12h trưa hôm nay ngày 8/4/2023 ở Mỹ là 11h sáng ở Việt Nam, con thản thốt giật mình khi nhận được tin bên chùa gọi sang cho biết ông Sư vừa về cõi Phật. Là một thầy thuốc ở Mỹ và xem bệnh án của Sư nhiều năm, thấm hiểu chuyện sinh tử vô thường nhưng nghe tin Sư ra đi lòng con vẫn đầy xúc cảm bùi ngùi. Thế là vị thầy trưởng thượng đầy đạo hạnh từ bi thương yêu con nhất mực, ở bên con lâu nhất 15 năm cũng đã về cõi Tịnh Độ Tây Phương.

Xem thêm:

Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Giác Quang – Trưởng Ban Quản Trị Tổ Đình Quan Âm Tu Viện Đồng Nai Tân Viên Tịch

Hòa Thượng Thích Giác Quang – Hòa Thượng Từ Bi -Trọn Đời Con Tri Niệm

Vì Sao Con Làm Sách "Phật Pháp Vấn Đáp"?

Tâm Tình Người 7 Năm Làm Sách "Phật Pháp Vấn Đáp" Của HT Thích Giác Quang

Trong thoáng chốc, mọi hình ảnh, kỷ niệm tình cảm về Sư trong 15 năm qua lại hiện về như một đoạn phim chiếu chậm. Biết bao nhiêu là hình ảnh đẹp, đầy luyến lưu xúc cảm thiêng liêng mà Sư đã dành cho con cũng như đã thầm lặng hy sinh vì Phật pháp, vì đạo Pháp trường tồn cho dân tộc Việt Nam và để thế hệ mai sau được hiểu rõ Phật pháp, có học thức, có sự tu tập đúng theo chánh đạo cứ kéo dài xuyên suốt. Đặc biệt, Sư chính là vị thầy trưởng thượng đạo cao đức trọng đầu tiên khai mở chương trình Phật pháp vấn đáp cho Phật tử trên mạng mà có lẽ rất ít người biết đến điều này.

Mười lăm năm trước, con mới biết đến Phật pháp, biết đền Sư, biết đến Quan Âm Tu Viện từ thế giới mạng trước khi được về chùa đảnh lễ Sư. Có lẽ phước duyên chư Phật thương xót để con làm một người con Phật và là Phật tử thân cận của Sư sau này dù chưa hề biết đến chùa. Chẳng ai liều mạng hơn con khi chưa hề biết Phật pháp lại dám làm báo Phật giáo và tiếp nhận các câu trả lời Phật pháp của Phật tử trên mạng rồi trả lời.

Thời đó, internet còn chưa phát triển ở Việt Nam. Báo Phật giáo trên mạng rất hiếm, facebook rất ít người dùng, youtube không phải trăm hoa đua nở như hiện nay và chỉ có một ít ở Việt Nam sử dụng blog yahoo 360. Vì con biết Phật giáo bập bẹ qua mạng, xung quanh không hề có bạn đạo, chùa chiền, thầy tổ để hướng dẫn, tu tập chung nên con muốn sử dụng mạng xã hội và internet để hoằng truyền Phật pháp theo khả năng của con.

Trải quả một vài trang báo Phật giáo trên mạng, kể cả viết bài, dịch bài cộng tác cho nhiều tờ báo Phật giáo nổi tiếng lúc ấy và sau này là trang nhà Linh Sơn Phật Giáo của riêng mình, con đều có Sư giúp đỡ hộ trì trong vấn đề Phật pháp vấn đáp.

Sư không biết gì về thế giới mạng, điện thoại thông minh đến giờ vẫn không có ngoại trừ Sư có biết lên mạng đọc báo Phật giáo và dùng máy tính để đánh văn bản viết sách cho nhanh. Mỗi lần con cần hỏi đáp gì Phật pháp, con đều phải gọi điện mua thẻ quốc tế mà nhiều khi Sư giảng dạy rất kỹ rất lâu để con hiểu thì lại mất mạng chập chờn.

Nhìn trên thế giới mạng, các Phật tử thường xuyên nhắn tin gởi câu hỏi Phật pháp với đủ chuyện đời thường rất thiết thực mà họ không dám hỏi một vị tăng ni nào. Nhiều lúc con gieo duyên cho họ về chùa để hỏi nhưng họ cũng ngại. Thời đó cũng rất hiếm có vị tăng ni nào có tài khoản trên mạng và Phật tử cũng sợ bị lừa . Chẳng hiểu duyên thế nào, họ đều gởi hết cho con hay email về địa chỉ trang nhà cho con.

Sách báo Phật giáo trả lời Phật pháp cũng rất ít, đa phần là về vấn đề tu học chuyên sâu chứ quá nhiều vấn đề đời thường đôi khi lại xem là điều cấm kỵ, sợ bị xem là xúc phạm tăng ni, bất kính và mất phước. Chưa kể Phật tử cũng không biết nên hỏi vị thầy nào cho đúng và ai là người có sự tu tập, có đạo hạnh để trả lời giúp Phật tử khai thông trí tuệ, vững tâm tu hành.

Con may phước là Phật tử thân cận của Sư, được có nhiều vị thầy trưởng thượng không bao giờ phiền tâm trả lời mọi thắc mắc giúp đỡ con tận tình. Nhưng các thắc mắc của các Phật tử cũng là những điều phổ quát rất cần thiết theo thời đại. Chưa nói nhiều Phật tử còn bị la mắng khi họ hỏi những câu hỏi được cho là tế nhị, là tự mình nên biết nhưng không biết thế nào. Thêm vào đó, quá nhiều sự hiểu biết của Phật tử mang màu sắc đầy cố chấp, sân si, mê tín dị đoan không đúng chánh đạo.

Có lẽ vì sống ở Mỹ, lại làm trong ngành y, vấn đề rõ ràng rất quan trọng và một vị thầy thuốc không bao giờ được xem nhẹ câu hỏi nào của bệnh nhân. Phật giáo là bao la lại càng có sự hướng dẫn đúng đắn. Vì thế, mọi câu hỏi Phật tử gởi đến con đều thấy cần phải được trả lời và phổ biến rộng rãi để những ai chưa hiểu, chưa biết được khai tâm. Như thế sẽ lợi ích hơn rất nhiều so với việc trả lời riêng cho từng người. Vì sao con lại không thể dùng thế giới mạng để mang Phật pháp đến với Phật tử một cách đúng đắn và cũng để giúp con được tu hành.

Mang tâm tư này con đi thưa với ông Sư, Hòa Thượng Thích Giác Quang, viện phó Quan Âm Tu Viện, viện phó Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng lúc bấy giờ. Con cầu xin Sư có thể giúp con trả lời mọi câu hỏi Phật pháp và không tránh né bất cứ vấn đề gì. Sư là một bậc thầy trưởng thượng cả đời tu hành từ trên núi cao của Tổ Đình Linh Sơn thời xa xưa như một bậc du tăng khất sĩ Non Bồng, oai nghi tế hạnh, đạo hạnh viên dung, tướng hảo quang minh, thanh bần giản dị rất hiếm gặp trong thời đại ngày nay. Vì thế, những gì Sư trả lời đều là của một bậc thầy có tu tập, có sự gia trì của chư Phật và sẽ khơi mở cho Phật tử rất nhiều.

Sư bận rộn trăm công ngàn việc, chỉ nhìn chức vụ Phật sự, từ quản lý chùa, quản lý Tông Phong, lãnh đạo giáo hội, hoằng pháp khắp các chùa, viết sách, viết bài, tu tập tinh chuyên thì làm sao còn thời gian để giúp con. Dù Sư vô cùng từ bi, chưa bao giờ chối từ con bất cứ điều gì về Phật pháp nhưng việc trả lời viết bài liên tục thế này con sợ sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của Sư, sợ Sư chối từ.

Ấy thế mà khi vừa nghe con trình bày xong, Sư không hề tỏ vẻ chạnh lòng nghĩ suy mà vui vẻ đồng ý ngay còn cho rằng đầy là một chương trình hay, ý nghĩa và Sư rất hoan hỷ giúp đỡ. Vả lại, việc viết sách, trả lời Phật pháp còn là tâm nguyện của Sư nên Sư không bao giờ cảm thấy mệt. Sư khuyến khích con nên làm những điều này và sẽ trả lời tất cả mọi vấn đề về Phật pháp con gởi về.

Để gởi câu hỏi và nhận câu trả lời, con đều phải nhờ qua thầy thị giả biết sử dụng email. Sau khi nhận được câu hỏi hay câu trả lời, con sẽ gọi điện về thưa hỏi nếu có vấn đề nào cần chỉnh sửa hay con chưa hiểu.

Con thương Sư lắm vì dù bận thế nào Sư cũng luôn nhận điện thoại và rất lịch sự nhẹ nhàng trả lời cho con, dù là giữa trưa, giữa khuya, kể cả lúc nằm trên giường bệnh hay đang họp với giáo hội. Nếu đó là tội lỗi quấy phiền một bậc tu hành trưởng thượng chắc tội lỗi ấy con được đứng đầu. Ấy mà bao nhiêu năm, Sư chưa một lần la mắng giận hờn gì con ngoài thương con vô cùng.

Con nhớ thời ban đầu của những năm 2009, 2010, lúc ấy các câu hỏi còn giản đơn nên Sư cũng chỉ trả lời ngắn gọn, thâu tóm ý chính để Phật tử hiểu. Tuy nhiên, càng về sau, số lượng câu hỏi càng có nhiều vấn đề nên Sư trả lời cặn kẽ, chi tiết hơn. Cho đến tập 3 và đặc biệt là tập 4, Sư muốn nâng tầm cho Phật tử và cũng là trả lời theo văn phong khoa học khi trình bày rất chi tiết, trích dẫn nhiều điển tích, lịch sử, câu chuyện để người đọc được mở rộng kiến thức trải nghiệm của mình. Điều này càng cho thấy trí tuệ trong vấn đề thông hiểu Phật pháp, thông tuệ rất nhiều lĩnh vực cuộc sống của Sư là bất khả tư nghì.

Bốn tập sách Phật pháp vấn đáp gồm 250 câu hỏi đáp trải dài trên 2 ngàn trang sách là cả một công trình tâm huyết kéo dài hơn 10 năm mà Sư đã dành tặng cho hàng Phật tử hậu thế. Đặc biệt tập 4 với 50 câu hỏi, dài gần 700 trang là biết bao tâm tư, trí tuệ, thời gian, công sức khổ nhọc mà Sư đã gởi gắm vào thế hệ sau này.

Điều Sư mong muốn là tăng ni Phật tử phải hiểu rõ Phật pháp, tu hành đúng theo lời Phật dạy, có học thức, có sự tu tập để hoẳng truyền Phật huệ, để đạo pháp và dân tộc mãi trường tồn vì Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam.

Con còn nhớ khi Sư đăng đàn trả lời các câu hỏi về đốt vàng mã, về bói toán xăm quẻ, coi ngày tháng, các tập tục mê tín dị đoan vẫn xuất hiện ở các chùa, đặc biệt là vấn đề phụ nữ, vong nhi nạo phá thai, trang nhà của con và kể cả tài khoản trên mạng bị nghẽn vì lượng người đọc vào quá nhiều và sau đó là cả một rừng câu hỏi tới tấp gởi đến.

Lần đầu tiên, có một vị thầy trưởng thượng không ngại ngần trả lời các câu hỏi rõ ràng mà không Phật tử nào dám hỏi trực tiếp, hướng dẫn từ bi giản đơn, không làm cho Phật tử cảm giác tội lỗi dày vò cả đời, hoặc luôn cảm giác xung quanh toàn vong nhập vong sinh không thoát ra được. Đặc biệt, Sư là người đầu tiên hướng dẫn Phật tử giản đơn đặt pháp danh cho vong nhi, gởi ở chùa, không bày vẻ cúng kiến, đủ thứ mê tín rất thịnh hành rối loạn phiền não tốn kém cho Phật tử.

Qua các câu hỏi về vong nhi, con thật sự choáng ngợp và hoảng hồn khi biết đây là cả một vấn đề nhứt nhối, một tệ nạn, một nổi khổ niềm đau âm ỉ cũng như đau lòng khi toàn nhận các câu hỏi về vấn đề này từ các em trẻ vị thành niên. Nhiều Phật tử không biết gởi vong nhi đi đâu, hoặc nhiều chùa nhiều nơi đền đài bắt họ phải nộp tiền, bày vẻ cúng kính khá nhiều.

Trước tình cảnh ấy, Sư làm con xúc động khi quá từ bi nói con khuyên các Phật tử nếu không thể đi đến nơi khác và nếu thuận tiện thì về chùa gặp Sư rồi Sư quy y giúp đỡ, gởi ở tu viện Sư giúp đỡ độ vong, hướng dẫn cha mẹ tu hành mà không phải lo tốn kém bất cứ điều gì. Quan Âm Tu Viện chỉ là một ngôi chùa bình dị mộc mạc như chùa quê nhưng luôn đầy từ bi bao la che chở giúp đỡ mọi người khi cần vì sư là Hòa thượng Từ Bi đường đầu.

Thật sự ban đầu khi các câu hỏi ấy được độc giả quan tâm, gởi thư cảm ơn và xin được về chùa gặp Sư, con vui lắm. Trong tâm còn nghĩ đó là các tín hiệu mừng vì những câu hỏi có giá trị, đi vào tâm lý của Phật tử và công việc của mình đang làm có ý nghĩa.

Tuy nhiên, con nào biết điều con vui vẻ cố gắng hoằng truyền lại mang đến biết bao phiền não khác cho Sư và ở chùa khi số lượng người ùn ùn về chùa xin gởi vong nhi. Có ngày theo vị thầy quản lý vãng sanh viện, Sư phải đặt pháp danh liên tục cho quá nhiều vong nhi, không còn bàn để cúng cơm, chưa kể đâu phải vong nào hay cha mẹ nào cũng yên ổn nghe lời. Vậy mà ai đến Sư cũng đều giúp đỡ, chú nguyện tận tình, còn tặng thêm sách vở để Phật tử về đọc hiểu hơn Phật pháp.

Các Phật tử sơ cơ giống con ngày xưa và kể cả nhiều tăng ni vẫn hay chấp pháp môn này, chê pháp môn kia, tranh cãi hý luận vì ai cũng cho rằng pháp môn của mình, thầy của mình là đúng, là theo lời Phật dạy, người khác là không cứ như câu chuyện “phướn động gió động” của Lục Tổ Huệ Năng. Trong 250 câu hỏi qua bốn quyển sách, Sư đã trả lời rất nhiều câu về vấn đề này, để Phật tử hiểu rằng tất cả đều là phương tiện, mỗi pháp môn, mỗi phương pháp tu tập đều như một bông hoa trong rừng hoa trăm sắc ngàn hương và đừng chấp pháp mà nên cố gắng hành trì.

Niệm Phật, niệm chú, tụng kinh, nhất là hành trì chú đại bi, linh ứng nhiệm mầu niệm chú, hay pháp môn thiền tịnh thế nào cho đúng lại là những câu hỏi rất được độc giả quan tâm. Đến bây giờ vẫn có rất nhiều bạn đọc gởi các câu hỏi về việc tu hành tụng niệm kinh chú này. Điều này cho thấy trình độ các Phật tử cũng đã có sự thay đổi, cố gắng tìm hiểu và thật tâm mong được tu tập đúng đắn là nhờ ở Sư.

Sách của Sư được nhiều Phật tử trong nước kể cả hải ngoại xin thỉnh. Nhiều chùa đã đặt sách của Sư để tặng cho Phật tử. Bộ sách Phật Pháp Vấn Đáp của Sư trở thành bộ sách gối đầu giường, bộ sách kim chỉ nam giúp Phật tử hiểu rõ mọi vấn đề trong cuộc sống và tu học của mình một cách đúng đắn nhất. Đặc biệt, nếu Phật tử nào có duyên từ sách tìm đến chùa đều vô cùng xúc động bất ngờ vì trong đời lại có phước duyên đảnh lễ một bậc thầy đạo cao đức trọng lại rất giản dị, từ bi thanh bần hơn những gì mình tưởng tượng.

Nhiều Phật tử vô cùng biết ơn vì những câu trả lời rất thú vị, tinh tế, văn phong bình thường nhưng đều là pháp phật thâm sâu. Rất nhiều Phật tử nhờ đọc sách, đọc các câu trả lời của Sư mà hiểu đến Phật pháp đúng đắn, tâm rộng mở và không còn cảm thấy Phật giáo là một điều gì cao siêu nhiệm mầu không phải cho mình. Phật giáo là con đường để sống an lạc, tỉnh thức, đầy yêu thương mà Sư muốn truyền trao lại cho thế hệ ngày mai.

Ban đầu, con chỉ nghĩ mang những câu hỏi đáp của Sư hoằng pháp trên thế giới mạng vì lúc ấy báo Phật giáo rất ít, mạng còn thưa thớt và con lợi dụng phương tiện mạng xã hội ở Mỹ để hoằng pháp. Sau này khi số lượng câu hỏi đáp quá nhiều nên mới nghĩ đến việc làm sách. Với con, đây là bộ sách Phật pháp vấn đáp rất đầy đủ và có giá trị nhất vì do chính một bậc chân tu viết nên.

Có thể nói, Sư chính là người đầu tiên khai mở chương trình Phật Pháp Vấn Đáp sống động đầu tiên cho Phật tử. Về sau, khi nhiều trang mạng Phật giáo hơn, internet và mạng xã hội phát triển, có nhiều chương trình hỏi đáp trực tuyến được mở ra khi nhiều người đọc các câu hỏi đáp của Sư rất thú vị và thiết thực.

Đây là điều nên mừng khi trăm hoa đua nở, Phật tử có duyên với ai thì theo người ấy và Phập pháp được phổ quát hơn, nhiều khi là đến loạn động vì quá tràn lan và quá nhiều. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, người khai nguồn đầu tiên cho những câu hỏi Phật pháp vấn đáp ấy chính là Sư, một vị Hòa Thượng trọn đời chuyên tu, đầy đạo cao đức trọng tại Tu Viện Quan Âm Đồng Nai.

Khi làm xong tập 3, sức khỏe Sư đã bị suy giảm vì làm việc quá nhiều, con đã bị nhiều vị thầy trưởng thượng la trách do không để Sư nghỉ ngơi. Con định dừng lại nhưng Sư nhất quyết tiếp tục trả lời. Thế là con tự hứa với lòng xong tập 4 sẽ ngưng dù trong tâm con muốn làm 5 tập sách để con được chắt lọc hết trí tuệ, đạo hạnh, kinh nghiệm tu tập của Sư truyền lại mai sau.

Sư cũng sợ sẽ không còn thời gian làm nhiều sách nên tập 4 Sư viết liên tục, viết thật dài, cứ như rút hết ruột mình lấy hết công hạnh hơn 60 năm tu tập từ khi còn thơ ấu, là con trai duy nhất trong gia đình danh giá giàu có ở Tiền Giang đã trốn nhà theo ông Cố xuất gia ở Tổ Đình Linh Sơn mà viết nên sách.

Chỉ cần có chút thời gian là Sư sẽ đóng cửa mà viết câu trả lời cho con. Gần 700 trang giấy cho 50 câu hỏi tập 4 thì cũng biết Sư đã khổ công lao nhọc thế nào. Mỗi lần nhận được câu trả lời để biên tập là mỗi lần con vừa vui lại vừa xúc động thương kính Sư khôn nguôi.

Sau này, để Sư được nghỉ ngơi, để Sư ít phải lao tâm suy nghĩ viết sách Phật pháp cho người lớn, con muốn sư viết sách trả lời cho trẻ em. Con muốn Sư sẽ là vị Hòa thượng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam viết sách Phật pháp cho mọi đối tượng, từ trẻ em đến người lớn ở mọi lĩnh vực vì con nghĩ rằng Sư là một Bồ Tát hóa thân trở lại, là một bậc thầy có sự tu tập thì mọi điều Sư viết đều sẽ vô cùng giá trị.

Con muốn nhiều lắm, cứ như muốn lấy hết tất cả trí huệ của Sư trải dài trên sách để sau này mỗi khi ai nhắc đến Phật pháp Vấn Đáp đều sẽ nhắc đến tên Hòa Thượng Thích Giác Quang, bộ sách Phật Pháp Vấn Đáp của HT Thích Giác Quang. Sau này sử sách sẽ mãi nhắc về Sư, người khai mở chương trình hỏi đáp Phật pháp thú vị và vô cùng ý nghĩa đầy nhân văn dài lâu này.

Tuy nhiên, bộ sách cho trẻ em đầu tiên dù đã cơ bản được Sư trả lời suốt 100 câu hỏi vẫn chưa được trọn vẹn chỉnh sửa đầy đủ vì quá nhiều công việc Phật sự và sức khỏe Sư không thể kham nổi. Để Sư vẫn tiếp tục được ở bên chúng con, để tăng ni Phật tử của tu viện, của Tông phong vẫn có một bóng mát thạch trụ tòng lâm dài lâu, con không còn dám ích kỷ để Sư tiếp tục viết sách Phật pháp vấn đáp nữa.

Tuy nhiên, Sư vẫn đêm ngày ráng cố gắng viết sử liệu về Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng để con cháu mai sau hiểu hơn về cội nguồn của một hệ phái hoằng truyền sáng lập từ năm 1957 với gần 2 triệu tín đồ có mặt trên gần 200 chùa chiền trên khắp đất nước Việt Nam.

Gần 15 năm khai mở chương trình Phật pháp vấn đáp và hơn 10 năm làm bốn tập sách Phật Pháp Vấn Đáp cùng Sư, cuối cùng con mới nhận được bộ sách bốn tập rất quý giá mà mình đã làm để mang sang xứ người. Không biết bao nhiêu lần con đã phải đọc bản thảo, chỉnh sửa trên mạng, giúp điều hành in ấn, chuyển sách trên mạng gởi khắp bắc trung nam mà bộ sách thật sự vô cùng quý giá trên tay mình chưa kịp đọc hết trở lại thì Sư đã rời xa con mãi mãi.

Sư ơi, con tri ân thương kính Sư không từ ngữ nào có thể bày tỏ hết nổi lòng. Còn rất nhiều sách, rất nhiều chương trình về Phật giáo, đặc biệt là các sách Phật giáo cho trẻ em, sách giáo dục đạo pháp và xây dựng gia đình trong chánh đạo cho các bậc cha mẹ mà con và Sư vẫn chưa thể có cơ hội để làm. Con ước gì Sư hóa thân thành Bồ Tát Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn ngàn mắt ngàn tay để một đôi mắt, một đôi tay ấy chỉ dành cho con và cùng con viết sách Phật pháp trả lời.

Dẫu có thương tiếc nhớ mong đến đâu thì Sư cũng đã cao đăng Phật quốc, mãn nguyện độ sanh, tròn mọi công hạnh mà Sư đã cố gắng vì thế hệ chúng con sau này. Còn bao chuyện Phật sự dở dang, con bao tâm tư vì đạo Pháp, bao ước nguyện chưa thành, bao nhiêu sách vở Phật pháp có giá trị vẫn chưa hoàn tất nên con kính mong Sư sớm quay lại ta bà để hộ trì cho chúng con và cùng con hoàn thành hết các tập sách trong kiếp sau Sư nhé.

Ánh Thái Dương theo mọi trí tuệ của Sư ban trải trên hai ngàn trang sách Phật Pháp vấn đáp sẽ mãi trường tồn lan tỏa khắp mọi miền trên thế giới này, trong cõi hữu hình và vô hình đều được lạc an và tu hành. Lạy tạ ơn Sư đã vì chúng con mà hiện sanh ở thế giới này, đồng hành cùng chúng con và để chúng con thấy được sự vi diệu nhiệm mầu của Phật giáo khi thật sự hiểu biết Phật pháp, tinh tấn tu hành như tâm nguyện mà Sư nguyện cầu cho nhân sinh an lạc, thế giới hòa minh, nhà nhà đều tu tập theo chánh đạo.

Sư ơi, bên bến bờ đại dương xa thẳm, con xin lạy quỳ tri ân tiễn Sư thoát thân bệnh đau về cõi Phật thật bình an, Sư nhé.

Nguyện cầu Tây Phương Tam Thánh cùng chư Phật mười phương sẽ phóng quang tiếp dẫn Sư về cõi lạc bang, liên hoa khai mở thượng phẩm thượng sanh để Sư sớm trở lại Ta Bà cùng chúng con vân du qua các miền Phật Pháp Vấn Đáp .

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật!

Ngọc Hằng




Có phản hồi đến “Tiễn Biệt Hòa Thượng Thích Giác Quang – Người Đầu Tiên Khai Mở Chương Trình “Phật Pháp Vấn Đáp” Ở Việt Nam”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com