Bắc Kinh - Từ hàng thế kỷ qua, Phật tử tìm kiếm sự giác ngộ thường hành hương đến chùa Long Tuyền, một ngôi chùa đơn độc trên đỉnh đồi ở miền tây bắc Bắc Kinh. Dưới những tán cây bạch quả và cây bách, họ ngồi thiền, tụng kinh và mải mê nghiên cứu những kinh điển cổ xưa.

Ngày nay, một thế hệ mới đã đến. Họ mặc áo khoác, xem tivi các chương trình "Học thuyết Big Bang" và sử dụng các phần mền chat để trao đổi thần chú. Rất nhiều công việc tại những công ty hàng đầu với sự đòi hỏi cao đã làm cho họ quá tải nên đã quay về với tâm linh để có sự thay đổi.

"Cuộc sống ở thế giới bên ngoài rất chao đảo và trầm cảm" Sun Shaoxuan, 30 tuổi, giám đốc công nghệ tại một công ty khởi nghiệp giáo dục cho biết "Ở đây, tôi cảm thấy được bình yên."

Khi sự hồi sinh tâm linh quét qua Trung Hoa, chùa Long Tuyền trở thành thiên đường cho một tông phái Phật giáo thuyết giảng về sự liên hệ lẫn nhau thay vì sự ảo tưởng và nhấn mạnh vào những lời khuyên thực tế hơn chỉ là lý thuyết chuyên sâu.

Ngôi chùa được những nhà sư có trình độ rất cao trên thế giới điều hành: các nhà vật lý hạt nhân, thần đồng toán học, lập trình máy tính đã từ bỏ cuộc sống ngập tràn sự chính xác để đi vào cửa Phật khám phá tâm linh mơ hồ.

Để xây dựng số lượng tín đồ rộng lớn hơn, các nhà sư đã đưa sức mạnh kỹ thuật số vào làm việc. Họ đã thử nghiệm hàng loạt hình ảnh phổ biến về phim hoạt hình dựa trên những ý tưởng của Phật giáo như khổ đau và tái sinh (Tâm trạng xấu có thể phá hủy sự may mắn của một người, một phim hoạt hình gần đây nói vậy). Mùa xuân vừa qua, họ vừa giới thiệu một robot cao hai foot tên là Xian'er để trả lời một số câu hỏi cho du khách, sự đột phá đầu tiên trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo được áp dụng ở chùa.

Những nhà truyền thống học lo ngại việc sử dụng các công cụ quá hiện đại tại chùa Long Tuyền có thể làm xáo trộn những lời dạy của Đức Phật. Họ cho biết việc nhấn mạnh đến những chủ đề thực tế như giải qưyết xung đột gia đình và đạt được sự thành công quan trọng hơn những câu hỏi về lý thuyết.

Tuy nhiên, trụ trì của chùa, thầy Xuecheng người truyền bá trí tuệ từng chút mỗi ngày vào hàng triệu tín đồ trên mạng đã từ chối sự tiếp cận này và cho biết Phật giáo chỉ có thể được truyền bá rộng rãi nếu ứng dụng kỹ thuật hiện đại. Trong thế giới bị chiếm lĩnh bởi máy tính, thầy cho biết thật không thực tế khi yêu cầu moi người phải ngồi nghe thuyết giảng hàng ngày.

"Phật giáo cổ xưa và truyền thống nhưng cũng hiện đại" Thầy trả lời phỏng vấn với cơ quan thông tấn của nhà nước Tân Hoa Xã vào tháng ba như vậy "Chúng ta nên sử dụng kỹ thuật công nghệ để truyền bá trí tuệ của Phật giáo."

Trong một buổi sáng chủ nhật gần đây, tôi đứng bên ngoài cổng chùa Long Tuyền, xem hàng trăm tình nguyện viên và du khách đi vào chùa. Họ xá chào nhau và thay phiên lau quét lối đi. Một số đi đi ra ngoài vườn rau hữu cơ để uốn lại các cây cà chua.

Sự hiện đại hóa của chùa là không thể tránh được. Trong khi chùa được xây dựng đầu tiên vào năm 957, những cấu trúc nguyên mẫu bị tàn phá bởi chiến tranh và gần đây là do cuộc cách mạng văn hóa, khi các Phật tử Trung Hoa bị đàn áp. Chỉ trong thế kỷ này, chùa được trùng tu và xây dựng lại bởi một nữ doanh nhân Phật tử là Cai Qun. Chùa được mở cửa trở lại vào năm 2005 và hiện nay chùa trang bị cả máy quét vân tay, webcams, iPad để đọc kinh hay chú.

Tờ báo trung ương nói về chùa như một chuyện thần thoại. Ở Trung Quốc với sự thành công được định hướng, rất nhiều người rất ngạc nhiên trước quyết định của các nhà sư khi từ bỏ sự nghiệp hấp dẫn đằng sau trong lĩnh vực công nghệ cao để hiến mình cho việc tu tập Phật giáo, thức dậy vào lúc 3:44 mỗi ngày để quỳ lạy.

Chùa Long Tuyền đã trở thành một điểm dòm ngó của Đảng Cộng Sản Trung Hoa, nơi chủ trương vô thần nhưng đã dẫn đến sự thúc đẩy phải hồi sinh các truyền thống văn hóa Phật giáo. Ngoài việc lãnh đạo chùa Long Tuyền, thầy Xuecheng còn là chủ tịch hiệp hội Phật giáo Trung Hoa, một tổ chức do đảng dám sát. Chùa trưng bày những tác phẩm của chủ tịch Tập Cận Bình và những người sinh sống ở đây phải đệ trình các thông tin về sự trung thành cũng như quan điểm chính trị.

Trong một khuynh hướng thúc đảy quyền lực tâm linh nhẹ nhàng, thầy Xuecheng đã tìm kiếm việc giảng dạy ở chùa thành một sự xuất khẩu toàn cầu, dịch các tác phẩm của thầy ra hơn một chục thứ tiếng. Vào tháng bảy, thầy đã giúp mở một ngôi chùa ở Botswana cho người nước ngoài ở Trung Hoa.

Chùa Long Tuyền có mối liên hệ với rất nhiều trường đại học hàng đầu của Bắc Kinh và các trung tâm khoa học công nghệ chính của thành phố đã làm cho chùa trở nên phổ biến với giới trẻ. Rất nhiều người đến để tìm kiếm sự hiểu biết sâu hơn trong xã hội đầy rẫy vật cất. Những người khác tìm cách thoát khỏi lịch trình bận rộng cùng các phương cách để thư giãn.

Chùa đang rất nổi tiếng cho vòng quay khởi động vì lời đồn đại khắp nơi liên quan đến Zhang Xiaolong, một trong những nhà sáng lập của Wechat, một ứng dụng gởi tin nhắn nổi tiếng. Nhiều thông tin báo chí đã cho biết ông Zhang đã vấp phải một rào cản khó khăn nên đến tham dự một khóa tu tập ở chùa giúp truyền cảm hứng cho ông tạo ra WeChat (Ông Zhang, thông qua một người phát ngôn đã từ chối các thông tin trên.)

Ngày nay, các doanh nghiệp trẻ hành hương đến chùa Long Tuyền để hy vọng sẽ có thêm sự sáng tạo. Họ làm việc cho những công ty công nghệ hàng đầu của Trung Hoa bao gồm JD.com, một công ty thương mại điện tử khổng lồ và Xiaomi, một công ty điện thoại thông minh.

"Một số người đến đây không phải là quan tâm hay tin về Phật pháp" Rax Xie, một nhà sáng lập phần mềm cho biết "Nhưng họ chắc chắn sẽ có sự kết nối nhất định cùng với sự tiếp nhận văn hóa đằng sau Phật giáo."

Vào các sáng chủa nhật, ông Sun, một doanh nhân công nghệ, đã đến từ một nhà trọ ở ngoại ô để đến chùa Long Tuyền, Ông mặc áo tràng và bắt đầu tụng kinh.

Ông Sun từng một thời hoài nghi về tôn giáo. Tuy nhiên sau khi có sự thức tỉnh về tâm linh vào năm ngoái, ông cho biết ông đã quy ngưỡng Phật giáo, không ăn thịt, uống rượu và thuyết phục vợ ông cùng theo con đường tâm linh với mình.

Tôi gặp ông Sun đang trong một khóa tụng kinh vào sáng chủ nhật tại chùa Long Tuyền. Thiền đường được bao phủ bởi gối thiền trang trí hoa sen và một tượng Phật rất lớn ở đằng trước.

Một người đàn ông rắn rỏi với đôi mắt đen, mềm mại, ngồi ở hàng đầu, chuông trong tay và mang một dây giới đeo với dòng chữ "Cảm ơn những ai đã dạy cho tôi sự cứu rỗi."

Sau khóa lễ, ông cho tôi biết về sự chuyển đổi của mình. Ông từng là một người nóng tính lấy mình làm chủ, thường ra quát cho gia đình và đồng nghiệp. Trong khi mẹ ông là Phật tử, ông xem tôn giáo "chỉ là một câu chuyện."

Sau đó, vào mùa thu, ông tham gia một khóa tu ba ngày tại chùa Long Tuyền dành cho những công nhân công nghệ thông tin. Ông bị ép phải tắt điện thoại và dùng thời gian để thiền, nghe pháp thoại và làm việc trong vườn. Gần như ngay lập tức, tâm của ông sáng hơn và sạch hơn.

Ông Sun và vợ ông hiện nay thường tham dự các hoạt động ở chùa mỗi tuần. Vào buổi chiều, ông điều hành website của chùa Long Tuyền và giúp tổ chức các cuộc hội thảo về lập trình.

Ông cho biết ông xem chùa như là "nơi không có các cuộc xung đột vi tế" giữa xã hội đầy rẫy sự lừa dối.

"Khi bạn lên núi, bạn không cần phải nghĩ "ai lừa tôi?"Ai sẽ quấy rầy tôi?Ai sẽ nghĩ xấu về tôi? Một khi bạn có cảm giác an toàn và tin tưởng, bạn sẽ muốn mở lòng để giúp đỡ người khác và khám phá niềm tin của mình."

Ngọc Hằng dịch

Theo nytimes.com



Có phản hồi đến “Trung Hoa: Doanh Nhân, Kỹ Sư Công Nghệ Cao Quy Ngưỡng Phật Giáo Để Cân Bằng Cuộc Sống”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com