Khóa tu niệm Phật "Bá Nhựt Trì Danh Cầu Sanh Tịnh Độ" lần thứ 50 được tổ chức tại Nhứt Nguyên Bửu Tự, Bình Dương đã đi được gần nửa chặng đường. Kể từ khi trang nhà Linh Sơn Phật Giáo đăng tin bài về ngày khai khóa niệm Phật, rất nhiều bạn đọc và các hành giả tu tập Tinh Độ rất hoan hỷ quan tâm cũng như bày tỏ nhiều thắc mắc xoay quanh khóa tu vô cùng đặc biệt này. Để kỷ niệm nửa thế kỷ khóa tu niệm Phật đặc biệt chuyên nhất được tổ chức, BBT trang nhà Linh Sơn Phật Giáo đã có buổi phỏng vấn HT Thích Giác Quang, viện phó Quan Âm Tu Viện, thường trực Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng để tìm hiểu hơn về khóa tu có một không hai ở Việt Nam này.

Xem thêm:

Chùm Ảnh: 50 Năm Khóa Tu Niệm Phật 100 Ngày Tại Nhứt Nguyên Bửu Tự Bình Dương

Một Trăm Ngày Niệm Phật

Khi Doanh Nhân Tham Gia Khóa Tu Niệm Phật 100 Ngày Tại Nhứt Nguyên Bửu Tự ở Bình Dương

1. Mô Phật. Kính thưa HT Thích Giác Quang, xin Hòa Thượng có thể cho độc giả trang nhà Linh Sơn Phật Giáo được biết nhân duyên hình thành nên khóa tu "Bá Nhựt Trì Danh Cầu Sanh Tịnh Độ " xuất phát từ đâu?

* Khóa tu “Bá Nhựt Trì Danh Cầu Sanh Tịnh Độ” xuất phát từ Phật Học Viện Lưỡng Xuyên, do Đức Pháp Chủ Thích Khánh Anh sáng lập khai khóa lễ đầu tiên dành cho chư Tăng sinh tu hành. Tuy nhiên đến năm 1947, chư Tăng thi hành nghĩa vụ quân sự kháng chiến chống Tây, khóa tu tạm ngưng (Sách Tiến trình chứng nghiệm trong thực tại, tác giả Người Mây Trắng - 2005, trang 97). Đến năm 1960, Hòa Thượng Thích Hành Trụ tổ chức khóa tu tại chùa Chánh Giác, đường Phan Văn Trị, Gia Định cho đến khi Hòa Thượng về hành đạo tại chùa Đông Hưng, Thủ Thiêm. Cũng trong năm 1960, vào ngày mùng 8 tháng 8 âl, Đức Tôn sư Thiện Phước - Nhựt Ý, Tông trưởng Liên tông Tịnh Độ Non Bồng, Trụ trì Tổ Đình Linh Sơn núi Bồng Lai, Bà Rịa tổ chức khóa tu đầu tiên. Đến ngày 17/11 âl lễ vía Phật A Di Đà mãn khóa. Khóa tu “Bá Nhựt Trì Danh Cầu Sanh Tịnh Độ” thực hiện cho đến năm 1964 tạm ngưng do chiến tranh Việt Mỹ tàn phá núi non chùa chiền.

Ngày mùng 8 tháng 8 năm Ất Tỵ (1965) Đức Tôn Sư Thiện Phước - Nhựt Ý khai khóa niệm Phật tại Nhứt Nguyên Bửu Tự, xã Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương cho đến nay là 50 khóa. Sau khi Đức Tôn sư viên tịch, Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Giác nối thừa tiếp tục tổ chức khai khóa tu hằng năm.

2. Xin Hòa Thượng cho chúng con được biết tại sao lại chọn khóa tu là 100 ngày mà không phải là 30 ngày hay 90 ngày? Ở Việt Nam có khóa tu nào tương tự như vậy không và khóa tu dài nhất là bao lâu? Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng có tất cả bao nhiêu chùa?

* Trong kinh Bát Chu Tam Muội, quyển thứ nhứt, phẩm Tam Muội hành, thứ ba, Phật dạy:“...làm thế nào để thành tựu tam muội hiện tiền: - một là không có tư tưởng chúng sanh dù chỉ trong khoảnh khắc, hai là thức trọn ba tháng không ngủ dù là tạm thời đôi chút, ba là kinh hành trọn ba tháng trừ khi tiểu tiện, bốn là trong lúc ăn bố thí đúng pháp, không mong danh lợi cũng chẳng đoái hoài đến sự trả ân...”

Khóa tu 100 ngày, tức là 14 tuần lễ và thêm 02 ngày (14 x 7 + 2 = 100 ngày). Trong 100 ngày đó, tính từ ngày mùng 8/8 âl đến ngày 17/11 âl lễ vía Phật A Di Đà thì mãn khóa. Khóa niệm Phật 100 ngày ở Nhứt Nguyên Bửu Tự có đi, đứng, ngồi niệm Phật, đi kinh hành niệm Phật, mỗi thời 02 giờ, luân phiên niệm Phật 24/24 giờ không ngưng dứt, đáp ứng đúng với lời Phật dạy “thức suốt ba tháng, không ăn, không ngủ” để “kinh hành niệm Phật”.

Ở Việt Nam có các khóa An Cư Kiết Hạ 90 ngày dành cho chư Tăng Ni, khóa tu Thập Thiện dành cho Phật tử vào chùa phát nguyện giữ Thập Thiện 21 ngày hoặc 30 ngày. Ngoài ra các khóa tu ở các tự viện khác nhiều nhất là 7 ngày, ít nhất là 1 ngày tu an lạc niệm Phật.

Môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non bồng hiện nay có 170 chùa trên toàn quốc, tất cả đều tu đúng tông chì niệm Phật do Đức Tôn Sư giáo hóa. Tuy nhiên, chỉ có Nhứt Nguyên Bửu Tự tổ chức khóa tu 100 ngày niệm Phật. Tăng Ni, Phật tử các chùa khác hằng năm đến đây đăng ký lưu trú niệm Phật.

3. Theo lời của Hòa Thượng, Liên Tông Non Bồng có trên 170 ngôi chùa khắp đất nước Việt Nam. Tại sao chỉ chọn Nhứt Nguyên Bửu Tự tổ chức khóa tu mà không luân chuyển đến các chùa còn lại để Phật tử có cơ hội tham dự tốt hơn?

* Đây là ý chỉ của Đức Tôn Sư, không thể thay đổi trú xứ khóa niệm Phật 100 ngày. Vả lại Nhứt Nguyên Bửu Tự có phương tiện phòng ốc, là trung tâm huyết mạch của miền đông, các đường giao thông tiện lợi, các công trình được tu bổ: tăng xá, ni xá, phòng dành cho nam nữ Phật tử luôn luôn sẳn sàng cho khóa tu. Đối với khóa tu 100 ngày niệm Phật thì Nhứt Nguyên Bửu Tự là tâm điểm của chư Tăng Ni, Phật tử khắp ba miền trong nước luôn hướng về cho khóa tu tại đây. Việc thay đổi trú xứ tổ chức khóa tu không phải một sớm một chiều mà làm được, dù trú xứ khác có không gian thoáng mát hơn.

4. Hiện nay, đa phần có rất nhiều chùa cũng tổ chức các khóa tu như khóa tu một ngày, khóa tu Phật thất niệm Phật bảy ngày nhưng chỉ một vài thời khóa niệm Phật, thời gian còn lại là để thuyết pháp và tĩnh tâm. Vậy tại sao khóa tu lại diễn ra suốt 100 ngày như thế có quá nhiều không?

* Niệm Phật, khóa tu niệm Phật là phương tiện dẫn hành giả đến tĩnh tâm, định lực phát sanh, tuệ giác tỏa sáng. Nên dù tổ chức 1 ngày, 7 ngày niệm Phật, 100 ngày niệm Phật, hoặc tự tu tịnh niệm, hoặc nghe pháp cũng là phương tiện dẫn đến định lực và tuệ giác sanh.

Khóa tu 100 ngày so với nghiệp lực chúng sanh thì có là bao, sự tĩnh tâm chánh niệm cũng chưa chắc là đạt yêu cầu với thời gian 100 ngày. Nhưng dù sao đi nữa pháp tu 100 ngày là thực hiện theo lời Phật dạy trong Kinh Bát Chu Tam Muội, ý chỉ của chư tôn túc Trưởng lão Phật học viện Lưỡng Xuyên và Đức Tôn sư, chẳng lẽ chư Tổ sư khai sáng mà không ai thực hiện hay sao?

5. Thưa Hòa Thượng, với xu thế hội nhập hiện nay, trong tương lai liệu Liên Tông Non Bồng và Nhứt Nguyên Bửu Tự vẫn tổ chức niệm Phật xuyên suốt 100 ngày hay có đổi mới bằng cách cắt giảm bớt số ngày tu tập, xen kẻ thuyết pháp, và tăng số lượng, có thể là hai hay ba khóa trong một năm?

* Trong quyển “Tiến trình tu chứng” của Người Mây Trắng cũng từng góp ý tổ chức khóa tu là nên có tổ chức thuyết pháp, xen kẻ cho sinh động hơn. Nhưng trong quyển “Một Trăm Ngày Niệm Phật & Một Trăm Bài Pháp” có phúc đáp việc nầy: “...hành giả muốn nghe pháp thì đến Quan Âm Tu Viện học Phật pháp và giáo lý Phật học. Ở Nhứt Nguyên Bửu Tự là khóa tu dành cho các bậc niên cao kỷ trưởng, thiện tri thức, những gia đình Phật tử trẻ hiểu biết Phật pháp, các bậc tôn túc Tăng Ni, các nhân sĩ tri thức đến đó thực hành chứ không phải học nữa!

Đổi mới chăng? Dấu chân xưa của Phật trải suốt trên 2.500 năm, việc tổ chức “an cư kiết hạ” trong thời gian ba tháng vẫn không bao giờ đổi thay. Cũng thế đấy, khóa tu “100 ngày niệm Phật” mới có 68 năm sáng lập, 55 năm làm tông chỉ Tinh Độ Non Bồng,. 50 năm niệm Phật tại Nhứt Nguyên hiện nay vẫn đáp ứng nhu cầu tu hành rất phù hợp trong từng giới sĩ nông công thương, trở thành nền nếp căn bản trong việc tu hành của Tăng Ni, Phật tử, nên chưa đến lúc thay đổi khóa tu niệm Phật!

6. Hòa Thượng có theo dõi xuyên suốt khóa tu trong 50 năm qua không? Hòa Thượng cảm thấy như thế nào trong năm thứ 50 khóa tu được tổ chức? Những lợi ích và thành quả gì khóa tu đã đem lại?

Là khóa tu do Tông phong đứng ra tổ chức, ngày từ đầu trách nhiệm chính là Ni Trưởng Tông phong, chư giáo phẩm Tăng Ni kết hợp với các Trưởng lão trong hội đồng Nhứt Nguyên Bửu Tự, Sư cũng như quý Hòa Thượng Huệ Hải, HT Thiện Thành, HT Thích Thiện Hồng, HT Thích Giác Tông tham gia Ban Tổ chức, dẫn chúng niệm Phật.

Từ năm 1997 đến nay hằng năm kết hợp Ban Trụ Trì Nhứt Nguyên Bửu Tự, được suy tôn chứng minh, Sư thường xuyên cử một số vị Tăng Quan Âm tu viện đến lãnh trách nhiệm, như: hương đăng, tiếp tân, hành đường, nấu ăn, trợ duyên dẫn chúng niệm Phật suốt thời gian 3 tháng. Riêng Sư lúc nào cũng biên sọan sách, thuyết giảng nhiều nơi, viết bài cổ động khóa niệm Phật, tán dương công đức niệm Phật, hướng dẫn giới thiệu chư Tăng Ni khắp nơi đến đăng ký niệm Phật. Ngoài ra khi nào ban tổ chức gặp khó khăn về mặt Giáo Hội, Sư đứng ra can thiệp. Tuy nhiên khóa niệm Phật Nhứt Nguyên Bửu Tự là trú xứ ổn định, lúc nào cũng được Giáo Hội, các cấp chính quyền ủng hộ.

Từ 50 năm qua khóa niệm Phật tai Nhứt Nguyên là khóa tu có truyền thống thừa kế biệt truyền, nối thừa chánh pháp kinh qua pháp tu niệm Phật. Đây là cơ sở đào tạo thêm Tăng Ni, quần chúng Phật tử, thêm một người niệm Phật là bớt đi một cái ác trong đời, góp phần cải thiện nếp sống quần chúng có văn hóa, có đạo đức trên địa bàn dân cư. Xa hơn nữa là góp phần công đức hoằng pháp lợi sanh cùng các bậc vãng bối. Ngoài việc hướng dẫn niệm Phật theo tông chỉ, khóa niệm Phật còn là cơ sở hoằng truyền giáo pháp Phật, giúp cho người tu đạt đỉnh cao hành trình tu chứng, có vị bất thối chuyển đường đạo, góp phần xây dựng tư tưởng tốt lành, nhưng tư tưởng cao đẹp nhiếp hộ trong từng giới. Ngày nay người dân Việt Nam phát tâm ăn chay là việc hằng ngày chứ không còn là việc xa lạ trong các gia đình nữa!

Khóa tu “bá nhựt trì danh, cầu sanh Tịnh độ” lần thứ 50 tại Nhứt Nguyên Bửu Tự là khóa tu có uy tín, ổn định nhiều mặt, như ổn định cơ sở, ổn định trật tự địa phương, được Giáo hội, cũng như Nhà nước các cấp ủng hộ, đánh giá cao. Về mặt truyền thống, đây là khóa tu lâu bền nhất trong các khóa tu Phật tại Việt Nam. Khóa tu chẳng những giúp cho Tăng Ni, Phật tử trong tông phong được tiến hóa trong từng niệm, sáng tạo trong từng niệm, giúp cho hành giả thanh tĩnh tâm linh, tuệ giải sáng ngời, tu hành bất thối chuyển.

Sanh tiền, lời của Đức Sư Ông thường dạy: “các gia đình cố gắng tu hành, chồng tu, vợ tu, con cháu công phu Di Đà. Niệm Phật đem lại hạnh phúc an vui trong gia đình, giúp cho mọi người trong từng giai cấp xích lại gần nhau hơn, các anh chị em sinh viên học sinh hiền hòa nhã nhặn, không còn phân biệt những dị biệt giàu nghèo sang hèn, các hành giả tôn trọng lẫn nhau trong từng lãnh vực cuộc sống”.

7. Theo Hòa Thượng, có nên nhân rộng mô hình tổ chức niệm Phật 100 ngày như tại Nhứt Nguyên Bửu Tự không? Những tâm nguyện, mong mỏi và trăn trở của Hòa Thượng cho khóa tu là gì?

* Ai có khả năng, có phước đức thì cứ tổ chức khóa tu. Hiện nay cũng có các chùa trong tông phong nương theo mô hình khóa niệm Phật 100 ngày ở Nhứt Nguyên Bửu Tự mà tổ chức tu 1 tuần lễ như ở chùa Bửu Quang, Quận 8, Tp.Hồ Chí Minh; chùa Trường Bình ở Bình Phan, Chợ Gạo, Tiền Giang; chùa Phổ Thiện Hòa, thị xã Thủ Dầu Một; chùa Quan Âm, xã Thái Hòa, thị xã Tân Uyên; chùa Long Phước Thọ, xã Long Phước, huyện Long Thành; Di Đà Tu Viện, xã Nghĩa Trung, Bù Đăng, Bình Phước; Đạo tràng Bông Sen... tổ chức từ 1 đến 3 ngày dành cho chư Tăng Ni, Phật tử niệm Phật.

Bản thân Sư mong mỏi trong tương lai về lâu dài, các hậu duệ kế thừa có tổ chức thuyết pháp và giảng giáo lý dành cho nam nữ Phật tử. Các anh chị em sinh viên học sinh có thể đến đó tu học. Tuy nhiên, không nên tổ chức rườm rà, hình thức huy hoàng tráng lệ như các nơi khác trong nước và ngoài nước làm trở ngại sự tinh tấn các hành giả niệm Phật.

8. Hòa Thượng có điều gì nhắn nhủ với các hành giả đang tu tập tại Nhứt Nguyên Bửu Tự và những Phật tử muốn tham gia khóa tu?

* Khóa niệm Phật 100 ngày ở Nhứt Nguyên bửu tự là “chất liệu thật” của khí chất Tịnh Độ Non Bồng, nên giữ “chất liệu thật” đó thì niềm tin của Tăng Ni, Phật tử mới vững. “Chất liệu thật” đó không nên vì thế sự mà để những ngọai cảnh “hào nhoáng, tu hình thức” chi phối thì không còn là khóa tu “chất liệu đạt chuẩn” của “Liên Tông” nữa.

Chư hành giả niệm Phật tại Nhứt Nguyên Bửu Tự là những người có căn lành khí tốt, lúc nào cũng khởi tâm thanh tịnh đến với khóa tu; vượt mọi trở lực, gió bấc bão bùng, mưa thu giá lạnh. Khách đến đăng đàn niệm Phật thành tâm sưởi ấm tấm lòng người cô lữ.

Các Bạn ơi, có biết bao nhiêu gia đình trẻ đến Nhứt Nguyên niệm Phật. Những dư âm niệm Phật tạo nên một không khí tràn đầy hy vọng, cuộc sống nhịp theo từng hơi thở của hân hoan. Niệm Phật khí tham sân si không còn, không phát sanh trong từng mỗi niệm. Niệm Phật mang lại đời sống tươi trẻ, là hình ảnh vang bóng trong ao liên trì thế giới Tây Phương. Các Bạn nên tham gia khóa tu 100 ngày sẽ giúp Bạn thông minh tỏa sáng trên đường phụng sự đạo đời toàn vẹn.

BBT Linh Sơn Phật Giáo



Có phản hồi đến “Phỏng Vấn HT Thích Giác Quang Nhân Nửa Thế Kỷ Khóa Tu Niệm Phật 100 Ngày Tại Nhứt Nguyên Bửu Tự ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com