VẤN: Mùa an cư kiết hạ đang về và ở các chùa cả chư tăng ni cũng như Phật tử đều gắng tâm tu hành. Con rất thích đến chùa vào mùa an cư vì rất đẹp. Tuy nhiên, con chưa hiểu lắm nguồn gốc của lễ an cư kiết hạ? Ý nghĩa của an cư kiết hạ là gì? Trong mùa an cư kiết hạ các chùa tổ chức như nhau hay khác nhau? Mùa an cư kiết hạ chúng con nên làm gì để có ích nhất?

ĐÁP:

Truyền thống an cư có từ thời Đức Phật, theo lịch sử Đức Phật thuộc hệ thống Nam truyền thì sau khi thành đạo dưới cây Tất bát la, Ngài chổi dậy và đi lần về vườn Lộc Uyển nơi trước kia Ngài hành đạo cùng với 5 đệ tử và năm đó là năm 531 trước công nguyên, Đức Phật an cư kiết hạ (dừng chân trong mùa mưa) để giáo hóa chư đệ tử. Danh hiệu Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật có từ thời đó và năm đệ tử đầu tiên của Ngài là: A nhã Kiều trần như, Át bệ, Bạt đề, Ma ha Câu lỵ, Thập lực Ca diếp cùng an cư với Đức Phật.

Ý nghĩa an cư: Những năm đầu sau khi đức Thế tôn thành đạo, những vị Tỳ kheo đi hoằng pháp từ làng này sang làng nọ, mùa nào cũng đi, dầu mưa, dầu nắng, rất cực nhọc. Vì sự chu du của các Tỳ kheo như vậy nên những ngoại đạo nói rằng: “Đến mùa mưa, chim, kiến còn biết làm tổ để trú mưa, các đệ tử Sa môn Cồ Đàm cứ đi mãi và giậm phải côn trùng”. Đức Thế tôn dùng huệ nhãn để quán xét, ngài nhận thấy nhân duyên đến, nên ban hành lễ An cư Kiết vũ hằng năm để những người xuất gia hành trì có an lạc. Lý do ngài ban hành An cư là nhằm mục đích duy trì truyền thống chư Phật trong quá khứ; với lòng từ bi lớn của người xuất gia trong đối với côn trùng và những chồi non khi mưa đâm chồi nẩy nở; Để người xuất gia có 3 tháng trau dồi thân tâm, phát huy giới định tuệ, trở về sống nội tâm nhiều hơn là ngoại cảnh.

Kiết vũ tiếng Pali Vasssa, nghĩa mùa mưa. Kiết vũ là mùa mưa an vui- hạnh phúc. Ám chỉ chư tăng tu học tốt. Theo Phật giáo Bắc tông, sử dụng danh từ phổ thông là An cư Kiết hạ, nhập hạ v.v... Để tìm hiểu An cư Kiết vũ, chúng ta cần tìm hiểu một số vấn đề liên quan với luật tạng để thấy tầm quan trọng của mùa An cư Kiết vũ.

Thời gian an cư: Ấn Độ một năm có ba mùa: mùa lạnh, mùa mưa và mùa nắng. Mùa mưa bắt đầu từ 16 tháng 6 đến rằm tháng 9; mùa lạnh từ tháng 9 đến tháng 2; mùa nắng từ tháng 2 đến tháng 6.Tại sao An cư ngày 16 mà không phải là ngày rằm? Ấn Độ xưa kia chia 1 tháng làm hai giai đoạn, 2 tuần đầu là thượng tuần kể từ mùng 1 đến rằm, hạ tuần từ 16 đến 30. Ngày 16 cũng là ngày mùng 1 của hạ tuần, do đó nên nhập hạ ngày 16, ra hạ ngày rằm, vì ngày rằm là ngày cuối của thượng tuần. Tuy nhiên, truyền thống Phật giáo Bắc tông nhập hạ ngày 16/4 mãn hạ rằm tháng 7, thời gian nhập hạ của Phật giáo Bắc tông được nhân rộng và thành truyền thống có thể theo Phật giáo Trung hoa cổ.

Chư Tăng ni đệ từ Đức Phật hằng năm phải an cư để thúc liễm thân tâm trau giồi giới thân huệ mạng, tạm trú thời gian 3 tháng trong mùa mưa. Nếu tiếp tục đi hành đạo sẽ làm mất phẩm hạnh của chư Tăng ni và cũng là làm mất tâm từ bi của người đệ tử Đức Phật. Là đệ tử Đức Phật, chư Tăng ni dù bất cứ nơi nào, dù ở đông bán cầu hay tây bán cầu cũng đều an cư trong mùa mưa (mưa già). Chư Tăng ni tập trung an cư tại một trú xứ tự viện, trú xứ đó lúc bấy giờ gọi là Trường hạ, chư Tăng ni không an cư không phải đệ tử Đức Phật, không được tính tuổi hạ lạp (công đức tu hành), không được tính tuổi đạo, tính tuổi sanh mệnh của người con Phật, ghi nhận công đức quá trình cống hiến đời mình đi theo giáo pháp Đức Phật.

Người cư sĩ Phật tử lúc bấy giờ cũng xin phép chư tôn giáo phẩm Ban chức sự, Ban tổ chức Trường hạ thường xuyên lui tới Trường để cúng dường chư Tăng ni an cư, cùng tu học với chư Tăng ni bảo vệ duy trì và phát huy chánh pháp có phước báo trí huệ vô lượng.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “ Nguồn Gốc Ý Nghĩa An Cư Kiết Hạ Là Gì? Phật Tử Nên Làm Gì Trong Mùa An Cư Kiết Hạ?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com