Thời xưa, có một nước tên Bồ-lân-nại, nhân dân đông đúc, sự sinh hoạt thật là phồn thịnh.

Trong nước có một người Phạm chí tên Cù-đàm, tài trí thông minh bậc nhứt. Ông có ba người con, mà đứa út có một thân hình đoan chính đẹp đẽ không ai bằng.

Ông rất yêu chuộng nó, vì thế, lập một đại hội mời các đạo sĩ và các thân thích trong ngoài đến dự và ẵm đứa nhỏ ra cho mọi người xem. Một đạo nhân nhìn đứa bé, gật đầu :

– Đứa bé này rất mến đạo, có tướng Thánh nhơn, sau này sẽ làm đến chức Quốc sư.

Nhân đó, người ta đặt tên đứa bé là Hiền Nhân.

Hiền Nhân thuở nhỏ rất chăm chỉ học hành. Lớn lên, tài nghệ hơn người, lão thông được các kinh sử và biết được chín mươi sáu món đạo thuật. Hiền Nhân lại rõ được việc tai nạn, họa phúc, bào chế thuốc men, không gì không biết. Tánh từ bi, Hiền Nhân lại diệt được cả dâm tâm, tài nghệ đầy đủ, Hiền Nhân hàng phục được cả loài cổ độc.

Nhưng sau khi ông Cù-đàm qua đời, thì hai người anh ganh ghét xin mẹ chia gia tài. Họ bảo : “Hiền Nhân thuở bé ham học nên tiêu phí đối với thầy học rất nhiều. Bây giờ phải chia cho Hiền Nhân phần ít”. Bà mẹ thương Hiền Nhân quá, hằng khuyên nhủ hai người con lớn, nhưng họ không nghe. Hiền Nhân thấy ý hai anh quyết chắc, nghĩ rằng : “Người đời đều do lòng tham mà phải chịu bao nhiêu cảnh khổ ép bức. Nếu ta không đi thì bao giờ hai anh ta mới hết khổ”.

Bèn xin mẹ đi học đạo. Bà bằng lòng. Hiền Nhân đi, ròng rã tìm được bậc Minh sư xin làm Sa-môn, vào núi tu hành. Chẳng bao lâu, Hiền Nhân tự ngộ được tám ý :

1- Thương xót chúng sanh như mẹ thương con.

2- Muốn độ thoát cho thế gian khốn khó.

3- Dứt trừ được tâm niệm ngu si.

4- Gặp vui không mừng mà gặp khổ cũng không lo ngại.

5- Hiểu được ý đạo, tâm thường vui vẻ.

6- Giữ gìn không phạm một tội lỗi nào.

7- Dứt trừ được tham, dâm.

8- Dứt trừ được sự giận dữ.

Người loại trừ được năm món dục lạc : Mắt không còn tham đắm hình sắc trần gian. Tai không còn tham đắm âm thanh vi diệu. Mũi không nhiễm mùi hương ngây ngất. Lưỡi không ưa thích vị ngon và Thân không còn ưa lụa là và cảm giác êm dịu.

Hiền Nhân hay dùng trí huệ phương tiện tùy thuận giáo hóa thiên hạ, khuyên người làm mười điều lành, thảo thuận cha mẹ, vâng thờ Sư trưởng. Những ai lòng hay nghi hoặc, Hiền Nhân đều giáo hóa cho tin tưởng đạo đức. Người dạy cho họ rằng : Có sanh ắt có tử, làm lành gặp lành, làm dữ mắc họa, tu đạo đắc đạo, là lẽ dĩ nhiên. Thấy người nào bị nguy ách, Hiền Nhân độ cho thoát khỏi. Ai bị bệnh tật thì được giúp thuốc thang. Ai nghe lời Hiền Nhân dạy, chết sanh lên cõi trời. Ở đâu có nạn nước lụt, cháy nhà, nắng hạn nguy hiểm, nếu có Hiền Nhân đến, đều được bình an. Bao nhiêu độc hại đều bị tiêu diệt.

Khi bấy giờ, có một nước lớn, nhân dân giàu có, đông đúc, yên vui. Vua nước ấy tên Lâm Đạt thường giao trách nhiệm triều chính cho bốn ông quan cận thần. Nhưng bốn quan cận thần ấy chuyên làm những việc tà siểm, dâm ô, gian dối và bóc lột đủ điều. Dân chúng thiệt hại, ta thán mà vua không hề hay biết. Hiền Nhân thấy thế lấy làm thương xót, người cầm bát đến ngoài thành ở trọ lại nhà của đạo nhân Sa-đà bảy ngày. Qua ngày thứ tám Hiền Nhân mới vào thành khất thực.

Khi đó, nhà vua đứng trên thành trông thấy Hiền Nhân tuổi còn trẻ mà đã có cái phong vị đoan chính ung dung, dáng đi có vẻ phi thường, liền sanh lòng kính mến. Ngài liền bước xuống và chạy ra thưa hỏi.

Vua phán :

– Xin đạo nhân lưu trú tại đây. Tôi có Tinh xá ngoài thành, đạo nhân nên ở lại trong ấy. Tôi sẽ xin cung cấp những thứ cần dùng.

Hiền Nhân đáp :

– Xin vâng lời Ngài.

Thấy Hiền Nhân nhận lời, vua sung sướng :

– Ý tôi muốn thỉnh Ngài mỗi buổi sớm mai đến cung thọ thực.

Hiền Nhân nhận lời. Vua từ giã về cung, bảo Hoàng hậu :

– Vị đạo sĩ ấy không phải là người thường, sáng ngày, khanh nên đến ra mắt Ngài.

Hoàng hậu lấy làm vui vẻ và con chó của vua tên Tân Kỳ nằm dưới gầm giường cũng mừng rỡ ngoắc đuôi.

Sáng hôm sau, Hiền Nhân vào cung. Nhà vua và Hoàng hậu ra nghinh tiếp làm lễ, dâng cúng cho Ngài giường gấm, chiếu bông, khảm nỉ. Hiền Nhân vừa ngồi xuống thì con chó Tân Kỳ chạy đến liếm chân mừng rỡ. Vua thân hành múc nước rửa chân cho Hiền Nhân và hết lòng thành kính dâng đồ ăn uống.

Thọ thực xong, vua mời Người ra Tinh xá. Hiền Nhân tiện dịp nói cho nhà vua hiểu phép tắc trị nước an dân. Nhà vua vui mừng quá, nhân đó thỉnh Người phụ lực cùng bốn vị đại thần cùng chung lo việc nước. Hiền Nhân nhận lời.

Bốn ông quan cận thần vốn là người ngu tối, khiếp nhược, không chịu tập chiến trận, chỉ biết tham ô bóc lột của dân chúng. Một ông thường nói : “Sau khi người chết, thần hồn sẽ diệt mất không sanh trở lại nữa”. Ông thứ hai chủ trương : “Nghèo, giàu, vui, khổ, cũng đều do trời định”. Một ông lại nói : “Làm lành không được phúc, cũng như làm ác không bị tai họa gì”. Ông thứ tư lại ỷ mình biết xem tinh tú. Không ông nào biết việc triều chính, ông nào cũng tham lam, siểm nịnh. Còn Hiền Nhân từ khi giúp nước, làm được nhiều lợi ích. Hiền Nhân rất thông minh, tài cao, sức mạnh, lại có lòng nhơn nghĩa, cung kính. Hiền Nhân ít nói, mà hễ nói gì thì miệng nở lên một nụ cười, nên trong khi đối đãi, Người không làm phật ý ai cả.

Ông thật là trong sạch và thiểu dục không tham sắc, giản dị, phép trị dân không làm phiền ai. Ông lại biết được cả tai nạn, cứu người khỏi chết, thương dân như con. Ông lấy đạo đức dạy dân, khuyên họ không nên say sưa săn bắn, chài lưới chim cá và loài dã thú, đừng sát sanh, trộm cắp, dâm ô, dối trá, gièm siểm, hỗn ẩu, gian nịnh, ganh ghét, gây sự, kình lộn, giận dữ, yêu nghiệt và nghi nan.

Bấy giờ, nhân dân trong nước nhờ Hiền Nhân giáo hóa đều trở nên hiền lương. Từ khi ông làm chính trị đến nay, nước nhà yên ổn, mưa thuận gió hòa, mùa màng trúng tiết, các quan đều thừa hành pháp luật không dám nhiễu hại nhân dân nữa. Hiền Nhân thể theo đạo vô vi, quý trọng Phật pháp, kính thờ bốn đạo Sa-môn, sáng chiều thường tụng tập với người cháu kêu Người bằng cậu. Đứa cháu ấy rất hiền lành, lại có chí, thương thờ Hiền Nhân như thầy. Những bậc thức giả trong nước phần nhiều xu hướng theo Hiền Nhân cả. Nhà vua không còn lo điều gì cả, mọi việc đều phú thác cho ông.

Cũng vì thế nên bốn quan cận thần nể sợ không dám tung hoành như trước nữa. Họ đem lòng ganh ghét, toan lập mưu hại Hiền Nhân. Bốn người cùng nhau góp của cải mỗi người có đến ức vạn, chờ khi vua ngự giá ra ngoài, liền đem đồ lễ vật ấy dâng lên Hoàng hậu. Bốn quan tự trần :

– Thưa lệnh bà, chúng tôi khi nào cũng hết lòng cung kính lệnh bà. Nay có vật của nhà xin đem dâng lệnh bà. Vợ con chúng tôi sẽ là kẻ hầu hạ lệnh bà suốt đời. Chúng tôi muốn lệnh bà cho phép chúng tôi thưa một chuyện.

Hoàng hậu sẵn tánh tham muốn, nhận những vật quý giá ấy, vội vã đáp lại bốn vị cận thần :

– Các quan muốn gì thì cứ nói đi.

Bốn vị cận thần đồng thưa :

– Thưa lệnh bà, nay đức vua quá tin cậy Hiền Nhân, mà hắn là người thô lậu, ăn mặc xấu xa như hành khất. vua trọng đãi quá mà hắn không nghĩ gì đến ơn vua lộc nước, hằng ngày nói xấu lệnh bà và khuyên vua đừng lại phòng lệnh bà, phải xa tránh lệnh bà. Chúng tôi trộm nghĩ : Lệnh bà còn trong thời trẻ trung cần phải có Thái tử để lập Đông cung, nếu lỡ thời thì sẽ tuyệt giòng tuyệt giống, lấy ai nối ngôi vua trị nước. Lệnh bà nghĩ kỹ : Nếu không sớm lo trừ Hiền Nhân đi, thì sau này sợ ăn năn không kịp.

Hoàng hậu nghe nói nổi giận :

– Vua tin người ấy mà không biết mưu ác của hắn, thôi các quan hãy về đi, để tôi tự lo liệu việc này. Ngày mai các quan sẽ không còn thấy Hiền Nhân nữa.

Sau khi bốn vị cận thần ra về, Hoàng hậu liền lấy trái chi tử xoa khắp mặt cho da vàng, xổ tóc rối tung và nằm sõng soài trên giường. Khi đức vua trở về, một thị nữ đến báo cho vua hay : “Tâu Bệ hạ, lệnh bà hôm nay có vẻ không vui”.

Vua rất thương mến Hoàng hậu, nên lật đật qua thăm, nhưng hỏi đến đôi ba phen mà Hoàng hậu cũng không lên tiếng trả lời. Nhà vua nổi giận, quát :

– Đứa nào có tội đáng chém thế ? Khanh muốn trẫm bắt tội đứa nào, nói đi ?

Hoàng hậu khóc lóc tâu vua :

– Bệ hạ không nghe lời thần thiếp.

Vua dịu giọng :

– Khanh muốn nói gì thì nói đi, trẫm sẽ nghe lời.

Hoàng hậu được nước, tâu vua :

– Hồi sáng khi Bệ hạ đi khỏi, Hiền Nhân đến nói với thiếp rằng : “Nay vua đã già yếu không có thể chấp chính được nữa mà quan dân trong nước đều tùng phục theo tôi. Vậy lệnh bà hãy tính sao để hai ta cùng nhau hưởng ngôi trời lộc nước”. Thiếp nghĩ : Thằng ăn xin, nhờ hồng phúc Bệ hạ được sung sướng như thế mà nay âm mưu phản bội như vậy, nên thiếp rầu lắm !

Đức vua nghe, dường như người mắc nghẹn, nuốt vào đã không được mà khạc ra cũng chẳng xong. Ngài nghĩ : Nếu không dùng Hiền Nhân thì sau này sợ ân hận, mà dùng sợ trong nước rối loạn. vua lại nghĩ : Từ khi Hiền Nhân giúp ta đến nay đã được mười hai năm trời, thường đem lòng trung chính lo việc nước, diệt trừ tai hoạ cho nhân dân, kẻ xa người gần đều biết và quý trọng như của báu trong nước. Như vậy, rất không nên trừ Hiền Nhân. Nghĩ vậy, đức vua bảo Hoàng hậu :

– Nếu trừ Hiền Nhân, trong nước sẽ rối loạn. Thôi, khanh hãy vì muôn dân nên cùng trẫm nhẫn nại sự này đi.

Nghe vua nói, Hoàng hậu gieo mình xuống đất khóc to lên mà rằng :

– Nếu Bệ hạ không trị Hiền Nhân đi, thì thiếp sẽ nhảy xuống lầu tự tử cho Bệ hạ xem. Bệ hạ sẽ không còn thấy mặt thần thiếp nữa.

Nhà vua lật đật chạy đến đỡ Hoàng hậu dậy và khuyên dỗ : “Khanh cũng hiểu phép chứ, việc này không phải là chuyện nhỏ. Thôi, hãy ngồi dậy để cùng trẫm bàn luận”.

Hoàng hậu lại chỗ ngồi, vua tiếp :

– Ta không nên dùng dao gậy trị kẻ tu hành, phải dùng phương kế mà đuổi đi mới được. Thế này : Ta bớt phần cúng dường, sáng mai Hiền Nhân đến, ta không cần làm lễ nữa, chỉ vòng tay cũng đủ. Cho ông ngồi giường tre nhà dưới, ăn cơm gạo lứt đựng trong chén sành. Như vậy ông sẽ xấu hổ bỏ đi.

Nghe vua nói thế, con chó Tân Kỳ ở dưới gầm giường gầm gừ ra vẻ không vui, chỉ có Hoàng hậu lấy làm vui sướng.

Sáng ngày, Hoàng hậu làm theo lời vua phán, bảo quan Giám trù cứ thế mà thi hành.

Lúc bấy giờ, Hiền Nhân đến, đi vào cung thì con chó chạy ra gầm gừ sủa. Hiền Nhân thấy Hoàng hậu chỉ chắp tay chào sơ sài và thấy cách bày biện có khác hơn mọi ngày thì biết ngay là có mưu kế gì đây. Người suy nghĩ : “Mình không muốn hại ai, mà nay người ta trở lại hại mình như vậy, chi bằng phải lánh mặt vào núi tu hành cho xong. Oán nhỏ sẽ sanh thù lớn, ta không nên khinh thường, ta phải cẩn thận. Ta đã cô thân, lại yếu đuối, Họ đã âm mưu, cậy lấy thế lực chính trị pháp luật mạnh hơn. Nay ta đã sẵn có bát đựng cơm, bình đựng nước với giày cỏ, đãy da, nón lá cũng đủ dùng rồi”.

Mấy ai biết nghĩ sự đời,
Nắng thời giúp nón, mưa thời giúp tơi !

Nghĩ thế, thọ trai xong, sửa sang hành lý, sắp sửa lên đường. Nhà vua kinh hãi thưa rằng :

Nghĩ thế, thọ trai xong, sửa sang hành lý, sắp sửa lên đường. Nhà vua kinh hãi thưa rằng :

– Ngài đi đâu thế ?

Bối rối, vua quay lại chỉ Hoàng hậu và bảo :

– Chính Hoàng hậu làm cho ta trái ý Ngài !

Rồi nhà vua lại nắm lấy tay Hiền Nhân hỏi :

– Ngài đi đâu thế ?

Hiền Nhân đáp :

* Tôi vì vua trị nước đã mười hai năm, chưa từng thấy con chó Tân Kỳ ngầu ngừ tru sủa như hôm nay. Thấy nó sủa, tôi biết chắc có âm mưu chi đây, nên tôi muốn đi gấp.

Vua tạ lỗi :

– Thật có như vậy. Ngài thật là người thông minh, biết những việc người chưa từng biết. Xin Ngài ở lại để tôi ra lệnh bắt kẻ ác. Ngài chẳng cần đi nữa.

Hiền Nhân lắc đầu :

* Trước kia vua hậu đãi, mà nay bạc bẽo, vả lại tôi cũng không có lỗi gì, lúc này tôi nên đi là phải.

HT Thích Hành Trụ



Có phản hồi đến “Kinh Hiền Nhân - Phần 2”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com