Những ngôi chùa khang trang, sừng sững trước phong ba sóng gió như những cột mốc chủ quyền về tâm linh của người Việt, thêm một điểm tựa tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân nơi tiền tiêu của Tổ quốc.
Những ngôi chùa trên huyện đảo Trường Sa đều được xây dựng theo phong cách cổ truyền thống, một gian hai chái, hay ba gian hai chái, mái cong với những đầu đao truyền thống, bằng các loại gỗ quí xưa cha ông ta dùng đóng thuyền vượt biển. Những pho tượng được chế tác công phu bằng ngọc quí. Đặc biệt ngôi chùa nào chính diện cũng hướng về Thủ đô Thăng Long - Hà Nội, như tấm lòng người Việt từ bao đời nay. Ai cũng có cảm giác trong lòng tĩnh lặng ấm áp như đứng trên đất liền, nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Hồn dân tộc nơi đảo xa
Một trong những điều làm phật tử và tất cả những người đến những ngôi chùa vô cùng ngưỡng mộ là các hoành phi, câu đối đều bằng chữ quốc ngữ, mang hồn dân tộc: “Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền/ Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ” và: “Cá đọc kệ được thành tiên/ Rồng nghe kinh mà mộ đạo”- (câu đối ở chùa Trường Sa Lớn và đảo Sinh Tồn). Những câu đối ngắn gọn, súc tích, vừa nói lên sức cảm hóa to lớn của đạo Phật, vừa khẳng định được chủ quyền của ta đã có tự ngàn xưa trên mảnh đất nơi tiền tiêu hải đảo.
Cũng trong mô típ ấy, ở chùa Song Tử Tây, ngôi chùa bề thế nhất trong ba ngôi chùa lại có câu đối: “Mây lành che khắp thập phương nhân/ Trời tuệ rọi soi ngàn thế giới” và:
“Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam/ Quần đảo huy hoàng chất ngất biển đông ngời thắng cảnh”. Đó không chỉ là sức cảm hóa vô hình của đạo Phật, đó không chỉ là thắng cảnh của trời Nam, mà còn là mảnh đất địa linh nhân kiệt tự thuở Cha Lạc Long Quân cùng 50 người con khai hoang lấn biển và mãi mai sau: “Đức rồng vời vời dân khang vật thịnh vạn niên/ Chùa Phật huy hoàng nhân kiệt địa linh muôn thuở”.
Chúng ta đều biết Phật giáo có đóng góp một vai trò quan trọng trong sự hướng dẫn đời sống tinh thần cho mọi người và phát triển quốc gia trong thời kỳ hội nhập, làm nền tảng luân lý để xây dựng một xã hội tiến bộ, đạo đức, trí tuệ cho mọi người. Chân giá trị tinh thần đạo Phật quả đã thấm sâu đậm trong đời sống toàn thể dân tộc Việt Nam. Đạo Phật có một nguồn sinh lực rất dồi dào: đó là nguồn sinh lực của chánh pháp. Người Việt Nam dù không theo đạo Phật, nhưng khi có “đạo” thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ là đã có Phật trong tâm rồi. Phải chăng vì vậy mà khi đọc câu đối: “Mây lành che đông hải một trời cam lộ tưới Trường Sa/ Thắng tích ánh đảo xa vạn cổ danh lam truyền Song Tử”, ai cũng ấm lòng, khi ta đã có chính nghĩa, có niềm tin, ta sẽ chiến thắng mọi âm mưu thâm độc của những thế lực thù địch. Bởi: “Kim thân tỏa sáng ba ngàn thế giới tất quy y/ Đức Phật uy nghiêm tất thảy trời người đều kính phục”.
Tin yêu lẽ phải, chính nghĩa
Mục đích của đạo Phật thật cao cả, bởi vậy bước vào những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa, nơi bốn bề mênh mông sóng nước, kẻ thù rình rập, thành kính thắp một nén nhang, đọc và suy ngẫm những câu đối ta thêm ngộ được chân lý sống: cho dù bạn chỉ có một giờ để sống, một phút để sống, mục đích của cuộc đời vẫn là sống vì sự lợi lạc của người khác, của cộng đồng, của dân tộc và nhân loại với một trái tim tốt lành, với lòng bi mẫn đối với người khác. Trong lòng mỗi người tràn ngập sự thanh thản, đầy ắp niềm vui. Để rồi dù có gặp bao khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, vẫn đủ niềm tin và nghị lực vượt lên vì quê hương đất nước. Đấy phải chăng là sự hạnh phúc của sự Giác ngộ viên mãn, tối thượng theo giáo lý của nhà Phật, rất gần gũi với lẽ sống của mỗi người dân nước Việt, mang trong mình dòng máu Lạc Hồng. Cũng vì vậy mà không chỉ những người dân trên đảo, các ngư dân kiên cường bám biển đến chùa mà cả các cán bộ chiến sĩ cũng thường xuyên đến thắp hương, nghe giảng đạo. Trong lòng mỗi người đều thanh thản hơn, thêm tin yêu vào lẽ phải, vào chính nghĩa.
Trong chuyến ra thăm đảo lần ấy, các vị sư cùng cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tổ chức đại lễ cầu siêu cho linh hồn các liệt sỹ đã hy sinh thân mình bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc cùng các đồng bào tử nạn trên biển theo nghi thức trang trọng nhất của nhà Phật. Cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên các đảo thành kính đến dự rất đông. Lễ cầu siêu trang nghiêm nhưng ấm áp tình người. Không phân biệt tôn giáo, tất cả đều thành kính tưởng niệm những liệt sỹ đã hy sinh bảo bệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Hòa thượng Thích Giác Nghĩa, phó ban nghi lễ Phật giáo tỉnh Khánh Hòa không nén được nỗi xúc động:
- Những ngôi chùa hiện diện trên quần đảo Trường Sa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh và xác nhận chủ quyền của đất nước. Tôi đã từng tham gia nhiều lễ cầu siêu trên cả nước, nhưng lễ cầu siêu ở Song Tử Tây thật vô cùng đặc biệt, khiến tôi vô cùng xúc động và cảm nhận rõ hơn mối giao hòa âm dương. Đây là đại lễ cầu siêu lần đầu tiên được tổ chức ở nơi đảo xa. Mong rằng hàng năm chúng ta tổ chức đại lễ cầu siêu nơi đây như một hành động tri ân với các liệt sỹ vị quốc vong thân.
Và hôm nay giữa nắng gió chang chang, Biển Đông dậy sóng vì hành động ngang ngược của chủ nghĩa bá quyền bành trướng Trung Quốc. Tiếng chuông chùa ngân trên ngọn sóng như tiếp thêm sức mạnh cho bà con nhân dân cùng các cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc
(Theo Baotintuc)