Hôm trước, BBT Trang Nhà Linh Sơn Phật Giáo đã gởi đến các bạn bài phỏng vấn rất hay và thú vị với HT Thích Giác Quang, viện phó Quan Âm Tu Viện, thường trực Liên Tông Non Bồng nhân nửa thế kỷ khóa tu niệm Phật Bá Nhựt Trì Danh Cầu Sanh Tịnh Độ. Hòa Thượng đã gởi đến chúng ta rất nhiều thông tin bổ ích về cội nguồn tâm linh, ý nghĩa nhân duyên hình thành nên khóa tu chuyên biệt này. Hòa Thượng đã nhắn gởi nguyện mong các Phật tử tu Tịnh Độ nên cố gắng đến đây cùng hành trì niệm Phật để được nhất tâm bất loạn, liễu sanh thoát tử luân hồi.

Xem thêm:

Phỏng Vấn HT Thích Giác Quang Nhân Nửa Thế Kỷ Khóa Tu Niệm Phật 100 Ngày Tại Nhứt Nguyên Bửu Tự

Chùm Ảnh: 50 Năm Khóa Tu Niệm Phật 100 Ngày Tại Nhứt Nguyên Bửu Tự Bình Dương

Một Trăm Ngày Niệm Phật

Khi Doanh Nhân Tham Gia Khóa Tu Niệm Phật 100 Ngày Tại Nhứt Nguyên Bửu Tự ở Bình Dương

50 năm qua, khóa tu niệm Phật 100 ngày đã được tổ chức trang nghiêm tại đạo tràng Nhứt Nguyên Bửu Tự Bình Dương. Biết bao nhiêu hành giả đã có duyên về đây chuyên nhất niệm Phật cùng rất nhiều tâm lượng công đức vô biên của những bậc tòng lâm thạch trụ, tăng ni Phật tử của bổn tự và Liên Tông đã cùng chung sức chăm lo để khóa tu dược diễn ra tốt đẹp. Nhiều bạn đọc vẫn tiếp tục gởi đến trang nhà các câu hỏi về cách thức đăng ký tham dự khóa tu cùng những thắc mắc thường gặp cho những bạn còn nghi ngại bán tín về một khóa tu diễn ra suốt 24 giờ trong suốt 100 ngày chưa từng thấy ở Việt Nam. Để giải tỏa những nghi vấn thắc mắc này, chúng tôi xin mời các bạn theo dõi cuộc trò chuyện của trang nhà cùng với Thượng Tọa Thích Thiện Hỷ, trụ trì Nhứt Nguyên Bửu Tự, nơi khóa tu niệm Phật 100 ngày lần thứ 50 đang diễn ra. Nam Mô A Di Đà Phật!

1. Kính thưa Thượng Tọa Thích Thiện Hỷ, thượng tọa đã bắt đầu tham gia vào ban tổ chức khóa tu kể từ khi nào? Xin thượng tọa giới thiệu đôi nét về mình.

Tôi được sanh ra và được nương theo cái nôi của cha mẹ. Vì cha mẹ tôi được diện kiến cũng như gặp được Tổ thầy: Đức Sư ông Thích Bửu Đức, Hòa thượng Thích Thiện Phước. Năm 10 tuổi, tôi xuất gia ở quê tôi chùa Phước Lộc Thọ. Hàng năm, tôi đều đến Nhứt Nguyên Bửu Tự niệm Phật, làm công quả. Đến thập niên 90, đủ duyên lành tôi về trụ, nhập chúng nơi bổn tự nầy để tu học. Tháng 7 năm 1996, khi Thượng tọa Thích Thiện Trung (trụ trì bổn tự) viên tịch, đây là đời trụ trì thứ năm kể từ đây. Tôi tham gia vào Ban Tổ chức của khóa tu từ năm 1997.

2. Xin Thượng Tọa cho chúng con được biết những thuận lợi và khó khăn trong quá trình tổ chức khóa tu xuyên suốt 100 ngày? Có gặp khó khăn nào trong vấn đề xin phép chính quyền địa phương hay giáo hội để tổ chức khóa tu dài như vậy không?

Quá trình tổ chức khóa tu 100 ngày, cái thuận lợi vì đây là thông lệ, truyền thống trong tông phong Tịnh Độ Non Bồng mà hàng năm tại bổn tự đều có tổ chức. Khóa tu đến nay là khóa “Bá Nhựt Trì Danh Hiệu Phật” lần thứ 50.

Vạn sự khởi đầu nan, cái khó là ở buổi ban đầu. Bản thân tôi được kế thừa duy trì ở nơi đây. Khó khăn hiện tại là khuôn viên chùa không được rộng rãi lắm, khi hữu sự khóa lễ thì cũng hơi chật hẹp một chút. Trước và sau ngày đất nước hòa bình thống nhất. Hàng năm, trước khi khai khóa tu đều có xin phép các cấp địa phương, huyện cũng như Giáo Hội từ khi có bản đăng ký chương hoạt động tôn giáo hàng năm của tổ chức tôn giáo cơ sở ban hành 2011, đến nay thì không có xin phép nữa trước khi tổ chức.

Bổn tự có báo với Chánh quyền phường, khu phố sở tại để ủng hộ cho chùa trong việc niệm Phật 100 ngày được ổn định về mặt an ninh, trật tự tại địa phương cũng như tạo điều kiện giúp đỡ việc đăng ký tạm trú cho Phật tử ở chùa để niệm Phật an tâm, được trang nghiêm thanh tịnh. Năm nay là khóa “Bá Nhựt Trì Danh Hiệu Phật” lần thứ 50, bổn tự có cung thỉnh Thượng tọa Thích Huệ Thông, Ủy viên Thư ký Hội đồng trị sự Trung ương GHPGVN, Phó Chánh văn phòng Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương, cùng chư Tôn Đức tông phong đứng vào hàng chứng minh khóa lễ. Ngài đã hoan hỷ, từ mẫn, cố quang lâm đến bổn tự thăm hỏi, động viên, khích lệ, tán thán, ủng hộ khóa lễ được thành công viên mãn góp phần trang nghiêm Giáo Hội “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” và dùng cơm thân mật với bổn tự.

3. Vậy một ngày tiêu biểu cho khóa tu được diễn ra như thế nào? Thường có khoảng bao nhiêu Phật tử tham dự niệm Phật trong một ngày như vậy? Cả khóa niệm Phật là khoảng bao nhiêu người tham gia?

Tiêu biểu khóa tu diễn ra 6 thời ban ngày, 6 thời ban đêm. Mỗi thời là 2 giờ, gồm nửa tiếng kinh hành, nửa tiếng ngồi niệm, 2 lần đủ 2 tiếng. Trong một ngày có khoảng 170 người niệm Phật thường trực đăng ký ở lại chùa, cả khóa niệm là khoảng 17 ngàn người tham gia.Tuy nhiên, số lượng Phật tử lưu động chỉ đến tham dự một vài khóa là rất nhiều, không kiểm soát hết được.

4. Theo lời thượng tọa, mỗi khóa tu tập hai tiếng như vậy có bao nhiêu quý sư thầy, sư cô dẫn chúng và phân chia ra sao? Có sự phân biệt nam nữ tuổi tác riêng rẽ trong quá trình tu tập không? Độ tuổi hành giả thường đến tham dự là bao nhiêu?

Cứ mỗi thời 2 tiếng đồng hồ có một Thầy, một Sư cô dẫn chúng. Kinh hành Phật tử nam đi trước, Phật tử nữ đi sau, không có phân biệt nam nữ, tuổi tác. Hành giả đến tham dự trung bình từ 30 đến 70 tuổi.

5. Phật tử đến tham dự khóa tu cần có những điều kiện nào? Việc đăng ký tham dự có phải đóng lệ phí không? Có bắt buộc Phật tử phải ở chùa mới được tham dự khóa tu không? Nếu ở chùa phải ở bao lâu và có phải đóng lệ phí hay chi trả bất cứ điều gì không? Phật tử muốn ở chùa tham dự phải đăng ký trước bao lâu với ban tổ chức?

Quí Phật tử đến tham dự khóa tu được sự hướng dẫn đến đăng ký với bổn tự để sắp xếp chỗ nghỉ ngơi cũng như nghe thông tin nội quy của chùa ban hành để thực hiện trong thời gian tham dự khóa tu được ổn định, trang nghiêm. Bổn tự sẽ lập danh sách đăng ký tạm trú tại phường để Phật tử an tâm tham dự khóa tu được an lành. Đến tham dự, Phật tử không phải đóng bất cứ khoản chi phí nào cả, đến lúc nào thì đăng ký lúc đó, không nhất thiết phải đăng ký trước.

6. Nếu Phật tử muốn đến Nhứt Nguyên Bửu Tự niệm Phật bất cứ lúc nào, vậy những giờ khuya Phật tử đến sẽ gặp ai để được vào niệm Phật? Trước mỗi thời khóa niệm Phật, nhất là buổi tối, ai sẽ nhắc nhở để Phật tử biết giờ vào chúng niệm Phật? Chỉ có quý thầy ở chùa giúp lo tổ chức dẫn chúng hay có các chùa khác đến không?

Riêng những giờ ban đêm, Phật tử đến niệm Phật, thường được sự hướng dẫn của Thầy trực hương đăng. Theo sự phân công thì Thầy hương đăng sẽ hướng dẫn, nhắc nhở Phật tử vào chúng niệm Phật. Thêm vào đó, ở bổn tự còn có quí Thầy trong Tông môn họp cùng chính quyền sở tại để giữ gìn an ninh giúp cho đại chúng niệm Phật.

7. Với việc tổ chức cho rất nhiều người niệm Phật suốt 100 ngày, công tác hậu cần, nhà bếp và an ninh thật không hề dễ dàng gì. Vậy lực lượng trợ duyên cho vấn đề này là từ đâu? Có xảy ra trường hợp gì đáng tiếc hay trộm cắp, mất an ninh trong khóa tu không thưa thượng tọa?

Về mặt công tác hậu cần, nề nếp sẵn có, cũng như đã trãi qua bốn thập niên, do Phật tử bổn tự đảm trách. Qúy Phật tử đến niệm Phật phát tâm công quả nhà bếp, theo sự phân công của bổn tự thay nhau trách nhiệm trong 100 ngày. Còn về trợ duyên vật thực trong khóa lễ, cũng chính là những Phật tử trong Tông môn đến niệm Phật hỷ cúng, hết đến đâu phát tâm ủng hộ đến đó. Riêng bổn tự không đề cử một ai đi quyên góp.

Hiện nay, quý Phật tử ở các nơi đã tham gia nhiều ở các khóa tu Phật thất, Bát quan trai giới… ở các tự viện tỉnh thành nên quiý Phật tử cũng đã thuần tâm và dần có ý thức, nề nếp tu tập, sinh hoạt và tư cách sống ở chúng. Tất cả đều tôn trọng ứng xử với nhau, nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau như an trú trong ánh hào quang của chư Phật vậy.

Đến tham dự khóa tu, hành giả đã thể hiện được tinh thần cộng đồng chung tu, góp phần giúp cho bổn tự trong thời gian 100 ngày. Trong khóa tu, không có trường hợp nào đáng tiếc xảy ra, nội ngọai viện khóa tu luôn được đảm bảo. Tại bổn tự có hai dãy nhà: Đông Lan dành cho bên nam, Tây Lan dành cho bên nữ nghỉ ngơi riêng biệt để niệm Phật. Bổn tự thường xuyên thăm hỏi, sách tấn, động viên các hành giả nên các vị rất vui vẻ tinh tấn niệm Phật.

8. Theo thượng tọa, thời gian nào trong ngày là tốt nhất và thuận lợi nhất để tham gia niệm Phật? Có phải hành giả nên ở chùa tu niệm sẽ đạt được kết quả tốt hơn không? Thường trong một ngày giờ nào là lúc Phật tử đến tham gia niệm Phật đông nhất? Có giới hạn số lần, số ngày hay số ca để một Phật tử đến tham gia niệm Phật không?

Đương nhiên hành giả ở lại tu niệm sẽ đạt được kết quả tốt hơn, nhiếp tâm niệm Phật được nhiều hơn. Hàng ngày, Phật tử tại các địa phương lân cận sắp xếp công việc nhà đến tham dự từ 02 đến 04 tiếng đồng hồ, thường là trong những ngày, giờ thuận lợi. Phật tử tham gia đông là từ 8 giờ đến 10 giờ, 14 giờ đến 16 giờ; từ 20 giờ đến 22 giờ là đông nhất. Vì một năm chỉ có 100 ngày đêm nên quý Phật tử thường tự sắp xếp tranh thủ từng ngày, từng giờ thuận lợi nhất để tham dự.

9. Có phải càng về tối, số lượng Phật tử tham dự càng giảm không? Có những kỷ lục nho nhỏ nào trong khóa tu đã xảy ra như người tham dự suốt 100 ngày, nhiều thời niệm Phật? Số lượng Phật tử từng tham gia khóa tu quay lại có đông không? Thường số lượng Phật tử cũ hay mới là nhiều hơn?

Càng về tối, số lượng Phật tử tham dự niệm Phật giữ cân bằng như lúc đầu, có tăng vào những ngày cuối tuần, qus Phật tử đăng ký 100 ngày đôi khi vì gia duyên cho nên không trọn vẹn. Năm nay, số lượng hành giả từng tham gia các khóa trước có nhiều hơn một chút. Phật tử tại địa phương cũng đến tham gia nhiều hơn các năm trước.

10. Xin Thượng tọa có thể chia sẻ cho chúng con những cảm nhận của Thượng Tọa về khóa tu cũng như với các hành giả tham dự niệm Phật tại bổn tự bao năm qua? Có những phần thưởng nào để khích lệ tinh thần hành giả tham dự khóa tu không?

Cứ 100 ngày niệm Phật trôi qua, tôi xét nghĩ: “Phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư Phật, báo đáp tứ ân. Cầu cho Phật tổ gia hộ cho toàn chúng đồng tâm hiệp lực làm được một Phật sự nhỏ, để trang nghiêm giáo hội, trang nghiêm đạo tràng, thúc liễm thân tâm, tam nghiệp thanh tịnh cho hành giả, đem lại cho chính mình được an lạc, ít não phiền. Khi về sinh hoạt đời thường ở gia đình, có cuộc sống đầy đủ, tươi tốt hơn, quý hành giả luôn là một Phật tử chân chánh hộ trì Tam bảo, trở thành một công dân tốt, sống có ích cho đời, cho xã hội”. Sau khi mãn khóa niệm Phật 100 ngày, bổn tự đều có những phần thưởng nhỏ để sách tấn tinh thần hành giả trong thời gian tham dự khóa tu ở đây, riêng tôi lúc nào cũng đem tâm hoan hỷ mà xóa bỏ những buồn vui bên lề khóa tu, mọi việc lần lượt rồi cũng trôi qua.

11. Thượng tọa có điều gì nhắn nhủ đến độc giả trang nhà Linh Sơn Phật Giáo cũng như những Phật tử đang tham dự khóa tu niệm Phật tại Nhứt Nguyên Bửu Tự không ?

Nguyện cho những ai đã thấy, nghe và đương thực hành pháp môn niệm Phật, cũng như muốn hàng phục tâm sinh diệt chuyển biến thì không có pháp môn nào hơn pháp môn niệm Phật. Đây là một pháp môn thù thắng vi diệu đệ nhất, là môn tu chóng vượt qua địa vị phàm phu, tự chứng pháp thân… Mong quý Phật tử cùng đồng phát tâm dõng mãnh niệm Phật, phát nguyện vãng sanh, đều được vãng sanh Tây phương Cực lạc, đồng thành Phật đạo.

Địa chỉ Nhứt Nguyên Bửu Tự: ấp Trung, xã Vĩnh Phú, Thuận An, Bình Dương.

Nguyện đem công đức nầy

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đều trọn thành Phật đạo.

Nam Mô A Di Đà Phật!

BBT Linh Sơn Phật Giáo




Có phản hồi đến “Trò Chuyện Cùng Thượng Tọa Thích Thiện Hỷ, Trụ Trì Nhứt Nguyên Bửu Tự, Nhân Khóa Tu Niệm Phật 100 Ngày Lần Thứ 50”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com