Lúc sau này, tôi hay bị những câu thơ ngắn quyến rũ, khi thì bốn câu, khi thì chỉ hai câu thôi cũng đủ khiến tôi ngơ ngẩn, nghĩ suy; hoặc có lúc chẳng nghĩ, chẳng suy gì nhưng âm hưởng lời thơ cứ lặng thầm cuốn hút, như chiếc lá đã rơi xuống giòng sông, không thể cưỡng lại để không trôi theo con nước.

Chiều nay, bốn câu thơ mãi quẩn quanh trong tôi mà tôi lại không biết tác giả ! Thế mới tội lỗi chứ. Tôi cũng không nhớ đã đọc ở đâu, lúc nào, nhưng tất nhiên tôi đã từng đọc nên thơ mới ngủ yên nơi tàng thức để bây giờ thong thả ra chơi ! Tại sao lại bây giờ ? Chỉ có trời biết và thơ biết chứ tôi làm sao biết được !

Thôi đành, thơ đã thức thì tôi chơi với thơ xem. Chỉ xin tác giả ở đâu đó, hãy lượng thứ cho sự lú lẫn này.

Bốn câu thơ như sau:

Nhìn nắng đọng sân chùa,

Khách có biết mấy lần dâu bể?

Lắng chuông ngân đầu cỏ

Người không hay một thoáng vô vi?

Chỉ thế thôi. Có quý vị nào cảm thấy bồi hồi như tôi không? Nếu có, xin chia xẻ với tôi nhé!

Chỉ một câu “Nhìn nắng đọng sân chùa” tôi đã cảm thấy thương quá là thương ! Thật ra câu này cũng có tả gì đặc biệt đâu, tia nắng chiếu xuống sân chùa thì trong thơ văn đã từng gặp biết bao. Nhưng câu này không chỉ muốn dẫn người đọc tới vệt nắng đang lung linh mà chữ “nhìn” còn ẩn dụ bóng dáng ai đó, lặng lẽ cùng với nắng mơ màng. Ai đó, nhìn nắng rồi bâng khuâng nói với những người chưa quen biết:

Khách có biết mấy lần dâu bể?

Chưa biết nhau mà “ai đó” lại ân cần thế? Ai đó, hẳn phải có tấm lòng độ lượng, coi những người chưa biết như đã biết, những người chưa thân như đã thân mới nhắc nhở như vậy. Ai đó, đứng giữa sân chùa, nhìn tia nắng lung linh trên phiến gạch và biết rằng không bao lâu, tia nắng đọng nơi sân chùa này sẽ men lên bờ tường, sẽ leo qua hàng giậu, xuyên qua bụi chuối và rồi sẽ tắt ở cuối vườn rau. Chắc chắn như thế. Tia nắng đang có đây, có thật, nhưng tia nắng sẽ tàn, sẽ mất, như không thật, như cơn mơ. Ai đó đã mượn hình ảnh này để nhắc nhở khách du rằng, cuộc đời ta tưởng là có thật cũng qua nhanh, cũng đổi thay thoáng chốc thế thôi. Bao lần dâu bể là bấy nhiêu luân hồi, đến rồi đi như giấc mộng.

Nhắc khách du như thế sợ chưa đủ, ai đó còn từ bi khẽ bảo “Bạn ơi, thử dừng lại tâm giao động, nghe tiếng chuông ngân trên đầu cỏ, bạn có thấy lòng thanh thoát, tịch tĩnh hay không?”

Tiếng chuông này có cần thực sự phải là tiếng chuông không? Hay chuông đây là chuông tỉnh thức trong tâm thức mỗi người. Tiếng chuông đó bị bao âm thanh hỗn loạn của cuộc sống đua chen thường xuyên át đi. Chỉ khi nào dừng được tham sân si thì tâm kia mới có thể bước qua những phân biệt ngã chấp để tiến tới chân ngã. Nơi đây thân đã an, tâm đã lặng, ý đã trong, khách du có thể rời thuyền, lên bờ. Trước khi hoan lạc bước vào cõi thong dong, ngoảnh nhìn bờ bên kia bụi mù gió lốc, khách du có thương cảm cho những ai chưa biết dừng vô minh hay không?

Vua Trần Nhân Tông, vị vua khai sáng giòng thiền Trúc-Lâm để cho hậu thế kinh nghiệm bản thân đắt giá của ngài bằng hai câu thơ:

Mặc ai tranh bá đồ vương

Trẫm xin gửi lại nắm xương chùa này.

Một vị vua có sẵn ngai vàng, quyền lực trong tay, không cần phải tranh giành với ai mà còn buông bỏ hết khi nhận ra lẽ vô thường của đời này. Tấm gương lớn trước mắt như vậy nhưng người sau vẫn không thấy, vẫn tận lực xả thân nắm bắt bóng nước, nắng chiều, khi ngày tháng lạnh lùng qua đi không chờ, không đợi.

Trong văn học Hồi-giáo có một nhân vật rất lạ lùng. Ông ta tên là Nasrudin. Đã là người thuộc giới văn học, tất nhiên không đến nỗi ngu si, nhưng ông thường có những hành động bất bình thường, khi thì rất trí tuệ, lúc lại vô cùng khờ khạo. Chẳng hạn, có lần bằng hữu của ông thấy ông ngồi trước một đĩa ớt đầy ắp. Ông say sưa bốc hết trái này tới trái kia, nhai, nuốt, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng vì cay, miệng xuýt xoa vừa khóc, vừa mếu. Một người thương tình bèn quát lên:

- Ớt cay xé lưỡi, cớ sao cứ ăn rồi khóc vậy?”

Ông Nasrudin vẫn vừa ăn, vừa phân trần rằng:

- Thì tôi nghĩ, thế nào cũng phải có một trái ngọt chứ!”.

Cuộc tranh đua mà chúng ta đang hàng ngày tiêu pha đời mình có khác chi thái độ kỳ dị của ông Nasrudin kia không? Mới nghe câu chuyện, đa số chúng ta đều kết tội ông này không khùng chắc cũng điên.

Nhưng Nasrudin có điên không, hay ông chỉ mượn hành động “điên” đó để nhắc nhở những người “tỉnh” như chúng ta rằng, chúng ta đang tiêu phí từng phút từng giây đời mình cho sự tranh đua trăm cay nghìn đắng để tìm một chút ngọt ngào hư ảo ! Chúng ta không chỉ điên rồ ngốn một đĩa ớt vì hy vọng sẽ có trái thơm ngon mà suốt chặng ta-bà, chúng ta đã khổ lụy biết bao vì liên tục tự nguyện nếm từng thùng, từng vựa ớt !!!!

Trong kinh Di Giáo, Đức Phật có dạy một câu rằng:

Tri túc chi nhơn, tuy ngọa địa thượng, do vi an lạc,

Bất tri túc giả, tuy xứ thiên đường, diệc bất xứng ý.

Câu này tạm hiểu là: Người biết thế nào là đủ thì tuy nằm dưới đất, người đó cũng được an vui. Trái lại, người không biết đủ, luôn chật vật chạy theo ước vọng thì dù ở thiên đường cũng chẳng bao giờ toại ý.

Thế nào là đủ?

Mỗi chúng ta, nếu quyết tâm đi theo đường Phật dạy, sẽ tự tìm thấy câu trả lời cho mình vì mọi sự, mọi việc, dù vi tế đến đâu cũng có sẵn một cánh cửa vô hình. Cánh cửa đó, khéo nương theo sẽ mở ra không gian bát ngát Chân Như.

Diệu Trân



Có phản hồi đến “Nắng Đọng Sân Chùa”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com