60. Na ra cẩn trì

61. Ta bà ha

Na ra cẩn trì. Hán dịch là “ái hộ” nghĩa là thường nỗ lực bảo bọc che chở tất cả chúng sanh. Câu chú này cũng mang ý nghĩa đại Từ Bi.

Đây là Bảo bình thủ nhãn ấn pháp.

62. Ma ra na ra

63. Ta bà ha

Ma ra. Hán dịch là “Như ý”

Na ra. Hán dịch là “Tôn thượng”.

Đây là Quyến sách thủ nhãn ấn pháp. Ấn pháp này có công năng mang lại sự an vui như ý đến cho hành giả, khiến cho các thứ bệnh tật, chướng nạn đều được tiêu trừ.

Quyến sách thủ nhãn ấn pháp có rất nhiều diệu dụng. Hành giả có thể kết một sợi dây ngũ sắc rồi hành trì quyến sách ấn pháp vào sợi dây ấy. Thành tựu rồi thì khi phóng sợi dây này ra, các loài yêu ma quỷ quái, ly mỵ vọng lượng đều bị trói chặt. Không thể nào chạy thoát được. Từ đó sẽ tìm cách giáo hóa cho các loài ấy hồi tâm hướng thiện. Đây là diệu dụng của ấn pháp này. Mới xem qua thì có vẻ bình thường nhưng công năng thật khó lường.

Trong đạo giáo gọi ấn pháp này là “Khổn tiên thằng”.

64. Tất ra tăng a mục khư da

65. Ta bà ha

Tất ra tăng. Hán dịch là “thành tựu – ái hộ”. Nghĩa là thường đem hết sức mình để bảo hộ che chở cho tất cả chúng sanh.

A mục khư da. Hán dịch là “bất không, bất xả”.

Bất không có nghĩa là hữu. Nhưng đây có nghĩa là diệu hữu.

Bất xả có nghĩa là “Bất xả nhất pháp”. Không từ bỏ một việc gì, phải thông thạo tất cả các pháp. Nên có câu kệ:

“Chân như lý thượng bất lập nhất trần. Phật sự môn trung bất xả nhất pháp”.

Nghĩa là:

“Trên phương diện bản thể, lý tánh tức chân như, thì không cần lập một thứ gì nữa cả, dù chỉ là hạt bụi.
Nhưng về mặt sự tướng, có nghĩa là việc hành trì, tu đạo thì không được bỏ qua một pháp nào cả”.

A mục khư da còn có nghĩa nữa là “ái chúng, hòa hợp”. Nghĩa là thương yêu, hòa hợp, thường cứu giúp tất cả chúng sanh.

Câu chú này còn có nghĩa khác là trong tự tánh của mỗi chúng sanh đều có đủ tánh tự tại và tánh công đức thường vẫn tròn đầy.

Đây là Bảo phủ thủ nhãn ấn pháp. Khi hành trì ấn pháp này thành tựu, hành giả có thể tránh được nạn tù tội, bất kỳ nơi đâu, bất kỳ mọi lúc, hành giả đều không bị vướng phải các chướng nạn về quan quyền nữa.

Quý vị sẽ hỏi: “Nếu tôi tu tập ấn pháp này, liệu tôi có thể phạm pháp mà vẫn không bị bỏ tù hay sao?”

Không! Là Phật tử, quý vị không được phạm pháp. Nếu quý vị đã thông hiểu Phật pháp và phát tâm tu học Phật pháp rồi, thì làm gì có chuyện phạm pháp nữa? Còn nếu quý vị làm chuyện phạm pháp, tất nhiên phải bị bắt và ở tù.

Tuy nhiên, đôi khi có những người vô tội bị bắt ở tù. Đây là vì họ chưa bao giờ tu tập Bảo phủ thủ nhãn ấn pháp này.

66. Ta bà ma ha a tất đà dạ

67. Ta bà ha

Như quý vị đã biết, thế giới chúng ta đang sống là thế giới Ta bà. Ta bà có nghĩa là “kham nhẫn”. Còn được dịch là “nhẫn ái”. Còn dịch là “Thiện thuyết, thiện đáo”.

Kham nhẫn có nghĩa là chúng sanh như chúng ta khó có thể chịu đựng nổi những sự thống khổ ở cõi giới Ta bà này.

Nhẫn ái có nghĩa là chúng sanh thế giới Ta bà này không những có thể chịu đựng mọi khổ đau mà còn sanh khởi lòng thương yêu mọi loài nữa.

Thiện thuyết, thiện đáo nghĩa là, luôn luôn nói lời tốt đẹp, lợi ích khi ở trong thế giới Ta bà. Cùng khuyến khích mọi người hiện thân đến ở cõi giới Ta bà này.

Ma ha là lớn. Đây có nghĩa là pháp Đại thừa, tức là Bồ tát đạo.

A tất đà dạ. Hán dịch là “vô lượng thành tựu”. Nghĩa là tu tập pháp Đại thừa của hàng Bồ tát có công năng đưa hành giả đến bờ bên kia một cách rốt ráo và thành tựu vô lượng công đức.

Đây là Bồ đào thủ nhãn ấn pháp. Khi quý vị tu tập thành tựu ấn pháp này thì trong miệng hành giả thường có vị ngọt của nho, còn hơn vị ngọt của đường. Quý vị hãy chú ý điểm này, trong khi hành trì ấn pháp này mà thấy trong miệng có vị ngọt nghĩa là bắt đầu có sự cảm ứng. Khi thành tựu ấn pháp này rồi, khi quý vị có trồng trọt các loại nông sản, ngũ cốc, thì sâu bọ côn trùng không thể phá hoại mùa màng của quý vị. Còn các loại cây ăn quả như cam, đào, hạnh, lê, … sẽ sinh trưởng rất nhanh và có vị ngọt khác thường. Công năng của Bồ đào ấn pháp này rất lớn và sự thành tựu của pháp Đại thừa là vô lượng vô biên.

Tất la tăng a mục khư da. Ở trong đồ hình mạn đà la là hình ảnh biểu tượng cho bổn thể của Dược Vương Bồ tát, người đã dùng vô số phương tiện, dược liệu để chữa bệnh cho chúng sanh.

Ta bà ma ha a tất đã dạ ta bà ha là bổn thể của Bồ tát Dược Thượng, người cũng thường dùng vô số phương thuốc để chữa lành bệnh cho chúng sanh.

68. Giả kiết ra a tất đà dạ

69. Ta bà ha

Giả kiết ra a tất đà dạ. Hán dịch là “Kim cang luân”. Còn gọi là Kim cang Bạt chiết la. Kim cang luân này có hình tròn nhưng có khác so với Kim cang luân khác. Câu chú này còn có nghĩa là “Hàng phục oán ma”. Khi trong tâm luôn luôn sinh khởi xung khí và bất bình thì gọi là ma. Khi ấy họ thường phê phán mọi điều. Họ nói “Chư Phật thường làm những việc sai trái, cho đến hành Bồ tát, A la hán, chư Thiên, Diêm Vương cũng đều như thế”. Họ phản đối kịch liệt và hằn học đối với tất cả mọi điều. “Tất cả đều là tà vạy”. Họ giống như kẻ cuồng si, chẳng để ý gì đến pháp luật nữa. Họ luôn xung khắc với toàn cả thế gian. Trong nhân gian gọi loại người này là điên cuồng. Trong hàng quỷ thần thì hạng người này được gọi là Ma. Nộ khí của loài ma oán này thường xôn g khắp cõi Trời. Nó thường giận dữ: :Ai cũng đều quá vô lễ với ta!”. Hoặc nó nói: “Phật hả? Ta sẽ đánh bại ngay. Bồ tát hay A la hán ta cũng hạ gục luôn. Còn loài người, ta sẽ ăn thịt hết. Ma quỷ thì ta sẽ chà nát dưới gót chân. Ta sẽ xé nát thân chúng ra cho đến chết!” Oán khí loại ma này thật ghê rợn.

Đây là Bạt chiết la thủ nhã ấn pháp. Với Kim cang luân, hành giả có thể đập tan các loài thiên ma ngoại đạo, quỷ thần thành từng mảnh vụn. Bất luận đó là loại ma nào, nó đều bị thu phục và vâng lời khi hành giả dùng Kim cang luân để thi hành ấn pháp này. Ma oán sẽ cung kính đảnh lễ hành giả và thưa: “Con nguyện quy phục ấn pháp. Nguyện theo mọi quy luật, không dám xâm hủy”.

Kim cang luân ấn pháp không những chỉ có công năng hàng phục thiên ma ngoại đạo, mà còn có công năng phát ra âm thanh chấn động. Đạo giáo gọi âm thanh này là “Ngũ Lôi Oanh Đảnh”.

Sấm sét vốn thường phát sinh từ trên Trời, nhưng các Đạo sĩ Lão giáo có thể phóng ra tiếng sấm từ lòng bàn tay khi họ kết một loại ấn gọi là Chưởng tâm lôi. Tiếng sấm sét vang ra khiến cho thiên ma bị chấn động, thậm chí còn có thể khiến thịt da nó bị tan tành từng mảnh.

Khi giảng Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tôi có nói về một người bạn thân, có khả năng sử dụng được ấn pháp này. Khi quý vị hành trì thành tựu ấn pháp này rồi, thì sấm sét sẽ vang rền khi quý vị sử dụng ấn pháp và tiếng vang của nó sẽ hàng phục được tất cả các loài ma oán.

A tất đà dạ. Hán dịch là “Vô tỷ thành tựu”. Hành giả trì chú này sẽ được thành tựu công đức rất lớn; không có gì so sánh được, cho nên mới khiến cho các loài ma oán đều quy đầu phục thiện.

70. Ba đà ma yết tất đà dạ

71. Ta bà ha

Ba đà ma. Hán dịch là “Hồng liên hoa”. Yết tất đà dạ. Hán dịch là “Thiện trắng”.

Hồng liên hoa này là siêu việt tất cả mọi loài và thành tựu vô lượng công đức. Khi quý vị tu tập Hồng liên hoa thủ nhãn ấn pháp này thành tựu rồi, nếu quý vị muốn sanh ở cõi Trời thì ước nguyện ấy rất dễ thành tựu như ý.

72. Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ

73. Ta bà ha

Na ra cẩn trì. Hán dịch là “Hiền thủ”. Hiền là thánh hiền.
Thủ là giữ gìn, canh giữ hộ trì.
Bàn đà ra dạ dịch nghĩa là Quán Thế Âm, Quán Tự Tại.

Đây là Thí vô úy thủ nhãn ấn pháp mà Bồ tát Quán Thế Âm thường dùng để cứu độ chúng sanh, giúp cho mọi loài không còn sợ hãi trong mọi lúc, mọi nơi.

74. Ma bà lợi thắng yết ra da

75. Ta bà ha

Ma bà lợi thắng. Hán dịch là “Đại dõng”, cũng dịch là “anh hùng đức”, nghĩa là đức hạnh của bậc đại anh hùng. Bồ tát Quán Thế Âm cũng được gọi như thế.

Yết ra da. Hán dịch là “sinh tánh” hoặc là “bổn tánh”. Nghĩa là tự tánh bản hữu của chúng sanh vốn sẵn có đức hạnh của bậc đại anh hùng. Đức hạnh của đại anh hùng chính là do hành trì Tổng nhiếp thiên tý thủ nhã ấn pháp, ấn pháp này có công năng hàng phục mọi loài ma oán không chỉ ở thế giới này mà khắp cả đại thiên thế giới.

Hành giả tu tập ấn pháp này nên biết đây là ấn pháp quan trọng nhất trong tất cả bốn mươi hai ấn pháp. Vì khi hành trì ấn pháp này, thì tất cả bốn mươi hai ấn pháp kia đều có đủ trong ấn pháp này.

Quý vị có thể thắc mắc: “Thế thì tôi chỉ cần hành trì một ấn pháp này thôi cũng đủ, chẳng cần hành trì bốn mươi mốt ấn pháp kia nữa”.

Nếu quý vị lười biếng thì cứ làm. Nếu không phải là kẻ lười biếng, thì nên hành trì tất cả bốn mươi hai ấn pháp. Mặt khác, quý vị muốn làm kẻ lười biếng và thích tu tập để trở thành một vị Bồ tát lười thì cứ tu tập ấn pháp cuối cùng này trong bốn mươi hai ấn pháp kia. Sẽ phải mất khá nhiều thời gian mới thành tựu được. Tuy nhiên, vì quý vị là người lười biếng nên sẽ không được thành tựu sớm là điều hiển nhiên. Thế nên các pháp đều là bất định. Nếu quý vị không muốn trở thành một vị Bồ tát lười, quý vị sẽ chẳng bận tâm thời gian lâu hay mau để tu tập các ấn pháp này.

76. Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da

Câu này đã được giảng rõ ở phần đầu Kinh văn rồi. Nhưng có trường hợp quý vị bị quên, nên tôi sẽ giảng lại lần nữa. Những người tuy có nhớ, nhưng không được rõ ràng, nghe lại lần này sẽ được rõ thêm. Những người đã nhớ kỹ rồi, nghe được một lần này nữa lại càng hiểu sâu hơn.

Nếu tôi giảng chưa rõ, quý vị cứ hỏi tôi ngay tức khắc, vì cách tôi giảng Kinh hoàn toàn khác với các Pháp sư. Tôi không dùng tài liệu hoặc các luận giải.

Nam mô có nghĩa là “Quy y”. Quy y gì? Con xin uy y Tam bảo.

Hắc ra đát na có nghĩa là “bảo”: quý báu.

Đá ra dạ dịch là “Tam”: ba

Toàn câu nghĩa là con nguyện quy y Tam bảo. Con nguyện đem cả thân tâm tánh mạng để quy y. Như những Phật tử tại gia đã quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Đó là quy y Tam bảo.

Quy y Tam bảo tức là quy y với toàn thể chư Phật trong ba đời, khắp cả mười phương, cùng tận hư không pháp giới. Cũng tức là quy y với tất cả pháp trong ba đời, mười phương, cùng tận hư không pháp giới. Cũng chính là đem hết thân tâm tánh mạng quy y với tất cả các bậc Hiền thánh tăng trong ba đời, mười phương, cùng tận hư không pháp giới.

Hư không, chẳng bao giờ cùng tận. Tất cả các cõi nước đều nằm trong pháp giới này. Có tất cả mười pháp giới, trong đó bốn cõi giới của các bậc Thánh Hiền và sáu cõi giới của chúng sanh phàm phu. Bốn cõi giới của bậc Hiền Thánh là: Phật, Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác.

Sáu cõi giới phàm phu là: Trời, người, A tu la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục.

Mười phương là: Bắc, Đông, Nam, Tây, Đông Bắc, Tây Bắc, Đông Nam, Tây Nam, đó là tám. Thêm phương trên và phương dưới tất cả là mười.

Ba đời là quá khứ, hiện ại, vị lai. Chúng ta quy y với Phật bảo trong suốt khắp mười phương ba đời. Những lời đức Phật dạy được gọi là Pháp bảo. Tam tạng Kinh điển được diễn đạt qua mười hai phần Kinh văn (bộ Kinh). Tất cả Kinh điển do đức Phật nói ra được gọi là Pháp bảo. Pháp bảo không chỉ hiện hữu và lưu hành trong nhân gian mà còn lưu hành khắp cả hư không và pháp giới.

Khi nào quý vị có được ngũ nhãn, lục thông rồi thì quý vị mới thâm nhập được vào chân Kinh. Có nghĩa là quý vị đọc được “vô tự chân Kinh”. Trong hư không, bất kỳ lúc nào thích, quý vị đều đọc được chân kinh mà không cần hở môi. Lục Tổ đã từng nói:

“Khi mê Pháp Hoa chuyển Khi ngộ chuyển Pháp Hoa”.

“Vô tự” không có nghĩa là Kinh không có chữ. Mà chính là hàng phàm phu không thấy được chữ. Tuy nhiên, khi quý vị nhìn sâu vào hư không, quý vị có thể thấy được chư Phật đang tụng Kinh. Một số vị đang tụng Kinh Pháp Hoa, một số vị đang tụng Kinh Thủ Lăng Nghiêm và một số vị khác đang tụng Kinh Hoa Nghiêm. Chư Phật đều đang tụng Kinh và trì chú như thần chú Thủ Lăng Nghiêm. Chư Phật luôn luôn hành trì các thời khóa tụng ấy. Nhờ thế nên Pháp bảo được hiện hữu và lưu truyền suốt khắp tận hư không pháp giới.

Chúng ta cũng quy y Tăng bảo suốt cả ba đời, cùng tận hư không pháp giới. Thành phần nào tạo thành Hiền Thánh Tăng? Chính là các đại Bồ tát, các đại A la hán, các đại Tỳ kheo tăng.

Đá ra dạ có nghĩa là “tam”: ba. Chúng ta quy y với Tam Bảo trong suốt mười phương, ba đời cùng tận hư không pháp giới.

Da có nghĩa là “đảnh lễ”. Là quy y và cung kính đảnh lễ trước Tam Bảo.

77. Nam mô a lị da

Nam mô. Hán dịch là “quy y”.

A lị da. Hán dịch là “Thánh giả”, cũng có nghĩa là “Thánh Hiền”. Câu chú này thể hiện sự quy y với tất cả các Hiền Thánh Tăng.

78. Bà lô kiết đế

Bà lô kiết đế. Hán dịch là “quán”.

79. Thước bàn ra da

Thước bàn ra da. Hán dịch là “tự tại”. Toàn câu Bà lô kiết đế thước bàn ra da có nghĩa là Quán Tự Tại tức là Bồ Tát Quán Thế Âm.

80. Ta bà ha

Bồ tát Quán Tự Tại đã thành tựu tất cả mọi công đức. Ta bà ha có nghĩa là thành tựu công đức vô lượng vô biên.

81. Án tất điện đô

Nay phần kinh văn của thần chú đã được tụng rồi. Tiếp theo là phần chân ngôn. Thông thường có chữ Án luôn luôn dẫn đầu cho phần chân ngôn này. Nên chữ Án mang ý nghĩa “dẫn sinh nghĩa”.

Tất nghĩa là “thành tựu”.

Điện đô. Hán dịch là “ngã giới” là đạo tràng, lãnh thổ, cương vực của mình đã được kiết giới thành tựu. Phạm vi kiết đại giới là 800 do tuần (yojanas) và trung giới là 600 do tuần. Trong phạm vi đã được kiết giới này, hành giả thường được an lạc và yên tịnh, tất cả mọi công đức đều được thành tựu và bản nguyện đều được như ý.

Chẳng hạn như khi tôi đã kiết giới đạo tràng trong phạm vi địa hạt San Francisco (Cựu Kim Sơn) thì trong toàn bộ vùng này sẽ không xảy ra động đất hoặc những thiên tai khác. Vì các vị hộ pháp, thiện thần đều phải hộ trì cho nguyện lực của đạo tràng được thành tựu.

Phạm vi và ý nghĩa kiết giới lớn làm sao! Một hạt vi trần cũng rộng lớn bao la rồi. Vì một hạt vi trần của hành giả là bao hàm vô lượng vi trần vô lượng thế giới, và vô lượng vi trần trong thế giới cũng chỉ hàm ẩn trong một vi trần. Vì vậy, nếu một vi trần hoại diệt thì vô lượng vi trần đều hoại diệt. Một hạt vi trần tồn tại thì vô lượng vi trần cũng tồn tại. Đó là sự vi diệu của sự kiết giới.

82. Mạn đà ra

Mạn đà ra. Hán dịch là “đạo tràng”, cũng dịch là “Pháp hội”. Nghĩa là đạo tràng của hành giả nhất định phải thành tựu. Pháp hội của hành giả nhất định phải thành tựu.

83. Bạt đà da

Bạt đà da dịch là “Toại tâm viên mãn”. Chẳng hạn như khi tôi muốn một vi trần kh6ng hoại thì nó sẽ không hoại. Nếu tôi muốn tất cả các vi trần không bị tan hoại thì các vi trần ấy sẽ kết hợp lại với nhau. Khi tôi niệm Án, tất điện đô mạn đà ra bạt đà da ta bà ha với tâm nguyện sẽ không có nạn động đất xảy ra ở San Francisco (Cựu Kim Sơn), hoặc nếu có nạn động đất lớn thì nạn ấy biến thành nhỏ, nạn nhỏ thì biến thành không có. Nhờ vậy nên không có nạn động đất, không có ai sợ hãi. Thế nên gọi là sự thành tựu. Tùy theo tâm nguyện mà đều được như ý (toại tâm viên mãn). Nếu quý vị có niềm tin chí thành, thì thấy rất là màu nhiệm. Còn nếu quý vị không tin, là vì quý vị chẳng thích thú gì với những điều mầu nhiệm như trên.

84. Ta bà ha

Ta bà ha dịch là “thành tựu”. Thành tựu điều gì? Thành tựu mọi thệ nguyện của hành giả. Bất luận quý vị phát tâm nguyện gì, quý vị sẽ đạt được như ý khi niệm Án tất điện đô mạn đà ra bạt đà da ta bà ha.

Những vị khi làm lễ thế phát xuất gia cũng trì niệm câu chú này. Có nghĩa là ước nguyện việc xuất gia tu học Phật pháp sẽ được như ý thành tựu viên mãn.

Đến đây thì Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni và chú Đại Bi đã được giảng giải xong. Nay tôi cũng đã giảng hết bốn mươi hai thủ nhãn ấn pháp, đó là phần sau của Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni. Còn phần sau nữa là khoa nghi hành trì, là phương pháp tu hành, nay tôi không nhắc lại nữa.

Năm trước, một số đệ tử có tâm nguyện được nghe giảng chú Đại Bi. Đến nay quý vị nghe giảng gần một năm. Pháp hội này được xem như thành tựu viên mãn.

Tôi nguyện rằng quý vị có phát tâm hành trì điều gì cũng được như ý, tất cả đều được Bạt đà da ta bà ha, tức là thành tựu viên mãn tâm nguyện của mình. Mỗi người có sự phát nguyện khác nhau, nên sự thành tựu cũng không đồng, nhưng đều viên mãn cả.

Nguyện cho tất cả Phật tử có duyên được nghe Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni này đều sớm thành tựu quả vị Phật, vì đây là ước nguyện của những người thâm tín chư Phật.

Một khi quý vị đã chứng được quả vị Phật tức là mọi việc đều “toại tâm mãn nguyện” rồi.

HT Tuyên Hóa



Có phản hồi đến “Giảng Giải Chú Đại Bi - Từ Câu 61 - 84”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com