Trong những ngày Biển Đông dậy sóng, những ngôi chùa ở các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn vẫn hiên ngang như những “cột mốc văn hóa” của nước Việt. “Sóng gió” càng góp thêm sức mạnh cho tinh thần dân tộc được dịp khẳng định, trong tâm sự của những cao tăng, phật tử.

Xem thêm:

Hoằng Pháp Ở Trường Sa

Ngày xưa, đã có những am thờ

Từ xa xưa, trên khắp quần đảo Trường Sa đã có những am thờ do ngư dân chúng ta xây dựng, để cầu Trời, khấn Phật phù hộ, độ trì cho những chuyến xa khơi thuận buồm xuôi gió. Rồi từ đó, các chùa Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn đã được định hình, phát triển cùng với cộng đồng dân cư ngày một sầm uất trên một vùng biển đảo của Tổ quốc.

Khởi đầu ngày mới, tiếng chuông chùa Song Tử Tây trên đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa lại ngân vang. Suốt từ những ngày đầu tháng 5 cho đến bây giờ, trong bài kinh cầu nguyện cho quốc thái dân an còn có thêm cầu cho biển Đông bình yên an lạc.

Sư thầy Thích Đức Nhẫn, trụ trì chùa Song Tử Tây cho biết: “Việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cản trở lực lượng chấp pháp, ngư dân Việt Nam làm ăn đều được cập nhật qua báo đài hàng ngày, hàng giờ. Cho dù Trung Quốc liên tiếp có những hành động gây hấn nhưng mọi hoạt động trong chùa, trên đảo và trên quần đảo vẫn và sẽ bình thường. Đó là sự khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Đại Đức Thích Giác Nghĩa
Đại Đức Thích Giác Nghĩa

Kiến trúc ngôi chùa như một ngọn hải đăng cùng với tượng đài Trần Hưng Đạo sừng sững tọa lạc nơi đây đã mang cho ngôi chùa trên đảo Song Tử Tây một nét văn hóa tâm linh tiêu biểu thuần Việt giữa trùng khơi. Cũng như bao ngôi chùa tọa lạc trên đất nước Việt Nam, chùa Song Tử Tây được xây dựng theo phong cách truyền thống với tam quan hai tầng, tám mái; chính điện ba gian, hai chái; tả hữu vu và hệ thống sân vườn. Đây là ngôi chùa lớn nhất ở Trường Sa. Sư Thầy Thích Đức Nhẫn tâm sự, nếu như được lựa chọn lại, thầy vẫn ra với Trường Sa, ra với Song Tử Tây. Sư thầy Đức Nhẫn sinh ra ở Phú Yên, lớn lên ở Nha Trang nhưng có lẽ Song Tử Tây là nơi gắn bó máu thịt với thầy.

Ngôi chùa Song Tử Tây trải qua thời gian vẫn tràn đầy sức sống giống như các loài cây phong ba, tra, bàng vuông được trồng khá nhiều trên đảo. Sư thầy Thích Đức Nhẫn cho biết: “Không bao giờ chúng ta quên sự hy sinh của 64 chiến sỹ tại Trường Sa năm 1988”. Trên các bức hoành phi, câu đối trong chùa đều được viết bằng chữ quốc ngữ, ai vào thăm chùa cũng hiểu được nghĩa. Được đọc câu đối bằng chữ Việt sao thấy gần gũi, thiêng liêng: “Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ/Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền”.

Bên cạnh chùa Song Tử Tây, chùa Sinh Tồn giáp với khu dân cư trên đảo Sinh Tồn, với diện tích khoảng 500m2, mang dáng vẻ một ngôi chùa làng điển hình ở châu thổ Bắc Bộ. Kiến trúc chùa gồm một gian hai chái; tường bao trổ hoa; hệ thống sân, vườn, với những cây phong ba, bồ đề xanh ngắt... Trong khuôn viên chùa có ban thờ các anh hùng liệt sỹ - những người đã hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cho nên, các ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa đã thể hiện cụ thể và sinh động đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt nơi biển đảo từ xa xưa, với cốt lõi là tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm, quyết tâm bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tại lễ cầu hòa bình được tổ chức vừa qua trên quần đảo Trường Sa, Thượng tọa Thích Giác Nghĩa, trụ trì chùa Trường Sa Lớn (thị trấn huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) bày tỏ: “Chư tăng, quân dân trên đảo cầu mong hòa bình, kêu gọi Trung Quốc tôn trọng chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Việt Nam, rút giàn khoan Hải Dương 981 đang đặt trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Đã không ít người, trong đó có cả phóng viên nước ngoài hỏi vì sao Thượng tọa Thích Giác Nghĩa lại ra với Trường Sa? Thượng tọa cho biết: “Việc tôi và các chư tăng ra quần đảo Trường Sa là để tiếp nối truyền thống cha ông, khẳng định chủ quyền của đất nước về biển đảo - nơi ghi dấu công sức xương máu của lớp lớp thế hệ”.

Phật giáo là thành tố không thể thiếu trong văn hóa Việt Nam. Nơi nào thuộc chủ quyền của Tổ quốc, có người Việt Nam thì nơi đó có chùa. Phật giáo đồng hành với dân tộc. Điều đó cũng đúng với Trường Sa.

Thời gian gần đây, Trung Quốc xâm phạm chủ quyền trên vùng biển của Việt Nam. Với Đại đức Thích Giác Nghĩa, góp phần bảo vệ Tổ quốc là việc của mỗi công dân Việt Nam, cũng là tiếp nối nhiệm vụ cao cả của những người đã ngã xuống dưới lòng biển khơi.

Từ bao đời nay, dù biển Đông có dậy sóng hay yên ả thì với những người dân sống trên quần đảo Trường Sa, những ngôi chùa ở đây không chỉ đơn thuần là chỗ dựa về mặt tinh thần, văn hóa tâm linh mà còn khẳng định chủ quyền bền vững từ xa xưa của dân tộc.

Nếu Trung Quốc tiếp tục leo thang, Đại đức Thích Giác Nghĩa trước sau như một khẳng định: “Sư tăng chúng tôi sẽ sẵn sàng cùng quân, dân trên quần đảo Trường Sa chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, nguyện một lòng kiên trung, quyết không để mất chủ quyền lãnh thổ dù chỉ là một viên đá san hô…”

(Theo Giadinh.net)



Có phản hồi đến “"Tâm Thư" Từ Các Chùa Trường Sa Trong Những Ngày Biển Đông Dậy Sóng”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com