Trong các kinh Bản Sanh, Bản Sự, kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, Kinh Vu Lan, Kinh Địa Tạng, Kinh Hiền Ngu, Kinh Hiền Nhân, đức Phật đã chẳng những dạy cho môn đệ phải tu học hạnh hiếu đạo, mà còn phải hiếu đạo với mẹ cha. Chính Ngài đã nêu gương trước, từ trong những lần thị hiện giáo hóa trong hành tinh của chúng ta.

Quá trình hành đạo, đôi khi Đức Phật cũng nhớ Mẹ; vì vốn khi Đức Thánh Mẫu Maya vừa hạ sinh Ngài (Thái tử Sĩ Đạt Ta) tại công viên Lâm Tỳ Ni (kinh đô Ca Tỳ La Vệ) thì 7 ngày sau đã qua đời và thác sinh lên cung trời Đạo Lợi, khi nhớ Mẹ Đức Phật thường nhập định vào cung Đạo Lợi Thiên để thăm Mẹ và thuyết pháp cho chư Thiên cùng nghe. Đến khi xả thiền trở về thế gian thì tuyên thuyết những hạnh lành dạy môn đệ dù xuất gia hay tại gia đều nên báo ân cha mẹ.

Phật xưa hiếu thảo kể hằng sa
Đến kiếp hiện nay cũng đậm đà
Đạo lợi thiên cung về viếng mẹ
Ca Tỳ La Vệ đến tìm cha
Khom lưng đảnh lễ đối xương trắng
Đưa mặt cho hôn một mẫu già
Đến thác kim quan còn bật nắp
Soi cùng hiếu tử ai dám qua

Tại Quan Âm Tu Viện có hai bức ảnh : một bức sơn mài lớn của Phật Tử Võ Thị Mười, pháp danh Diệu Ngọc, Giám Đốc hãng sơn mài Solomon, Tp.Hồ Chí Minh thực hiện và cúng dường cho Thầy Tổ. Bức ảnh cao 2 mét, rộng 2 mét, độ dày 2,5 cm trình bày hình ảnh tiền thân Phật Thích Ca, do cha mẹ bị mù lòa, nên khi Ngài đi đâu và làm việc gì cũng gồng gánh một đầu là “Cha” và một đầu kia là “Mẹ” đi đó đi đây để vừa cho cha mẹ vui lòng, cụng vừa để tiện việc dâng cơm dâng nước, tuyệt đối không để cha mẹ sống xa mình…hình ảnh bức sơn mài tuyệt diệu nầy, hiện nay được Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Giác thuyên chuyển về tôn thờ tại Tổ Đình Linh Sơn, núi Dinh, trung tâm thành lập Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.

Còn một bức thứ hai, thứ ba họa chân dung nhỏ, khoảng 40cm x 60 cm, cũng hình ảnh Phật gánh Cha gánh Mẹ đang trưng bày tại Chánh điện Quan Âm Tu Viện, dành cho Tăng Ni, Phật Tử chiêm bái noi gương hiếu hạnh, hiếu đạo.

Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, khi Nhà Vua A Xà Thế sóan ngôi Vua Cha, đem cha nhốt nơi ngục thất, bỏ đói cho đến chết…nhưng hằng ngày Hòang hậu Vi Đề Hy lén đem vật thực, thức ăn cung cấp cho Vua, nên Vua Cha vẫn mạnh khỏe. Hay tin Vua A Xà Thế có một lần định tuốt gươm định giết Mẹ, nhưng cận thần Kỳ Bà can gián, và nói :”lịch sử xứ Ma Kiệt Đà không ai giết Mẹ bao giờ, nếu bệ hạ xuống tay giết Mẹ thì đất nước nầy sẽ không còn…xin bệ hạ không nên làm điều tàn ác, phi đạo lý, vô lương tâm…” – Vua nghe không giết Mẹ và quỳ xin lỗi Mẹ, thề không giết Me và xin quy y Phật, sám hối tội lỗi, đáy công chuộc tội bằng cách hộ trì Phật Pháp cho đến khi băng hà. Đấy là chuyện xưa, quá xưa, đã trên 25 thế kỷ !

Tôi được biết, ở thế giới Tây phương, thì sự hiếu đạo với cha mẹ thì có, nhưng không mặn mà lắm. Cụ thể trong kế họach gia đình thì khi cha mẹ già, gởi cha mẹ vào Viện Dưỡng Lão, đóng tiền hằng tháng nhờ Viện nuôi dưỡng, nói nhờ Viện cho tốt, chứ theo đạo lý đông phương thì cha mẹ nuôi con đến khôn lớn, con không nuôi cha mẹ mà lại nhờ người khác (Viện) nuôi, chỉ có thế thôi, thậm chí theo đạo đức tây phương còn không giổ chạp chi cả !

Đông phương ngày nay thì chuyện hiếu đạo với cha mẹ, hạnh lành nầy lại còn tăng trưởng tiếp tục nhiều hơn nữa. Ở Trung Hoa thì có Khổng Phu Tử dạy tu hiếu hạnh, thực hành hiếu đạo, người xưa viết sách nêu gương Thánh Hiền trong “nhị thập tứ hiếu” - ở Việt Nam thì lại càng nhiều hơn nữa từ xưa cho đến nay, từ đàng ngòai đến đàng trong từ hàng Vua quan đến thứ dân đều có tâm hiếu đạo, trong đạo thì có Ngài Ca Diếp, Ngài Vân Thê Châu Hoằng, thơ ca Việt Nam thì có Lục Vân Tiên dạy hiếu đạo…lòng hiếu của Vua Tự Đức, những bài vở hiếu đạo được truyền tử lưu tôn.

Và chỉ có hiếu đạo, hiếu hạnh thì con người mới làm nên sự nghiệp một cách hoàn thiện, ngược lại thì cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì cao cả nữa.

Mẹ trong thơ ca :

Mẹ già như cuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau

Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một Mẹ thôi

Mẹ trở thành hiển nhiên như trời đất
Như cuộc đời không thể thiếu trong con

……

Mẹ tôi ! tuổi thì cao lắm, lại càng cao hơn khi người đã thành người thiên cổ từ thuở nào rồi ! Người sinh vào năm 1916, tức là tuổi Canh Thân, khi sinh được đứa em cuối cùng (thứ tư) là Thanh Oanh vào năm 1953, chỉ một tháng sau, người đã qua đời và sống trên cuộc đời chỉ vỏn vẹn ba mươi bảy lần xuân quá.

Mẹ là nhà giáo dạy Pháp văn (sinh ngữ I, thời bấy giờ), vào thời ấy thì “danh giá” lắm, nhưng khi thất thời Mẹ mua bán tão tần để nuôi chồng con.

Anh tôi, Thanh Hải chết năm lên ba, Mẹ chỉ còn có tôi và em gái Thanh Yến và em gái Thanh Oanh…Nhưng tiếc thay tình thương của Mẹ dành cho chúng tôi quá ngắn ngủi, tôi thì lên sáu, em Thanh Yến lên bốn, em gái Thanh Oanh một tháng tuổi.

Tuy nhiên chúng tôi vẫn nhận được ánh sáng hạnh phúc từ gia đình, Ba tôi người đàn ông tuyệt vời, Ông cởi áo từ quan về quê vợ làn ăn, mở tiệm buôn mua bán :”với hòan cảnh gà trống nuôi con”, nhưng rồi Ông cũng không chịu nỗi cái cảnh “con không ai tắm rữa, cho ăn.v.v..”, nên phải “bước thêm một bước nữa” để nhờ kế mẫu trông nuôi con. Cái chân hạnh phúc của chúng tôi là ở chổ nầy :”Mẹ tôi là người từ mẫu hiền thục danh giá nhưng qua đời sớm, nhưng khi gặp người “kế mẫu” lại là một Phật tử tu tại gia, phước đức thay cho chúng tôi được sống vui và còn tiếp tục được rèn luyện tinh thần đạo đức Đạo Phật, đạo đức của Đức Phật Thích Ca.

Vốn dĩ Ba tôi cũng là Phật Tử thuần thành từ nhỏ, khi còn là học sinh tiểu học Trường Tây, nhưng vẫn được cạo đầu, ăn chay trường, lạy Phật, niệm Phật cho đến lớn khôn, đỗ đạt “bằng Thành Chung” đi làm việc, lập gia đình mới thôi. Nhưng rồi, kế mẫu cũng qua đời, lúc nầy chúng tôi trở thành Hòa Thượng, Ni Sư đi thuyết giảng truyền bá chánh pháp Phật, đứng lớp giảng dạy Phật Học cho Tăng Ni.

Theo Trung Hoa và Việt Nam hôm nay là ngày “mậu” tức là ngày vía “địa mẫu”, mọi người thì không tin, nhưng tôi thì tin, vì nơi đâu có thờ “địa mẫu” nơi đó an cư lạc nghiệp có chất xám cuộc sống, kinh tế phát triển nhiều hơn nơi không có thờ “địa mẫu”… Tinh thần dân tộc dân gian Việt Nam mà, cấm tín ngưỡng “địa mẫu thì không được”, nhưng người Thích Tử minh triết không phổ biến và truyền bá tín ngưỡng “địa mẫu” đến với Phật Tử, mà phải khuyến tấn họ thọ Tam quy, ngũ giới, giữ giới luật Phật là đủ rồi. 

Ở Việt Nam, từ “Mẹ” rất dồi dào người ta có thể kể từ “Mẹ” bằng các từ ngữ khác như : me, má, bà mẹ quê, cố quận, cố quán, quê mẹ, quê hương, đất mẹ (địa mẫu), từ mẫu, thánh mẫu, thân mẫu, mẫu thân, mẫu từ, nơi chôn nhau cắt rún…

Còn ở Tây phương thì có kỷ niệm ngày “Mẹ”, không biết ở bên đấy có khô khan lắm không ? Họ thưong Mẹ như thế nào tại Viện Dưỡng Lão ? Tôi nhớ không lầm thì là ngày nay hay mai chi đó ?

Người kitô thì nghĩ về thánh mẫu Nữ Vương : ”Mẹ đường đi đến chỗ cậy trông của chúng con”.

Chúng tôi thì nhớ Mẹ, kể chuyện “Mẹ của Sĩ Đạt Ta”, “Mẹ của dân gian (Địa mẫu)”, “Mẹ của con”, trong một thóang tâm tư với những bà Mẹ có đủ “tâm từ” dạy con đến nơi đến chốn, đến với chí đạo của người “Mẹ Á Đông”, đến với chí đạo của người “Mẹ từng được Đạo Phật giáo hóa”.

Quê Hương


Có phản hồi đến “Nghĩ Về Mẹ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com