Ở đời, có thịnh ắt có suy, có hội họp ắt có ly tán, lành dữ vô thường, họa phúc tự mình chuốc lấy. Kết bạn mà không bền chắc thì không nên thân. Thân mà không có chừng độ, thân lâu sẽ có khinh lờn. Ví như múc nước giếng, múc sâu thì nổi cặn. Gần người hiền được thêm trí huệ, ở với kẻ dốt càng thêm ngu si. Thường thấy thì hay khinh lờn, xa nhau thì sanh oán giận. Giao tiếp với người lành nên qua lại có chừng độ, thân mà có cung kỉnh thì thân lâu càng có hậu. Giao thiệp với kẻ bất lương, họ ăn ở không thật thà, lời ngon tiếng ngọt chẳng qua là để lợi dụng mình, dù cho có kết hợp cũng không nên tin. vua lấy lễ độ tiếp tôi, tôi cung kính đáp lại. Nay vua đối đãi khinh dể thì tôi phải cách xa. Thương yêu nhau rồi có sự giận ghét nhau, khi thương thì muốn nhờ cậy, lúc ghét thì chẳng muốn gần. Lấy sự cung kỉnh nhau để cầu thân thiện, lấy sự răn dạy lẫn nhau để tránh xa điều ác. Mà nay có người chẳng phân biệt cái nào là ác, cái nào là thiện, ấy chẳng phải là đạo an thân. Người không có lỗi với mình, thì mình không nên bày đặt sự sai lầm mà vu oan cho họ. Người ác tôn thờ mình, mình không nên nhận lãnh. Người muốn xa ta thì ta không nên miễn cưỡng gần họ. Sự thương yêu đã xa lìa thì không nên nghĩ đến.

Con chim đậu gãy nhánh còn biết đi tìm nhánh khác để đậu, huống chi làm người qua lại có pháp độ, hà tất phải thủ thường. Cành mục ta không nên vịn nắm, người loạn ý ta chẳng nên phạm nhằm họ. Người muốn đem việc xấu cho nhau, dù thấy nhau cũng không vui, ta xướng mà người không phụ họa theo, nên biết đó là người ở bạc. Người muốn đem việc chẳng lành cho nhau thì dù chậm dù gấp cũng phải đi; đem lời trung chính nhắc nhở nhau, thì cũng đủ biết người ấy là người có hậu. Mà nay lại có người không chịu gần người hiền, chẳng lánh xa kẻ ác, trước kính sau khinh, không phân biệt kẻ hiền người ngu, thì nếu ta không đi còn đợi đến bao giờ mới đi ! Hoàng hậu ban đầu lễ lạy mà nay chỉ vòng tay, nếu ta không đi để đợi đến chừng mắng đuổi rồi mới đi hay sao ? Ban đầu thì giường vàng, nay giường tre, ban đầu đũa ngà chén ngọc, mà nay chén sành đũa tre, ban đầu thì cơm ngon canh ngọt, mà nay cơm hẩm gạo tấm, vậy nếu ta không đi, đợi đến khi cơm đổ dưới đất mới chịu đi hay sao ? Bạn tri thức gặp nhau như chủ đãi khách, đêm đầu thì quý trọng như vàng, đêm thứ hai thì làm lơ như bạc, đêm thứ ba lạt nhách như đồng, chứng cớ rõ ràng như vậy, nếu tôi không đi, đợi đến chừng nào mới đi ?

Vua thưa :

– Nước trẫm mà được giàu có, thịnh vượng là nhờ Ngài. Nếu nay Ngài bỏ đi, sau này nước nhà ắt sẽ hoại.

Hiền Nhân đáp :

* Trong thiên hạ có bốn điều tự hoại : Một là cây có nhiều hoa trái thì nặng sẽ gãy nhánh; hai là rắn độc ngậm nọc độc, nọc sẽ trở lại hại nó; ba là kẻ làm tôi không hiền thì sẽ hại nước nhà; bốn là người làm việc bất thiện thì khi chết sẽ đọa vào địa ngục; ấy là bốn điều tự hoại.

Vậy nên trong Kinh dạy rằng : “Sự độc ác do tâm sanh ra và sẽ trở lại tự hại tâm mình, cũng như sắt sanh ra chất sét, chất sét ấy sẽ trở lại tiêu hình của sắt”.

Nhà vua thưa :

– Trong nước không có tôi hiền, mọi việc đều nhờ nơi Ngài, nếu Ngài bỏ trẫm mà đi thì nước nhà sau này sẽ nguy ngập.

Hiền Nhân đáp :

* Làm người có bốn điều tự nguy : Một là gánh vác việc nhà người; hai là làm chứng việc nhà người; ba là làm mai mối vợ chồng người; bốn là tin nghe theo lời tà siểm. Ấy là bốn điều tự nguy.

Vậy nên trong Kinh dạy rằng : “Người ngu chuyên làm việc ác, tự rước lấy sự tai họa vào thân. Đời nay vui lòng, lung ý, đời sau mang tội rất nặng”.

Nhà vua thưa :

– Trẫm kính trọng Ngài như người bạn quý, thường ở với nhau không khinh dể, Ngài chớ bỏ mà đi.

Hiền Nhân đáp :

* Bạn có bốn thứ : Một là kết bạn như hoa; hai là kết bạn như cân; ba là kết bạn như núi; bốn là kết bạn như đất.

Sao gọi là kết bạn như hoa ? Khi bông hoa còn tươi tốt thì giắt trên đầu, khô héo rồi bỏ đi. Kết bạn cũng thế : hễ thấy giàu sang thì xu phụ theo, thấy nghèo nàn lại bỏ làm lơ.

Sao gọi là kết bạn như cân ? Khi để vật nặng thì đầu gục xuống, vật nhẹ thì đầu vổng lên, có qua lại thì cung kính nhau, không qua lại thì khi rẻ nhau.

Sao gọi là kết bạn như núi ? Hòn núi vàng, loài chim thú tụ về, lông cánh được chói màu vàng rực. Kết bạn cũng thế : khi sang thời sang với nhau, khi vui đồng vui.

Sao gọi là kết bạn như đất ? Tất cả mọi vật đều dựa đất mà sanh. Làm bạn để nuôi dưỡng, ủng hộ, ân hậu không quên...

Nhà vua thưa :

– Nay trẫm biết cái trí suy nghĩ của trẫm còn cạn hẹp, tin theo lời tà siểm, khiến ngài Hiền Nhân phải ra đi.

Hiền Nhân đáp :

* Người có trí biết bốn việc không tin : Một là bạn tà ngụy; hai là bề tôi siểm nịnh; ba là vợ yêu nghiệt; bốn là con bất hiếu. Ấy là bốn cái không nên tin theo.

Vì thế Kinh dạy : “Bạn tà hại người, tôi nịnh loạn triều, vợ yêu nghiệt phá nhà, và con bất hiếu hại cả cha mẹ”.

Nhà vua thưa :

– Trước kia trẫm yêu quý hậu trọng Ngài, xin Ngài nghĩ lòng tốt của trẫm không nên bỏ đi vậy.

Hiền Nhân đáp :

* Có mười trạng thái tỏ cho biết là có yêu quý hậu trọng : Một là xa nhau lâu không quên; hai là thấy nhau thì vui mừng; ba là có món ngon vật lạ san sẻ cho nhau; bốn là khi có lỡ lời không chấp trách nhau; năm là nghe điều lành càng thêm vui vẻ; sáu là thấy việc dữ đem lời trung chính mà can gián; bảy là làm được những việc khó làm; tám là không đem chuyện riêng nói với người khác; chín là khi gặp việc bối rối phải giải quyết cho nhau; mười là đến lúc nghèo khổ không rời bỏ nhau. Ấy là mười sự yêu quý hậu trọng.

Nên trong Kinh có dạy : “Bỏ dữ làm lành, tu tập đúng như pháp, đem lời trung chánh dạy dỗ, nghĩa hiệp, có đạo”.

Nhà vua nói :

– Vì tội ác của bốn quan cận thần, nên Ngài không ưa Trẫm nữa.

Hiền Nhân tiếp :

* Có tám việc biết là không ưa nhau : Một là thấy nhau mặt đổi sắc; hai là liếc ngó không thẳng thắn; ba là lời nói không ôn hòa; bốn là nói phải cho là quấy; năm là nghe lời suy bại thì vui thích; sáu là nghe lời hưng thịnh thì không vui; bảy là hủy bỏ, chê bai việc tốt đẹp của người; tám là tán thành việc ác của người.

Vậy nên trong Kinh dạy rằng : “Lỡ đánh chết người, tội ấy còn có thể dung thứ; dùng tâm độc âm mưu để hại người, tâm niệm ấy rất không nên gần”.

– Trẫm là người ngu si, không biết phân biệt kẻ trí người ngu, nên nghe lời tà siểm làm trái mất ý Thánh nhơn.

* Có mười sự chứng tỏ đó là người trí : Một là biết kẻ hiền người ngu; hai là biết kẻ sang người hèn; ba là biết kẻ giàu người nghèo; bốn là biết việc nào khó việc nào dễ; năm là biết việc nào đáng bỏ việc nào nên làm; sáu là biết nhiệm vụ của mình; bảy là vào nước nào biết được phong tục của nước ấy; tám là biết được chỗ trở về; chín là học rộng hiểu nhiều; mười là biết được túc mạng. Mười việc đó chứng tỏ người có trí.

Kinh dạy : “Khi tai nạn gấp rút mới biết được lòng bạn, có đánh nhau mới biết kẻ yếu người mạnh, có luận nghị mới biết được người trí, lúc cơm thua gạo kém mới biết người có lòng nhân”.

– Nước trẫm từ khi được Ngài giúp đỡ, trong ngoài đều được an ổn. Nếu nay Ngài bỏ ra đi thì trẫm còn biết nương nhờ ai nữa.

* Có tám điều kiện để an ổn : Một là được của cha mẹ để lại; hai là có nghề nghiệp bảo đảm lấy sự sống của mình; ba là học thức cao; bốn là có bạn hiền; năm là có người vợ trinh lương; sáu là được người con hiếu thảo; bảy là tôi tớ được hòa thuận; tám là lìa xa việc ác. Đó là tám điều kiện để được an ổn.

Kinh dạy : “Sanh ra sẵn có của cha mẹ để lại và gặp được bạn hiền rất thiết; các việc ác không phạm đến và có phước thừa rất thích”.

– Lời của Thánh nhơn thật không một ai nghe mà không thích.

* Có tám cái thích : Một là cùng làm việc với người hiền; hai là được học với bậc Thánh nhơn; ba là tánh thể được nhân từ và ôn hòa; bốn là sự nghiệp mỗi ngày mỗi hưng thịnh; năm là diệt được tánh giận dữ; sáu là biết lo phòng ngừa tai nạn; bảy là biết nương gần đạo pháp; tám là bạn bè không dối gạt nhau.

Kinh chép rằng : “Có Phật ra đời rất thích; diễn giảng đạo pháp rất thích, chúng Tăng nhóm họp và hòa thuận rất thích. Hòa thuận thì thường an vui”.

– Ngài Hiền Nhân thường khi dễ khuyên can mà nay sao lại khó cầm lắm thế ?

* Có mười trường hợp mình không thể khuyên can : Một là tham lam che mất lương tri; hai là tham đắm sắc đẹp; ba là ưa danh vọng địa vị; bốn là kẻ ngang tàn bạo ngược; năm là kẻ nhút nhát; sáu là kẻ khờ khạo lừ đừ; bảy là kẻ kiêu ngạo buông lung; tám là người ưa đấu tranh; chín là người chấp tập tục si mê; mười là kẻ tiểu nhơn. Ấy là mười trường hợp mà ta không thể khuyên can.

Kinh chép : “Nói Pháp cho người ngu nghe cũng như nói với kẻ điếc, những ai khó hóa độ thì không thể khuyên can”.

– Trẫm là kẻ kiêu ngạo lại thêm buông lung, chưa thể xa lìa được sắc đẹp, còn Ngài là người đã chứng pháp vô vi, lẽ nào không nói với trẫm nữa sao ?

* Có mười trường hợp mà mình không nên nói với người : Một là kẻ ngạo mạn; hai là kẻ ngu độn; ba là kẻ hay lo sợ; bốn là kẻ ham vui chơi; năm là kẻ hay e lệ; sáu là kẻ câm ngọng; bảy là kẻ cừu hận; tám là kẻ đói lạnh; chín là kẻ mắc nhiều việc; mười là người đang tham thiền tịnh lự. Đó là mười trường hợp.

Trong Kinh có câu : “Làm được hãy nên nói, làm không được thì đừng nên nói suông; lời hư ngụy không thành tín thì các bậc minh triết không thèm đoái đến”.

– Người đàn bà xinh đẹp, nói năng khôn khéo êm tai, mà trong thì tội ác, ngoại dâm, thì căn cứ vào đâu mà hiểu được họ ?

* Có mười triệu chứng sẽ hiển hiện cho ta thấy : Một là đầu tóc rối và bới tóc nghiêng một bên; hai là mặt hay biến sắc và mồ hôi tự nhiên chảy; ba là lớn tiếng nói cười; bốn là hay liếc ngó không đoan chính; năm là trang sức lộng lẫy; sáu là hay nhìn trộm kẽ vách; bảy là ngồi không yên; tám là hay dạo chơi trong xóm làng; chín là hay đi dạo chơi ngoài đồng vắng; mười là hay giao thiệp với hạng dâm nữ.

Kinh chép : “Đàn bà con gái thật khó tin, lời nói khôn khéo của họ rất dễ hại người. Vì thế bậc cao sĩ lánh xa không muốn thân cận”.

– Trẫm thấy thường tình người ta hay thân cận và tin cậy đàn bà mà không biết tội ác lừa gạt của họ.

* Có mười việc không nên thân cận và tin cậy : Một là vua tôi hậu đãi; hai là tình nhân của một người đàn bà mình quen; ba là kẻ ỷ sức mình; bốn là kẻ ỷ vào tiền của; năm là chỗ nước chảy rất mạnh; sáu là chỗ nhà cũ tường xiêu; bảy là hang rồng hang rắn; tám là chỗ quan quân tra xét; chín là chỗ của kẻ đã thù giận mình; mười là chỗ có trùng độc. Ấy chính là mười chỗ không nên thân cận và tin cậy.

Trong Kinh có câu : “Những ai bảo uống rượu không say, những ai bảo đã say không loạn. Việc vua hậu đãi, đàn bà thương yêu, tất cả những cái ấy rất khó tin cậy”.

– Như lời Ngài nói thì có nhiều trường hợp thương nhau quá rồi cũng ghét nhau quá. Trẫm rất ghét như vậy, và quả thật cái đó đáng ghét lắm.

* Có năm cái đáng ghét : Một là ác khẩu hại người; hai là gièm pha, siểm nịnh, và thúc giục sự đấu tranh; ba là rầy rà không thuận hòa; bốn là ganh ghét và trù rủa; năm là nói hai lưỡi gạt người.

Kinh dạy rằng : “Làm cho kẻ khác mệt nhọc và mình mong muốn sự hay ho về phần mình thì chỉ rước họa vào thân, tự gây lấy oán thù sâu nặng”.

– Làm thế nào để được người kính mến ?

* Có năm tính tốt này thì được người cung kính : Một là nhu hòa và nhẫn nhịn; hai là cung kính và có tín tâm; ba là mau mắn và ít nói; bốn là lời nói đi đôi với việc làm; năm là đối với bạn càng lâu càng thâm hậu. Năm điều ấy là đặc tính làm cho người ta cung kính mình.

Trong Kinh có câu : “Nếu biết thương lấy mình thì phải dè dặt giữ mình. Các bậc Hiền sĩ có chí hướng thượng cao xa, học hiểu chính đáng thì không bao giờ lầm lạc”.

– Còn vì sao bị người khinh mạn ?

* Năm nguyên do sau đây bị người khinh mạn : Một là kẻ râu dài mà ngã mạn; hai là áo quần dơ bẩn; ba là thiếu suy nghĩ; bốn là dâm ô vô lễ; năm là chơi bời không tiết độ.

Kinh dạy : “Giữ và thâu nhiếp ý tưởng vào chỗ chính cũng như ngựa theo dây cương ; không kiêu, không mạn, thì người và trời đều cung kính”.

Nhà vua lại năn nỉ :

– Xin Ngài lưu ý, cùng trẫm trở về Tinh xá.

Hiền Nhân đáp :

* Có mười kẻ mà mình không nên mời về nhà : Một là thầy ác; hai là bạn tà; ba là kẻ hay khinh bỉ bậc Thánh nhơn; bốn là kẻ hay nói tráo trở; năm là kẻ dâm ô; sáu là người thèm rượu; bảy là kẻ có tánh xấu; tám là người không biết ơn nghĩa; chín là đàn bà con gái mất nết; mười là kẻ tỳ thiếp ưa trang sức. Đấy là mười hạng không nên mời về nhà.

Kinh chép : “Lánh xa người ác, đừng làm bạn với kẻ dâm lung, chỉ nên tùng sự các bậc Hiền giả, mới mong thành người minh đức”.

– Được Ngài ở lại thì trẫm cùng thiên hạ được an vui vô sự. Nay Ngài bỏ đi thì nhân dân trong nước đều oán trách trẫm.

* Có tám điều kiện để được an vui : Một là vâng thờ kính thuận các bậc Sư trưởng; hai là đem sự hiếu thuận dạy cho nhân dân; ba là khiêm nhường kẻ trên người dưới; bốn là phải tập tánh nhân đức ôn hòa; năm là cứu giúp người trong cơn nguy cấp; sáu là phải quên mình mà nghĩ đến người; bảy là thâu thuế ăn lời nhẹ và phải biết tiết kiệm; tám là bỏ hận thù xưa. Đấy là tám điều kiện để được an vui.

Trong Kinh có câu : “Chuyên tu cội đức, nghĩ trước rồi làm sau, cứu giúp người trong cơn nguy cấp và bần khổ, thì trọn đời được an vui”.

– Trẫm luôn luôn nghĩ đến Hiền Nhân, nào có bao giờ lãng quên.

* Bậc trí giả có mười hai điều luôn luôn phải nghĩ tới không bao giờ lãng quên : Một là khi gà gáy sáng đã nghĩ tới tội lỗi mà lo làm việc phúc đức để đền bù lại; hai là nhớ việc hầu hạ tôn thân; ba là gặp việc gì phải suy nghĩ dự bị trước; bốn là phải lo nghĩ lánh xa sự nguy hại; năm là phải nghĩ trước mới nói sau để khỏi phải lầm lạc; sáu là phải nghĩ đến những kẻ lạc lầm mà đem lời trung chánh dạy bảo nhắc nhởû họ; bảy là phải nghĩ đến những kẻ nghèo khổ để thương xót cấp hộ; tám là phải lo làm việc bố thí nếu mình có của; chín là phải nghĩ đến việc ăn uống cho có chừng độ; mười là phải nhớ giữ sự công bình khi phân xử hoặc phân chia; mười một là phải nhớ đem ân từ ban bố cho dân gian; mười hai là phải thường nghĩ đến sự huấn luyện nếu mình là quân sĩ hay võ quan. Đấy là mười hai điều mà kẻ trí giả phải nghĩ đến.

Vậy nên trong Kinh có câu : “Làm việc gì phải lo dự bị trước, như vậy sự nghiệp sẽ mỗi ngày mỗi lớn không khi nào thất bại”.

– Tiếc rằng trẫm không có một bậc Đại hiền nào để cầu Hiền Nhân lại cho trẫm.

Hiền Nhân lại tiếp :

* Bậc Đại hiền có mười hạnh tốt : Một là học rộng hiểu nhiều; hai là không phạm giới luật trong Kinh dạy; ba là kính thờ Tam Bảo; bốn là thọ lãnh pháp lành không quên; năm là kiềm chế được tham sân si; sáu là tu tập được pháp tứ đẳng tâm; bảy là ưa làm việc ân đức; tám là không nhiễu hại chúng sanh; chín là hay hóa độ được người bất nghĩa; mười là không lầm lộn việc lành việc ác.

Kinh dạy : “Gặp được bậc Đại hiền rất khó, như ít có lắm vậy, các bậc ấy ở đâu thì bà con quyến thuộc và người chung quanh đều được nhờ cậy”.

– Thật là tội trẫm quá nặng, nuôi dưỡng kẻ ác làm cho Ngài giận mà bỏ đi.

* Kẻ đại ác, đại khái có mười lăm tội nặng : Một là sát sanh; hai là trộm cắp; ba là quen thói dâm ô; bốn là dối trá; năm là nịnh hót; sáu là chuốt ngót; bảy là gièm pha; tám là khinh bậc Hiền sĩ; chín là tham sự ô trược; mười là buông lung; mười một là say sưa; mười hai là ganh ghét người hiền; mười ba là hủy báng đạo đức; mười bốn là sát hại Thánh nhơn; mười lăm là không kể tội lỗi. Đấy là mười lăm điều tội ác của kẻ phàm ngu.

Trong Kinh có câu : “Gian ngược, tham lam, oán người lương thiện, làm việc bất chính, thì khi chết, đọa vào ác đạo”.

– Trẫm năn nỉ Ngài mãi mà không được, lấy làm hổ thẹn quá !

* Người đời có mười cái đáng hổ thẹn : Một là làm vua không hiểu chánh trị; hai là tôi thần mà vô lễ; ba là thọ ân không lo báo đáp; bốn là có tội lỗi không chịu chừa bỏ; năm là một vợ hai chồng hay một chồng hai vợ; sáu là chưa cưới mà có thai; bảy là tập hợp không thành; tám là có binh khí mà không thể chiến đấu; chín là kẻ bỏn sẻn thấy người bố thí; mười là tôi tớ mà chủ không sai khiến được. Đó là mười cái đáng hổ thẹn.

Kinh chép : “Những ai biết hổ thẹn đều là kẻ rất dễ dạy, rất dễ sách tấn cũng như điều khiển ngựa hay”.

– Nay trẫm mới biết rằng : Người đạo đức rất khó chiều chuộng.

* Có mười hai điều khó : Một là làm việc với người ngu; hai là yếu đuối chống lại được với sức mạnh; ba là thù nhau mà ở chung một nhà; bốn là học ít mà đứng ra nghị luận; năm là nghèo hèn mà trả được nợ; sáu là ra trận không có tướng sĩ; bảy là thờ vua trọn đời; tám là học đạo mà thiếu mất tín tâm; chín là làm ác mà muốn được quả báo đẹp; mười là sanh ra đời được gặp Phật; mười một là được nghe Chánh pháp của Phật; mười hai là làm theo được Chánh pháp ấy mà thành tựu. Đấy là mười hai điều thật khó.

Kinh dạy : “Được làm người là khó, gặp Phật ra đời là khó, được nghe giáo pháp của Phật là khó, vâng làm theo được giáo pháp ấy thật khó”.

Nhà vua khen ngợi :

– Gần bậc minh đức thật có lợi. Đàm luận với Ngài, trẫm lại được thêm trí tuệ.

HT Thích Hành Trụ



Có phản hồi đến “Kinh Hiền Nhân - Phần 3”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com