Hôn nhân là một sự chung hợp trong đó hai người khác giới bình đẳng đồng ý cùng nhau chung sống. Một hôn nhân hạnh phúc lâu dài đòi hỏi sự làm việc tích cực, cam kết để tình yêu được duy trì, cùng nhau chia sẻ lúc vui cũng như lúc buồn.

Hôn nhân là đỉnh điểm của tình yêu bởi hai cá nhân cùng nhau cam kết bằng một cam kết chung.

"Làm sao anh (em) yêu em (anh)? Hãy để cho anh tìm phương cách ràng buộc bởi một sợi dây quan hệ chung. Anh (Em) yêu em (anh) tận đáy lòng, đến hơi thở cuối cùng .... ' (Robert Browning) Chúng ta tin cũng như Browning tin, tình yêu là thực chất của chính đời sống, không biên giới, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt tín ngưỡng. Thời nay hôn nhân vẫn không làm đúng mục đích của chính nó vì người ta không công nhận sự quan trọng về bình đẳng, tôn trọng phụ nữ. Nhiều phụ nữ được hưởng những đặc quyền ấy trong nhiều lãnh vực hoạt động của con người. Nhưng lạ thay, khi trở về với hôn nhân, phụ nữ vẫn bị ngược đãi. Tầm quan trọng trong vai trò của người phụ nữ chắc chắn đã được mở rộng sau khi Phật Giáo phát khởi tại Ấn Độ, đã cho người phụ nữ một tầm mức rộng lớn để dấn thân vào những nghề nghiệp ngoài việc nội trợ. Mặc dù như vậy, đa số phụ nữ vẫn giữ nguyên sự lựa chọn: lấy chồng rồi nuôi con. Nhưng có điều khác biệt: đời sống chồng vợ đã được chính Đức Phật nâng lên hàng cao quý như trọng trách gánh vác. Ngài đã nâng người phụ nữ có chồng từ địa vị một người hầu hạ lên hàng địa vị trách nhiệm quan trọng. Chứng minh về sự quan tâm của Đức Phật trong vấn đề duy trì hạnh phúc hôn nhân, Ngài đã vạch ra các huấn thị đặc biệt để hướng dẫn người chồng và người vợ.

Đức Phật nhiệt liệt tán thán các cặp vợ chồng hạnh phúc. Trong hàng cư sĩ cặp vợ chồng Nakulamata và Nakulapita được coi như nổi tiếng đã chung sống thuận hòa hạnh phúc trong một thời gian dài. Đức Phật đã tán duơng cặp vợ chồng này, dạy các đệ tử làm sao cuộc sống lứa đôi hạnh phúc. Những lời dạy của Ngài từ hơn 2500 năm qua vẫn có giá trị ngày nay. Nam nữ trong thời đại tân tiến ngày nay nếm trải nhiều đau khổ trong đời sống vợ chồng vì họ lạc hướng trước những lời dạy này. Thể chế hôn nhân trong thời cổ tại Ấn ngự trị bởi quan niệm đẳng cấp, vị thế của phụ nữ, quyền hành của phái nam, và bốn giai đoạn trong đời sống cá nhân. Đức Phật bác bỏ hệ thống đẳng cấp, có nghĩa là thể chế hôn nhân Phật Giáo giải thoát khỏi các luật lệ cùng những nghi thúc khắt khe, không thích hợp đã là một trở ngại lớn lao cho cách cư xử tự do, không thành kiến của con người trong xã hội kể cả nam lẫn nữ.

Những bài giảng về nền tảng Đạo Đức Phật Giáo trong xã hội (Kinh Sigalovada), phác họa mẫu mực căn bản trong mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ và con cái, nêu những bổn phận ràng buộc với nhau, nhấn mạnh đến những khía cạnh thiết yếu của cuộc sống chung.

Sự nghiên cứu toàn diện thể chế hôn nhân Phật Giáo đề cập bởi Đức Phật trong giáo lý của Ngài rõ ràng cho thấy giáo lý này nhằm mang lại an vui, khuyến khích, luân lý về nhu cầu tình dục, thỏa mãn tâm lý, và phúc lợi vật chất cho cả chồng lẫn vợ bất kể gì đến tục lệ đặc biệt, lời thề nguyền hay lý tưởng, tôn giáo hay loại gì khác.

Theo Đức Phật, văn hóa tương hợp giữa chồng và vợ là một trong những yếu tố đem thành công trong hạnh phúc lứa đôi. Nhiều vấn đề về hôn nhân ngày nay phát xuất từ sự thiếu khả năng của người hôn phối trong việc nhận thức những hy sinh trong hôn nhân. Hôn nhân không đơn giản chỉ là nhục dục và lãng mạn. Lãng mạn chính nó không phải là điều xấu, nhưng nó là cảm xúc và cần phải giới hạn.

Vỡ mộng và đau buồn sẽ ít đi trong hôn nhân nếu chúng ta hiểu từ những ảo tưởng của lãng mạn, một tình yêu sâu xa và không thay đổi sẽ phát khởi. Tình yêu là một niềm đam mê say đắm lâu bền giữa hai người, tạo ra những điều kiện mà trong đó mỗi người có thể bộc lộ mình và cùng xây dựng một mái ấm tình yêu và trí thức. Nhờ đó cả hai có thể phát triển cao hơn và xa hơn nhiều những gì họ có thể đạt được nếu không có tình yêu.

Trong quá khứ chúng ta nghe nói những cặp vợ chồng hạnh phúc trường cửu, họ cùng nhau chia sẻ dịu ngọt của tình yêu, qua năm tháng dài cùng nhau chia sẻ vui buồn. Nhất là các cặp vợ chồng cùng nhau chung sống lâu năm, hạnh phúc lâu bền không tự nhiên đến. Những cặp vợ chồng hạnh phúc lâu dài này ghi nhận thực tế cuộc sống khi được hỏi họ làm thế nào để giữ đưọc hạnh phúc lâu bền. " Câu trả lời: "Chúng tôi giữ gìn tình yêu. Với những dị biệt chúng tôi học hỏi từ nhũng dị biệt này".

"Chúng tôi nói thẳng những điều bất mãn và tìm cách giải quyết ngay thay vì để chúng thành mây giông bão tố". Ở mức độ nào đó, điều mà các cặp vợ chồng thành công trong hôn nhân đều phản ảnh trong nhận xét này: 'Cả đến trước sự việc thật là tồi tệ, cả hai chúng tôi đều cương quyết không đầu hàng'. Có lẽ điều nổi bật với các cặp vợ chồng tân tiến ngày nay là trước các khó khăn, họ muốn giải quyết dễ dàng mau lẹ như chuyện xẩy ra trên máy truyền hình. Không, không thể được, muốn gặt hái được điều tốt phải làm việc tích cực.

Đối với nhiều người, con đường dẫn tới cuộc sống hôn nhân bền vững lâu dài không trơn chu. Những gập ghềnh gồm có nhiều sự việc: không con, con chết, con tật nguyền, tài chính khó khăn và tinh thần căng thẳng vì sự thay đổi nghề nghiệp.

Được hỏi về hôn nhân, không cặp vợ chồng nào cho biết có điều đặc biệt ngoài hai yếu tố thành công trong hôn nhân. Yếu tố thứ nhất, mặc dù một số cặp vợ chồng phải đương đầu với những dị biệt đáng kể về tính cách, và đôi khi mang nặng vấn đề tình cảm, họ lúc nào cũng duy trì sự tương kính, và không nghĩ tới chuyện tìm bạn đời mới. Một người vợ có lần hỏi người chồng:' Có phải Anh cưới tôi vì tôi là như vậy phải không?' Người chồng đối đáp:' Không, tôi cưới em hy vọng em trở thành người tôi ước muốn'. Bây giờ đương nhiên cả hai phía chồng và vợ đều nhầm lẫn vì những điều mong mỏi đều khác hẳn và họ đều không thiện chí để thỏa hiệp. Yếu tố thứ hai là không một cặp hôn nhân nào bị đổ vỡ bởi những sự xáo trộn tâm lý nghiêm trọng đến nỗi loại trừ người hôn phối. Có một bà vợ luôn luôn xúc phạm chồng dù là một lỗi nhỏ với câu:' Anh là người ngu dại'. Người chồng trái lại là một người khoan dung. Tuy nhiên, một ngày nọ, khi anh ta bị người vợ gắt gỏng bằng câu trên đây, Anh ta đã đốp lại:' Tôi nghĩ rằng em nói phải. Nếu tôi không phải là người ngu dại, thì em nghĩ rằng tôi lại đi lấy một người như em?' Từ ngày đó trở về sau, người vợ đã không bao giờ dám mắng mỏ người chồng bằng câu đó nữa.

Muốn đạt kết quả trong hôn nhân, vợ chồng cần thiết phải hiểu và chấp nhận những dị biệt giữa hai giới. Đôi khi vợ chồng chán nhau, muốn người hôn phối phải giống mình. Hiểu biết và tha thứ các dị biệt giữa người đàn ông và người đàn bà sẽ giúp đỡ rất nhiều trong hôn nhân.

Một người bạn đời sæn sàng vượt qua những lúc khó khăn và điều chỉnh cho thích hợp khi có con cái, thay đổi công việc làm, tài chính khó khăn hay đơn giản tìm hiểu hơn nữa về người hôn phối mà mình kết bạn là sự bí quyết thực sự đưa đến thành công trong hôn nhân.

Môt câu phương ngôn nói về đời sống lứa đôi như sau: "Người vợ trở thành người có chủ quyền lúc người đàn ông trẻ, là người bạn đường lúc trung niên và người trợ y lúc tuổi già".

Nhiều cặp vợ chồng quyết định sống chung với con cái ít nhất cho đến khi con cái trưởng thành. Với một chút cố gắng, những năm đó là những năm làm tròn nhiệm vụ nhất trong một hôn nhân.

Hôn nhân là một phước lành nhưng nhiều người đã biến đời sống lứa đôi của họ thành lầm than và tai họa. Nghèo khổ không phải là một lý do chính của môt đời sống lứa đôi không hạnh phúc. Cả hai vợ lẫn chồng phải chia sẻ lúc vui cũng như lúc buồn về mọi sự trong đời sống. Hiểu biết lẫn nhau là một bí mật cho đời sống gia đình hạnh phúc.

Trong hôn nhân đích thực, người này thường nghĩ tới người kia hơn là nghĩ tới chính mình. Hôn nhân ví như một cái xe đạp làm cho hai người sử dụng. Cảm giác an ổn và thoải mái đến từ sự cùng nhau nỗ lực.

Người vợ không phải là người đầy tớ của chồng, người vợ đáng được kính trọng ngang hàng. Tuy người chồng là người đi kiếm tiền nuôi gia đình, nhưng người chồng vẫn giúp đỡ gia đình trong những công việc lặt vặt, không có nghĩa là hạ thấp nam tính của đấng trượng phu. Đồng thời một người vợ luôn luôn than phiền và gắt gỏng cũng không thể bù đắp những thiếu thốn trong gia đình. Khi người vợ nghi ngờ chồng thì cũng không thể xây dựng được hạnh phúc. Nếu người chồng có nhược điểm chỉ có lòng khoan dung và những lời ngọt ngào mới có thể làm cho người chồng nhìn thấy ánh sáng. Rất quan trọng là phải giữ lòng khoan dung trong suốt cuộc đời lứa đôi. Những điều tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn. Hiểu biết đứng đắn và có tư cách đạo đức là những khía cạnh thực tiễn của kiến thức.

Từ thuở xa xưa, những đóa hoa được coi như tiếng nói của tình yêu. Hoa không tốn bao nhiêu tiền. Những người vợ, về vấn đề này, tất cả phụ nữ chú trọng rất nhiều đến ngày sinh nhật và ngày kỷ niệm hôn nhân của họ, nên người chồng quan tâm không bao giờ vì quá bận mà không giữ tình yêu sống động với chút ít đồ tặng và ân cần chăm sóc. Tính chất tầm thường như vậy mà là căn bản của hầu hết hạnh phúc lứa đôi. Người vợ cảm kích trước sự đối xử ân cần nho nhỏ như vậy của người chồng lịch sự và chính cái thiện chí bền bỉ này giữ cho ngọn lửa ấm cúng trong căn nhà cháy mãi.

Tình cảm gia đình được nuôi dưỡng cẩn thận là một công thức đơn giản cho cả hai việc bảo vệ gia đình và nuôi nấng con cái thành những đứa trẻ tính nết tốt. Tình yêu đích thực có nghĩa là xác nhận giá trị của người hôn phối và không làm mất thể diện của người vợ hay người chồng trước mặt người khác. Sự tự nguyện này phải nẩy nở từ con tim. Sự khác biệt chính giữa những hôn nhân thành công và những hôn nhân thất bại là do mức độ quý trọng lẫn nhau của cặp vợ chồng đó. Chỉ trích, hạ thấp hay coi thường người hôn phối nhất là trước mặt người khác, xói mòn tình vợ chồng. Kể cả như vậy vẫn chưa đủ, vì người này phải trân trọng giá trị của người kia như viên ngọc quý.

Đôi khi những lời nói không cần thiết nếu đã có sự hiểu biết. Một người cha già có lần đã thổ lộ với con cái là ông hết sức yêu thương bà vợ tức mẹ chúng và bảo các con phải lúc nào cũng săn sóc bà cả đến khi ông không còn nữa. ông tâm sự với các con là bà là người phụ nữ tốt nhất trên thế giới và gia đình hết sức may mắn có bà. Người vợ, nay vào khoảng 60 tuổi, có bẩy người con đã trưởng thành, và một lũ cháu. Bà tỏ lộ rằng bà chưa bao giờ nghe thấy lời nói trìu mến như " Anh yêu em" thốt ra hay thì thầm bên tai bà - hay những câu đại loại như vậy. Bà vợ này, thuộc trường phái cổ của nền triết lý Trung Hoa, thỏa mãn với lối cư xử và săn sóc của người chồng về hạnh phúc của bà trong đời sống lứa đôi sung sướng. Trực giác của người nữ phái nói cho bà biết người chồng yêu bà thực sự tận trong thâm tâm và bà thấy bà không cần đến lá bài nào tốt hơn nữa. Bản tính của một số người không hay bộc lộ cảm nghĩ của mình nhưng họ là những người rất quan tâm. Chúng ta phải nhìn vào hành động của họ. Cái chìa khóa tiếp theo cho một hôn nhân hòa hợp là cùng làm việc để đi đến một mục tiêu. Đó là luật tự nhiên, chẳng hạn nếu không nỗ lực bỏ hạt giống trong vườn thì cỏ dại sẽ mọc thay vì những đóa hoa đẹp. Trong hôn nhân cũng như vậy.

Trong ý nghĩa tôn giáo, đức tin này không phải là cần thiết (tuy nhiên nó giúp đỡ rất nhiều nếu hai vợ chồng cùng một tín ngưỡng) là chất liệu quan trọng giữ mối quan hệ bền vững.

Nhục dục quan trọng trong hôn nhân như thế nào? Nhục dục là bản năng tự nhiên nếu chúng ta vui hưởng trong giới hạn thích hợp sẽ mang nhiều hạnh phúc. Nhục dục giúp cho hôn nhân nồng cháy, và là một lãnh vực quan trọng và quan yếu để bảo vệ hôn nhân. Nó tạo sự mật thiết, một chút nếm trải giữa hai người, không can dự đến người nào khác. Nó làm cho giây thân ái quý giá và riêng tư.

Điều quan trọng phải nhận thức nơi đây thật sự là nam giới và nữ giới nhìn vào vấn đề tình dục một cách khác nhau. Trong khi đàn ông coi đó là hoạt động thể xác mạnh mẽ, thì người đàn bà lại không coi là như thế. Với người đàn bà, nó cần sự tác động với người chồng mình thương yêu đó là sự dịu dàng, sự săn sóc và ân cần của người chồng. Với hiểu biết đó, người phụ nữ cần sự thân mật và gần gũi làm cho hoạt động nhục dục có nhiều ý nghĩ và trọn vẹn hơn.

Tình dục khác hẳn với cảm giác ngon miệng. Nó là cơ sở cho mối giây liên hệ lâu dài mật thiết, và là phương tiện sanh con cho thế giới, những đứa con chúng ta thương yêu ấp ủ khi chúng ta còn sống.

Do tuổi tác, chúng ta biết được tình thương yêu và tôn trọng lẫn nhau là cơ sở cho sự mật thiết gần gũi của hai người. Tình dục, giống như bất cứ khuynh hướng khác trong con người, phải được điều hành bằng lý trí. Con người, bản năng không bị chế ngự thì không bằng con vật, có khuynh hướng trở nên man dại khi không điều chỉnh khuynh hướng này bằng lý trí.

Môt câu phương ngôn: "Giống như lửa, tình dục là một người đầy tớ tốt nhưng cũng là một ông chủ xấu".

Xã hội ngày càng phát triển thành một mạng lưới, các mối quan hệ đan quện mật thiết và phụ thuộc lẫn nhau. Mỗi quan hệ là một lời cam kết nhiệt thành để yểm trợ và bảo vệ những người khác trong một nhóm hay cộng đồng. Hôn nhân đóng một phần rất quan trọng trong mạng lưới vững chắc các mối quan hệ để bảo vệ và che chở. Một cuộc hôn nhân tốt đẹp phát triển và dần lớn mạnh từ sự hiểu biết chứ không phải từ sự thôi thúc, do lòng chung thủy thực sự chứ không phải do buông thả hoàn toàn. Thể chế hôn nhân cung cấp một nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển văn hóa, và sự liên kết vui vẻ giữa hai cá nhân cùng chung sống để hết cô đơn, bàn cùng và sợ hãi. Trong hôn nhân, vợ chồng bổ sung sức mạnh tinh thần và can đảm cho nhau, và mỗi người nên hiểu biết và công nhận tài năng của nhau.

Chồng hay vợ không ai trên ai - người này bổ sung, bù đắp cho người kia vì hôn nhân là một sự hợp tác bình đẳng, biểu lộ sự hòa nhã, rộng lượng, bình tĩnh và hiến dâng, và quan trọng hơn hết là sự tự hy sinh.

Hòa thượng K. Sri Dhammananda
Thích Tâm Quang dịch




Có phản hồi đến “6. Thể Chế Hôn Nhân”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com