Về việc ông Hoàng Hậu Giác, hiện tượng ấy rất có lợi ích cho người học Phật. Sự kết quả được vãng sanh hay bị đọa lạc của ông, hãy tạm gác qua một bên; nếu quả người niệm Phật biết đến hiện tượng của ông lúc lâm chung, quyết không dám hững hờ với con đường giải thoát.

Xem qua thành tích, dường như ông là người có tâm chí thành. Nhưng nhìn vào cảnh tượng hiện ra lúc lâm chung, ta xét thấy lúc bình thời ông chưa thật tâm dụng công trong sự tu niệm. Hiện tượng ấy phần nhiều là do những nghiệp bỏn sẻn tiền của hoặc lời nói lầm hại mạng người xui khiến ra. (Bỏn sẻn lời nói lầm hại mạng người là như mình biết chỗ kia có giặc và biết nơi khác có thể trốn lánh được, mà vì không lòng từ bi, ưa thấy người mang họa, nên không chịu nói ra. Tâm hạnh ấy làm xúc động sự hờn giận của quỉ thần, nên khiến cho khi lâm chung hiện ra cảnh tượng: nói không được và ghét nghe tiếng niệm Phật). 

Lại nữa, sự hiện ra tướng trạng một đôi giờ trăn trở không chịu chết, để đợi đến khi những người trợ niệm đi rồi, chưa bao lâu liền chết, hoàn toàn hợp với cảnh nghiệp của kẻ bỏn sẻn tiền của cùng lời nóilầm hại mạng người. Trạng thái ấy chứng tỏ dù không đọa vào loài ngạ quỉ, cũng là khí phần của ngạ quỉ. Một vị nào đó căn cứ nơi sức trợ niệm bằng chú lực của cư sĩ Diệc Tử Tuấn bảo rằng ông Giác được vãng sanh, song theo ý tôi: chú lực tuy không thể nghĩ bàn, nhưng nếu nghiệp lực nặng cũng không dễ gì được lợi ích. Nếu như ông Giác được vãng sanh, tất phải có tướng trạng gì khác để chứng thật, vậy cũng không nên ức đoán sai lầm. Có vị lại quả quyết rằng, ông ấy đã đọa vào đường ngạ quỉ. Theo như hiện tượng của ông Giác, thì lời nói sau nầy tợ hồ có chỗ y cứ. Nhưng hoặc nhờ con cháu thành khẩn và các cư sĩ trợ niệm, hoặc do chính ông ấy sám hối trong tâm, có thể tội của ông được giảm khinh, không đến nỗi đọa ngay vào đường ngạ quỉ. 

Hiện thời, việc đáng làm là con cái cùng quyến thuộc của người quá vãng phải nghĩ đến sự khổ của vong nhân, phát lòng lợi mình lợi người thay vì kẻ chết niệm Phật, cầu Phật thương xót tiếp dẫn vãng sanh. Nếu lòng thành khẩn được đến cùng thì sự vãng sanh có thể dự đoán, bởi lẽ cha con thiên tánh quan hệ lẫn nhau, và tâm Phật có cảm tất liền ứng. Như người trong quyến thuộc lơ lơ láo láo làm cho xong việc thì vong nhân nghiệp chướng không tiêu và khó mong được tiếp dẫn. Điều nầy quan hệ phi thường vì sai một ly lạc đi ngàn dặm.

Việc trên đây nhắc nhở cho ta biết người niệm Phật đối với mình phải thiết thật sửa trừ tâm tánh xấu xa, với người phải dùng phương tiện giúp đỡ. Những điều đáng nói, tuy kẻ cùng ta có oán thù cũng phải vì họ nói, khiến cho kẻ ấy sanh phước khỏi họa, lìa khổ được vui. Lúc bình thời phải khăng khăng thiết thiết vì người nói việc luân hồi nhân quả, niệm Phật vãng sanh. Lại nên dạy dỗ con cái, vì nó lập nền tảng vững chắc an lành. Phải giữ làm sao cho lời nói không mơ hồ, tâm như dây cung thẳng, việc làm không trái lẽ trời, tấm lòng có thể phô trương cùng thần quỉ. 

Được như thế thì khilâm chung quyết không có hiện tượng đáng thương xót kia. Và như thế thì ông Hoàng Hậu Giác lại chính là bậc thầy khuyên dẫn của các người niệm Phật; các vị nhờ ông mới được sự lợi ích lớn về sau, mà ông cũng nhờ tâm lực của các vị, được hết tội, sanh về Cực Lạc. „n Quang tôi nói đây chẳng phải là lời bông lông, chính là một định luật không hề sai suyển. Như có ai chẳng cho là phải, thì xin chất chánh với bậc cao minh Pháp Sư, hoặc thỉnh vấn nơi bậc thần thông đại thánh....

Ấn Quang Đại Sư




Có phản hồi đến “8. Thơ Đáp Cư Sĩ Dương Đức Quan”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com