Không chỉ có nữ du khách Việt mà còn những nữ du khách nước ngoài mặc váy ngắn đi chùa gây phản cảm ở VN, nên ứng xử với họ ra sao.
Chuyện nữ du khách mặc váy ngắn, quần soóc, áo khoét nách, hay vận áo mỏng đến mức xuyên thấu đến các điểm chùa chiền, các điểm di tích lịch sử...đã trở thành chuyện "thường ngày ở huyện" mà ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ nơi thờ tự tôn nghiêm nào. Việc ăn mặc phản cảm không đúng thuần phong mỹ tục đã khiến không ít các du khách, phật tử "ngại" va chạm khi đến hành hương lễ Phật ở các điểm tâm linh.
Họ lên tiếng chỉ trích nặng nề với cách ăn mặc lố lăng, phản cảm. Điều lạ lùng khi càng bị dư luận phản ứng, nhiều người càng ăn mặc hở hang, mát mẻ đến chốn tôn nghiêm. Họ có thể mặc áo mà như ở trần, quỳ gối bái lạy những điều tốt đẹp ngay cả khi họ không tôn trọng cả đấng thần linh thì những lời phản ứng của người khác chẳng khác nào nước đổ lá khoai.
Để hạn chế các kiểu ăn mặc lố lăng phản cảm, thiếu tôn trọng những giá trị văn hóa, nhiều di tích phải đưa vào nội quy tham quan dòng chữ " Cấm ăn mặc quần áo quá ngắn, hở hang". Ở di tích đặc biệt cấp quốc gia Yên Tử, đâu đâu cũng bắt gặp những băng rôn, khẩu hiệu nhắc nhở việc ăn mặc cho du khách đến tham quan, vãn cảnh thiêng nơi đất Phật, nhưng đó chỉ có giá trị với những du khách là người Việt Nam.
Có một thực tế, trong số nữ du khách ăn vận với đủ những bộ trang phục phản cảm khi đến chốn tâm linh, không chỉ có người Việt Nam mà còn có cả các nữ du khách nước ngoài mặc váy ngắn đi chùa.
Tại các điểm di tích lịch sử, chùa chiền, không khó để phát hiện những nữ du khách nước ngoài khi đến tham quan vô tư vận những trang phục ngắn cũn cỡn, thậm chí mỏng manh đến mức dễ dàng nhìn xuyên thấu cơ thể. Với những nữ du khách nước ngoài có thể họ chưa hiểu hết văn hóa truyền thống của người Việt Nam tại các điểm di tích, danh thắng mang giá trị tâm linh.
Họ nghĩ họ đi du lịch thì cần được thỏa mái và không gò bó hay phải chịu bất cứ các quy định nào về cách ăn mặc nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh. Vì thế họ thỏa mái ăn vận trang phục thiếu lịch sử phản văn hóa ở đất nước có danh thắng, di tích mà họ đặt chân đến.
Tôi được tận mắt chứng kiến cảnh một đoàn du khách nước ngoài đến tham quan di tích Yên Tử và một số di tích tâm linh khác trên cả nước, trong đó có một vài nữ du khách với trang phục không phù hợp với quy định tại một số điểm tham quan tâm linh.
Trong thời đại giao lưu văn hóa, chúng ta có thể trầm trồ ngưỡng mộ nhan sắc nàng Angelina Jolie lộng lẫy trên thảm đỏ với những trang phục thiếu vải nhưng chúng ta không thể chấp nhận hình ảnh các nữ du khách nước ngoài tại các điểm tâm linh chùa chiền vận những bộ đồ thiếu vải. Bởi chốn tôn nghiêm là nơi tất cả mọi người đến đều phải tuân theo những nội quy đã đề ra để đảm bảo sự tôn nghiêm và nếp sống văn minh.
Tuy nhiên, cách ứng xử của chúng ta với người nước ngoài như thế nào để họ hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, hiểu các quy định của các nơi danh thắng, di tích, điểm tham quan tâm linh như chùa chiền, miếu mạo thì không phải là việc làm đơn giản.
Đem những suy nghĩ, băn khoăn trên trao đổi với ông Lê Trọng Thanh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, đơn vị kinh doanh du lịch tại Di tích đặc biệt cấp quốc gia Yên Tử về cách ứng xử với nữ du khách nước ngoài để họ hiểu văn hóa của người Việt trong cách ăn mặc khi đến chốn tâm linh.
Ông Thanh cũng chia sẻ đó là việc không hề dễ dàng bởi khách nước ngoài có nhiều đối tượng, nhiều nền văn hóa khác nhau, họ theo những tín ngưỡng tôn giáo khác nhau. Hơn nữa họ đến đây để du lịch nên không thể nói thẳng với họ như với những người Việt Nam vốn đã hiểu hết các quy định và truyền thống văn hóa.
Trong câu chuyện chia sẻ, ông Lê Trọng Thanh đã mật bí một cách làm hay để giải quyết vấn đề trên, vừa không làm mất lòng du khách vừa đảm bảo sự tôn nghiêm tại di tích.
"Trước đây những người làm công tác quản lý di tích, cũng như làm du lịch tại Yên Tử luôn băn khoăn về việc nữ du khách nước ngoài mặc quần áo không phù hợp với nơi thờ tự, chốn tâm linh như chùa, am tại quần thể di tích Yên Tử. Nhưng sau đó, chúng tôi đã tìm ra hướng giải quyết những khó khăn trên. Chúng tôi làm việc với các hướng dẫn viên của các doanh nghiệp lữ hành, yêu cầu họ tuyên truyền cho du khách ở trên xe. Khi du khách đến Yên Tử, tại các điểm tham quan đền chùa, nơi thờ tự, chúng tôi bố trí trang phục váy quây và áo dài tay lịch sự. Du khách khi ăn mặc không phù hợp sẽ mặc thêm lớp váy ngoài này và vận áo dài tay lịch sự trước khi vào tham quan vãn cảnh chùa. Đa số du khách là người nước ngoài đến việc làm, ngoài tham quan du lịch, họ còn tìm hiểu văn hóa nên việc này được họ đón nhận rất vui vẻ", ông Thanh chia sẻ.
Từ khi cách ứng xử văn hóa về trang phục của nữ du khách nước ngoài trên được áp dụng, không ai còn thấy cảnh du khách nước ngoài với váy ngắn, áo cộc...vào nơi tâm linh. Cách làm của Ban quản lý di tích danh thắng Yên Tử và Công ty Tùng Lâm trên là khá phù hợp vừa làm vừa lòng du khách lại đáp ứng được các quy định về văn hóa ăn mặc chốn linh thiêng, nhất là khi khách nước ngoài một đi không trở lại thì việc ứng xử tế nhị như trên là vô cùng cần thiết, thể hiện con người Việt Nam mến khách, thân thiện với tất cả du khách. Tuyệt vời biết mấy nếu các di tích, điểm tâm linh trên cả nước có những cách ứng xử văn hóa như trên.
Theo Kiến thức