Ni-sư Chân Phước, vị nữ tu mà tôi yêu quý như mẫu thân, là một người tài hoa nhưng rất khiêm nhường, trầm lặng. Ni-sư là tác giả tập thơ “Đường Về”, chia xẻ với bạn đạo về chặng đường tu nhiều trắc trở của ni-sư, nhưng cuối cùng, ở tuổi đời trên tám mươi, Ni-sư đã được Chư Phật soi sáng, tìm thấy đường về.
Trong tập thơ, những phụ bản chân dung Đức Phật A Di Đà, Bồ Tát Quan Thế Âm, Tam Thánh, lộng lẫy bằng phấn mầu trên giấy hoa tiên đều do ni-sư tự họa. Khi tình cờ biết điều này, tôi sửng sốt và vô cùng thán phục. Sửng sốt vì với nhân dáng điềm đạm, dịu dàng, đôi khi mang vẻ lững thững, chậm chạp của một người luống tuổi, tôi không ngờ đôi mắt đã kém tinh anh, bàn tay gầy guộc, nổi gân xanh mà còn ngồi trước bàn vẽ, hoàn thành chân dung Chư Phật với những đường nét linh động đầy sự sáng tạo nhiệm mầu. Thán phục vì hạnh vô ngã, coi nhẹ tênh mọi sự !
Nói đôi giòng về ni-sư như vậy, tôi không cảm thấy quá đáng chút nào vì tôi chỉ đang nói một phần mười về tài hoa của ni-sư mà tôi được biết, nhưng ni-sư thì không cần ai nói gì ! Ni-sư lặng lẽ ẩn tu từ hơn hai mươi lăm năm nay và thời gian gần đây thì đóng cửa, nhập thất vô thời hạn !
Tôi nhớ ni-sư, giở tập thơ ra đọc, dù tôi đọc cũng đã gần thuộc rồi. Nhưng lạ, mỗi lần đọc, tôi lại bắt gặp những cảm xúc khác nhau. Chữ nghĩa vẫn im lìm trên giấy mặt phẳng nhưng xúc động thì bồng bềnh như sóng nước. Cảm xúc tuy có lúc khác nhau nhưng gần đây, mỗi lần mở tập “Đường Về” ra là tâm tôi lại bị xoáy mạnh vào hai câu mở đầu bài “Hoan Hỷ Tâm”:
Sáu chữ hồng danh trời đất chuyển
Ba ngàn thế giới hiện toàn chân
Sáu chữ hồng danh là “Nam Mô A Di Đà Phật”, người Phật tử nào mà chẳng biết, nhưng với sáu chữ hồng danh mà khiến “trời đất chuyển” thì chắc là phải tu kiên trì mới mong biết được. Lẽ dĩ nhiên, Phật tử lơ mơ như tôi, tuy từng đọc tụng sáu chữ hồng danh nhiều năm tháng mà trời đất vẫn .... bình yên vô sự, không rung cũng chẳng chuyển! Nhưng một người tài hoa như ni-sư, dứt bỏ hết danh lợi từ tuổi thanh xuân để hiến dâng thân, tâm cho Đạo pháp thì tôi chắc là ni-sư tụng sáu chữ hồng danh đã đạt tới “trời đất chuyển”. Và khi ghi lại trong tập thơ để chia xẻ với những người đang còn dọ dẫm trong đêm tối (trong đó có tôi) thì tôi chắc, đây là kinh nghiệm bản thân.
Ni-sư đang nhập thất, tôi không thể vấn đạo được, nhưng hai câu thơ này như có chất keo vô hình từ phương trời Đâu Suất rơi rớt xuống, dính chặt Thơ và Tâm vào nhau. Quét nhà rửa chén, đào đất, trồng cây, ngồi thiền, đọc báo ..... lòng không ngớt rộn rã:
“Sáu chữ hồng danh trời đất chuyển
Ba ngàn thế giới hiện toàn chân”
Mọi sự trên đời đều phải do duyên hội tụ mà thành. Duyên đó, khi vô hình, lúc hữu hình, khi chậm, lúc nhanh nhưng chắc chắn phải có. Chất keo nào, bất chợt gắn tâm tôi vào sáu chữ hồng danh nơi hai câu thơ này phải từ một cơ duyên chưa hiển lộ. Tôi tự nhủ, phải kiên nhẫn, khi đủ duyên, ta sẽ biết vì đâu. Và tôi giữ hơi thở chánh niệm, quán hai câu thơ đang rạt rào tâm tưởng.
“Sáu chữ hồng danh, trời đất chuyển”. Chỉ cần niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” là trời đất chuyển ư? Và khi trời đất đã chuyển thì thấy được “Ba ngàn thế giới hiện toàn chân”?
Trong pháp hội Liên Trì, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giới thiệu cõi nước Cực Lạc của Phật A Di Đà bằng hình thức “vô vấn tự thuyết”, nghĩa là Đức Thế Tôn tự nói ra chứ đại chúng không hỏi. Và trưởng lão Xá Lợi Phất là người được Thế Tôn coi là đại biểu để truyền thuyết về Kinh A Di Đà. Ngoài những lời giới thiệu về cõi nước đẹp đẽ phương Tây, Đức Thế Tôn ân cần chỉ dạy đường về Cực Lạc cho những ai thành tâm phát nguyện về đó.
Trong kinh A Di Đà, tôi thường khó ngăn nước mắt khi tụng tới đoạn:
“Xá Lợi Phất, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhơn, văn thuyết A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu, nhược nhứt nhựt, nhược nhị nhựt, nhược tam nhựt, nhược tứ nhựt, nhược ngũ nhựt, nhược lục nhựt, nhược thất nhựt, nhứt tâm bất loạn, kỳ nhơn lâm mạng chung thời, A Di Đà Phật, dữ chư Thánh chúng, hiện tại kỳ tiền, thị nhơn chung thời, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh A Di Đà Phật Cực Lạc quốc độ”.
Những giòng Kinh Ngọc từ bi này khác chi lời mẹ dỗ dành những đứa con lười biếng: “Các con ơi, nếu nghe được danh hiệu Đức Phật A Di Đà thì các con phải nhớ lấy, giữ lấy, ôm lấy thật chặt trong tâm mình, rồi gọi tên Ngài bằng sự thành khẩn. Con gọi bẩy ngày đi. Nhiều quá, không gọi nổi ư ? Vậy sáu ngày nhé ? Cũng còn nhiều à ? Thế năm ngày có được không ? Năm ngày cũng khó quá ư ? Bốn nhé ? Hay là ba, hoặc hai ngày ? Cũng không kham nổi hả con ? Thôi, thế này, các con yêu quý của ta, các con hãy cố gắng một ngày thôi cũng được, một ngày thôi, các con cố đi, chỉ một ngày tha thiết khẩn gọi Ngài thì lúc lâm chung, Đức Phật A Di Đà và hàng Thánh Chúng sẽ đến với các con, khiến tâm thần các con không điên đảo. Tâm không điên đảo, hiệp cùng sự trợ lực của Ngài, các con sẽ tức khắc được vãng sanh về Cực Lạc Quốc.”
Những giọt nước mắt rơi trên vạt áo tràng, mát như những giọt sương ban mai. Ai có thể dỗ dành mình những lời tràn ngập yêu thương như thế, nếu vị ấy không có trái tim lớn, mở ra, và ôm lấy cả nhân gian? Ai có thể chỉ vì lợi người mà quên mình, nếu vị ấy không có tấm lòng vị tha biển cả, tràn mênh mang vô cùng vô tận tới cùng khắp cõi ta-bà ?
“Sáu chữ hồng danh trời đất chuyển”
Chúng ta hãy cứ “thử” tin lời Chư Phật, niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” đi. Đừng nghĩ phải thử niệm một ngày mà sợ không làm được. Hãy thử niệm năm câu, rồi mười câu, nhưng trong năm câu, mười câu ấy phải thành thật kiểm điểm tâm mình xem có được câu nào thanh tịnh không ? Thanh tịnh ở đây là khi niệm mà tâm không nhớ nghĩ hay vẩn đục vì bất cứ ý tưởng hay hình ảnh nào khác, chỉ có âm thanh “Nam Mô A Di Đà Phật” và hình ảnh Đức Phật A Di Đà mà thôi. Khi chúng ta đếm năm câu, mười câu, một ngày hoặc hai ngày là chỉ tính đếm trên những câu niệm thanh tịnh mà thôi vì khi tâm thanh tịnh thì mới giao cảm được với Chư Phật.
Niệm Phật khó hay dễ là ở ngay điểm này.
Lúc đầu, có thể chúng ta niệm năm câu, rớt ra ngoài mất cả năm, nhưng nếu không nản chí, ta tiếp tục với sự chú tâm hơn, ta có thể có một câu thanh tịnh. Khi nhận ra điều này, ta thấy phấn khởi, phải không ? Phấn khởi thì ta tăng lên, tụng mười câu, hai mươi câu, với sự chú tâm, ai nói ta không có được thêm năm, ba câu thanh tịnh nữa ?
Tiếp tục quyết tâm như thế, tới một lúc chúng ta sẽ không còn phải nhắm mắt, bặm môi chú tâm nữa mà khởi niệm xướng lên sáu chữ hồng danh thì tâm ta được tự nhiên an tịnh, vì khi ấy ta đã “làm quen” được với Phật A Di Đà rồi, đã “mời” được Ngài vào chơi nơi nhà-tâm ta và ta sẽ tiếp nhận lời chỉ dạy của Ngài một cách thoải mái, dễ dàng hơn nhiều.
Vạn sự khởi đầu nan, nhưng quan trọng là phải “khởi” đã.
Khi chúng ta niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” mà thấy tâm mình mát rượi thì chính là “trời đất chuyển” đó, vì trời đất chuyển đây đâu phải là động đất, mà là Tâm Chuyển. Trời đất chuyển còn dễ chứ cái tâm vô hình kia chuyển được mới khó ! Cái khó đó, khi làm được thì “ba ngàn thế giới hiện toàn chân” là điều tất yếu, là hoa trái của hạt giống đã gieo.
Những câu thơ này đã được chuyển thành nhạc.
Nay tôi vừa tụng vừa hát, sung sướng như Trưởng lão Xá Lợi Phất được nghe lời Đức Thế Tôn truyền dạy trong pháp hội Liên Trì:
“Xá Lợi Phất, Bỉ Phật quốc độ, vi phong xuy động, chư bảo hàng thọ, cập bảo la võng, xuất vi diệu âm, thí chư bá thiên chủng nhạc đồng thời cu tác, văn thị âm giả, tự nhiên giai sanh niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”
Diệu Trân