* Người có trí tuệ, đại khái biết bốn mươi lăm việc : 1- Là sửa sang nhà cửa; 2- Là gây một không khí hòa hợp trong gia đình; 3- Là giao thân với chín họ; 4- Là tin ở bè bạn; 5- Là theo học với bậc Minh sư; 6- Là làm việc gì quyết cho thành tựu; 7- Là tài trí cao rộng; 8- Là mọi hành vi đều hướng về việc lành; 9- Là giàu sang thì lo làm việc ân đức; 10- Là tạo tác và sửa sang đều phải thận trọng; 11- Là có của phải mở mang sự nghiệp; 12- Là không giao của cải cho con cái nếu chúng còn nhỏ; 13- Là kết bạn với người hiền; 14- Là không quá tin những ai mới vừa quen biết; 15- Là tiền của ở chỗ huyện quan phải đem về đừng để lâu; 16- Là mua bán đổi chác phải thật thà không hề lường gạt; 17- Là dời ở nơi nào phải đến xem trước; 18- Là đến đâu phải biết đó là giàu hay nghèo, quý hay tiện; 19- Là phải giao thiệp thân cận với người lành; 20- Là phải nương vào một thế lực; 21- Là đừng tranh hơn kém với kẻ cường bạo; 22- Là xưa giàu mà nay suy thì có thể mong phục hưng cơ nghiệp; 23- Nếu là bần khổ thì đừng có cao vọng to tát; 24- Là có của quý không nên khoe với người; 25- Là việc bí mật đừng nói cho vợ nghe; 26- Là làm vua phải kính người hiền đức; 27- Là phải ăn ở có hậu, nhứt là với các bậc trung tín; 28- Là nếu thanh liêm, có thể dùng trị nước, hay có thể đứng ra trị nước; 29- Là gặp việc phải lập công to; 30- Là trong công cuộc giáo hóa, lấy sự hiếu thuận làm căn bản; 31- Là phép của ông thầy là quý sự ôn hòa, như thế học trò đủ cung kính; 32- Là thầy có nhiều học trò, phải dạy chúng làm điều trung nghĩa; 33- Là làm thuốc phải có hiệu nghiệm, nghề còn vụng chớ đem ra thi thố; 34- Là đau ốm phải nghe lời thầy thuốc; 35- Là ăn uống phải giữ cho có độ lượng; 36- Là có của ngon vật lạ chia sẻ cho nhau đừng tiếc; 37- Là cho ai hoặc cho ai mượn vật gì phải tự tay mình trao cho họ; 38- Là làm chứng cớ cho người chơn chánh; 39- Là đừng vu oan cho người vô tội; 40- Là can gián sự oán giận và làm cho sự thuận thảo trở về giữa hai người; 41- Là nhẫn nại và xa lánh việc ác; 42- Là đừng phân biệt giàu nghèo mà ở với người; 43- Là lấy sự thuận hòa làm quý; 44- Là theo đạo thì phải giữ giới; 45- Là lấy sự trong sạch làm quý hơn tất cả.

Trong trần thế chỉ có đạo Niết-bàn là cao quý hơn tất cả.

Vì sao ? Vì Niết-bàn là cảnh giới không có sự già nua, bệnh, chết, không đói lạnh, không tai hoạn nước lửa, không oan gia, không trộm cướp, không dục vọng ân ái, không lo buồn hoạn nạn, không tất cả những khổ sở đớn đau. Cảnh giới ấy là diệt độ. Diệt độ không phải là một sự chết, nhưng đấy là sự giải thoát tự tại thôi.

Cảnh giới ấy, hoàn toàn an vui, một niềm vui thanh tịnh vô biên, có thể kiến lập cảnh giới ấy trên trần thế, cho riêng mình và cho chung tất cả muôn loài. Bệ hạ hãy tự lo tự tu, tự tỉnh lấy. Bệ hạ hãy tự thương lấy Bệ hạ.

Hiền Nhân này xin lên đường.

Vua lại hỏi :

– Ngài lên đường, thế không còn răn dạy trẫm điều gì nữa ư ?

* Chỗ đất bị nước mạnh xoáy lở thì dù một trăm năm sau, cũng không nên dựng lấy một cái gì trên ấy. Vì dòng nước sẽ theo thói cũ mà lôi cuốn đi mất tất cả. Người có ác tâm mà bây giờ họ bảo mình là bắt đầu làm lành thì mình quyết không tin vội. Vì tâm ác của họ chưa diệt, họ sẽ trở lại làm việc ác, ta phải nên dè dặt. Người muốn làm việc gì phải làm lần lần, như người đào giếng, đào mãi xuống sâu sẽ có mạch nước. Kẻ trí giả thấy sự nguy hiểm hoặc bất bình giữa cuộc thế, thì hãy ra tay cứu giúp cũng như người có tài bơi lội có thể lội ngang qua dòng nước mạnh.

Nhà vua thưa :

– Lời dạy của Ngài từ trước đến sau trẫm đều ghi nhớ trong lòng và rồi đây tất cả những trang sĩ phu trong nước nghe được, sẽ không một ai là không vui mừng. Việc ác trước kia sẽ dẹp bỏ hết, không ai còn dám nói đến nữa.

Ngừng một lát vua tiếp :

– Trẫm muốn nghe lời Ngài dạy, và nếu như có người nào khác đến, thì trẫm làm sao biết được người đó là bậc trí ?

Hiền Nhân đáp :

* Chỗ vấn đáp của người trí bao giờ cũng khác xa kẻ tầm thường. Không lời nói nào của họ mà không phải là lời lành. Bậc thầy bao giờ cũng chính đáng. Và những đức tánh này chứng tỏ rằng người ấy là bậc trí giả : Nhân từ, mềm mỏng, cẩn thận, chắc thật, ôn hòa nhã nhặn, lời nói hoạt bát và hay hâm mộ các việc lành. Bệ hạ đừng có nghi nan gì nữa.

Nghe lời nói, thấy việc làm của họ, thì biết là tâm và khẩu giống nhau. Xem cách cư xử, vẻ đi đứng của họ mà biết là không giả dối; nghiệm việc họ làm, cách ăn mặc, cách làm lụng cũng dư biết là bậc trí tuệ.

Đàm luận với người trí phải cho vừa ý họ, mà muốn cho vừa ý họ thì thật là khó.

– Trẫm muốn tôn thờ người trí mà đừng làm mất ý họ thì phải làm sao ?

* Kính mà đừng khinh, nghe lời dạy phải làm theo, vì chỗ hiểu biết của người trí rất đúng, bao giờ họ cũng thể theo Chánh đạo và không có tâm tham cầu, lại có thể suy xét rõ được việc quá khứ, hiện tại và vị lai. Tầm mắt của bậc trí giả rất rộng, họ thấy rõ muôn vật trong không gian và thời gian đều chỉ là biến hiện, muôn pháp đều quay về nơi nhứt điểm không tịch bản nhiên.

Kẻ trí giả nhìn thấy rõ ràng đời là một sự biến đổi tang thương; trẻ trung rồi sẽ già nua, cường tráng rồi sẽ suy nhược, có sống thì sẽ có chết; giàu sang như mây nổi, đều là vô thường cả. Cho nên, lúc an ổn phải nghĩ đến khi nguy ngập, khi hưng thạnh thì nghĩ phải đến lúc vô thường, người lành thì kính mến, người ác thì phải lánh xa. Nếu có giận hờn ai thì nên trừ bỏ, đừng vì thế mà gây ác hại người. Nhu hòa mà khó xâm phạm, yếu đuối mà khó thắng.

Người trí như vậy đó, ta không nên khinh thường.

– Trẫm hết sức cung kính tôn sùng người trí, như thế có phước chi chăng ?

* Người trí theo phép Thánh Hiền, thường làm việc nhân từ và ưa dạy dỗ kẻ ngu muội trở nên sáng suốt như họ. Người trị nước thì nên ban bố ân huệ cho kẻ biết làm lành, kẻ tu hành thì lo dẫn dắt mọi người về nơi Chánh đạo; quốc gia có cấp nạn thì cùng nhau đàm luận lo toan; tới lui phải biết thời mới khỏi bị sự nghi ngờ oán trách. Tuy có ân rộng đức lớn với người, nhưng đừng mong cầu người báo đáp; thờ người trí thì được phước và trọn đời không mắc phải tai nạn. Bệ hạ đừng có nghi nan. Pháp chánh trị không nên trái với lý đạo, dạy dân làm lành thì càng ngày càng thêm lợi ích cho nước.

Đứa vua than thở :

– Có ai nữa để cầm Hiền Nhân ở lại giúp ta ? Trời ơi ! Thật lòng trẫm rất sầu thảm, hoảng hốt như kẻ điên cuồng.

Vua bèn rơi lụy khóc lóc, đến trước Hiền Nhân, sám hối cầu xin xá tội.

Hiền Nhân đỡ :

* Ví như người không có tài bơi lội, thì không nên xuống dưới nước sâu, biết người cừu hận với ta, ta cũng không nên hại họ. Đời có thân hậu nhau, rồi có gây gổ nhau; có gây gổ nhau rồi lại xin lỗi nhau; tuy hòa giải khéo lắm, nhưng mà chi bằng trước kia đừng gây gổ là hơn. Nay, người lành mà Bệ hạ không ban thưởng, trở lại nghe gièm siểm.

Hiền Nhân cũng như con chim bay, không nhứt định đậu ở cành nào. Đạo pháp của Hiền Nhân không thể lẫn lộn với lỗi lầm như thế để mất chỗ thanh cao quý giá. Cũng như lửa cháy ngoài đồng trống, những cây gần bên sẽ bị cháy sém, hễ chỗ có nước xoáy là thuyền quay, hễ là độc trùng là hại người. Vì thế Hiền Nhân muốn tùng sự với người trí để khỏi bị ngu hèn quấy nhiễu. Hiền Nhân đã rõ rằng : Cỏ cây mỗi thứ mỗi khác, loài chim muông cũng thế : Bạch hạc thì lông trắng, chim quạ thì lông đen. Nay, Hiền Nhân cũng khác mà ai kia cũng khác, nên Hiền Nhân này không muốn lưu lại đây nữa. Đem cái áo lụa đẹp mặc cho người nhà quê cày ruộng thì thật là vô ích. Vì sao ? Người nhà quê ấy chỉ quen bùn đất, làm gì biết mặc áo lụa đẹp và có mặc cũng chỉ làm hư.

Ở nhân gian có một thứ cây gọi là Phản Lệ. Người chủ trồng nó thì không được ăn trái, còn có kẻ muốn hái trộm thì trái lại sanh ra cho mà hái. Bệ hạ cũng như cây ấy : người giúp nước được an ổn lại hất hủi đuổi xô, còn kẻ nịnh thần gian dối, phá tan việc triều chính lại cầm ở lại cho ăn bổng lộc. Khách ở lâu, chủ nhà sanh nhàm chán, nên Hiền Nhân này phải đi vậy.

Nhà vua kính cẩn thưa :

- Mạng người rất trọng, cúi xin Ngài mở lòng từ nghĩ thương đến. Trẫm nay muốn đem thân mạng tôn thờ Ngài hơn xưa.

* Bệ hạ nói thế, nhưng cũng chưa chắc gì làm được. Ý Hoàng hậu rất độc ác, Hiền Nhân này không nên ở lại làm chi, Hiền Nhân là vị Sa-môn mang bình bát khất thực, tự vui và dứt trừ tham vọng, giữ trọn giới luật của đạo và xa lìa tất cả tội lỗi.

Nhà vua khẩn khoản :

– Ngài đã quyết định, trẫm không thể cản ngăn. Nhưng xin Ngài chớ đoạn tuyệt, cúi mong một phen trở lại để lòng trẫm khỏi ân hận.

* Nếu như Bệ hạ và Hiền Nhân này đều mạnh giỏi thì còn có lúc gặp nhau; nay Hiền này muốn vào núi để tu dưỡng tánh tình, rèn thêm chí cả. Gần nhau để mà nghĩ đến chuyện ác hại nhau thì chi bằng xa nhau mà nhớ nhau trong tâm niệm lành. Người trí nghe thí dụ cũng đủ rõ; nay Hiền Nhân này xin đem một câu chuyện thí dụ để Bệ hạ nghe :

Như người lấy mật xoa vào lưỡi dao, đưa cho con chó liếm, vì tham chút mật ngọt nên bị đứt lưỡi, mà chó không biết đau đớn. Nay bốn quan cận thần cũng thế : chỉ nói ngon ngọt ngoài miệng mà trong tâm dường như dao bén. Vậy Bệ hạ phải đề phòng cho lắm và từ rày về sau nếu gặp những sự kinh hãi, Bệ hạ thường nhớ đến Hiền này thì kinh sợ sẽ tiêu tan.

Loài chim cú chim mèo thì ưa ở nơi bụi rậm, chuột bọ thì ưa núp dưới đống rác đống rơm; chim chóc thì đậu trên cành; mà chỉ có con hạc là ưa ở gần ao nước đục. Mỗi vật đều có một tánh riêng, chí nguyện bất đồng, sự ưa thích có khác. Hiền Nhân này mến đạo, Bệ hạ thì ưa việc trị dân, đó là sự sai khác.

Những vật thô xấu cũng đều có chỗ cần dùng, không nên phí bỏ tồi tàn. Hạng người nào, dù bần tiện, ngu hèn đến đâu ta cũng không nên hất hủi. Họ đều là người hữu dụng, dụng nhơn như dụng mộc, Bệ hạ phải hiểu như thế. Hiền này cũng đã biết người, biết lời nói, biết ý nghĩ của họ thế nào rồi.

Con chim ban đầu đậu ở cành thấp, sau nhảy lên nhánh cao. Hiền này thấy con Tân Kỳ sủa, biết rằng không ngoài thì trong, đã có sắp đặt mưu mô gì đó, nên trong lòng chán ngán, thôi để Bệ hạ chuộng mới quên cũ, Hiền này xin đi.

Nói xong, liền đứng dậy mang bát, chống tích trượng ra khỏi thành.

Đức vua cùng Hoàng hậu khóc lóc đi đưa, người trong nước lớn nhỏ không ai là không kêu rêu oán trách. Nhà vua ủ rũ theo sau Hiền Nhân, hỏi bằng một giọng buồn rầu :

– Ngài đi thì trẫm còn biết tin nhờ ai nữa ?

Hiền Nhân đáp :

– Có người con của chị Hiền, nó rất là hiền lành, Bệ hạ cũng nên đàm luận cùng nó. Lúc nào rảnh, Bệ hạ hãy cùng nó đi tuần hành trong nước và nghe những câu ca dao của dân chúng, nó có thể biết được trong nước thịnh suy, còn mất.

Nhà vua đáp :

– Trẫm xin nghe lời Ngài dạy.

Rồi cùng đình thần và nhân dân làm lễ Hiền Nhân rồi tiễn người ra khỏi thành quá một đoạn đường.

Từ ấy về sau, nhân kẻ trung chính đi rồi, thì kẻ loạn thần tha hồ tung hoành gian nịnh. Ngoài thì bốn quan cận thần cậy thế bắt ép lương dân, trong thì Hoàng hậu dùng thói yêu nghiệt làm nhà vua mê hoặc không còn lo nghĩ đến việc nước, chỉ dâm lung, ưa vui, ngày đêm vùi thân trong say đắm. Quan liêu cầm quyền tự do thâu thuế, bắt ép nhân dân không một chút từ tâm nhân đạo. Kẻ lấy thuế chợ mà không thèm nhìn món đồ, người mạnh lấn hiếp kẻ yếu, bóc lột tàn sát lẫn nhau không kể gì đến pháp luật. Có kẻ lại bắt con gái của người về làm nô lệ, tỳ thiếp. Thân thuộc ly tán, tìm đường trốn tránh tản lạc, mỗi người sống vất vưởng mỗi nơi, tai họa liên miên mà nhà vua không bao giờ biết đến. Mưa gió không phải thời, trồng trọt mất mùa, nước loạn dân nghèo, sự đói khó đầy đường, tiếng than van oán trách phổ vào câu ca dao cảm động đến cả quỷ thần. Nhân dân sầu khổ, lo sợ, chết không biết bao nhiêu, kẻ sống vừa than khóc vừa đi, không một ai mà không nhớ tưởng và mong cầu Hiền Nhân độ trước.

HT Thích Hành Trụ



Có phản hồi đến “Kinh Hiền Nhân - Phần 4”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com