Vừa rồi tiếp được thơ, biết ngươi bệnh lâu mới lành mạnh, lòng rất vui mừng! Việc sống thác trọng đại, cơn vô thường chóng mau, tai nghe nói đến tuy kinh sợ, song không thống thiết bằng tự thân đã từng trải những giờ phút gần kề cảnh ấy. Vậy ngươi nên phát lòng đại Bồ Đề, đem tình cảnh mình khuyên trong thân quyến, bạn bè, và người có duyên thì sự lợi ích mới được rộng.

Trong thơ nói: vì niệm Phật mau gấp nên mới lao hơi, đó là tại ngươi không khéo dụng tâm. Niệm Phật phải tùy sức mình, hoặc niệm thầm hay ra tiếng, niệm lớn hay nhỏ đều được, sao lại cứ một mặt niệm to tiếng, để đến đỗi lao hơi thành bệnh như thế? Bệnh nặng của ngươi tuy bởi nơi thương khí mà ra, song kỳ thật là do sức nghiệp từ vô lượng kiếp đến nay phát hiện. Bởi ngươi niệm Phật tinh tấn, nên mới chuyển hậu báo làm hiện báo, đổi quả nặng thành quả nhẹ, chớ nên vì đó mà thối chí, nghi ngờ. Một cơn bệnh ấy, đã tiêu không biết bao nhiêu kiếp số những tội ác đáng lẽ phải đọa vào tam đồ. Thế mới biết sức Phật khó nghĩ, ơn Phật khó đền, nên sanh lòng vui mừng, hổ thẹn và càng thêm tin tưởng. Từ đây, phải siêng năng tu hành, đem môn Tịnh Độ khuyên người, khiến cho những kẻ thân sơ đều được sanh về Cực Lạc. „y mới không phụ ơn đức Phật đã dùng cơn bệnh thức tỉnh và chuyển trừ tội chướng cho mình.

Non Phổ Đà không cần đến làm chi, vì tiền đi về tốn kém nhiều. - nhà niệm Phật công phu dễ tiến, lại khỏi phí của tiền sức khỏe. Như thế có phải tiện lợi hơn không?

Thơ đáp Ly Tẩu

Vừa rồi Hải Thi Đạo Nhơn ở Gia Hưng có chuyển đến cho tôi phong thơ của các hạ. Xem xong, biết các hạ từ lâu đã gia công tu Tiên, chỗ sở đắc rất thâm, nay lại muốn hỏi môn Tịnh Độ là pháp cứu cánh trong đạo Phật. „y có thể gọi là người từ kiếp trước đã trồng sâu căn lành đối với Phật Pháp, nên không chấp theo sự câu kiến của thần Hà Bá, mà biết nghĩ tìm trong biển giáo, bến giải thoát hoàn toàn. Nhưng các hạ đã quen biết với Hải Thi Đạo Nhơn, sao không hỏi người, lại bỏ chỗ cao minh tìm nơi thấp kém, e rằng có phụ với sở vọng chăng? Hải Thi vốn là bậc kiêm thông tông giáo, gồm tu Thiền Tịnh, chính là chiếc thuyền đại nguyện trong biển sanh tử đó. Vì người quá khiêm tốn, nên lấy chữ thi tự đặt tên, thật ra nếu trong biển sanh tử mà gặp được cái tử thi ấy, quyết sẽ mau lên bờ giác, yên ổn trở lại quê nhà. Như thế chẳng hơn tìm hỏi „n Quang là kẻ dung tăng, đối với pháp môn kém phần hiểu biết hay sao? Nhưng các hạ đã tưởng lầm hỏi đến, tôi cũng xin tùy chỗ thiển kiến đáp lại, hoặc may có thể vì người giải chút nghi ngờ chăng?

Thiết nghĩ trong thể đạo Phật, Tiên, vẫn đồng nguồn, nhưng về chi phái thật ra cách nhau xa khác. Đạo Phật dạy người trước tiên tu phép quán Tứ Niệm Xứ, quán thân không sạch, thọ là khổ, tâm vô thường và pháp vô ngã. Khi được biết thân, thọ, tâm, pháp là không sạch, khổ, vô thường, vô ngã, đều giả dối như mộng huyễn, thì tánh chơn như sẽ tự hiện bày. Đạo Tiên ước về lúc chánh truyền ban đầu, cũng không chuyên chủ nơi sự luyện đơn vận khí để cầu trường sanh, nhưng người sau tu hành lại lầm cho đó là tông chỉ chơn chánh. Đạo Phật bao trùm tất cả pháp, chẳng những đối với vấn đề thân tâm tánh mạng, phát huy rõ ràng, mà các việc nhỏ của thế đế như hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ, cũng không bỏ sót. Duy về việc luyện đơn vận khí, trong Phật Pháp tuyệt không nói đến một chữ, lại còn răn cấm là khác nữa. Vì lẽ bên Tiên thì khiến cho người giữ gìn thân tâm làm chân thật, bên Phật lại chỉ rõ thân tâm vốn giả dối, theo duyên sanh diệt, không phải là bản hữu chân tâm. Phép luyện đơn chẳng phải không bổ ích, song chỉ có thể làm cho người sống lâu, nhẫn đến thành Tiên sanh lên trời, nếu nói về sự giải thoát luân hồi thì vẫn còn là việc mộng. 

Các hạ đã biết Tiên có số kiếp, Phật thọ không cùng, thì trong lúc tuổi cao nầy, phải chuyên tâm gắng sức nơi pháp môn Tịnh Độ. Việc tham học thiền, giáo, nên giản lược qua, bởi các pháp ấy rộng lớn sâu xa không dễ gì nghiên cứu, dù tìm đến chỗ cùng cực, cũng phải trở về môn Niệm Phật mới có thể trong hiện đời giải quyết được sự sanh tử. Phàm những kinh luận về Tịnh Độ, các hạ phải gấp gấp tìm xem, y theo đó thực hành, tin chắc lời của Phật, Tổ, không nên vì chỗ mình chưa hiểu đến vội đem lòng nghi. Nếu có thể đầy đủ cả Tín Nguyện Hạnh, tự nhiên sẽ được nhờ sức từ của Phật tiếp dẫn về Tây Phương. Một khi đã vãng sanh thì gần đức Di Đà, bạn cùng hải chúng, lần lần chứng quả vô sanh, lên ngôi Bổ Xứ. Chừng ấy nhìn lại việc thành Tiên làm kẻ tùy thuộc cho Thiên Đế, sánh với địa vị hiện tại, thật cách nhau như vực thẳm trời xa! 

Quyển Mộng Đông Ngữ Lục và các thuyết của Bành Thiệu Thăng mà các hạ nói, chắc là sự trộm văn sửa đổi của nhà luyện đơn, không phải chính thật trong nguyên thơ. Bởi nhà luyện đơn cũng có kẻ cho ngồi vận khí là tham thiền, nên mới nói 'niệm Phật cùng tham thiền đồng, chỉ hơi khác với đạo pháp.' Câu 'chỉ hơi khác với đạo pháp', chính là bên đạo gia thêm vào. Trừ câu này ra, toàn văn tuy nghĩa lý không quá sai lầm, nhưng vẫn lủng củng mơ hồ. Trong Mộng Đông Ngữ Lục tuyệt không có văn nầy, ấy là do nhà luyện đơn trộm lấy văn nghĩa biên chép ra, sự thật chính họ cũng không hiểu nữa. Nhưng nay chẳng cần biện rõ việc ấy làm chi, xin tìm xem quyển Mộng Đông Ngữ Lục sẽ tự biết. Đến như chỗ họ dẫn những lời của Bành Nhị Lâm cư sĩ cũng đồng với việc trên đây, song sự sai lầm lại càng nhiều hơn. Đoạn nói: 'Bốn chữ A Di Đà Phật dễ niệm, chỉ cần mỗi niệm nối nhau một lòng không loạn, mới có thể nhất khí tuần hoàn. Chừng ấy tinh khí thần gom lại một chỗ, lâu ngày thành xá lợi tử, lâu nữa kết làm bồ đề châu mà thành Phật.' Trên đây là đem phép niệm Phật làm phép luyện đơn. Nhị Lâm cư sĩ quyết không nói những lời ấy. Đó là do hạng chánh nhãn chưa mở, nên lấy chánh làm tà. Mấy quyển Huệ Mạng Kinh, Tiên Phật Hiệp Tông của họ viết ra, sự sai lầm lại càng quá lắm. Hạng người tà ngụy ấy dẫn lời của người, cải đầu sửa đuôi để chứng minh cho lý thuyết mình. Tội trạng khinh miệt chánh lý, vu khống bậc tiền hiền, mê hoặc người đời của họ thật không bút mực nào tả ra cho xiết! Những kẻ đó chỉ cầu hư danh trong một thời, đâu dè về sau phải chịu nhiều sự khốn khổ, nên đức Như Lai gọi là hạng người đáng xót thương!

Đến như chỗ luận về phép 'hồi quang phản chiếu', tuy không đến đỗi trở ngại, song câu 'hai mắt chăm nhìn đầu ngón tay' chắc có lẽ dẫn lầm câu 'hai mắt chăm nhìn nơi chót mũi.' Hoặc khi đó là cách thức của Nhị Lâm cư sĩ lập ra, nhưng chắp tay lâu không khỏi mỏi nhọc, đâu bằng quán ánh sáng trắng nơi chót mũi được tự tại an vui hơn? Bởi người mới tập định, niệm khó quy nhất, nếu thường quán nơi chót mũi thì tâm không còn chạy theo cảnh bên ngoài. Đây là phép quán thiển cận của kẻ sơ cơ vậy. Quyển Mộng Đông Ngữ Lục do cư sĩ Tiền Y Am trích những đoạn chuyên chỉ Tịnh Độ trong bộ Mộng Đông Di Tập in ra, cho lưu thông ở phương nam, để giúp sự đòi hỏi của những người từ lâu mong mến bộ ấy mà không được gặp. Toàn tập ở Bắc Kinh mới đủ, phương nam duy có quyển lược bản của Tiền Y Am sao ra mà thôi. Quyển Ngữ Lục ấy lời lẽ tinh diệu, là một tác phẩm đứng vào bậc nhất từ ngài Ngẫu Ích và Tĩnh Am về sau. Với quyển này, nếu các hạ có thể đi đến cùng, tin chắc không nghi, quyết sẽ cảm được sen vàng nở trong ao báu, khi lâm chung thác chất nơi đó mà làm khách mới ở cõi Tây Phương. Quyển Di Đà Yếu Giải là cây kim chỉ nam của người tu Tịnh Nghiệp, kinh này ở phần đầu bộ Tịnh Độ Thập Yếu. Tịnh Độ Thập Yếu là thành phần của những giáo pháp rất hợp lý hợp cơ do ngài Ngẫu Ích sưu tập trong các kinh sách Tịnh Độ viết ra, gồm có mười loại nên gọi là Thập Yếu. Đại Sư để quyển Di Đà Yếu Giải ở trước là tỏ ý tôn trọng kinh.

Xá Lợi, vốn tiếng Phạn, dịch nghĩa: thân cốt hoặc linh cốt, là kết tinh của sức tu giới định huệ, không phải do luyện khí thần mà thành. Đó cũng là biểu tướng của người tu đến cảnh tâm cùng Phật hiệp. Nhưng xá lợi chẳng phải chỉ do thịt, xương, tóc biến thành trong lúc thiêu thân, mà sự xuất hiện của nó có nhiều trường hợp khác nhau. Như thuở xưa có vị cao tăng đang khi tắm gội bỗng được xá lợi. Tuyết Nham Khâm Thiền Sư lúc cạo đầu, tóc Ngài biến thành một xâu xá lợi. Có kẻ chí tâm niệm Phật, xá lợi từ trong miệng vọt ra. Một người thợ khắc văn Long Thơ Tịnh Độ, xá lợi hiện trong bản cây. Có vị tín nữ thêu Phật, thêu kinh, được xá lợi dưới mũi kim. Lại có kẻ đi xa về, ngậm ngùi thương cảm tế lễ trước tượng, nơi tượng bỗng hiện ra xá lợi. Thiền Sư Trường Khánh Nhàn, khi tịch rồi thiêu hóa, nhằm lúc trời nổi gió lớn, khói bay xa ba bốn mươi dậm, khói đến chỗ nào nơi ấy đều có xá lợi, lượm gom lại được hơn bốn thạch. Thế thì biết xá lợi do đạo lực hóa hiện, nhà luyện đơn không rõ, lầm tưởng là luyện tinh khí thần kết thành. Bởi họ thấy những danh tướng trong Phật Pháp, không chịu tìm hiểu căn nguyên, vội đem phụ hội một cách sai lạc vào sự luyện đơn của mình. Chỉ nghe nói chứng quả bồ đề mới được thành Phật, chưa từng có việc luyện tinh khí thần, trước thành xá lợi tử, sau kết làm bồ đề châu mà thành Phật bao giờ! Tánh và mạng của nhà luyện đơn nói, đều là lối tu chấp trước trên thần thức, sắc thân. Họ không hiểu lẽ ấy, trở lại chê đạo Phật chỉ tu tánh không biết tu mạng, đâu dè việc làm của họ chính là chỗ phá trừ bên Phật giáo. Về việc nầy, các hạ tìm xem đoạn quán Tứ Niệm Xứ trong Kinh Phật sẽ tự rõ.

Bồ Tát Quán Thế Âm từ kiếp lâu xa về trước đã thành Phật, hiệu là Chánh Pháp Minh. Vì lòng từ bi sâu thiết, nên tuy ở cõi Thường Tịch, Ngài hóa hình nơi ba cõi: Thực Báo, Phương Tiện, Đồng Cư; tuy thường hầu cận đức A Di Đà, mà vẫn khắp hiện thân Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, cho đến thân lục đạo trong mười phương pháp giới. Những việc lợi ích, Ngài đều làm, chúng sanh đáng dùng thân nào được độ, Ngài hiện thân ấy mà nói pháp. Non Phổ Đà chính là nơi ứng tích của Bồ Tát. Vì muốn cho chúng sanh có chỗ bày tỏ lòng thành, đức Quán Thế Âm mới thị tịch tại núi này, đâu phải Bồ Tát chỉ ở Phổ Đà mà không ở những nơi khác ư? Như chỉ duy một vầng trăng trên trời mà bóng in khắp ngàn muôn sông hồ, từ biển cả cho đến giọt sương, những nơi có nước trong là có trăng hiện. Song nếu nước đục, bóng trăng sẽ mờ khuất. Tâm tánh ta ví như nước, nếu chúng sanh một lòng chuyên niệm đức Quán Thế Âm, Bồ Tát liền dùng đủ cách thuận, nghịch, ẩn, hiển, khiến cho được lợi ích. Trái lại, nếu không chuyên nhất, tức là nước tâm lờ đục, tất nhiên khó mong nhờ Ngài cứu độ. Nghĩa nầy rất thâm, xin xem đoạn 'Phổ Đà Sơn Chí', trong bộ Văn sao của tôi sẽ tự rõ. Bồ Tát khi còn ở trong nhân, do quán tánh nghe mà chứng viên thông, lúc ở trên quả, do quán tiếng chúng sanh xưng danh hiệu mà tìm đến cứu độ, nên gọi là Quán Thế Âm. Lại, Bồ Tát đạo pháp rộng lớn không ngằn, tùy theo căn tánh của tất cả chúng sanh, nói đủ pháp để giáo hóa, không riêng lập một môn nào, nên pháp môn của Ngài gọi là Phổ Môn.

Trên đây là việc thiển cận, vì các hạ chưa nghiên cứu đến, nên không rõ. Tôi cũng tùy lời hỏi mà đáp, thật ra đó không phải là môn Tịnh Độ, một giáo pháp có thể đem lại cho các hạ sự ích lợi hoàn toàn. Nhưng nếu nói rõ việc ấy ra đây, lại e lòng dòng thêm phí giấy mực. Các hạ nên thỉnh Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Tịnh Độ Thập Yếu, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Triệt Ngộ Ngữ Lục mà xem, sự lý tu chứng thế nào, trong ấy có nói đủ tất cả.

Ấn Quang Đại Sư




Có phản hồi đến “15. Thơ Đáp Cư Sĩ Lưu Trí Không - Ly Tẩu”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com