Những ngày miền Bắc nắng nóng đỉnh điểm, Bích thường vào chùa ngồi chơi. Kể cũng lạ, chùa nằm ngay chính giữa khu dân cư chứ chẳng xa xôi gì. Vậy mà đâu cũng nắng chỉ có sân chùa là râm mát nhất. Râm từ sáng sớm cho đến xế chiều, chỉ thi thoảng lọt qua khe lá vài giọt nắng.
Cổng chùa thì lúc nào cũng mở đón khách thập phương vào tránh nắng và vãn cảnh chùa. Gió ở chùa mát lành tựa như mang theo cả mùi hoa mùi lá về đậu trên tóc từng người. Bích thấy không đâu thư thái bằng nơi này, cô có thể ngồi lặng yên hàng giờ nhìn một chiếc lá khô trên thảm cỏ. Ngồi cho đến khi thấy mình mỏng manh như lá, mỏng đến mức một cơn gió cũng có thể cuốn đi. Cuốn đến nơi nào Bích có thể tìm lại được đứa con gái nhỏ. Con thích hút nhụy hoa chè, thích ăn lá sấu non, thích mẹ nấu món canh cua với hoa thiên lý, thích bắt chuồn chuồn ớt. Đêm nào cũng ôm áo bố và bắt mẹ hát ru mới chịu ngủ ngon. Lúc ngủ mớ toàn gọi tên của những thân cây trong vườn nhà do con tự đặt. Nhưng giờ con đã mất, vườn cũng đã xa, cả thế giới này như dồn lại cô đơn vào lòng Bích. Cỏ dưới chân rất xanh, hoa rụng trên đầu nhẹ bẫng. Làm ơn hãy dẫn lối đưa đường...
Lúc sinh con ra, nhìn đôi mắt trong veo ấy, Bích nghĩ đến sự mượt mà non xanh của cỏ. Nên đã đặt tên con là Cỏ, giản dị và yên bình. Da Cỏ rất mát, những ngón tay bụ bẫm chạm vào đâu cũng thấy an lành. Những ngày bà ốm, Cỏ đặt tay lên trán bà hỏi “ngoại thấy đỡ hơn không?”. Những ngày nóng thật nóng, Cỏ chạy lăng xăng khắp nhà ôm hết người này người kia truyền hơi mát. Quê ngoại hồn hậu nuôi Cỏ lớn từng ngày bằng tình yêu thương và cơm canh đạm bạc. Vài ba tháng Phi sẽ ghé qua nhà thăm hai mẹ con một lần. Cỏ thích mê những phút giây ít ỏi được gần bố. Con nói “mùi mồ hôi bố là nhất”. Trước lúc Phi đi, Cỏ thường giấu chiếc áo mà bố vừa mặc xong và nhất định không cho Bích giặt. Chỉ vì “mùi của bố đọng lại trên cúc áo” để đêm nào cũng hít hà vào tận giấc mơ. Hơi thở con rất thơm, hằng đêm phả lên môi mắt Bích như gió thoảng. Bích đã nghĩ bao nhiêu đớn đau của đời mình cũng đã được đáp đền bằng sự hồn nhiên như cây cỏ của con. Rồi ngoại trồng những cái cây trong vườn đánh dấu từng năm tuổi của Cỏ. Đã nghĩ chừng nào Cỏ đôi mươi thì cây trong vườn bóng vươn tỏa kín. Đã nghĩ những trái vú sữa đầu mùa đủ để dỗ dành con suốt một mùa xa bố. Đã nghĩ con sẽ lớn lên từng ngày rồi sẽ thành thiếu nữ, sẽ yêu thương ai đó, sẽ khoác lên mình bộ váy cô dâu.
Thế nhưng nụ cười của Cỏ cứ tắt dần đi theo những cơn sốt triền miên. Cỏ yếu ớt, mỏng manh đến mức hơi lạnh của cơn mưa cũng khiến con đau ốm. Nhiều đêm ngồi lau mồ hôi con chảy ra ướt áo, Bích không làm sao thôi nhen nhóm ý nghĩ ông trời phải chăng định khắc nghiệt đến tận cùng. Bích từng hai lần sẩy thai, bao mất mát đớn đau hằn trên khóe mắt. Hạnh phúc tưởng đã nắm níu thật chặt mà thoắt cái đã thành cát bụi. Giống như có lần ngắm viên đá bốc hơi trong kẽ tay Cỏ bảo “biết đâu một ngày con cũng tan ra như đá”. Phi ùa về nhà ôm Cỏ vào lòng thủ thỉ “con gái nhỏ đừng lo, đã có bố đây rồi”. Cỏ khóc, con mơ thấy cơ thể mình nhẹ bẫng tựa như bông hoa bồ công anh trong vườn nhà. Phi lẳng lặng mang con đi khám chữa khắp nơi. Đi cho đến khi nỗi đau được gọi tên một cách rõ ràng. Cỏ mất vì ung thư máu, bao nhiêu nỗ lực cuối cùng vẫn không cứu được con. Những ngày nằm điều trị ở bệnh viện, Cỏ vẫn thích nắm tay người thân dù khắp người con toàn là dây nhợ. Cơ thể Cỏ ngày càng đuối, đã không thể căng cựa khi mỗi lần bác sĩ tìm ven. Thỉnh thoảng, con cất lên những tiếng hát yếu ớt “tóc bà trắng màu trắng như mây...”. Rồi nhìn qua ô cửa dõi tìm những tán cây xanh, miệng nhoẻn cười hỏi mẹ:
- Cây trong vườn nhà mình đã lớn hơn chưa mẹ?
- Cành ổi chiết nghe ngoại nói đã ra hai quả. Chừng nào con ra viện là tới mùa ổi chín. Ngoại đã hứa sẽ phần con.
- Cây Cá. Cây Bà. Cây Mẹ. Cây Bố. Chắc là chúng rất nhớ con.
Nhưng con sợ con không về thăm chúng được.
Bích thấy tim mình như đang vỡ ra từng mảnh mà bất lực không cách gì níu giữ được con. Cỏ cứ nhẹ dần trên tay Bích rồi biến mất như một cơn gió của mùa giông bão. Để lại bao đổ nát ngổn ngang mà Bích không cách gì thu dọn. Nỗi đau trong Phi hóa thành câm lặng. Sau khi chôn cất xong Cỏ thì Phi đi biền biệt, gần một năm sau mới trở về đón Bích cùng đi. Bích không muốn bỏ lại vườn nhà, nơi mà hình ảnh Cỏ hiện hữu trong từng góc nhỏ. Tro cốt của con được đặt cạnh những gốc cây đang mỗi ngày mỗi lớn. Để mỗi khi nghe gió đùa lá lá xôn xao là Bích thấy như Cỏ đang cười. Tiếng cười vẫn trong veo hiện hữu trong ký ức. Mộ của con cỏ mọc xanh non. Nhiều buổi chiều Bích ra đó ngồi rất lâu, tựa đầu vào cỏ. Chấp chới trong Bích thứ hiện tại lẫn trong ảo ảnh. Phi nói cứ như vậy Bích có thể sẽ điên. Nên tìm mọi cách mang Bích theo đến một vùng đất khác. Thành phố này đón chào Bích bằng nỗi cô đơn gầm gào. Bằng cái nóng thưa thớt những bóng cây. Chỉ càng làm nỗi nhớ con thêm cồn cào trong lòng người mẹ. Cỏ ơi...
* * *
Bích ngồi dưới gốc cây, nhắm chặt mắt cảm nhận rất rõ luồng gió mới sau mưa. Tiếng chim rơi như từng giọt mật, hòa quyện, tan lẫn vào đất trời quá đỗi tinh khôi. Cỏ ở sân chùa xanh mướt mát, chỉ cần chạm vào mắt thôi cũng đủ đánh thức những giác quan còn lại. Mùi thơm trên mũi và vị ngọt trên môi, mềm êm đến từng lỗ chân lông vẫn là sự dịu dàng mơn mởn ấy. Bích ngồi riêng mình một góc ngắm nhìn hạnh phúc người đời. Những đứa trẻ theo bố mẹ vào chùa nô đùa khúc khích. Nụ cười ngây thơ cứa vào lòng Bích ri rỉ cơn đau cũ trở mùa. Nhìn con người ta, Bích hay nghĩ nếu Cỏ còn sống chắc tóc cũng đã dài đến thế kia, người cũng đã cao đến thế kia. Mỗi ngày hai mẹ con sẽ thức dậy cùng nhau, chải tóc cho nhau. Sẽ chăm chỉ vào bếp để bát đĩa xôn xao niềm vui của từng bữa cơm đầm ấm. Bích sẽ dạy con làm bánh cho ngoại, pha cà phê cho bố. Sẽ cùng nhau trồng vườn, gieo những hạt giống bé xíu để rồi cùng hồi hộp đợi những mầm xanh. Có bao điều định làm cùng con mà không níu lại được thời gian. Bích đã làm gì sai mà ông trời lại tước đi quyền làm mẹ? Lại cướp đi những đứa con của Bích? Câu hỏi ấy lặp đi lặp lại như một sự giày vò, ám ảnh.
Đã ba năm từ khi Cỏ mất. Cây trong vườn nhà ngoại bắt đầu tạo những tán râm. Tháng trước Bích về thấy cây vú sữa đã chín những trái đầu mùa, chạm vào môi ngọt thơm từng giọt sữa. Cây ổi năm nào cũng sai trĩu quả, trẻ con hàng xóm đến vít cành rúc rích suốt trưa hè. Cây Bố, cây Mẹ đã vươn cao khẽ cúi mình tạo thành vòm bên cây Con non nớt. Từng đàn chim sẻ nâu, chim chìa vôi tìm về ríu rít, thủ thỉ với khu vườn câu chuyện của sinh sôi. Nhìn cây lá rung rinh, Bích tưởng như Cỏ về cùng hoa thơm trái ngọt. Ngoại của Cỏ tóc đã bạc, mắt đã mờ, chân đã chậm. Mỗi lần thấy Bích về đều giục “con hãy sinh cho Cỏ một đứa em”. Phi cũng đã nhiều lần bàn về chuyện sinh con. Vì Bích không còn trẻ và cũng vì không ai có thể ôm nỗi đau để đi suốt phần đời còn lại. Nhưng Bích không đủ can đảm nghĩ đến một lần sinh nở khác. Ba lần mất mát đã hút kiệt sức lực và niềm tin trong Bích. Các con đến rồi đi rất nhanh, khước từ những thương yêu trần thế. Bích sợ phải gặp lại nỗi đau ấy trong hình hài một đứa trẻ khác. Ai dám chắc ông trời không lấy đi của Bích tất cả? Bích không làm sao quên được những ngày Cỏ kiệt sức nằm thở thoi thóp trong bệnh viện. Bích đã ước giá như đừng sinh ra Cỏ để cơ thể nhỏ bé của con không phải trải qua biết bao đau đớn.
Ngày nào vào chùa Bích cũng cầu xin cho linh hồn Cỏ siêu thoát đến được miền cực lạc. Có những hôm Bích ngồi ngủ quên dưới sân chùa, mơ được gặp Cỏ hát ca. Ngủ cho đến khi sư thầy hoặc tiểu ni cô nhẹ nhàng lay vai đánh thức. Cũng có hôm Phi tìm đến đón nhưng thường là anh đi công tác vắng nhà. Những chuyến đi ít ra cũng làm anh nguôi ngoai mất mát. Bích thương Phi đến mức từng có lúc muốn đẩy anh ra khỏi cuộc đời mình. Nhưng Phi là mẫu người đàn ông yêu thương lặng thầm và bền bỉ. Ôm tất cả những đớn đau vào lòng để mạnh mẽ làm chỗ dựa cho Bích suốt những tháng năm qua. Phi mua căn nhà nằm gần chùa cũng là vì Bích. Tĩnh lặng và bình yên, tránh xa tất cả những ầm ĩ của phố xá ngoài kia.
Chùa đón khách bằng ấm nước vối lúc nào cũng đặt sẵn giữa sân. Kê thêm vài ba cái chõng che mấy đứa nhỏ tranh nhau nằm nghịch. Khách thập phương đến chùa cũng nhiều nhưng không hề ồn ào, từng bước chân nhẹ nhõm và thong thả. Ở đây tất cả mọi thứ đều dễ chịu, hệt như đang ngồi giữa vườn nhà. Một hôm Phi đến đón Bích nhưng nán lại nhà chùa khá lâu. Không biết anh đã nói những gì mà hôm sau sư thầy đến bên Bích chuyện trò. Dưới tán cây râm mát ở chốn thanh tịnh ấy, Bích đã trút lòng về Cỏ, về nỗi hoang mang bất ổn trong mình. Sư thầy không khuyên gì, chỉ kể tích chuyện về bà Kisagotami. Đó là người đàn bà mỏng manh, yếu ớt đã hoàn toàn bị suy sụp vì đau buồn trước mất mát của đứa con trai. Bà ta đã ôm xác con trai gõ cửa hết nhà nọ đến nhà kia để tìm thuốc cứu con. Nhưng trong toàn thể vùng Savatthi không vị lương y nào có thể cứu sống một người đã chết. Cuối cùng bà ôm con chạy đến gặp Đức Phật Tối Thượng. Đức Phật bảo bà ta: “Hãy đi đi, vào trong thị trấn và mang lại cho ta một nhúm hạt giống cải lấy từ gia đình nào chưa từng có người chết”. Hạt cải thì nhiều và người ta cũng sẵn sàng cho bà. Nhưng người đàn bà này đã không tìm thấy bất kỳ nhà nào chưa từng mất người thân. Cuối cùng, bà thông hiểu ra sự vô thường.
Bích nghe xong không nói gì, chỉ khóc.
Phi nói sẽ xin cho Bích đi dạy học trở lại trong một trường trung học ở ngoại thành. Công việc sẽ giúp Bích cân bằng lại cuộc sống. Lần về thăm mộ Cỏ gần nhất, Bích hứa với con sẽ sớm sinh em. Một đứa em thật thông minh và đáng yêu sẽ lớn lên cùng bố mẹ. Cây trong vườn vẫn xanh. Hoa trong vườn vẫn nở. Những quả ngọt vẫn đang đợi mùa gõ cửa. Và những người đang sống dù có đớn đau cũng vẫn phải hy vọng để bước tiếp phần đời còn lại. Nếu thấy mình mỏi mệt, Bích chỉ cần nhắm mắt là đã có cảm giác cỏ non xanh đến tận chân trời...
Vũ Thị Huyền Trang
(Theo TNO)