Vấn: Con đọc kinh điển và lịch sử Phật Giáo thì thấy ngày xưa các vị tổ sư đều có tục lệ truyền y bát cho vị đề tử chân truyền của mình? Vậy việc truyền y bát này bắt đầu từ đâu và với ý nghĩa gì? Ngày nay có còn tục lệ này không ạ?
Đáp:
Y Bát có từ thời kỳ Đức Phật:
Thông thường xá-lợi của đức Phật gồm có ba loại: thân xá-lợi (di cốt còn lại sau lễ trà tỳ kim thân của đức Phật như: xương, răng, tóc…), tùy thân xá-lợi (những vật dụng mà đức Phật thường dùng khi còn tại thế như y, bát, tích trượng, tọa cụ…), và pháp xá-lợi tức là những kinh điển hay pháp và luật mà Ngài đã truyền dạy. Trong Phật giáo, y và bát của đức Phật được tôn trọng, kính ngưỡng vì chúng không chỉ được xem là những phần xá-lợi gắn liền với cuộc đời đức Phật Thích-ca mà còn là những vật truyền thừa của chư Phật trong nhiều đời.
Theo kinh Bổn Sanh, sau khi vượt thành xuất gia, thái tử Sĩ-đạt-đa nghĩ rằng bộ y phục sang trọng may bằng lụa xứ Ba-la-nại mà mình đang mặc chẳng hợp với những ai đang vân du khắp nơi để tầm cầu chân lý và vì thế thái tử đã đổi nó để nhận một bộ y phục nhạt màu từ một người thợ săn vốn là hoá thân của một Phạm thiên. Bộ y phục này được xem là khởi đầu cho truyền thống mặc y phấn tảo hay y bá nạp (loại y được may từ những mảnh vải rách lượm từ đống rác hay nghĩa địa được giặt sạch) trong Tăng đoàn.
Trong thời gian du hóa, đức Phật đã được nhiều vị gia chủ cúng dường những tấm lụa quí hiếm, nhưng Ngài đều giao lại cho đệ tử mình tùy nghi sử dụng. Có một lần bác sĩ Kỳ-bà được bệnh nhân tặng một xấp vải quí, không dính nước, đáng giá mười vạn đồng như là tiền thù lao của mình. Bác sĩ bèn đem vải dâng cúng cho đức Phật. Đức Phật đã trao vải lại cho tôn giả A-nan và tôn giả đã cắt vải may y cho đức Phật, La-hầu-la và các tỳ-kheo khác. Di mẫu Kiều Đàm dùng tơ quí dệt thành một bộ y và đem dâng cúng lên đức Phật, đức Phật từ chối, Di mẫu tỏ ra không vui và thưa rằng bà đã từng nuôi nấng đức Thế Tôn trong thời thơ ấu và nay thì chính tay bà đã dệt bộ y này với mục đích duy nhất là cúng dường cho đức Phật. Đức Phật liền bảo bà nên đem cúng bộ y ấy cho chư tăng vì Tăng là ruộng phước, cúng dường chư Tăng cũng chính là cúng dường Phật. Sau đó Di mẫu đến giữa Tăng đoàn và cúng bộ y này cho tôn giả Di-lặc. Ngoài chuyện Di mẫu dâng cúng y cho đức Phật, kinh điển Phật giáo còn ghi lại chuyện tôn giả Đại Ca-diếp đổi y Tăng-già-lê mềm mại của mình để nhận tấm y phấn tảo của đức Phật. Tôn giả vốn thường thực tập hạnh đầu đà nhưng vẫn chưa tìm được một tấm y phấn tảo thích hợp nào. Một lần nọ đức Phật đến thăm lúc Tôn giả đang ở dưới một gốc cây, Tôn giả bèn gấp y Tăng-già-lê của mình và thỉnh đức Phật ngồi lên tấm y đó. Khi nghe đức Phật khen tấm y mềm mại, Tôn giả thành tâm xin được cúng dường tấm y của mình cho đức Phật và mong được thọ trì tấm y phấn tảo mà đức Phật đang dùng. Đức Phật biết Tôn giả đang cần y phấn tảo để thực hành hạnh đầu đà nên Ngài hứa khả. Sau khi nhận được y, tôn giả đã sử dụng nó cho đến cuối đời mình.
Các văn bản Phật học Pāli dường như không nói nhiều về tấm y mà đức Phật dùng trong những năm du hoá cuối đời và khi Ngài nhập diệt. Sách Pháp Uyển Châu Lâm có thuật lại chuyện về tấm y Tăng-¬già-lê của đức Phật do một vị trời Tứ Thiên Vương kể cho luật sư Đạo Tuyên như sau. Trước khi nhập diệt ba tháng, đức Thế Tôn bảo ngài Văn Thù triệu tập đại chúng tại đạo tràng. Khi hội chúng đã vân tập, đức Phật bèn kể rằng sau khi vượt thành xuất gia và đổi y phục cho một người thợ săn, Ngài được một vị thần dâng lên y Tăng-già-lê của đức Phật Ca-diếp theo như lời phó chúc của đức Ca-diếp. Sau ngày thành đạo đức Phật đã thọ trì và giữ gìn tấm y này một cách cẩn thận suốt năm mươi năm. Theo tác phẩm Ðại Ðường Tây Vực Ký của ngài Huyền Trang, khi hay tin đức Phật nhập diệt, Ma-da phu nhân cùng chư thiên từ cung trời Đao Lợi đã đến Câu-thi-na để chiêm ngưỡng lần cuối kim thân cùng y Tăng già lê, bình bát và tích trượng của đức Phật. Cũng theo ngài Huyền Trang, khi đến thành Ê-la ở Tây Bắc Ấn, Ngài đã được chiêm ngưỡng xá-lợi và y Tăng-già-lê của đức Phật. Theo bộ Phật Sử, sau lễ trà tỳ tại Câu-thi-na, xá-lợi của đức Phật được sứ giả tám nước mang về xây tháp cúng dường; những vật tùy thân khác của Ngài được đưa về thờ ở nhiều nơi khác nhau như bình bát và tích trượng ở Vajirā, hạ y ở Kus¬aghara, thắt lưng ở Pāṭaliputra, y tắm ở Campā, Pháp y ở cung trời Phạm thiên.
Cùng với y, bình bát của đức Phật cũng được xem như xá-lợi của đức Phật và là bảo vật truyền thừa của chư Phật. Theo các sử liệu Phật giáo của cả hai truyền thống Nam và Bắc truyền, thì sau khi thành đạo dưới cội Bồ-đề, đức Phật đã thọ dụng bữa ăn đầu tiên vào tuần thứ tám do hai thương gia Đề Vị và Ba-lỵ dâng cúng. Khi được hai thương gia dâng cúng thực phẩm, đức Phật liền nghĩ rằng chư Phật trong ba đời đều dùng bình bát để thọ dụng vật thực, nay ta cũng nên theo truyền thống này.
Cuối thế kỷ thứ 4, khi ngài Pháp Hiển đến khu vực Kiền-đà-la, Ngài đã có duyên được chiêm ngưỡng và lễ bái bình bát khất thực nói trên của đức Phật trong một tu viện tại đó. Theo ngài Pháp Hiển, khi vua Nguyệt Dân chinh phạt nước này, vua muốn mang bình bát về nước mình để thờ phụng nhưng dù bằng mọi cách khác nhau, ngay cả khi dùng sức của tám voi, vua cũng không cách nào đem bình bát đi được. Nghĩ rằng nhân duyên chưa đến, vua bèn xây bảo tháp cùng một ngôi già lam để thờ bát. Hằng ngày, trước giờ ngọ và vào ban đêm, chư Tăng và tín đồ được phép đến lễ bái, cúng dường bát. Điều lạ là khi những người nghèo dâng cúng một vài vòng hoa thì hoa nở rộ đầy bát, còn khi những phú gia đặt hàng trăm vòng hoa vào bát, bát vẫn không khi nào đầy. Hơn hai thế kỷ sau khi ngài Huyền Trang đến nơi này, bình bát nói trên không còn nữa và chỉ còn lại bệ thờ của bình bát mà thôi. Ngài Huyền Trang cũng cho biết rằng bình bát đã di chuyển đến nhiều nước và vào thời điểm đó bình bát hiện đang ở xứ Ba Tư.
Khi đến Tích Lan, ngài Pháp Hiển có gặp một nhà sư Ấn Độ và vị này cho biết rằng bình bát khất thực của đức Phật vốn được thờ tại Tỳ-xá-ly và sau đó cứ vài trăm ngàn năm sẽ tuần tự di chuyển đến các nước khác nhau như Càn-đà-la, Kế Tân, Tích Lan, Trung Hoa… và cuối cùng thì quay lại Ấn Độ. Khi đức Di -lặc thành đạo có bốn vị Thiên vương mang bốn bình bát này dâng lên đức Di Lặc. Ngài Pháp Hiển cho rằng chư Phật trong hiền kiếp đều có chung một truyền thống nhận bát như thế.
Bình bát của đức Phật được xem là một bảo vật luôn mang lại nhiều phước lành cho nhân gian, là biểu tượng cho sự hưng hiển của chánh pháp. Khi bình bát này được mọi người tôn thờ và giữ gìn cẩn thận thì lúc đó chánh pháp được vững mạnh. Lúc bình bát bị vỡ hay sắp biến mất cũng là lúc báo hiệu cho thời kỳ mạt pháp. Khi bình bát này di chuyển đến nước nào thì nơi ấy tai ươn, ách nạn tiêu trừ, mùa màng đượm nhuần, chánh pháp hưng hiển, vua chúa nhân từ, muôn dân đều sống trong thanh bình và an lạc. Cho đến thời kỳ mạt pháp, lúc những điềm xấu như bệnh dịch, mất mùa, thiên tai xuất hiện, thọ mạng loài người ngắn dần, thực phẩm trở nên khan hiếm, thì đó cũng chính là lúc bình bát không còn lưu lại trong nhân gian.