Tham luận của Ban Từ Thiện Phật giáo tỉnh Đồng Nai
Cổ Đức có dạy : "Từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc
Bi năng bạt nhất thiết chúng sanh chi khổ ".
Tạm hiểu là: “Lòng thương yêu có khả năng đem đến cho tất cả chúng sanh an vui, Lòng thương xót có khả năng cứu tất cả chúng sanh thoát khổ.”
Chư Phật vì lòng thương chúng sanh và lòng từ bi vô hạn nên đã ra đời độ khắp quần sanh. Chính kim khẩu của Ngài đã giảng nói các pháp đem lại an vui, giải thoát cho chư thiên và loài người. Người Phật tử phải thấm nhuần tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả, biết sống yêu thương và biết hy sinh.
Đương thời giảm kiếp, giữa những biến động của cuộc sống của thời đại, trình độ đạo đức của nhân sinh ngày một sa sút, trái lại tội ác ngày một gia tăng. Nghiệp lực của nhân sinh chiêu cảm nên khắp nơi nổi lên chiến tranh, thiên tai, bão lụt, hạn hán bất thường. Đức Phật dạy: “Tất cả sự khổ vui đều do tâm tạo”. Muốn chuyển hóa tâm địa con người, chúng ta phải tìm hiểu từ căn nguyên. Muốn trừ tâm niệm xấu ác phải giúp cho người bớt khổ.
Là những người sứ giả của Như Lai, ngoài trách nhiệm hoằng dương chánh pháp, tất cả chúng ta còn luôn sẵn lòng đem tình thương và nguồn an vui đến với chúng sanh. Chính vì vậy, trong các hoạt động của Ban từ thiện xã hội tại tất cả Ban Trị sự Tỉnh Thành, Quận, Huyện, xã, phường… từng người con Phật không quản gian lao khó khăn vất vả đi đến những vùng sâu, vùng xa, đi cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lụt, xây dựng những căn nhà tình thương, những lớp học tình thương, làm cầu, đắp đường, đào giếng, lập phòng thuốc nam, tặng xe lăn, xe lắc cho người tàn tật, vận động các ca mổ mắt, mổ tim cho người già, trẻ em, ấn tống Kinh cho người mù…. Số tiền cho hoạt động từ thiện của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai lên đến hàng tỷ đồng trong những năm qua. Tất cả chúng ta đã không ngại khó, ngại khổ… chỉ mong sao xoa dịu được những nỗi đau thương và đem lại chút niềm an vui cho cuộc đời.
Nhân lễ ra mắt Ban Từ thiện Xã hội TW GHPGVN, nhiệm kỳ VI (2007 – 2012) và triển khai chương trình hoạt động trong nhiệm kỳ mới, Ban Từ thiện Phật giáo tỉnh Đồng Nai xin có vài ý kiến chia sẻ kinh nghiệm về công tác TTXH trong thời đại mới.
I.Nên kết hợp công tác TTXH với công tác Hoằng Pháp:
Chúng tôi thiết nghĩ việc kết hợp công tác TTXH với Hoằng pháp là việc làm cần thiết và hoàn toàn có khả năng thực hiện được mà chúng tôi tạm gọi là “Bước song hành giữa Từ thiện và Hoằng pháp”.
Tất cả chúng ta đều là những người thường tiếp cận với những cảnh khổ đau của cuộc đời. Nhiều cảnh thương tâm khiến ta có thể rơi nước mắt, nhưng nếu chỉ giúp đỡ về mặt vật chất không thì chưa đủ mà phải xoa dịu sự khổ đau trong tâm và nhọc nhằn trong cuộc sống bằng những pháp thoại ngắn trước khi tặng những phần quà bé nhỏ. Chính những điều này đôi khi lại có tác dụng tốt đẹp như đem lại niềm tin cho những người lâm vào hoàn cảnh khó khăn, hoặc khẳng định Phật tánh trong mỗi cá nhân để cùng tu tâp trên lộ trình về bến Giác. Do vậy nếu người đi cứu trợ có khả năng hoằng pháp sẽ biết cần phải nói điều gì là thiết thực và còn tác dụng cho đời sống tinh thần của những người nghèo khó hoặc bất hạnh trong hoàn cảnh đó, bằng không, phải có sự kết hợp giữa người làm công tác TTXH với người làm công tác hoằng pháp.
Vì sao như vậy? Nhân những lúc khó khăn lại được chia sẻ nỗi bất hạnh, người ta dễ dàng có thiện cảm và sẽ chịu lắng nghe. Hoặc đơn giản hơn thì hướng dẫn họ niệm danh hiệu Phật. Chúng tôi từng nói với họ, “các vị không cần cảm ơn chúng tôi, chỉ cần các vị không làm các điều ác và tập niệm Nam Mô A Di Đà Phật”. Đang lo lắng trước những thiên tai, bỗng nhiên như có ông Bụt xuất hiện với những phần quà giúp qua cơn khó, “một miếng khi đói bằng gói khi no”, người ta dễ phát tâm tin tưởng như tin có đức Phật từ bi đã đến giúp họ ngay những lúc không còn biết trông đợi vào đâu? Khi bước chân người cứu trợ và hoằng pháp cùng bước đến là cho những người bất hạnh có một niềm tin. Như những giọt nước cành dương rơi vào một trái tim thương tích. Phẩm vật giúp họ phần nào qua cơn đói khổ, nhưng ánh sáng Phật pháp chiếu soi trong tâm những người không may mắn kia sẽ giúp họ nhiều hơn trong những ngày kế tiếp. Nếu chúng ta không làm được những điều này, thì việc làm từ thiện của chúng ta cũng không có nhiều kết quả trong việc cứu khổ ban vui.
II.Phổ cập kinh điển trong công tác từ thiện đối với người khiếm thị
Ban Từ thiện Phật giáo tỉnh Đồng Nai đề nghị ban Từ thiện ở tất cả tỉnh thành, quận huyện tìm hiểu và cho chúng tôi biết số lượng những người mù có thể đọc chữ nổi. Nếu trong số họ ai muốn phát tâm tụng đọc kinh điển chúng tôi sẽ tặng những bản Kinh bằng chữ nổi cho họ. Cụ thể như Kinh Pháp Hoa, Đại bi và Thập chú, Kinh Vu Lan, Kinh Địa tạng, Kinh Phổ môn, Kinh Dược sư…Chúng ta có thể kết hợp công tác TTXH với việc tặng Kinh trong những đợt thăm viếng và tặng quà cũng như hoằng pháp cho người khiếm thị hoặc người mù. Đây là một việc làm ý nghĩa đem lại một giá trị tinh thần vô giá cho những người không thấy ánh sáng cuộc đời.
III.Tạo điều kiện để sanh khởi lòng từ bi :
Con người vì áp lực của cuộc sống đè nặng nên khó phát khởi được lòng tốt tự nhiên của mình. Vẫn biết công tác TTXH cần nhiều bàn tay của những nhà hảo tâm trợ giúp. Nhưng nếu không chứng kiến tận mắt nỗi đau thì người ta không thể có cảm xúc để mà chia sẻ. Tại sao có những em nhỏ dành dụm tiền ăn sáng để quyên góp giúp đồng bào bị thiên tai, bão lũ? Vì các em được xem ti vi, được đọc báo và nhìn những cảnh đời bất hạnh, các em thấy xúc động thực sự. Chúng tôi đã từng tổ chức cho quý Phật tử đến thăm những trường dành cho trẻ khuyết tật. Sau khi chứng kiến các cháu bị mù, bị câm, bị điếc, bị dị tật chân tay sinh hoạt khổ sở như thế nào, ai ai cũng tự nguyện đóng góp tiền, sách bút. Hay làm cho mọi người và đặc biệt là giới trẻ thực sự xúc động trước những bất hạnh của người khác bằng báo chí, truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng khác bằng nhiều hơn những hình ảnh hiện trường, hoặc có điều kiện thì tạo phương tiện cho nhiều người đến thăm trực tiếp những số phận không may mắn ở rất nhiều trung tâm bảo trợ, các miền quê nghèo...
Cuộc sống có nhiều lo toan bận rộn nhưng khi đã được chứng kiến tận mắt những mảng đời bất hạnh thì những tấm lòng nhân ái sẽ dễ dàng mở rộng cho những nghĩa cử cao đẹp, không mảy may toan tính thiệt hơn. Đó là một cách giáo dục lòng bi mẫn trong tâm hồn của mỗi con người, đặc biệt là giới trẻ biết sống và quan tâm đến mọi người đang đau khổ quanh ta.
Trên đây là vài ý kiến của Ban Từ thiện Phật giáo Tỉnh Đồng Nai. Chúng ta cùng cầu nguyện cho một chương trình hoạt động từ thiện được nhiều kết quả tôt đẹp hơn nữa trong những ngày tháng sắp tới trong tinh thần đoàn kết, tương trợ và xây dựng của những người con Phật để tất cả chúng ta thực hành viên mãn công hạnh cứu khổ ban vui trong kiếp sống nầy và vô lượng kiếp mai sau.
Kinh chúc hội nghị thành công tốt đẹp.
T.M.Ban Từ Thiện Xã Hội
Phật Giáo Tỉnh Đồng Nai
Trưởng ban
(đã ký)
Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Giác