biểu rất cảm động và rất hay. Ông nói rằng những người mang danh khủng bố ở bên ngoài cũng chẳng khác ở trong nước chuyên đi phá hoại, vẫn là những đứa trẻ cho các tâm hồn tàn ác.

Nước Mỹ mà ông biết cách đây hơn 20 năm khi xảy ra thảm họa luôn đoàn kết, giúp đỡ, yêu thương, sống vì nhau, nghĩ về những điều cao đẹp, thánh thiện, chào đón người nhập cư, không phân biệt, không ích kỷ thù hằn, chia rẽ cùng nắm tay nhau đưa nước Mỹ đi về phía trước. Ông mong thế hệ sau cũng cố gắng tiếp nối điều này để chống lại cái ác. Ông vừa đọc vừa khóc.

Tôi rất đồng cảm với ông. Nước Mỹ mà tôi biết cách đây 20 năm cũng vậy. Nước Mỹ đã yêu thương tôi và gia đình, cưu mang giúp đỡ chúng tôi, đối xử rất tốt với chúng tôi, cho chúng tôi một tương lai tốt đẹp. Chúng tôi đều là công dân Mỹ và phải có trách nhiệm với đất nước này. Để có được một chút thành công hôm nay là bao nhiêu người đã dang rộng vòng tay nâng đỡ và che chở cho chúng tôi lớn mạnh trưởng thành.

Tôi và gia đình luôn cố gắng sống xứng đáng là các công dân tốt ở đây cũng như giúp đỡ những ai có thể để bày tỏ lòng tri ân biết ơn của chúng tôi. Vì vậy, tôi cũng mong nước Mỹ xinh đẹp nhân văn sẽ trở lại, cái ác cái xấu sẽ sớm được đẩy lùi, mọi người đều đoàn kết yêu thương giúp đỡ nhau để nước Mỹ vẫn là mái nhà chung cho tất cả những ai muốn có cơ hội thử thách, tạo dựng tương lai, khẳng định bản thân và đổi đời tốt đẹp nếu họ chịu cố gắng vươn lên trong thiện tâm đầy chân ái.

God Bless America!

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Tưởng Niệm 20 Năm Thảm Họa 9/11 – Nước Mỹ Của Tôi 20 Năm Trước Đẹp Lắm”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com