Khó ai hình dung nổi, có một cô gái trẻ, sau biến cố khủng khiếp do tai nạn đã tự đứng lên và bước đi theo cách của mình. Cô không chỉ sống lạc quan cho mình, mà suốt 18 năm qua còn thầm lặng mang lại ánh sáng diệu kỳ cho cuộc sống người khiếm thị qua những cuốn sách nói. Hàng nghìn trẻ em bất hạnh nhờ đó đã bước vào giảng đường đại học, nhiều em còn nổi bật, giành được học bổng, du học tận Úc, Anh… Đó là câu chuyện về tình yêu cuộc sống của Nguyễn Hướng Dương - Giám đốc Thư viện sách nói dành cho người mù...

Hạnh ngộ

Hướng Dương và tôi có một duyên hạnh ngộ. Năm 1973, em lúc đó 4 tuổi, bồng bế theo cha mẹ tránh sự khủng bố của chính quyền Sài Gòn, chạy ra Huế, rồi Đà Nẵng, tá túc lại nhà tôi hơn năm trời. Cha mẹ em hoạt động trong phong trào thanh niên sinh viên Sài Gòn - Gia Định. Gia đình tôi cũng là “địa chỉ đỏ”, địa điểm tập trung, nuôi giấu sinh viên, học sinh, thường tổ chức các cuộc bãi khóa, biểu tình... Nhà tôi lúc này có một em út bằng tuổi Hướng Dương được cả nhà dồn hết tình thương yêu. Hai đứa chơi với nhau thân thiết. Em tôi mất khi lên 4, nên nhớ đến em, với tôi đâu đó có hình ảnh của Hướng Dương.

Năm tháng đó, phong trào đấu tranh đô thị ở miền Nam dâng cao. Những “Tiếng hát những đêm không ngủ”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”, “Xuống đường”... được các tổng đoàn thanh niên sinh viên, học sinh tổ chức chống chính quyền đương thời. Thời gian tá túc ở Đà Nẵng, cô Ngọc và chú Phước -cha mẹ Hướng Dương - dạy cho anh em chúng tôi các bài ca tranh đấu của sinh viên. “Nếu là chim, tôi sẽ làm loài bồ câu trắng/ Nếu là hoa tôi sẽ làm một đoá hướng dương...”. Hướng Dương sinh ra, lớn lên trong những ngày rực lửa đấu tranh đô thị và đã được đặt tên theo tứ bài ca “Tự nguyện” của anh Trương Quốc Khánh.

Người ta nói, cái tên sẽ gắn liền với số phận mỗi con người. Điều đó tôi thấy đúng với Hướng Dương. Sau năm 1975, bẵng đi một thời gian, bất ngờ nghe tin em bị tai nạn trên đường đi học. Một đoàn tàu đã cán ngang qua hai chân, để lại một thương tích trầm trọng, không hồi phục nổi trên thân xác và tinh thần khi em bước vào tuổi 25 và trước hôn phối vài ngày. Tôi vội ghé thăm. Trên chiếc giường màu xám bệnh viện, Hướng Dương nằm thiêm thiếp, hai chân bị cắt ngang gần hết, toàn thân bầm giập được bó kín trong garo trắng, chỉ còn đôi mắt sáng và đôi tay lành lặn. Nghe bác sĩ bảo, Hướng Dương được cứu sống như một phép màu, nhưng lòng tôi xót xa, vậy là hết... chấm hết bao nhiêu ước vọng!

Hướng Dương trong một lần đưa các em khiếm thị đi chơi ở biển Vũng Tàu.
Hướng Dương trong một lần đưa các em khiếm thị đi chơi ở biển Vũng Tàu.

Tiếng gõ trợ duyên

Ra viện, sự tàn tật của thân thể trầm trọng, nhưng không thể sánh bằng sự tuyệt vọng trong tâm hồn em. Tương lai cô gái trẻ với bao nhiêu hoài bão, ước mơ đã vĩnh viễn đóng sập. Cả đến anh chàng hôn phu gắn bó nhau bao nhiêu năm trong tình yêu, sau đó cũng cao chạy xa bay. Những ngày này, cuộc đời Hướng Dương là chuỗi ngày dài, tính bằng đoạn đường từ nhà đến bệnh viện và tiếng tặc lưỡi của con thằn lằn trên trần nhà trắng toát, nơi em nằm bất động, mắt ngước nhìn lên.

Hướng Dương nhớ lại: “Đường tàu lửa phía sau nhà, mỗi ngày đi qua lại cả mươi lần. Hôm đó đi học thêm sơ ý bị vấp ngã, cả bàn chân lọt xuống giữa hai khe ray không rút lên được. Em chỉ kịp rướn người ra khỏi thanh sắt thì cả một đoàn tàu sầm sập chèn qua, tiện hẳn hai chân. Toàn thân bầm giập, máu me phủ kín, không ai nghĩ em sống sót. Một người tốt bụng đặt em bên vệ đường, phủ lên đó tấm chiếu, chờ thân nhân đến nhận thi thể về lo hậu sự. Và lạ thay, như có một phép lạ giữa cơn thập tử nhất sinh, một người tò mò, cúi xuống giở chiếc chiếu lên, bất chợt thấy mắt em chớp nhẹ. Nhờ vậy lập tức em được đưa vào bệnh viện và cứu sống”.

Hướng Dương kể lại câu chuyện bất hạnh của đời mình trong niềm xúc cảm, mắt thoáng rướm lệ, nhưng giọng lại tươi vui, thản nhiên như kể câu chuyện tiểu thuyết nào đó. Tôi nhận biết, em đã vượt qua mọi cảnh giới suy nghĩ của một người thường. “Đoan chắc một điều, nếu không có tai nạn đó thì em và cha mẹ không có được cuộc sống trọn vẹn như hôm nay” - em nói tiếp.

Tai nạn bất ngờ ập đến khi tuổi đời còn quá trẻ. Dù lớn lên trong sự bảo bọc của một gia đình mô phạm với những phép tắc chặt chẽ, nhưng chưa ai dạy em cách đối phó với những khủng hoảng trong cuộc đời. Tuyệt vọng quá, nhiều lần em tìm cách quyên sinh. Xung quanh em những ngày này không có bất kỳ vật gì bằng kim loại hoặc dây nhợ để em dùng đó mà liều thân. Cha mẹ vứt bỏ hết mọi việc trong lẫn ngoài, toàn tâm dành thời gian để chăm sóc, chia sẻ nỗi đau thân xác và tinh thần với người con gái duy nhất của mình.

Chết cũng không được, sống không xong, thoát ra bằng cách nào? Hướng Dương nhớ lại: “Suốt mấy năm trời, phải đến 7 lần ra vào viện để phẫu thuật, vá víu vết thương. Tình cờ, một lần có chú nằm giường bên cạnh bảo: Xét cho cặn kẽ thì con còn hạnh phúc hơn nhiều người lắm. Con vẫn còn đôi bàn tay tự chăm sóc cho mình; có cha mẹ bên cạnh luôn luôn nâng đỡ. Như chú đây, đến uống nước, ăn cơm phải có người giúp, mà vẫn sống vui, có sao đâu! Nói rồi chú đưa hai cánh tay cụt tới sát nách để chứng minh”. Lời tâm tình đó như em hay nói, nó có ý nghĩa như một tiếng gõ trợ duyên, làm thay đổi cuộc đời em sau này.

Từ bệnh viện về, Hướng Dương lạc quan hơn, tự tin giao tiếp với mọi người xung quanh và tìm đến Phật pháp. Em tâm sự: “Thân bệnh thì bác sĩ có thể chữa lành, nhưng tâm bệnh thì chỉ có tự mình chữa khỏi”. Tìm được con đường cho mình, nhưng sống sao cho có ý nghĩa trong một cơ thể không còn lành lặn, đó mới là điều quan trọng mà em phải tìm kiếm, lựa chọn.

Con đường phục vụ

Sau ngày Hướng Dương ổn định, tôi ghé nhà thăm. Nhà ít người, sự xuất hiện đột ngột của tôi làm em hốt hoảng, chụp vội mái tóc giả lên đầu và khoác nhanh chiếc khăn che vội phần dưới khiếm khuyết. Dù đã thăng bằng và thấu triệt ý nghĩa “sắc sắc, không không” trong đời người, nhưng em vẫn là một cô gái tuổi thanh xuân, cần luôn... đẹp trước mắt mọi người. Lúc này Hướng Dương đang trong phòng “bá âm”.

Nói cho oai vậy thôi, chứ đó là căn phòng dưỡng bệnh, rộng chưa đầy 20m2. Căn phòng có một chiếc máy cassette cũ và một “núi” băng nhựa, sách. Em đang đọc tác phẩm “Hoàng tử bé” của Antoine de Saint-Exupéry. Giọng đọc truyền cảm như mang cả không gian vũ trụ vào chiếc băng nhựa nhỏ. Đó là những ngày đầu tiên cho thư viện sách nói thành hình sau này.

Hướng Dương tâm sự: “Cha mẹ đưa em đến với trẻ khuyết tật, mong tìm cho em sự thư thái giữa những người đồng cảnh ngộ. Mỗi lần về em cứ day dứt khôn nguôi, đặc biệt với các học sinh Trường mù Nguyễn Đình Chiểu. Các em thông minh, ham học hỏi, nhưng cuộc đời lại tăm tối theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thế giới, với các em là chiếc giường cá nhân, gốc bàng trong sân, và xa lắm là cánh cổng trường học... Một đời người lẩn quẩn, lặng lẽ, trôi qua trong bóng tối và không hề mảy may ý thức rằng, cuộc sống còn có những ban mai, tia nắng vàng lọt qua kẽ lá; có những hoàng hôn tím thẫm, đọng lại trên cánh diều no gió; có những chân trời đầy hoa thơm cỏ lạ, qua những tác phẩm văn học của Balzac, Victor Hugo, Guy de Maupassant...”. Vì lẽ này, Hướng Dương đã chọn cách mang tri thức đến cho những số phận bất hạnh này qua những cuốn sách nói.

Em đọc, ghi âm truyện thiếu nhi sẵn có ở nhà. Cuối tuần, những “cuốn sách cassette” đó được mang đến, mở cho các em khiếm thị cùng nghe. Có thể nói rằng sáng kiến này đáng ghi nhận như một “phát minh”, vì lúc đó chưa ai nghĩ đến những cuốn sách nói dành cho người mù. Và từ những cuốn sách nói của Hướng Dương, cuộc sống của trẻ khiếm thị bắt đầu tràn ngập màu sắc và ánh sáng.

“Nếu không có giọng đọc của cô, chúng em sẽ không biết cuộc sống muôn màu muôn vẻ như thế nào, quan trọng hơn, nhờ sách nói giáo khoa của cô mà những người khiếm thị chúng em có thể theo kịp các bạn sáng mắt, chúng em không hề thua kém các bạn trong lớp khi hoà nhập tại các trường dành cho học sinh sáng mắt” - một học sinh Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu bày tỏ.

“Tuy bạn không chọn được cho mình một cơ thể vẹn nguyên, nhưng bạn hoàn toàn có thể chủ động chọn cho mình cách sống. Cuộc sống dẫu có khắc nghiệt đến mấy, có làm cho con người đau khổ đến mấy cũng không thể ngăn cản con người ta tìm thấy hạnh phúc. Vẫn còn có rất nhiều cách để ta gieo yêu thương cho đời, cho mọi người xung quanh; vấn đề là ta có chịu mở lòng, chấp nhận sự thật và dám đối diện để vượt lên chính mình hay không” - đó là suy nghĩ của Hướng Dương và cũng là cách mà em đã thể hiện tình yêu cuộc sống của mình.

 Lời bình:
Nhân vật trong phóng sự vừa khai sinh đã mang tên một loài hoa suốt đời phải vươn về phía mặt trời. Mà nếu không vươn được về phía mặt trời, thì không phải là hoa nữa. Nhưng nhân vật của Nguyễn Trung Hiếu đã vươn được về phía mặt trời, và cô ấy phẩm cách đúng như tên gọi của loài hoa hướng dương. Lại trộm nghĩ, nếu nhân vật của Hiếu mang tên một loài hoa khác thì số phận cô ấy chắc gì bi thương như thế(?).
Nhưng mà chẳng thể khác được, cái tên khai sinh Hướng Dương đã được đóng dấu. Và cô chấp nhận bước qua bi kịch của đời mình không phải bằng đôi chân. Phóng sự giàu chi tiết, có sức lay động chân thành. Hơi tiếc phần hai, tác giả tốn chữ cho "hoằng pháp" quá nhiều. Trong khi căn nhà nát được cấp làm thư viện cho cộng đồng khuyết tật rất cần nói thẳng, một lời thật gan ruột thì lại bị bỏ lửng. Tân văn tối kỵ sự lấp lửng, vòng vo.
Nhà báo Ngô Mai Phong

(Theo Lao Động)





Có phản hồi đến “Hướng Dương - Tình Yêu Ban Sớm”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com