Dân Quốc năm thứ 28, 100 tuổi. (1939/40)

Vào mùa xuân, trong kỳ truyền giới, các tỉnh đều bị binh đao loạn lạc. Tăng chúng đến chùa cầu thọ giới rất đông. Tôi đề nghị là trong tình cảnh loạn ly, chiến tranh tàn khốc, binh sĩ cùng dân chúng bị thương vong rất nhiều, phàm là người Phật tử, mỗi người phải phát tâm, thiết lễ đàn tràng, mỗi ngày sám hối hai giờ, cầu siêu độ cho các vong linh vất vưởng, cùng cầu nguyện tiêu tai giải nạn. Tôi cũng đề nghị là toàn thể đại chúng nên giảm bớt khẩu phần ăn của mình để dùng vào việc cứu giúp dân chúng. Lời đề nghị của tôi được chấp thuận và thi hành.

Xem thêm:

Biên Niên Tự Thuật Của Thiền Sư Hư Vân - Phần 1

Biên Niên Tự Thuật Của Thiền Sư Hư Vân - Phần 2

Biên Niên Tự Thuật Của Thiền Sư Hư Vân - Phần 3

(Đại sự trong năm: Ngày mồng một tháng chín, thế chiến thứ hai tại Châu Ấu phát khởi.)

Dân Quốc năm thứ 29, 101 tuổi. (1940/41)

Sau kỳ truyền giới vào mùa xuân, Quảng Châu bị vây hãm. Quân dân hai chánh phủ thối lui, trở về Triết Giang. Tăng chúng các nơi đổ dồn về chùa đông đúc. Tôi vẫn trùng tu chùa Đại Giám tại Triết Giang, làm hạ viện của chùa Nam Hoa, để tiện việc tới lui. Lại trùng tu chùa Nguyệt Hoa để tiếp đón tăng chúng.

(Đại sự trong năm: Tháng giêng, Uông Tinh Vệ cùng Nhật Bổn ký mật ước bán nước, cũng gọi là chánh phủ Dân Quốc, đóng đô tại Nam Kinh.)

Dân Quốc năm thứ 30, 102 tuổi. (1941/42)

Mùa xuân, sau khi truyền giới, tôi cấp tốc công trình xây dựng các điện đường mái ngói. Khoảng tám chín mươi người ra công sức xây cất chùa. Trong hai năm, có các đệ tử cùng chư thiện tín đến cúng dường được khoảng hơn hai trăm ngàn đồng. Tôi giao cho chính quyền địa phương dùng vào việc cứu giúp dân nghèo. Tôi không muốn giữ chút nào hết, vì dân chúng tỉnh Triết Giang đang bị chịu cảnh thiếu ăn, đói khổ khắp nơi. Năm nay, Triết Giang thành lập hội Phật Giáo Quảng Đông, đề cử tôi làm chủ tịch và cư sĩ Trương Tử Kiêm làm phó chủ tịch.

(Đại sự trong năm: Tháng chạp, chiến tranh tại Thái Bình Dương bộc phát. Quân Nhật công hãm Hồng Kông, Tân Gia Ba, Phi Luật Tân, Ngưỡng Quang, cùng các nước khác.)

Dân Quốc năm thứ 31, 103 tuổi. (1942/43)

Trong kỳ truyền giới, có thọ thần đến cầu thọ giới, rất là kỳ lạ. Giám viện Quán Bổn có ghi lại như sau:

“Vào lúc truyền giới, chợt có một hành giả đến, cầu thọ giới tỳ kheo. Khi được hỏi danh tánh là gì, người ở đâu, bao nhiêu tuổi, thầy thế độ là ai, có mang đủ ba y ca sa, một bình bát không, thì trả lời rằng Thầy vốn họ Trương, người Triết Giang, ba mươi bốn tuổi, không có thầy thế độ, cũng không có ba y ca sa và một bình bát. Vì lòng chân thành, nên Thầy được ban cho tất cả vật dụng cần thiết để thọ giới xuất gia, cùng với pháp danh là Thường Nhục. Trước khi được thọ giới, Thầy làm rất nhiều công việc nặng nhọc trong chùa như quét dọn lau chùi trong ngoài tự viện. Tính tình trầm mặc, không nói chuyện chi với ai. Khi được cho lên đàn thọ giới thì nhất nhất đều theo giới luật. Đến khi tam đàn đại giới sắp kết thúc, tức sau đàn truyền giới Bồ Tát, thì không ai tìm thấy Thầy đâu hết, mà y ca sa, giới cụ vẫn còn để lại giới đường. Việc này, từ từ mọi người cũng quên hẳn. Trước kỳ truyền giới năm sau, Vân Công mộng thấy vị thầy kia đến xin lại giới điệp. Được hỏi rằng Thầy đi đâu sau khi lễ truyền giới chấm dứt thì trả lời rằng Thầy ở chung với thần đất nơi đó chứ không đi đâu hết. Tỉnh dậy, Vân Công biết đó là thọ thần khi trước đến cầu thọ giới, nên bảo tăng chúng đem giới điệp đó đến dưới gốc cây cổ thụ bên cạnh chùa, nơi miếu thổ địa, mà đốt để trả lại cho thọ thần.”

Trong mùa hạ và mùa thu, tôi sửa lại am Vô Tận cho ni chúng trú ngụ. Chùa Đại Giám vừa được xây xong, nhưng công trình trùng tu chùa Nam Hoa vẫn chưa hoàn tất. Đồng thời, tôi luôn phải lo lắng những việc thế gian lẫn xuất thế gian tại Cổ Sơn. Không lúc nào được rảnh rỗi. Lại có máy bay Nhật cứ mãi quấy nhiễu không yên.

(Phụ chú: Từ lúc Nhật chiếm Quảng Châu, tỉnh phủ của chính phủ Dân Quốc dời về Triết Giang. Các tướng tá cao cấp thường lui tới chùa Nam Hoa. Tình báo Nhật biết được rằng chùa thường là nơi hội họp của chính phủ Dân Quốc. Ngày nọ, vào tháng bảy, quả nhiên có rất nhiều vị cao cấp trong chính phủ Dân Quốc đến chùa. Máy bay Nhật vì thế cứ lượn vòng quanh chùa mãi. Vân Công biết nguy hiểm sắp đến, nên bảo tăng chúng cùng mọi người nên trở về phòng xá, còn Ngài thì vào Tổ đường, một mình đốt hương, ngồi xếp bằng, tọa thiền. Lát sau, máy bay thả bom xuống vào một lùm cây bên bờ suối ngoài chùa, nhưng không nổ. Sau đó, một đoàn máy bay lại cứ lượn vòng quanh chùa mãi. Đột nhiên, có hai chiếc trong đoàn máy bay, tự đâm vào nhau, rồi rớt xuống, cách chùa khoảng bốn mươi dặm tại vùng Mã Bá. Cả người và máy bay đều tan xác. Từ đó, máy bay Nhật không còn dám bay ngang chùa trong những chuyến vào Nam ra Bắc nữa.)

Tháng mười một, tổng thống chính phủ Dân Quốc, họ Lâm, cùng các bộ trưởng, phái hai vị cư sĩ Chuyết Ánh Quang và Trương Tử Khiêm đến chùa thỉnh tôi qua Trùng Khánh, kiến lập pháp hội tiêu tai giải nạn. Ngày sáu tháng mười một, tôi khởi hành đến Hành Ngạc, dâng hương. Tướng Lý Tể Thâm cùng Quế Lâm phái Kế Quốc Trụ đến tiếp đón. Khi đến núi Nguyệt Nha nơi tướng Lý Tể Thâm đóng binh thì bốn chúng tại gia lẫn xuất gia đến tiếp đón tôi. Lúc đến Quý Châu, qua chùa Kiểm Minh, hòa thượng Quảng Diệu thỉnh tôi thượng đường khai thị. Đến Trùng Khánh, gặp các đại diện chính quyền cùng các tự viện đến nghinh tiếp. Sau khi gặp tổng thống họ Lâm và trưởng ban tổ chức họ Đái, chúng tôi cùng bàn thảo việc tổ chức pháp hội tại hai chùa Từ Vân và Hoa Nam.

Dân Quốc năm thứ 32, 104 tuổi. (1943/44)

Tháng giêng, tôi làm lễ sám, pháp hội cầu tiêu tai giải nạn. Đến ngày hai mươi sáu mới chấm dứt. Tổng thống họ Lâm, tướng họ Tưởng, bộ trưởng họ Đái, tướng họ Hà, v.v…, lần lượt mời tôi dự cơm chay. Tướng họ Tưởng vấn hỏi Phật pháp rất thâm sâu, từ luận duy vật duy tâm đến các tôn giáo hũu thần như Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa giáo v.v… Mọi chi tiết, tôi đều trả lời bằng thơ từ (có phần phụ chú, sẽ bàn sau). Tại chùa Từ Vân, chùa Hoa Nham, tôi lên tòa thuyết pháp. Thị giả là Duy Nhân có ghi lại chi tiết. Tháng ba, tôi trở về Nam Hoa sửa chữa tháp Hải Hội của bảy chúng. Khi đào đất lên thì thấy bốn cái hòm trống, không có hài cốt. Mỗi cái dài một thước sáu tấc, cùng một thẻ màu đen, hình vuông, khoảng tám tấc, trên hòm có khắc hình chim, động vật, biểu tượng thiên văn học, nhưng không ghi rõ ngày tháng. Tháng sáu, khai mở học viện giới luật để giáo hóa thanh niên tăng. Lại thành lập trường tiểu học tại làng Bảo Lâm cho các con em thuộc gia đình nghèo khó trong làng. Mùa đông, hoàn thành xây cất tháp Hải Hội.

(Đại sự trong năm: Tổng thống họ Lâm từ trần. Tưởng Trung Chánh lên nhậm chức tổng thống.)

Dân Quốc năm thứ 33, 105 tuổi. (1944/45)

Trong năm 1940, sau khi trùng tu lại chùa Tào Khê, đạo tràng Lục Tổ Huệ Năng xong, tôi cùng thầy Phước Quả đi Triết Giang, Khổng Nguyên để tìm đạo tràng Long Thọ, nhưng không thấy. Khi đến núi Vân Môn, giữa các bụi cây cỏ lác, gai góc, chúng tôi tìm được di tích một ngôi chùa cổ xưa và nhục thân của vị tổ sáng lập ra đạo tràng Vân Môn. Hai lần thấy tổ đình bị hư hoại đến mức thậm tệ, tôi không thể cầm được nước mắt. Xót thương thay, một vị tăng tên là Minh Không đã ở đó từ năm 1938. Thầy đơn độc chịu dựng gian nan, rét buốt để lo hương khói cho Tổ Sư. Chùa nếu không được sửa sang thì tương lai sẽ bị hư hoại hoàn toàn, chìm vào trong quên lãng. Lúc trở lại chùa Nam Hoa, tôi có thương lượng với chủ tịch Lý Tể Thâm, tướng Lý Hán Hồn, v.v… Sau này, tướng Lý Hán Hồn khi đi kinh lý qua vùng Khổng Nguyên đến núi Vân Môn, thấy chùa Đại Giác thiền tự bị hư hoại sụp nát như chùa Nam Hoa thuở trước, nên ông mới bàn với chư tăng và các thân hào địa phương, thỉnh mời tôi lo việc trùng tu ngôi tổ đình. Tôi chấp nhận, giao chức trụ trì chùa Nam Hoa cho đệ tử là Phục Nhân. Tôi được các ngài Lý Tể Thâm, Lý Hán Hồn, Châu Hồng giao tích trượng Vân Môn cùng một số tiền lớn để trùng hưng lại chùa. Dự đoán là chiến tranh sẽ lan tràn đến chùa Nam Hoa, nên tôi bí mật thỉnh chuyển nhục thân của Lục Tổ Huệ Năng và ngài Hám Sơn cùng các pháp bảo khác trở về núi Vân Môn. Lúc mới đến Vân Môn, tôi thấy hầu hết các chùa viện đều bị hư hoại hoang tàn, ngoại trừ chánh điện thờ tổ Vân Môn, nhưng cũng sắp tàn hoại. Tôi trú sau chánh điện Quán Ấm, định việc trùng tu lại các ngôi tự viện trên núi. Tháng mười, chùa Nam Hoa tổ chức đàn tràng Thủy Lục Không, thỉnh tôi về làm Pháp Chủ.

Dân Quốc năm thứ 34, 106 tuổi. (1945/46)

Giữa mùa xuân và hạ, quân Nhật chiếm đóng vùng phía bắc tỉnh Quảng Châu. Các huyện luôn bị vây hãm. Thành Khổng Nguyên cũng bị bao vây. Dân chạy nạn chiến tranh đến Vân Môn rất nhiều. Không đủ thức ăn. Đại chúng đồng cam cộng khổ. Mới đầu thì còn được ăn cơm, ăn cháo, sau lại đến uống bột gạo. Trong những người chạy nạn, có thợ mộc, thợ đào ống cống, thợ đun ngói gạch, gần cả trăm người. Họ cùng làm việc sửa chữa lại tự viện phòng xá mà không lấy tiền công. Thế nên, công lao của họ rất lớn trong việc trùng tu chùa viện trên núi.

Mùa hè, khi dân quân di chuyển qua căn cứ phòng vệ nơi khác, thì một nhóm cướp địa phương chặn đường, đánh phục kích. Quân lương bị tổn thất nặng nề. Đại quân tiếp viện đến, định đánh quân cướp trong vùng, bao bọc khoảng hơn bốn mươi làng. Thế nên, cả ngàn người, già trẻ, gái trai cùng mang đồ chạy nạn lên núi. Các bô lão trong vùng đến chùa cầu tôi giúp đỡ, thương lượng với quân binh. Vì thế, tôi đi thẳng đến doanh trại các vị tướng tá, bàn luận cả ba ngày. Tôi cũng kêu gọi nhóm cướp địa phương trả lại những quân nhu đã lấy được. Nhóm cướp này đồng ý, trả lại tất cả đồ vật cho quân binh. Do đó, cuộc sống dân lành trở lại bình thường. Từ đó, dân chúng kính thương chư tăng như mẹ hiền.

Quân Nhật tuy bao vây huyện thành, mà không dám quấy phá núi Vân Môn, nên dân trong vùng tránh được nạn chiến tranh.

(Đại sự trong năm: Tháng sáu, Mỹ thả bom nguyên tử tại Quảng Đảo, Nhật Bổn. Tháng chín, quân Nhật tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, trao thơ đầu hàng tại Nam Kinh. Tháng mười, chánh phủ Dân Quốc chiếm lại Đài Loan.)

Dân Quốc năm thứ 35, 107 tuổi. (1946/47)

Thế chiến thứ hai chấm dứt. Mọi người trở về quê quán làm ăn sinh sống bình thường. Tại chùa Nam Hoa, tôi vẫn truyền giới giảng kinh vào mùa xuân. Mùa thu, chính phủ ra lệnh các tự viện trong toàn nước phải tụng kinh, truy điệu, cầu siêu cho các vong linh tử sĩ. Quan dân sĩ thứ ở Tuệ Viên thỉnh tôi đến làm Pháp Chủ. Ngày mười bảy tháng chín, tại chùa Tịnh Huệ, tôi thiết lập đàn tràng tràng cầu siêu. Trong chùa có một cây đào, đột nhiên nở hoa, nhụy đài tinh khiết như lưu ly, thực chưa từng có. Trên trăm ngàn người đến xem, rất thích thú. Cư sĩ Tăng Bích Sơn hái hoa đào làm tượng Cổ Phật. Cư sĩ Hồ Nghị Sanh vẽ một bức tranh về hoa đào kỳ diệu này. Pháp hội xong, quan dân sĩ thứ ở Hồ Sán thỉnh tôi đến chùa Khai Nguyên tại Hồ Châu hoằng dương Phật pháp. Người thọ giới quy y rất đông. Mùa đông, đệ tử lớn của tôi là Quán Bổn thị tịch.

(Đại sự trong năm: Chánh phủ Dân Quốc trở về đóng đô tại Nam Kinh.)

Dân Quốc năm thứ 36, 108 tuổi. (1947/48)

Mùa xuân, tôi vẫn đến chùa Nam Hoa truyền giới giảng kinh. Mùa hạ, Đông Hoa Tam Viện thỉnh tôi qua Hồng Kông lập pháp hội cầu an. Đến Hồng Kông, tôi trú tại trường Sùng Lan do cư sĩ Tăng Bích Sơn tiếp đãi. Ông cũng trợ giúp tôi làm Phật sự. Người thọ giới quy y vài ngàn người. Cư sĩ Khoan Vinh, Lý Dân Hân thỉnh tôi qua Ma Cao giảng kinh, khai thiền thất. Người đến quy y cũng vài ngàn người. Cư sĩ Mã Thi Truyền thỉnh tôi đến Thạch Kỳ, huyện Trung Sơn, lập pháp hội Đại Bi Sám Pháp. Người quy y cũng vài ngàn người. Phật sự xong, tôi trở về Vân Môn đốc thúc công trình xây dựng lại các tự viện.

Dân Quốc năm thứ 37, 109 tuổi. (1948/49)

Mùa xuân, truyền giới xong, tôi đi Tuệ Viên để khai sáng nhà thương Phật giáo Chí Đức. Tôi lại đến Hồng Kông giảng kinh tại Từ Hàn Tịnh Uyển nơi Sa Điện. Giám viện Trí Lâm thỉnh tôi khai mở tuần niệm Phật thất, thuyết ba quy y, năm giới cấm, lại qua Đông Liên Giác Uyển làm lễ bái sám, rồi trở về Vân Môn. Tháng năm, pháp sư Giới Trần thị tịch tại Vân Nam. Một bà người Mỹ tên là Ananda Jenning đến chùa cầu giới, học thiền đả thất, rất hoan hỷ.

(Phụ chú: Trong năm, có bà người Mỹ tên là Ananda Jenning, mến mộ thiền đức của Vân Công, từ ngàn dặm xa xôi, đáp máy bay qua Hoa Lục để cầu Vân Công chỉ dạy. Bộ ngoại giao Hoa-Mỹ báo tin. Vân Công chấp thuận. Đầu tiên, bà gặp Vân Công tại Hồng Kông. Bà lược thuật lý do muốn gặp Vân Công là vì thích nghiên cứu Phật pháp. Cha bà vốn là bác sĩ người Thiên Chúa giáo. Bà đã từng nghiên cứu về Thần giáo hơn hai mươi năm, nhưng không hiểu rõ cho lắm, nên mới đi khắp nơi học hỏi nghĩa lý Phật pháp. Sau đó bà qua Ấn Độ tu hành, nhập thất bốn năm, được chút sở đắc, nhưng vẫn còn chỗ nghi, nên nay không quản muôn dặm đường, tìm thầy học đạo. Sau đó, bà được đưa về chùa Nam Hoa, thọ giới quy y, pháp danh là Khoan Hoằng. Vân Công khai mở thiền thất. Bốn chúng đến chiêm lễ, tham gia rất đông. Ngày đầu khai mở thiền thất, Vân Công thượng đường khai thị:

“Nói về việc này, gốc vốn đã viên thành. Nơi thánh không tăng, nơi phàm không giảm. Như Lai bị luân hồi trong sáu đường. Nơi nào cũng nghe đến. Quán Ấm lưu chuyển trong mười loài. Loài nào cũng đều như thế. Nếu vậy thì cần cầu chi, tìm ở nơi nào? Tổ Sư nói: ‘Nếu có thị phi thì tự tâm rối rít. Khi thuyền chưa chạy thì đã bị ăn gậy rồi.’

Thật đáng thương thay! Của báu trong nhà mà không tự mở ra. Đến chòi tranh tìm tranh. Đó chỉ vì một niệm vô minh, tâm cuồng không dứt, ôm đầu chạy đi tìm đầu, nước để trước mặt mà kêu khát.

Chư đại đức! Tại sao phải khổ công đến đây? Vì chư vị không thích phí tiền cho đôi dép rách, nên tôi cũng không sợ mở miệng xấu ra mà nói!”

Lúc ấy, Vân Công hô to: “Ông già Thích Ca đã đến! Tham quán.”

Chư vị trưởng lão cũng ban pháp nhủ, khai thị đại chúng. Môn hạ, đệ tử Vân Công là Độ Luân, pháp danh Tuyên Hóa, đối đáp cùng với bà Ananda Jenning.

Thầy Tuyên Hóa hỏi: “Bà từ phương xa, trải qua bao cực khổ, nay đến đây, với mục đích gì?”

Đáp: “Vì tôi muốn học Phật pháp.”

Hỏi: “Học Phật pháp thì phải biết cách chấm dứt dòng sanh tử luân hồi. Vậy ý bà đối với sanh tử như thế nào?”

Đáp: “Gốc vốn không sanh tử, thì cần gì phải thoát ra.”

Hỏi: “Nếu không sanh tử, thì cần gì phải học Phật pháp?”

Đáp: “Xưa nay không có Phật. Người học là Phật.”

Hỏi: “Phật có đủ ba mươi hai tướng tốt. Khi Ngài đặt ngón chân lên đất, thì dấu ấn phát quang. Vậy bà được gì?”

Đáp: “Được cùng không được, chỉ là lời nói nhảm thôi.”

Hỏi: “Diệu giải của bà, lời lời đều hợp cả. Tuy thế, nói ăn mà bụng vẫn đói. Vậy một câu cứu cánh, bà thử nói xem?”

Đáp: “Cứu cánh vốn không câu. Lời nói, gốc cũng không có. Nếu không dẹp bỏ lời nói tạp, làm sao biết được tánh giác vốn là mẹ của muôn vật!”

Hỏi: “Những lời của bà, đều hợp với ý Tổ, nhưng nếu còn biết một chữ, tức là cửa ngỏ của tai họa. Bà đã giải nhập được rồi. Vậy dám hỏi chứ rời ngôn ngữ, tuyệt không câu cú, bản lai diện mục của bà là gì?”

Đáp: “Kinh Kim Cang nói rằng a nậu đa la tam miệu tam bồ đề tức không phải a nậu đa la tam miệu tam bồ đề.”

Thầy Tuyên Hóa bảo: “Tuy thế, mạng căn không thể cắt đứt bằng tri kiến. Hy vọng bà hãy nhìn rõ vào.”

Đáp: “Tôi ít xem kinh Phật. Sau bốn năm nhập thất, ra ngoài bàn luận cùng người, ai ai cũng nói rằng lời tôi luôn hợp với Phật pháp, nhưng lời tôi không phải dựa vào kinh điển, cũng không dựa vào tri kiến.”

Thầy Tuyên Hóa bảo: “Tuy không từ kinh điển, mà được lúc tĩnh tọa ngồi thiền. Đó là do trí tuệ tiềm ẩn phát ra. Nó cũng chính là tri kiến vậy.”

Bà hỏi: “Phật pháp trọng thật chứng, không trọng tri kiến. Như thế nghĩa là gì?”

Thầy Tuyên Hóa nói: “Không câu nệ kinh luận, không chấp trước tánh tướng, đầu đầu là đạo, nơi nơi là chân lý. Chỉ miễn cưỡng nói ‘Như Thị’ đó thôi!”

Sau đó bà theo Vân Công đến Vân Môn lễ tổ, rồi ở lại khoảng nửa tháng, mới trở về Mỹ. Bà nói rằng khi trở về nước sẽ xiển dương Phật pháp.

Bà là người Mỹ đầu tiên qua Hoa Lục cầu học giáo nghĩa thâm sâu trong Phật pháp. Bà tuy có chỗ chứng đắc, nhưng vì ngôn ngữ không thông, nên khi đến Hồng Kông và chùa Nam Hoa, tham gia thiền thất, được cư sĩ họ Nhan phiên dịch trong các buổi đối thoại. Những bài khai thị của Vân Công, cũng được cư sĩ họ Nhan phiên dịch. Vân Công thuyết pháp, nghĩa lý tinh thâm, khiến bà có thể lãnh hội viên thông. Thật là một thắng duyên hy hữu.)

Dân Quốc năm thứ 38, 110 tuổi. (1949/50)

Sau khi truyền giới trong mùa xuân, tôi liền trở về Vân Môn, trùng tu toàn thể điện đường. Sơn phết mạ vàng, làm bàn tọa cho hơn bốn mươi thánh tượng lớn nhỏ. Công trình sửa sang chánh điện, mái ngói, phòng xá, đến nay đã hoàn tất được chín mươi phần trăm. Cư sĩ Phương Dưỡng Thu thỉnh tôi qua Hồng Kông để làm lễ khai quang Phật đường. Tôi cũng đến tịnh xá Bát Nhã giảng kinh, rồi lưu lại Hồng Kông một tháng. Sau đó trở về núi Vân Môn, nhờ cư sĩ Sầm Học Lữ viết biên sử của núi Vân Môn.

(Phụ chú: Khi Vân Công đến Hồng Kông do sự thỉnh cầu của cư sĩ Phương Dưỡng Thu. Ngày nọ, tôi thưa Vân Công: “Bạch Thầy! Thế giới thay đổi quá mau chóng. Con phải đi đâu để giũ gìn sự tu tập của mình?”

(Cộng sản Trung Quốc nắm chính quyền trong toàn quốc)

Vân Công đáp: “Người học đạo, chỗ ở là khắp mọi nơi. Nếu con xả bỏ hết tất cả, thì chỗ ở lại chính là đạo tràng tu tập. Con hãy an tâm.”

Tôi hỏi: “Bạch Thầy! Các tự viện trong đất liền đều sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ vì thời cuộc biến chuyển. Sao Thầy không ở lại đây tạm thời để thuyết pháp, làm lợi ích chúng sanh?”

Vân Công đáp: “Ở đây, các vị tăng khác, có thể thuyết pháp độ sanh được. Thầy còn trọng trách chăm lo các tự viện trong đất liền. Đó là lời nguyện của Thầy. Đối với Thầy, tâm vượt ngoài chỗ đến đi, nhưng trong đất liền, tất cả chùa chiền tự viện hiện giờ đang nằm trong tình trạng hỗn loạn. Nếu Thầy ở lại đây thì ai sẽ lo lắng cho hàng chục ngàn tăng ni đang chạy lánh nạn? Làm sao tâm Thầy an được? Vì vậy, Thầy phải trở về đất liền.”)

Nơi Vân Môn, Ngài lo lắng hoàn tất công trình trùng tu tự viện. Ngài luôn dạy đồ chúng giữ gìn giới luật cho tinh nghiêm. Lúc ấy, trên núi, tăng chúng có cả ngàn vị, nương tựa học đạo nơi Ngài. Họ tự trồng lúa để sinh sống và tu hành.)

Dân Quốc năm thứ 39, 111 tuổi. (1950/51)

Trong mùa xuân, Ngài cũng vẫn đến chùa Nam Hoa để truyền giới, khai kỳ thiền thất dài hạn. Trong những người tham gia thiền thất, có vị được khai ngộ.

Ngài trở về Vân Môn thâu nhặt hết tất cả những bản văn sao, thảo kinh để được hiệu đính biên tập. Đây là việc làm không dễ dàng vì hầu hết các bản văn thảo kinh sao đó, được Ngài viết trong vài thập niên trước.

Dân Quốc năm thứ 40, 112 tuổi. (1951/52)

Mùa xuân, kỳ truyền giới, bốn chúng đồng vân tập. Trong chùa có hơn một trăm hai mươi người. Tại Vân Môn xảy ra biến cố quan trọng. Ngày hai mươi tháng hai, đột nhiên, hơn một trăm người, không biết từ đâu đến, bao vây chùa. Chúng cấm không ai được ra vào. Đầu tiên, chúng nhốt Vân Công trong phòng phương trượng, do vài tên canh chừng. Sau đó, chúng bắt chư tăng vào hết trong pháp đường, thiền đường. Kế đến, chúng lục soát tất cả đồ đạc trong chùa, từ trên mái ngói, dưới xuống sàn chùa, cùng các tôn tượng Phật Tổ, pháp khí kinh tạng, đều lục lọi kỹ lưỡng. Dầu cả hơn một trăm tên, trong hai ngày liền, mà chúng vẫn không tìm được chi là vật phi pháp. Cuối cùng, chúng bắt giám viện Minh Không, tăng thức sự Duy Tâm, Ngộ Huệ, Chân Không, Tánh Cảnh, v.v… Chúng cũng lấy đi tất cả giấy tờ, biên nhận, chú giải văn sao, pháp ngữ của Vân Công trong cả trăm năm, rồi bỏ vào bao lớn. Chúng tố cáo chư tăng phạm bao điều tội lỗi. Kỳ thật vì chúng nghe lời gièm pha bảo là trong chùa có chứa vũ khí, quân dụng, súng đạn, vàng bạc, máy phát điện v.v… Đó là những vật mà chúng muốn tìm. Vài hôm sau, tổng cộng là hai mươi sáu vị tăng bị hành hạ đánh đập tàn nhẫn, bức bách hỏi cung về việc cất giấu quân cơ, khí giới, vàng bạc. Mọi người đều bảo không biết. Thầy Diệu Vân bị đánh đến chết. Thầy Ngộ Vân, Thể Trí v.v…, bị tra khảo dã man, đánh gãy tay chân. Bên ngoài, vài vị tăng bị mất tích. Sau mười ngày lục lọi mệt nhọc, chúng chẳng tìm được chi hết, nên cuối cùng, dồn mọi sự tức giận đến Vân Công.

(Thầy Diệu Vân, tên tục là Trương, người Hồ Nam, tốt nghiệp đại học, đã từng giữ chức quan trọng trong ngành kế hoạch thuộc bộ tài chánh. Đến năm ba mươi tuổi mà vẫn chưa vợ. Năm ba mươi tám, theo Vân Công xuất gia, pháp danh Diệu Vân, hiệu Thiệu Môn. Lúc xưa, đối với mạch pháp Vân Môn, vì không biết ai thừa kế, nên Vân Công rất buồn bả. Trong thời gian trùng tu các tự viện ở Vân Môn, Vân Công độ hơn bốn mươi vị xuất gia, muốn họ nối mạch pháp Vân Môn. Vân Công đặt rất nhiều hy vọng vào thầy Diệu Vân trong việc xiển hưng, nối tiếp mạch pháp Vân Môn. Thầy cần mẫn, tu hành khổ hạnh, không phụ lòng mong mỏi của Vân Công. Khi tai biến đến Vân Môn, thầy bị đánh trọng thương mà chết.)

Mồng một tháng ba, chúng bắt Vân Công qua một căn phòng khác, rồi đóng kín cửa cái, cửa sổ, không cho ăn uống hay ra ngoài tiểu tiện. Ngày đêm chỉ đốt một ngọn đèn nhỏ, mờ mờ ảo ảo như địa ngục. Đến ngày thứ ba, khoảng mười tên thân hình to lớn, đi vào phòng, bức bách tra hỏi Vân Công chỗ cất giấu vàng bạc, tiền tài, vũ khí, quân nhu. Vân Công đáp rằng Ngài không có cất giấu chi hết. Chúng liền tra tấn, đánh đập Ngài. Mới đầu, chúng còn dùng cây, kế đến lại dùng côn sắt đánh đập trao khảo Ngài. Mặt mũi, đầu cổ đều tuôn máu. Gân cốt tay chân thân mình đều bầm dập. Chúng vừa đánh vừa tra hỏi. Lúc ấy, Ngài cố ngồi dậy, xếp bằng nhập định. Cây gỗ, cây sắt bủa xuống thân Ngài tới tấp. Ngài nhắm mắt, không nói năng, kêu la, than vãn lời nào, trạng như nhập định. Hôm đó, chúng đánh Ngài bốn lần như thế. Cuối cùng, chúng quăng Ngài xuống đất. Thấy Ngài bị trọng thương, nghĩ chắc chắn là phải chết, nên chúng kéo nhau bỏ đi. Tối đến, thị giả vào phòng, đỡ Ngài lên giường ngồi thiền.

Ngày thứ năm, nghe Vân Công chưa chết, chúng lại kéo nhau vào phòng, thấy Ngài vẫn đang ngồi thiền nhập định như ngày trước, liền nổi xung, tức tối, lấy cây to đập, kéo lôi xuống đất, mang giày đinh đá đạp. Ngài nằm sóng soài trên đất. Mắt tai mũi miệng đều tuôn máu. Chúng nghĩ rằng kỳ này chắc Ngài phải chết hẳn, nên kéo nhau bỏ đi. Tối đến, thị giả cũng vẫn vào phòng, đỡ Ngài lên giường, ngồi xếp bằng như trước.

Ngày thứ mười, Ngài từ từ nằm xuống, theo thế kiết tường, như tượng đức Phật nằm lúc nhập Niết Bàn. Suốt cả ngày đêm, thân Ngài không động đậy. Thị giả đốt một cọng rơm, để hơ trước mũi, nhưng không thấy hơi, nên nghĩ rằng Ngài đã viên tịch. Tuy nhiên, thân mình vẫn còn ấm, sắc mặt vẫn tươi tỉnh. Hai thị giả là Pháp Vân và Khoan Thống thay phiên nhau hầu Ngài. Đến ngày mười một, Ngài mở miệng nói đôi lời. Thị giả đỡ Ngài ngồi dậy và thuật lại rằng Ngài đã ngồi nhập định và nằm bao nhiêu ngày rồi. Vân Công bảo rằng: “Thầy tưởng những tai biến này xảy ra chỉ mới vài phút thôi. Thầy nghiệm biết phần số mình sắp hết rồi.”

Sau đó, bảo thị giả lấy giấy viết ra biên chép lại những việc gì hiện ra trong lúc Ngài nhập thâm định, và còn căn dặn rằng đừng nói cho ai biết, để phòng sự nghi ngờ, phỉ báng.

Kế tiếp, Ngài cố lấy giọng mà kể:

“Thầy vừa mộng thấy mình đến nội viện cung trời Đâu Suất. Nơi đó, thật rất trang nghiêm kỳ diệu. Trên thế gian này không có nơi nào giống như thế. Gặp Bồ Tát Di Lặc đang ngồi trên tòa cao thuyết pháp. Trong chúng hội có vài mươi vị, vốn là pháp hữu thuở xưa của Thầy, như hòa thượng Chí Thiện chùa Hải Hội ở Giang Tây, pháp sư Dung Cảnh ở núi Thiên Thai, ngài Hằng Chí ở Kỳ Sơn, hòa thượng Bảo Ngộ ở cung Bá Tuế, hòa thượng Thánh Tâm ở núi Bảo Hoa, luật sư Độc Thể, hòa thượng Quán Tâm ở Kim Sơn, tôn giả Tử Bách v.v…Thầy cung kính chắp tay, rồi được chư vị chỉ tay ra hiệu bảo ngồi bên phía đông, nơi một tòa ngồi trống trải thứ ba. Tôn giả A Nan làm duy na, cùng ngồi kế cận Thầy. Đại chúng cùng nghe Bồ Tát Di Lặc thuyết ‘Duy Thức Định’. Đang giảng, đột nhiên Ngài Di Lặc dừng lại, chỉ tay về hướng Thầy và nói: “Con hãy trở về đi!”

Thầy đáp: “Đệ tử nghiệp chướng nặng nề. Không dám trở về.”

Ngài Di Lặc bảo: “Nghiệp duyên của con chưa dứt. Nay hãy đi về, rồi sau này trở lại.”

Kế đến, Ngài Di Lặc nói kệ:

“Thức cùng tri khác ra sao?

Sóng cùng nước đồng nhau

Chớ phân biệt bình bồn

Chất vàng không phân chia

Lượng tánh ba nhân ba

Một sợi gai nhỏ, một sừng ốc tí ti

Nghi thành ảnh tượng

Tánh bệnh hết khi tư hoặc dứt,

Như thân phàm phu trong nhà ảo mộng

Huyễn không chấp trước

Biết huyễn liền rời xa

Rời huyễn tức giác

Đại giác viên minh

Kính soi muôn vật

Phàm Thánh không hai

An nghiệp lành xấu

Bi nguyện độ sanh

Làm trong cảnh mộng

Đương đầu nghiệp lực trong bao kiếp

Nên tỉnh giác việc xảy ra

Thuyền từ bơi trong biển khổ

Chớ sanh tâm thối thất

Sen nở từ bùn lầy

Có Phật đà ngồi trong đó…

Còn rất nhiều câu kệ, nhưng Thầy quên rồi. Ngài còn dặn bảo Thầy vài điều mà nay không tiện nói ra.”

Khổ vui rành mạch. Khi xưa tổ Hám Sơn trong lúc thọ cực hình cũng nhập định như thế. Đối với người chưa chứng ngộ, không thể thấy và thuật lại được những cảnh giới cao siêu như thế.

Qua vài ngày sau, bọn người dã man kia, mắt thấy hạnh nhẫn nhục kỳ đặc của Ngài, nên từ từ sanh tâm khiếp sợ. Tên đầu đảng hỏi một vị tăng: “Tại sao ông thầy già kia bị đánh nhừ tử như thế mà không chết?”

Tăng đáp: “Lão Hòa Thượng vì chúng sanh chịu khổ, lại vì muốn tiêu trừ tai nạn cho chư vị, nên tuy bị đánh đập tàn nhẫn mà không chết. Đợi đến sau này rồi chư vị sẽ hiểu.”

Kể từ đó, chúng không còn dám tra tấn đánh đập Ngài nữa. Vì gây ra việc hung bạo này, và vì sợ rằng nếu tin này lọt ra ngoài thì chư Phật tử trong và ngoài nước sẽ phẩn nộ căm tức, nên chúng bao vây xung quanh chùa, kiểm soát gắt gao. Đối với chư tăng, chúng không cho nói chuyện với nhau, hay bước ra khỏi chùa. Ắn uống cũng bị kiểm soát, hạn chế. Cứ thế, kéo dài hơn cả tháng. Vì bị đánh đập tàn nhẫn, Vân Công nhuốm bịnh nặng, ngày một trầm trọng. Mắt không thể thấy, tai không thể nghe. Chư đệ tử sợ Ngài có thể viên tịch nên thỉnh cầu Ngài lược thuật lại cuộc đời tu hành của Ngài. Bản thảo ‘Biên Niên Tự Thuật’ bắt nguồn từ đây.

Tháng tư, biến cố Vân Môn từ từ lan truyền đến Triều Châu. Đầu tiên, do chư tăng chùa Đại Giác tỉnh Triết Giang thông báo cho chư lão hòa thượng, chư đệ tử xuất gia và tại gia, chư huynh đệ đồng môn của Vân Công, trong và ngoài nước, để cùng nhau tìm cách giải nạn cho Ngài. Về phía Bắc Kinh, họ đánh điện, yêu cầu chính phủ phải điều tra sự vụ kỹ càng.

Nơi Vân Môn, bọn dã man kia từ từ nới lỏng vòng kiềm chế. Chúng lấy đi tất cả đồ vật, lương thực, y phục của chư tăng. Vân Công bị đánh trọng thương, không thể ăn cháo được, mà chỉ uống nước thôi. Khi nghe lương thực trong chùa đều bị lấy đi hết, Ngài than với đại chúng: “Lão già này nghiệp nặng, làm liên lụy đến chư vị. Nay việc đã đến nước này, chư vị hãy phân tán đi phương khác, tìm nơi lánh nạn để tu hành.”

Thế nhưng, tăng chúng không muốn bỏ Ngài đi đâu hết. Vì vậy, Ngài bảo đại chúng ra sau núi đốn củi, rồi mang ra chợ, cách chùa hơn hai mươi dặm, bán lấy tiền mua gạo ăn. Đại chúng y theo lời dạy của Ngài, bán củi mua gạo. Từ đó, đại chúng có đủ sức khỏe để đọc kinh, tọa thiền.

Tuần đầu tháng năm, chính quyền Bắc Kinh phái viên chức cùng các nhân viên tỉnh Quảng Đông, đến huyện Khổng Nguyên để điều tra sự vụ. Hôm sau, họ đến núi Vân Môn, dẫn theo các chuyên viên kỹ thuật, đem máy chụp ảnh, máy ghi âm, để điều tra sự việc tại chỗ. Đầu tiên, họ đến Vân Môn thăm hỏi Vân Công: “Bạch Hòa Thượng! Ngài có được khỏe không?”

Lúc ấy, Ngài đang nằm trên giường bệnh. Tai không nghe rõ. Mắt không thấy kỹ. Lại không biết họ là những viên chức cao cấp từ Bắc Kinh xuống. Khi thấy các viên chức và công an địa phương, Ngài im lặng không nói lời nào. Khi họ hỏi rằng Ngài có bị ngược đãi, đồ vật trong chùa có bị mất mát không thì Vân Công cũng không đáp. Sau khi biết rõ lai lịch của họ, Vân Công mới nói họ rằng hãy tự điều tra sự việc thiết thực để báo cáo lên chính phủ Bắc Kinh. Các viên chức an ủi Ngài đôi ba lần, rồi ra lịnh cho chính quyền địa phương thả các vị tăng đang bị nhốt trong tù.

Thế là biến cố Vân Môn xảy ra từ ngày hai mươi bốn tháng hai đến ngày hai mươi ba tháng năm thì chấm dứt, thoát được cảnh khổ đau tang tóc. Trong hai mùa đông, Vân Công vì trọng thương, bịnh nặng nên an dưỡng tại núi. Tăng chúng hơn trăm vị, chặt cây đốn củi, cùng làm đồ thủ công để đem ra chợ bán, lấy tiền mua gạo, sinh sống qua ngày. Dân chúng trong trăm làng ấp vùng lân cận, khi nghe Vân Môn được giải nạn liền kéo đến viếng thăm Vân Công. Chư đệ tử của Vân Công tại Bắc Kinh, trong và ngoài nước, viết thư vấn an và khuyên Ngài nên rời khỏi Vân Môn. Lúc ấy, có điện tín từ Bắc Kinh gởi đến Quảng Đông, ra lịnh cho chính quyền địa phương phải ân cần bảo hộ núi Vân Môn.

Dân Quốc năm thứ 41, 113 tuổi. (1952/53)

Mùa xuân, bịnh tình Vân Công thuyên giảm đôi chút. Ngài hướng dẫn tăng chúng ngồi thiền hành đạo, quên đi thế sự đảo điên. Lúc đó, chính phủ bốn lần gởi điện tín mời Ngài lên Bắc Kinh. Khi các phái viên đến Vân Môn, đại chúng khuyên Ngài nên hoãn lại. Vân Công đáp: “Nay đã đến lúc phải đi. Hiện tại, toàn thể tăng già trong nước, mỗi mỗi tự thủ thân, thiếu người lãnh đạo, như bãi cát vụn, nếu không đoàn kết, thành một lực lượng cơ cấu vững mạnh thì tai biến sẽ đến mọi nơi chứ không phải chỉ ở Vân Môn. Thầy vì Phật pháp, nên phải ra Bắc.”

Sau đó, Ngài giao phó công việc cho chư tăng lão thành ở lại hộ trì tự viện, rồi an ủi đại chúng, chuẩn bị lên đường. Trước khi đi, Ngài có viết kệ:

“Ngồi xem năm vua bốn đời,

Thời thế đổi thay đột ngột

Nếm đủ chín gian nan, mười tai nạn

Hiểu rõ thế sự vốn vô thường.”


Mồng bốn tháng tư, Ngài cùng chư thị giả Phật Nguyên, Giác Dân, Khoan Độ, Pháp Vân, và các nhân viên hộ tống, khởi hành đi Bắc Kinh. Hàng trăm dân chúng trong các làng xã lân cận, tiển Ngài rời khỏi Vân Môn.

Nhớ lại ba mươi năm về trước, vào tháng chạp, sau khi trùng tu xong chùa Nam Hoa, Ngài chống tích trượng qua Vân Môn. Lúc mới đến thì tự viện hoang tàn, tường vách điện đường, mái ngói đều hư nát. Trong ngôi pháp đường, cỏ lên cả vài thước. Duy chỉ có một vị tăng, lo phần hương khói cho chư Tổ Sư. Sau khi Ngài đến trụ trì, bốn chúng khắp nơi đều vân tập, cả ngàn tăng ni vây quanh. Ngài vừa lo trùng tu tự viện, vừa lo nuôi nấng dạy dỗ đồ chúng. Lúc quân Nhật xâm chiếm Trung Quốc, giao thông bị cắt đứt, những biến cố, tai nạn xảy ra dồn dập hơn gấp mười lần thời Ngài còn ở tại chùa Nam Hoa. Do tinh thần tự túc, Ngài dạy đồ chúng tự nung ngói gạch, làm hồ, cưa gỗ, kiến tạo tự viện, đúc vẽ tượng Phật v.v… Mười năm trước, kiến thiết điện đường hậu liêu phòng xá, lầu các, tháp thờ, cả thảy hơn một trăm tám mươi cái. Mái ngói điện đường rộng rãi đẹp đẽ, trang nghiêm.

Bàn về mạch phái, tông Vân Môn truyền được mười đời, cho đến triều Thanh đời Quang Hiếu thì ngưng, nên bị thất truyền, không người kế tục. Vân Công điều tra hệ phái, tiếp độ tăng nhân, kế thừa mạch pháp Vân Môn, chấn chỉnh tông phong, nối mạch Phật pháp.

Khi đến Triều Châu, bốn chúng đệ tử quy y, xa gần lần lượt tới viếng thăm Ngài cả hàng ngàn người. Tại chùa Đại Giám, người đến tham vấn Ngài, càng ngày càng đông, chứng minh rằng tín tâm quần chúng Phật Tử không vì thời thế biến chuyển mà thay dạ đổi lòng. Mồng mười, Vân Công lên xe lửa Quảng Đông-Hán Khẩu để ra bắc. Ngày mười một, đến Võ Xương, Ngài trú tại chùa Tam Phật. Vì đi đường xa, nên các vết thương bị chấn động, khiến toàn thân Ngài đau nhức dữ dội. Cư sĩ Trần Chân Như ân cần chẩn mạch hốt thuốc cho Ngài uống. Hòa thượng trụ trì chùa Tam Phật là Đại Hàm cũng tận tâm lo lắng. Lúc bịnh tình thuyên giảm đôi chút, thể theo lời thỉnh cầu của hòa thượng Đại Hàm, Vân Công chủ trì pháp hội Quán Ấm thất trong bảy ngày. Người quy y hơn hai ngàn người.

Pháp sự xong, Ngài lại tiếp tục đi ra bắc, dầu thân vẫn còn bịnh nặng. Trước khi khởi hành, đại chúng tại chùa Tam Phật thỉnh Ngài cùng chụp ảnh lưu niệm. Lúc ấy, Ngài có làm bài kệ:

“Gió nghiệp thổi đến Võ Xương,

Bịnh già làm lụy đại chúng,

Ba tháng trụ chùa Tam Phật

Một tràng tai nạn, một tràng tủi hổ kinh hoàng,

Vô tâm đi lên đỉnh thế giới,

Có nguyện đồng lên trường tuyển Phật.

Nhớ lại Ngọc Tuyền Quan Trạng Sam.

Nghe một lời, ngộ chân thường.”


Ngày hai mươi tháng bảy, theo các nhân viên hộ tống, cùng chư vị thị giả. Vân Công đáp chuyến xe lửa Hán Khẩu-Bắc Kinh. Lúc đến Bắc Kinh, chư sơn trưởng lão, thiện nam tín nữ, cùng các đoàn thể, đến trạm xe lửa, nghinh tiếp Ngài. Chư cư sĩ, Lý Nhâm Hồ, Diệp Hà Am, Trần Chân Như v.v…, thỉnh Ngài đến chùa Quảng Hóa nghỉ ngơi. Vì có rất nhiều người đến tham bái, nên Ngài phải qua chùa Quảng Tế của người Tây Tạng, để an dưỡng sức khỏe. Sau khi đến Bắc Kinh, Ngài gặp được các vị quan chức, pháp hữu quen thuộc, và chư vị đồng hương ở Hồ Nam, đều hết lòng hộ pháp. Lúc chưa đến Bắc Kinh, Ngài được điện báo cho biết rằng tại Bắc Kinh, nơi chùa Quảng Tế, đại sư Viên Anh cùng các cư sĩ như Triệu Nghiệp Sơ v.v…, thành lập Hiệp Hội Phật Giáo Trung Quốc. Hơn một trăm đại biểu toàn quốc định thỉnh Vân Công làm hội trưởng, nhưng Ngài từ chối, viện lý do vì bịnh. Do đó, họ đồng thỉnh đại sư Viên Anh làm chánh hội trưởng, cư sĩ Hi Nhiêu Gia Thố và Triệu Nghiệp Sơ làm phó hội trưởng. Lại thêm, đức Phật sống Đạt Lai Lạt Ma, đức Ban Thiền Lạt Ma, Ngài (đại sư Hư Vân), Tra Cán Cát Căn, bốn vị được đề cử làm hội trưởng danh dự. Các đoàn thể đại biểu Phật Giáo bao gồm các sắc tộc như người Hoa, Tây Tạng, Thái, Tán, v.v…

Sau khi hiệp hội Phật giáo Trung Quốc được thành lập, Vân Công gởi thơ đến chánh phủ trung ương, thỉnh cầu ban bố cương lĩnh cộng đồng, quy định tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho nhân dân. Đối với các chùa chiền Phật giáo, hãy có biện pháp bảo tồn quản lý. Trước mắt, hãy cấp bách thi hành những điều sau:

“Thứ nhất, vô luận là vùng nào, xin hãy ngưng ngay việc đập phá, hủy đốt chùa chiền, tượng Phật, kinh điển.

Thứ hai, hãy ngưng việc cưỡng bức chư tăng ni hoàn tục.

Thứ ba, tài sản tự viện, sau khi thuộc về công hữu, xin hãy cấp cho tăng ni đủ đất đai để tự trồng trọt sinh sống. Nếu được như thế thì các tự viện danh lam thắng cảnh, ngày một phát triển.”

Mười ba tháng tám, Vân Công đại diện toàn thể Phật tử trong nước, nhận ba bảo vật do nước Tích Lan tặng. Vị trưởng đoàn đại biểu Tích Lan là pháp sư Đạt Mã Lạp Tháp Nạp cùng vài mươi người đến Trung Quốc trao tặng ba bảo vật là xá lợi Phật, bộ tạng kinh chữ Pa Li khắc trên lá Cụ Diệp, và cây Bồ Đề cho hội Phật Giáo Trung Quốc. Mồng một tháng mười, tổ chức cuộc tiếp lễ. Đầu tiên do các thầy Thích Cụ Tán, Thích Thắng Tuyền cùng các cư sĩ Triệu Nghiệp Sơ v.v…, dâng lễ, hương hoa, đến đón tiếp phái đoàn Tích Lan. Tại chùa Quảng Tế, hơn hai ngàn người đến dự lễ. Chuông trống Bát Nhã nổi lên. Pháp sư Đạt Mã Lạp Tháp Nạp tiến vào chùa và dâng ba bảo vật cho Vân Công, người đại diện hội Phật Giáo Trung Quốc. Sau đó pháp sư Đạt Mã Lạp Tháp Nạp nói: “Vì tình thân mật của Phật tử hai nước trong dòng lịch sử bấy lâu nay, nguyện đoàn kết trong ngôi nhà Tam Bảo từ bi trí huệ. Vì hòa bình thế giới, nay xin dâng tặng ba bảo vật này.”

Trong đại lễ, có các đại diện Phật Giáo của các nước như Việt Nam, Miến Điện, Ần Độ, Nhật Bổn, Thổ Nhĩ Kỳ, Gia Nã Đại.

Tháng chín, chư sơn trưởng lão cùng các đoàn thể Phật giáo thỉnh Vân Công trụ trì chùa Quảng Tế. Ngài từ chối, viện lý do sức khỏe yếu kém. Tháng mười, nhân sĩ tại vùng đông nam Thượng Hải tổ chức pháp hội cầu nguyện thế giới hòa bình. Đại chúng đồng thỉnh Vân Công làm pháp chủ, nên phái cư sĩ Phương Tử Phiên lên Bắc Kinh nghinh đón Ngài. Ngày mười một tháng chạp, lúc ra trạm xe lửa Bắc Kinh-Thượng Hải, có hơn trăm người mang hoa đến cúng dường Ngài và đồng niệm Phật. Đến Thượng Hải, Vân Công trú tại chùa Ngọc Phật. Ngài cùng vị tri sự thương lượng, tổ chức pháp hội trong bốn mươi chín ngày đêm. Ngày hai mươi sáu tháng mười, kiến lập đàn tràng Thủy Lục Không, do Ngài làm pháp chủ, cùng thỉnh mười đại pháp sư như Viên Anh, Ứng Từ, Tịnh Quyền, Thị Tùng, Diệu Chân, Đại Bi, Như Sơn, Thủ Bồi, Thanh Định, Vi Phảng, làm pháp chủ các đàn tràng chính. Tổng cộng có bảy mươi hai vị đại pháp sư tham gia đàn sám. Đến ngày mười bốn tháng chạp thì pháp hội hoàn mãn. Trong kỳ đàn tràng này, trừ các pháp chủ nhập tràng, sáng trưa chiều tối, người đến tham dự đông như nước thủy triều. Họ đến từ các vùng lân cận và xa xôi như Hồ Nam, Hồ Bắc v.v… Người thọ giới quy y hơn bốn mươi ngàn người. Tịnh tài thu được trong pháp hội hơn bảy mươi sáu ngàn đồng. Cá nhân, được cúng dường hơn ba ngàn đồng, nhưng Ngài không nhận. Ngài cùng các đại pháp sư và cư sĩ quyết định dùng tất cả số tiền trên để cúng dường cho các danh sơn tự viện toàn quốc, gồm có bốn núi lớn như núi Phổ Đà ở tỉnh Triết Giang, núi Nga Mi ở tỉnh Tây Xuyên, núi Cửu Hoa ở tỉnh An Huy, núi Ngũ Đài ở tỉnh Sơn Tây, cùng tám ngôi chùa cổ xưa lớn như chùa Thiên Đồng ở Ninh Ba, chùa Cao Mân ở Dương Châu, chùa Linh Nhan ở Tô Châu, chùa Cổ Sơn ở Phước Châu, chùa Quán Tông, chùa Thất Tháp ở Ninh Ba, chùa Địa Tạng ở Phước Châu, cùng hai trăm năm mươi sáu ngôi chùa viện lớn nhỏ. Đây chỉ nói sơ lược về pháp hội Thủy Lục Không ở Thượng Hải, do Vân Công làm pháp chủ.

(Dưới đây là bài khai thị của đại sư Hư Vân trong kỳ pháp hội Thủy Lục Không tại Thượng Hải:

Pháp hội cầu nguyện thế giới hòa bình đã được cử hành qua vài ngày. Thật là một pháp duyên hy hữu. Hôm nay, pháp sư Vi Phảng, hòa thượng Diệu Chân, cư sĩ Triệu Nghiệp Sơ, Lý Tư Hoạt, Phương Tử Phiên v.v…, đồng thỉnh tôi ra thuyết pháp. Sẳn dịp này, tôi muốn nói về sự quan hệ giữa Thiền tông và Tịnh Độ tông, để cho những vị mới phát tâm học Phật pháp tiện việc tham khảo.

Hôm nay là ngày đầu tiên khai mở đàn tràng niệm Phật. Đúng ra là phải do hòa thượng Diệu Chân đến giảng, nhưng Ngài lại nhượng thỉnh tôi ra cùng chư vị đàm luận.

Chúng ta sống trong thế giới Ta Bà, tức đang bơi trong biển khổ. Thế nên, không một ai lại không muốn thoát khỏi biển khổ này. Nhưng muốn thoát ra được thì chúng ta phải nương theo Phật pháp. Chân đế của Phật pháp, nói nghiêm túc thì không pháp nào có thể thuyết được, vì chỉ là hình tướng trên lời nói, ngôn ngữ thôi. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nếu dùng lời mà nói thì không phải là lời chân thật.”

Tuy nhiên, vì chúng sanh căn tánh không đồng, nên muốn tiếp dẫn thì phải dùng vô số pháp môn. Phật pháp tại Trung Quốc, có phân rõ ra năm tông phái là Thiền tông, Mật tông, Tịnh Độ tông, Giáo tông, và Luật tông. Đối với người đã từng nghiên cứu học hỏi tu tập thì đã quá đủ rồi, vì họ biết rằng chân lý Phật pháp vốn không sai biệt. Người mới học Phật pháp, lại phát sanh ra nhiều ý kiến, mỗi mỗi phân rõ tông này phái nọ v.v…, rồi khen mình chê người, làm tổn hại giá trị giáo hóa vi diệu của Phật pháp. Phải biết rằng một câu thoại đầu hay một câu niệm Phật chỉ là phương tiện, không phải là cứu cánh. Đối với người chân thật dụng công thì những phương tiện này thật không cần thiết. Tại sao? Vì động tịnh vốn nhất như; bóng trăng soi khắp ngàn sông, nơi nơi đều rõ ràng, không bị chướng ngại. Người bị chướng ngại như mây che trời xanh, nước trong bị vẫn đục. Nếu có chướng ngại, tuy trăng sáng mà không hiển bày. Nước tuy trong mà trăng không hiện rõ. Chúng ta, những người tu hành, nếu muốn hiểu rõ lý đạo, phải biết tự tâm như trăng sáng mùa thu, không nên hướng ngoại tìm cầu, mà phải xoay lại ánh sáng trong tâm mình. Một niệm nếu không sanh thì hiểu rõ nơi không chỗ chứng đắc. Khi ấy, làm gì lại có danh tướng sai biệt?

Nhân vì chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay, vọng tưởng chấp trước, tập khí nặng nề, nên đấng Thế Tôn, trong bốn mươi chín năm trường, thuyết pháp giảng kinh hơn ba trăm hội. Nhưng mục đích quan trọng nhất trong việc thuyết giảng kinh điển hay dạy những pháp môn tu hành của đức Thế Tôn là không ngoài việc chữa trị các bịnh tật tham lam, sân hận, si mê, ngã mạn, ác kiến của chúng sanh. Nếu chúng ta xa rời tất cả bịnh tật đó thì liền thành Phật. Chúng ta và chư Phật, nào có khác biệt chi đâu. Người xưa nói: “Dùng phương tiện thì có nhiều pháp môn, nhưng khi trở về cội gốc thì đồng nhau không khác.”

Lý đạo là thế. Hiện tại, trong Phật pháp, có hai tông phái rất thịnh hành là Thiền tông và Tịnh Độ tông. Nhưng có một số tăng chúng, coi thường giới luật. Thật không hợp lý đạo. Yếu nghĩa căn bản của Phật pháp là dựa trên ba chữ: Giới, Định, Huệ. Giống như tòa trầm hương có ba chân, nếu thiếu mất một chân thì không thể đứng được. Vì vậy, chúng ta, người học Phật pháp, mỗi mỗi phải đặc biệt chú ý điều này!

Thiền tông do đức Thế Tôn tại hội Linh Sơn, đưa cành hoa lên, dạy đại chúng, chỉ có tôn giả Ma Ha Ca Diếp là mỉm cười chúm chím, còn mọi người đều không hiểu gì. Đó là tâm tâm tương ưng, truyền ngoài giáo lý, tức mạch nguồn của Phật pháp. Đối với câu niệm Phật của pháp môn Tịnh Độ cùng các pháp môn khác, như đọc kinh trì chú v.v…, đều là pháp liễu sanh thoát tử. Có người nói, Thiền tông là pháp đốn ngộ nhanh chóng, còn tông Tịnh Độ chỉ là pháp tiệm thứ, chậm chạp. Vâng, bất quá chỉ là sụ sai biệt trên danh tướng. Thực tế thì không sai khác. Lục Tổ Huệ Năng nói: “Pháp không có đốn ngộ hay tiệm thứ, nhưng người thấy đạo thì có nhanh có chậm.”

Chúng ta nên biết rằng mỗi mỗi pháp môn trong Phật pháp, đều có thể tu trì được cả. Chư vị nếu hợp với pháp môn nào thì nên tu pháp môn đó, chứ đừng khen mình chê người, sanh khởi vọng tưởng chấp trước. Nhưng việc quan trọng nhất là phải tôn trọng giữ gìn giới luật. Người xuất gia gần đây, không tự giữ giới luật nghiêm ngặt, lại còn nói rằng giữ gìn giới luật cẩn mật là chấp trước, cùng bao lời cao ngạo. Thật rất nguy hiểm cho Phật pháp!

Thiền tông chính là pháp môn tâm địa. Sau Tổ Ma Ha Ca Diếp, Thiền tông được triển chuyển, truyền từ Ần Độ qua Trung Quốc. Đến đại sư Huệ Năng, là tổ thứ sáu ở Đông Độ, được trao y bát, lưu truyền chánh pháp, một thời hưng thịnh.

Luật tông có tôn giả Ưu Ba Ly, là vị đứng đầu. Ngài thừa thọ lời chúc lụy của đức Thế Tôn mà tuyên thuyết lại giới luật cho chúng sanh trong đời mạt pháp, nương vào đó mà tu hành, lấy giới luật làm thầy chỉ đạo. Sau đến đời tôn giả Ưu Ba Cúc Đa, tổ thứ tư của thiền tông, phân giới ra làm năm bộ luật. Nước ta có lão nhân Nam Sơn là luật sư Đạo Tuyên, y theo bộ Đàm Vô Đức, viết sớ sao mà phụng hành, được xưng là sơ tổ của luật tông ở Trung Hoa.

Lão nhân Bắc Tề ở núi Thiên Thai, xem bộ Trung Quán Luận của ngài Long Thọ, liền phát minh tâm địa. Lão nhân Đỗ Thuận, lấy kinh Hoa Nghiêm làm chủ, kiến lập tông Hiền Thủ.

Ngài Huệ Viễn đề xướng tông Tịnh Độ. Chín tổ sư kế tục nhau tương truyền. Sau ngài Vĩnh Minh, chư tổ sư bao thời đại, đều dùng Thiền tông mà hoằng dương tông Tịnh Độ, như tương dung nước với sữa. Tuy tông phái có phân khác, nhưng cốt yếu không ngoài ý nghĩa của cành hoa mà đức Phật đưa lên. Thật vậy, Thiền tông cùng tông Tịnh Độ xưa nay vốn có mối quan hệ mật thiết. Thế nên, chúng ta phải biết sự uyển chuyển của người xưa trong việc hoằng dương Phật pháp.

Mật tông do tôn giả Bất Không, trí giả Kim Cang v.v…, truyền vào Trung Quốc. Đến đời thiền sư Nhất Hạnh, do công nỗ lực của Ngài, Mật tông được phát dương rộng rãi. Tông này cùng các tông phái khác hỗ tương hoằng hóa Phật pháp. Vì vậy, không nên phân biệt, bằng ngược lại thì tự làm tổn thương đạo pháp. Nếu cứ công kích nhau mãi thì thật không hiểu rõ được tâm ý của Phật Tổ. Người xưa thuyết pháp như lấy lá vàng vỗ con nít khóc. Lão nhân Triệu Châu nói: “Chữ Phật tôi không muốn nghe. Niệm một chữ Phật, phải xúc miệng cả ba lần.”

Vì thế, có một số người không hiểu được sự khổ tâm của người xưa, cho rằng niệm Phật chỉ là việc của các ông già bà cả, hoặc nói tham thiền là vọng không như ngoại đạo.

Tổng quát, nếu tôi nói đúng như vầy, kẻ nọ có lỗi kia, cứ thế tranh luận mãi, không chịu tu, thì thật là bội bạc bổn hoài của Phật Tổ, khiến cho người ngoài có cơ hội công kích, hủy phá tiền đồ Phật giáo. Kết quả thật rất tai hại. Do đó, Hư Vân tôi đặc biệt nêu lên vấn đề này. Hy vọng chư vị lão tham học cùng các bạn mới phát tâm học Phật pháp, đừng nên phạm vào lỗi này. Nếu cứ làm mãi như thế thì đưa Phật giáo vào con đường cùng. Người học Phật phải nên đọc qua nhiều lần bài ‘Tông Cảnh Lục’ và tập ‘Muôn Thiện Đồng Quy’ của lão nhân Vĩnh Minh. Người niệm Phật, phải hiểu rõ chương ‘Bồ Tát Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông’, và cũng phải hiểu rõ Tịnh Độ là xuất phát từ tự tánh, xả bỏ vọng tưởng, quay về nguồn chân, chớ hướng ngoại tìm cầu. Như nếu chúng ta có thể hiểu rõ những chân lý này, tùy theo ý thích của người mà bàn về Thiền cũng được, nói về Tịnh Độ cũng hay. Hoặc muốn vãng sanh về cõi đông phương hay cõi tây phương cũng tốt. Cho đến nói có, nói không đều đúng cả.

Thực sự, mỗi sắc, mỗi hương đều không ngoài sụ liễu nghĩa của trung đạo; tự tánh là Di Đà, duy tâm tức Tịnh Độ, xả bỏ liền đến bờ giác. Tại sao có nhiều dây trói buộc chúng ta? Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nếu dẹp hết tâm phàm thì thật không có sự giải thoát của chư thánh.”

Nếu hiểu rõ như thế thì sẽ đoạn trừ được vọng tưởng, kiến chấp, tập khí, tức làm Bồ Tát, làm Phật Tổ. Ngược lại, sẽ mãi làm chúng sanh.

Người niệm Phật, cũng đừng có kiến chấp thái quá. Nếu không, sẽ như uống thuốc độc. Hiện tại, chúng ta niệm danh hiệu A Di Đà Phật để dẹp trừ vọng tưởng chấp trước bao đời. Thế nên, dùng một câu niệm Phật, như cầm chổi, quét sạch vọng tưởng. Niệm mãi không quên, khiến vọng niệm tự tiêu trừ, của tịnh liền hiện, tìm cầu bên ngoài chỉ nhọc sức.


Đại sư Hư Vân giảng “Phải hiểu rõ sự niệm Phật” nhân ngày giỗ thứ mười hai của tổ Ấn Quang, năm 1952:

“Hôm nay là ngày giỗ kỷ niệm lão pháp sư Ấn Quang vãng sanh về cõi Tây Phương lần thứ mười hai. Các vị đều là đệ tử của Ngài. Uống nước phải nhớ nguồn, nên chư vị tụ hội tại giảng đường này, làm lễ giỗ truy niệm thầy mình. Trong đạo lý nhà Phật, thầy tức là cha mẹ pháp thân của mình. Kỷ niệm thầy, tức là nhắc lại bổn phận hiếu hạnh của mình đối với cha mẹ pháp thân. So sánh về sự hiếu thảo nhỏ nhặt ở thế gian thì việc này có rất nhiều ý nghĩa thâm trầm hơn.

Nhớ thuở xưa, lần đầu gặp lão pháp sư Ấn Quang tại núi Phổ Đà vào năm Quang Tự thứ hai mươi. Lúc bấy giờ lão hòa thượng Hóa Văn thỉnh Ngài lên tòa giảng kinh A Di Đà tại chùa Quảng Tế. Giảng xong, Ngài ở lại chùa, đọc hết bộ Tam Tạng kinh điển. Qua hơn hai mươi năm, Ngài chưa từng rời núi một bước, đóng cửa ẩn tu. Tuy Ngài hiểu rõ giáo nghĩa rất thâm sâu, nhưng chỉ lấy một câu A Di Đà Phật làm sự tu trì hằng ngày. Tuyệt đối không cho mình thông hiểu kinh giáo thâm sâu mà coi nhẹ pháp môn niệm Phật. Lời dạy của Phật là thuốc dùng để trị bịnh khổ cho chúng sanh. Pháp môn niệm Phật, được gọi là thuốc A Già Đà, trị hết tất cả bịnh.

Nhưng, vô luận tu pháp môn nào, cần phải có niềm tin kiên cố, giữ gìn mãi mãi, thực hành ngày một thâm sâu, thì mới mong đạt được lợi ích đầy đủ. Nếu có niềm tin kiên cố thì trì chú, tham thiền, niệm Phật đều thành tụu. Nếu tín căn không thâm sâu, chỉ cậy nhờ chút ít thiện căn, học thức cạn cợt, hoặc nhớ được vài ba danh tướng, công án, đi nói chuyện vô ích, tạp nhạp, bàn việc đúng sai, thì chỉ tăng trưởng nghiệp chướng và tập khí xấu xa. Bàn về việc sống chết, cũng vẫn bị nghiệp thức dẫn dắt. Có thật đáng thương lắm không!

Chư vị là đệ tử của pháp sư Ấn Quang. Hôm nay làm giỗ lễ kỷ niệm, thì cũng phải kỷ niệm sự hành trì chân thật của Ngài. Ngài là một vị chân tu thực thụ, bước trên đường các bậc cổ đức đã đi. Ngài hiểu rõ thâm ý của chương Bồ Tát Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông. Y theo đó mà khởi tu, đạt được niệm Phật Tam Muội. Từ đó, Ngài hoằng dương tông Tịnh Độ, lợi ích chúng sanh, trải qua bao thập niên mà cũng vẫn như một ngày, chưa từng từ nan thối bước, dầu cho bịnh tật ốm đau. Hiện tại, thật hiếm có ai như Ngài, chân thật tu hành, không khởi kiến chấp, phân biệt mình người, chỉ nghe một danh hiệu Phật, rồi y theo đó mà tu trì. Sáng niệm Phật. Tối niệm Phật. Đi đứng nằm ngồi, trong hai mươi sáu thời niệm niệm không quên mất. Thầm thầm lặng lặng, công phu thuần thục chín mùi, cảnh tịnh Tây Phương Cực Lạc hiện trước mặt, được lợi ích vô biên. Tự mình quán thấy. Chỉ quan trọng là tín tâm phải kiên cố.

Tín tâm nếu không kiên cố, thì muôn sự không thể thành. Hôm nay tăng, ngày mai giảm. Nghe người nói tham thiền hay thì bỏ ngay công phu niệm Phật, chạy qua tu thiền. Nghe người nói học kinh điển rất tốt, thì lại bỏ thiền, qua học kinh giáo. Học kinh giáo không thành lại chạy đến trì chú, nhưng chẳng hiểu chi hết. Tâm bị chướng ngại vì không thanh tịnh. Không tự trách mình tín tâm không định, lại cho rằng Phật Tổ dối gạt chúng sanh. Chửi Phật báng Pháp, tạo nghiệp vô gián. Vì thế, tôi khuyên đại chúng, phải nên tin tưởng kiên cố sự lợi ích của pháp môn niệm Phật, học theo hạnh ‘Chân Thật Niệm Phật’ của lão pháp sư Ấn Quang, lập chí vững chắc, phát tâm dũng mãnh, lấy việc vãng sanh cõi Tây Phương làm việc lớn trong đời.

Tham thiền cùng niệm Phật, đối với người mới phát tâm tu học thì thấy có khác, nhưng đối với người tu hành lâu năm thì chỉ là một mà thôi. Tham thiền đề cử thoại đầu, chặt đứt dòng sanh tử, cũng từ tín tâm kiên cố mà được. Nếu thoại đầu giữ mãi không được, thì tham thiền không thể thành phiến. Nếu tín tâm kiên cố, thì đến chết cũng phải tham khán câu thoại đầu. Uống trà không biết đang uống trà. Ắn cơm không biết đang ăn cơm. Như thế, công phu mới thuần thục, thoát khỏi căn trần, đại dụng hiện tiền, cùng cảnh tịnh của công phu niệm Phật, giống nhau không khác. Đạt đến cảnh giới đó, sự lý viên dung, tâm cùng Phật không hai. Phật như như bất động. Chúng sanh cũng như như bất động. Một như như bất động mà không có hai như như bất động, thì sai biệt chỗ nào? Chư vị là những người tu pháp môn niệm Phật. Tôi hy vọng tất cả hãy lấy một câu niệm Phật làm chỗ y tựa cho đời mình. Hãy chân thật mà niệm!”




Có phản hồi đến “Biên Niên Tự Thuật Của Thiền Sư Hư Vân - Phần 4”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com