Ngày nay, đặc biệt tại nhiều nơi được gọi là xã hội giàu có, người dân lại đối đầu với nhiều khó khăn hơn, bất toại nguyện, và tinh thần xáo trộn hơn những xã hội chậm tiến. Đó là do con người đã trở thành nô lệ cho lạc thú tình dục và khao khát thú vui trần tục mà không có sự phát triển đức hạnh và trí tuệ. Tinh thần căng thẳng, sợ hãi, lo âu, và bất an xáo trộn tâm họ. Tình trạng của những vấn đề này trở nên thành điều khó khăn lớn nhất tại nhiều quốc gia. Vì người dân trong các nước phát triển không biết cách sống tri túc trong đời sống nên đương nhiên họ cảm thấy bất toại nguyện.

Có bốn lãnh vực mà con người cố gắng tìm trong đó mục đích của cuộc đời.

- Mức độ vật chất;
- Yêu và ghét hay cảm nghĩ thích và không thích;
- Nghiên cứu và lý luận
- Hiểu biết thông cảm căn cứ trên sự phán xét thuần túy và thái độ thẳng thắn.

Lãnh vực cuối cùng rất thực tế và là một phương pháp bền vững không bao giờ tạo thất bại. Ngày nay, người dân cần nhiều của cải hơn, không những vì đời sống cá nhân và làm tròn nhiệm vụ, mà vì tham dục tăng lên tích lũy cho thật nhiều. Do đó, tranh giành đã xuất hiện.

Muốn có lạc thú trần gian phải có một vật thể bên ngoài hay một bạn đường nhưng muốn đạt hạnh phúc tinh thần, không cần thiết phải có đối tượng bên ngoài.

Nhiều thanh niên đã mất lòng tự tin và phải đương đầu với khó khăn trong việc quyết định phải làm gì cho vừa lòng với với cuộc sống của họ. Nguyên nhân chính của thái độ tinh thần này là lòng tham vọng và lo âu quá đáng gây nên bởi sự tranh đua, ganh ghét và bất an. Những khó khăn như vậy đương nhiên tạo không khí rất xấu cho những người khác muốn sống bình an. Thật sự là khi một cá nhân gây chuyện, cách cư xử của cá nhân ấy đã ảnh hưởng đến phúc lợi của người khác.

Con vật chẳng bao giờ hưởng hạnh phúc nhưng chúng có lạc thú. Hạnh phúc không thể căn cứ vào sự thỏa mãn độc đoán của cái ta (ngã) của một cá nhân mà là trong việc hy sinh lạc thú của mình cho phúc lợi của người khác.

SỬ DỤNG CỦA CẢI MỘT CÁCH HỢP LÝ

Đối với đa số, một người, một cộng đồng hay một quốc gia giàu có có nghĩa là 'giàu có' trong ý nghĩa có nhiều tài sản hay tiền bạc do sự đạt được từ vật chất. Nghĩa chữ của cải nguyên thủy là trạng thái hạnh phúc. Khối cộng đồng thịnh vượng mang ý nghĩa ấy. Nhưng bây giờ người ta sử dụng danh từ này vào ý nghĩa tài sản thường để khuyếch trương phúc lợi vật chất hơn là mở mang trạng thái tinh thần .

Đương nhiên chúng ta không thể không công nhận lòng ham muốn của cải là yếu tố phụ quan trọng để thành công nếu được gìn giữ trong phạm vi thích đáng. Ham muốn, chính nó không phải là một tội lỗi. Tuy nhiên không kiềm chế nó sẽ dẫn đến sự bất mãn không ngừng, thèm muốn, tham, sợ hãi và tàn ác với đồng loại. Tích lũy tiền bạc có thể mang đến một thứ hạnh phúc ở một mức độ nào đó, nhưng không thể tự nó mang lại sự thoả mãn hoàn toàn.

Hầu hết những người có nhiều của cải lại thất bại vì họ không hiểu phương tiện với cứu cánh. Họ không hiểu bản chất, ý nghĩa và chức năng đúng của của cải, của cải chỉ là một phuơng tiện mà người ta có thể đạt được cứu cánh của hạnh phúc tối thượng. Nhưng ta có thể hạnh phúc mà không cần phải giàu có. Một câu chuyện cổ Trung Hoa làm sáng tỏ việc này .

Có một ông vua muốn biết làm sao có được hạnh phúc thực sự. Một vị đại thần tâu với vị vua này muốn có hạnh phúc thực sự là phải mặc áo của một người thực sự hạnh phúc. Sau một thời gian dài, nhà vua đã tìm được một người hạnh phúc thực sự, nhưng người sung sướng hoàn toàn này lại không có áo cho nhà vua. Không có cả đến cái áo mà lại là người hạnh phúc!

Của cải phải được sử dụng hợp lý và khôn ngoan. Của cải phải được sử dụng cho hạnh phúc chính mình và cho người khác. Nếu một người bỏ hết thì giờ bám víu vào tài sản của mình không chu toàn nhiệm vụ với xứ sở, dân tộc và đạo giáo, kẻ đó sống một cuộc sống trống trải đầy phiền muộn. Có quá nhiều người bị ám ảnh với sự đạt được vật chất đến mức mà họ quên cả trách nhiệm với gia đình và người đồng loại. Hạnh phúc là một điều lạ. Bạn càng chia sẻ hạnh phúc bao nhiêu thì bạn lại càng toại nguyện bấy nhiêu.

Nếu ta ích kỷ, đến khi phải từ giã thế giới này, thì đã quá trễ để tận dụng của cải của ta. Không một ai, kể cả người giàu có, được thực sự lợi lạc từ những người giàu có chuyên tích lũy của cải.

TÍCH LŨY CỦA CẢI

Một số người nghĩ rằng càng tích lũy được nhiều của cải thì có thể vượt qua được các khó khăn. Cho nên họ nỗ lực làm việc để trở nên giàu có, nhưng khi trở thành tỷ phú họ lại phải đương đầu với rất nhiều khó khăn bất ngờ - bất an, lo âu, thù địch và nỗi khó khăn giữ được của cải. Điều này cho thấy rõ ràng việc tích lũy của cải không thôi không phải là giải pháp cho các khó khăn của con người. Của cải chắc chắn có thể giúp vượt qua một số khó khăn nhưng không phải hạnh phúc trên thế giới này lại có thể đạt được bằng tiền bạc. Tiền bạc không thể nhổ hết gốc rễ tất cả mọi khó khăn.

Các triết gia, các nhà tư tưởng lớn và người duy lý đã vạch rõ bản chất trong nhược điểm của con người và cách vượt qua. Tuy nhiên một số đông coi đó chỉ là lý thuyết suông mà không phải là giải pháp cho vấn đề. Đôi khi trí tuệ lại gây nhiều khó khăn hơn vì quan niệm ích kỷ về mình lại tăng trưởng.

LỜI KHUYÊN CỦA ĐỨC PHẬT

Trái với một số quan niệm sai lầm ở vài nơi cho rằng Phật Giáo với tinh thần bao dung, và đặc biệt trong việc tu tập thiền định, đã khuyên các đệ tử không nên hăng say mà phải cần cù làm việc. Đức Phật, trong nhiều lần thuyết giảng, thực ra khuyến khích các đệ tử không nên ăn không ngồi rồi và biếng nhác mà phải tích cực làm việc và chuyên cần, tạo dựng của cải bằng phuơng tiện chính đáng để duy trì sự ổn định kinh tế. Đức Phật khuyến khích các đệ tử trong khi tạo dựng của cải phải tôn trọng nguyên tắc đạo lý. Ngài cũng dặn dò con người không nên trở thành nô lệ cho việc tích lũy của cải chỉ vì lợi ích riêng tư mà nên bảo vệ của cải bằng cách không cẩu thả và phí phạm. Ngài khuyên của cải phải được sử dụng làm phương tiện cho đời sống gia đình bằng những hành động nhân từ để giúp đỡ thân quyến và bạn bè khi cần thiết, giúp đỡ người nghèo, người cùng khổ.

Trong những bài thuyết giảng của Ngài về nhiều loại hạnh phúc liên quan đến của cải, Đức Phật phân định bốn loại hạnh phúc như sau:

- Hạnh phúc trong việc tạo dựng của cải bằng những phương tiện chính đáng và hợp pháp.

- Hạnh phúc trong việc sử dụng thích đáng và chính xác của cải tích lũy.

- Hạnh phúc không mắc nợ ai

- Hạnh phúc không áp dụng phuơng tiện nào bất hợp pháp hay trái phép trong việc tích lũy của cải và cũng không gây cho một ai bị hại hay bị thương trong lúc tạo dựng của cải.

Hòa thượng K. Sri Dhammananda
Thích Tâm Quang dịch




Có phản hồi đến “2. Lạc Thú Tình Dục”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com