I. PHẬT GIÁO THEO DÒNG LỊCH SỬ:

Phật giáo có mặt tại Việt Nam sớm hơn Trung quốc, do các nhà sư Thiên Trúc theo thương thuyền du nhập vào khoảng thế kỷ thứ II sau công nguyên qua truyện cổ tích Chử Đồng Tử học đạo với nhà sư Ấn Độ, lúc bấy giờ Luy Lâu (Bắc Ninh) là thủ phủ của quận Giao Chỉ, cũng là trung tâm Phật giáo. Truyền thuyết về Thạch Quang Phật và Man Nương Phật Mẫu xuất hiện cùng với sự giảng đạo của Khâu Đà La trong khoảng các năm 168-189, Phật giáo hình thành nên hệ thống tín ngưỡng thờ Tứ Pháp. Do tiếp thu Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ nên từ Buddha được phiên âm trực tiếp thành "Bụt", từ đó chữ "Bụt" được dùng nhiều trong các truyện dân gian. “Bụt” được dân gian hóa coi như một vị thần cứu giúp người tốt. Sau này, vào thế kỷ thứ IV, thứ V, do ảnh hưởng của Phật giáo nhà Hán từ Trung Quốc mà từ "Bụt" bị thay thế dần bởi từ "Phật". Trong tiếng Hán, từ Buddha được phiên âm thành từ "Phật đà", rồi được rút gọn thành từ "Phật".

Đến thời Ngô, Đinh, tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh, được coi là quốc giáo, ảnh hưởng đến tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống từ triều đình đến dân thường, mãi cho đến nhà Hậu Lê thì Phật giáo đi vào giai đoạn suy thoái. Vào cuối thế kỷ thứ 18, vua Quang Trung cố gắng chấn hưng đạo Phật, chỉnh đốn xây chùa, nhưng vì mất sớm nên việc này không có nhiều kết quả. Đến thế kỷ XX, ảnh hưởng mạnh các phong trào chấn hưng Phật giáo của thế giới, Phật giáo Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ, khởi đầu từ các đô thị miền Nam với các đóng góp quan trọng của các Thiền sư Khánh Hòa, Ts Từ Phong, Ts Khánh Anh, Ts Huệ Quang, Ts Thiện Chiếu và các Thiền sư cận đại. Trải qua nhiều cuộc chiến, Phật giáo cũng đã có những tu sĩ và Phật tử hiến đời sống riêng tư vì độc lập tự do cho Tổ quốc. Dù thời chiến hay bình, sự hiện diện của Phật giáo vẫn là mạch sống tất yếu mà người dân cho dù thành phần nào, ít nhiều chất liệu Phật cũng thấm vào máu thịt người Việt.

II. HOẰNG PHÁP VÀ TỪ THIỆN:

Người tu sĩ Phật gởi thân tâm mình trong đời sống giải thoát, nhưng bên cạnh lúc nào cũng cưu mang một hạnh nguyện lợi tha trước thực trạng xã hội còn nhiều bất cập về đời sống của mọi người, từ đó Phật giáo du nhập vào quốc gia nào luôn đồng hành cùng dân tộc đó. Xưa các thiền sư chỉ giúp vua về kế sách chính trị và ngoại giao với lân bang; còn ngày nay xã hội con người phát triển nhiều mặt, đời sống người dân vì thế mà cần những nhu cầu mang tính thời đại. Người tu sĩ lúc nào cũng có những phương án thực tiễn để giúp xã hội phần nào về cơm áo gạo tiền. Trách nhiệm tu sĩ Phật giáo ngày nay cần đi vào thực tiễn hơn nữa để đặt nền móng vững chắc cho sự hiện diện và tồn tại của chính mình.

Đức Phật cũng từng dạy: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”, không thể xa rời thế gian tìm sự giác ngộ, vậy thế gian là gì nếu không là những nhu cầu vật chất và tâm lý trong cuộc sống? Chư Tổ cũng từng dạy: “Thế gian pháp tức Phật pháp”, như thế, giải quyết được những nhu cầu bức thiết của hiện trạng xã hội, cho dù trong phạm vi hẹp của một khu vực, tức cũng đã giải quyết được một phần mắc mứu thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, thể hiện tâm từ với cuộc sống, đạo đời viên dung. Tuy nhiên, các đợt cứu trợ mỗi phần quà vài ba trăm nghìn cách xa hàng trăm km cũng chỉ giải quyết cuộc sống của người dân tại đó không quá một tuần, thời gian còn lại cuộc sống của họ sẽ ra sao? Chưa nói chi phí vận chuyển hàng hóa và số người tháp tùng bằng với giá trị số quà đem đến, thật vô lý và phí phạm. Và cứ như thế tập cho họ có tính đợi chờ sự giúp đỡ, sanh ra thụ động trây lười. Chúng ta có thể suy niệm hơn thế nữa: “thay vì cho con cá, hãy cho họ cần câu” để tự tạo cuộc sống.

III . TINH THẦN GIÁO LÝ NGŨ MINH:

Người tu thường nguyện hằng đêm: “thượng báo tứ ân, hạ tế tam đồ khổ”, trên thì đáp đền bốn ân, dưới đón đưa mọi người ra khỏi khổ, người tu nào cũng có thể làm được nếu hạ quyết tâm. Trong Kinh Tâm Địa Quán, Phật dạy: Bồ tát báo tứ trọng ân thì phải thông suốt nhị đế, nhị đế là chơn đế và tục đế. Chơn đế thì hành đạo xuất thế, lúc nào cũng mang tiêu chí giải thoát sanh tử luân hồi, tục đế thì phải thông suốt ngũ minh, ngũ minh là Thanh Minh, Nhân Minh, Công Xảo Minh, Y Phương Minh và Nội Minh.(Kinh Tâm Địa Quán, phẩm Báo Ân, bản dịch HT Thích Tâm Châu)

Thanh minh: Trong quá trình tu hành, người tu sĩ không quên mọi người xung quanh cũng muốn tìm cầu những vấn đề siêu thoát, những vấn nạn trong cuộc đời, những gì làm cho con người đau đớn về phần tinh thần mà không thể đơn phương giải quyết... Người tu sĩ Phật giáo có thể giúp họ giải thoát mọi chướng duyên phiền não khổ đau, những pháp mà họ không thấy không biết. Muốn giúp cho mọi người có những lối sống thoát xác, người tu phải là nhà lý luận giỏi, để có cơ sở đưa mọi người ra khỏi bế tắc về tinh thần trong xã hội đầy kiêu căng và tật đố.

Nhân Minh: Mọi người đói nghèo, hướng dẫn cho mọi người tìm ra đâu là nguyên nhân đói nghèo, đói nghèo do dốt nát, dốt nát do thiếu trí tuệ, chỉ sống dựa dẫm vào thần linh, mong sao cho họ một ít phước lành để có được những hạnh phúc nhất thời như ánh sáng với phù du. Muốn cứu vớt cho họ ra khỏi những khổ đau, người tu cấn có những trí tuệ khả dĩ, những tài năng vốn có và đã học đem ra giúp cho mọi người được sáng suốt, được mở mắt, được thấy ánh sáng cuối đường hầm, đó chính là đạo đức và trí tuệ mở thông. Giáo hóa cho mọi người biết cải ác tùng thiện để thoát khổ, đem ánh sáng trí tuệ giúp họ sáng suốt, có nghề nghiệp thoát đói nghèo Công Xảo Minh: Người tu sĩ cần có óc sáng tạo, thông suốt những ngành nghề phù hợp với đời sống tu sĩ, tạo nên nếp sống cộng đồng, chế tác những nhu yếu phẩm, nhu cầu cần thiết hằng ngày; tùy theo khả năng từng địa phương mà khai thác những tài năng, nghề nghiệp của mọi người, hổ trợ cho họ có công ăn việc làm, thoát nghèo, thoát nghèo thì có đạo đức.

Người tu sĩ có thể khuyến khích những Phật tử có khả năng tài chánh, thành lập công ty chế biến vật dụng tiêu dùng, mở xí nghiệp sản xuất các mặt hàng gia dụng, dân dụng, tạo điều kiện cho mọi người có ý thức cuộc sống cộng đồng, thoát được những đói nghèo khổ đau oằn oại, sống sung túc bình đẳng với mọi người. Y Phương Minh: Các xứ Phật giáo vùng Tây Bắc Á, các Lạt Ma ai cũng là Thầy Thuốc, làm Thầy Thuốc vừa chữa trị bệnh cho chính mình, vừa chữa trị cho mọi người. Làm tu sĩ tu theo môn Y phương minh, đã chẳng những trị bệnh thân mà còn chữa trị bệnh tâm, bệnh cố chấp, bệnh phó thác cho thời đại, thời gian đưa đẩy đến đâu cũng được. Người tu sĩ cần có kiến thức y học, giúp người có phương tiện học y học để cứu giúp chúng sanh thoát cơn họan nạn mà tu tĩnh.

Đứng về góc độ trị tâm, người tu hướng dẫn chúng sanh những pháp tu tứ đề, thập nhị nhơn duyên để diệt ngã, tinh chuyên tu hành diệt tham sân si, thoát những ù lì của thân, làm cho thân có sức khỏe đề kháng những bệnh sơn lâm chướng khí.

Nội Minh: Xiển dương giáo pháp Phật, xương minh pháp tu dành cho những ai quyết tâm học đạo giải thoát, chia thành hai nhóm Thể nhập và Tiếp hiện. Thể nhập thì chuyên cần thiền định, giữ giới, cầu tuệ giải thoát, tạo cho các tu sĩ có ý thức kiên định về giới luật; giới luật còn là chánh pháp còn, giới luật được có người giữ gìn hoằng truyền thì Đức Phật vẫn ngự trị thế gian. Tiếp hiện thì đi vào đời, vừa mang ý thức mới, hội nhập, vừa tu hành vừa giúp đời, gần gũi với đời, như người thông thuộc về pháp sự đạo tràng luôn luôn gần gũi với xã hội bá gia khi có hậu sự . Gặp người bị nạn, nhà sư dạy người làm Y tá cứu thương, người khố rách áo ôm, thì tu sĩ khuyến khích cộng đồng Phật tử tăng gia sản xuất tạo ra cơm áo gạo tiền giúp người thoát cảnh cơ hàn, gặp người hung ác tu sĩ nguyện trở thành thánh hiền giúp họ cải ác tùng thiện, gặp người khổ giúp cho được vui. Nhìn chung, thực hiện theo pháp môn nội minh, người tu sĩ phải là nhà đạo hạnh lão thông uyên bác kinh sử, có nhiều phương tiện vũ hành làm Phật sự từ thiện cứu thế độ dân qua cơn bĩ ngạn.

IV . KẾT LUẬN:

Tinh thần từ thiện kinh qua giáo lý ngũ minh được trình bày trên đây chỉ là đề án có tính tổng thể, nhưng trong quá trình thực hành phải tùy theo từng khu vực, từng điều kiện để tùy duyên mà làm Phật sự. Nghe có vẻ quy mô và khó khăn, nhưng với một người hoằng pháp năng động, chịu khó với tâm “phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật” thì không việc gì mà không làm được. Từ lâu rồi chúng ta nói rất nhiều về lý thuyết, giờ đây, thử bắt tay vào việc, đổi mới phương cách hoằng pháp tại các vùng sâu vùng xa. Như đã có một vài Đại Đức, Sư Cô tìm đến những vùng Tây nguyên, Tây Bắc, những làng quê có đời sống khó khăn nhất để hành đạo, xây dựng mô hình tu hành niệm Phật, hướng dẫn người dân tu hành, thông suốt giáo lý Phật, tự tin làm ăn và đi lên, dân tình từ khổ trở nên vui... âu đó cũng là khích lệ phần tinh thần của dân quê và họ sẽ vui lên khi có một mái chùa gần kề bên đời sống hằng ngày, chắc chắn công việc làm kinh tế của họ sẽ sung túc và ngày càng đi lên.

Việc Phật giáo đồng hành cùng dân tộc như thế cũng không có gì mới mẻ, vì từ rất lâu các Thiền sư Vạn Hạnh, Ts Khuông Việt, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã từng xả thân một đời vì Phật Pháp và quê hương đất Việt, thể hiện hạnh nguyện Bồ tát Quán Thế Âm.

Ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh Đồng Nai có một đội ngũ giảng sư trẻ, có năng lực, nhiệt quyết và năng động, đủ sức bước chân tiên phong hội nhập dòng đời hoằng dương chánh pháp.

Ban Hoằng Pháp Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng



Có phản hồi đến “Hoằng Pháp Và Giáo Lý Ngũ Minh”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com