LỜI GIỚI THIỆU

Sau khi cho xuất bản quyển sách "Học Phật quần nghi", Phân viện Nghiên cứu Phật học cho in tiếp quyển "Phật giáo chính tín" của cùng tác giả là Pháp sư Thánh Nghiêm, một Hòa thượng - học giả nổi tiếng người Trung Quốc. Ngài sinh năm 1930 ở Giang Tô, đỗ tiến sĩ ở Đại học Tokyo năm 1975, sáng lập Viện Nghiên cứu Phật học Trung Quốc năm 1985. Cũng như trong "Học Phật quần nghi", ở quyển sách này, tác giả cũng dùng hình thức hỏi và đáp để trình bày ý kiến của mình. Qua các vấn đề được đặt ra và lời giải đáp, tác giả muốn chứng minh Phật giáo là chính tín chứ không phải là mê tín. Đó là một mục tiêu tốt đẹp mà tất cả Tăng Ni cũng như những người muốn nghiên cứu Phật giáo đều mong muốn hiểu biết, nhưng sự chứng minh đó đủ sức thuyết phục hay không thì còn tùy ở nhận thức của độc giả.

Dầu sao, chúng tôi cũng nhận thấy rằng trong tập sách này, tác giả đã đặt ra được những vấn đề khá cơ bản của Phật giáo. Nhưng nếu trong "Học Phật quần nghi", các vấn đề Phật giáo có tính chất phổ thông hơn, thì trong quyển sách này, bên cạnh những vấn đề phổ thông như các vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình, có nhiều vấn đề có ý nghĩa thâm thúy về bản thể luận và nhận thức luận. Vì vậy, đọc quyển sách này, chúng ta sẽ có những hiểu biết cao hơn, sâu sắc hơn về Phật giáo.

Tuy nhiên, có một điểm cần chú ý là khi viết quyển sách này, tác giả nhằm vào độc giả người Trung Quốc. Vì vậy, Phật giáo được trình bày ở đây, không những là theo kiến giải riêng trên lập trường Đại Thừa của tác giả, mà còn được đặt trong bối cảnh văn hóa - xã hội Trung Quốc, dĩ nhiên là khác với Việt Nam. Nhưng chúng ta đều biết rằng giữa xã hội Việt Nam và Trung Quốc, có không ít những điểm gần gũi với nhau, cho nên phần lớn lời giải đáp của tác giả quả là rất hứng thú và bổ ích đối với độc giả Việt Nam.

Trong quyển sách này, tác giả cũng đã đi sâu vào một số vấn đề liên quan đến lịch sử Phật giáo, đặc biệt là lịch sử Phật giáo Trung Quốc, chẳng hạn phần nói về các tông phái Phật giáo. Những phần này rõ ràng là rất cần đối với những nhà nghiên cứu Phật học Việt Nam.

Tóm lại " Phật giáo chính tín" là, một quyển sách vừa dễ hiểu, vừa sâu sắc, có thể đáp ứng nhu cầu hiểu biết về Phật giáo của quần chúng rộng rãi, đồng thời có thể đáp ứng yêu cầu nghiên cứu sâu của giới Phật học.

Viết được một quyển sách đồng thời đáp ứng được cả hai yêu cầu như vậy, Pháp sư Thánh Nghiêm đã khiến chúng ta ngưỡng mộ trình độ uyên thâm và quảng bác về Phật giáo của Ngài.

Chính vì những lẽ trên mà Phân viện Nghiên cứu Phật học đã cho phiên dịch và xuất bản tập sách này. Trong lúc vội vàng, hẳn là bản dịch còn nhiều sai sót, kính mong tác giả và độc giả lượng thứ và chỉ chính cho.

Xin trân trọng giới thiệu quyển sách với chư vị Tôn túc, Tăng Ni, Cư sĩ, Phật tử cùng quý vị độc giả trong và ngoài giáo hội.

Giáo sư HÀ VĂN TẤN
Phân viện phó Phân viện Nghiên cứu Phật học


2. PHẬT GIÁO CHÍNH TÍN LÀ GÌ

Nội dung cơ bản của Phật giáo, ở đâu cũng là một, mãi mãi vẫn là một. Phật giáo bắt nguồn từ đức Phật là bậc đại giác, tức là từ biển lớn trí tuệ và từ bi của đức Thích Ca Thế Tôn. Phật giáo tràn đầy trí tuệ, tràn đầy lòng nhân từ, tràn đầy ánh sáng và sự mát mẻ, sự yên ổn. Phật giáo chính là giáo lý như vậy và hình thức giáo đoàn xây dựng trên một niềm tin vào một giáo lý như vậy gọi là Phật giáo.

Chính tín là niềm tin chân chính, chính xác, là sự tin hiểu chính thống, là sự tin tưởng và hành trì ngay thẳng, là sự tin tưởng và nương tựa đúng đắn. Nội dung của chính tín phải bao gồm ba điều kiện chủ yếu : Thứ nhất là phải có tính vĩnh cửu. Thứ hai là phải có tính phổ biến. Thứ ba là phải có tính tất nhiên. Nói cách khác, tức là, quá khứ trước đây là như vậy, thì hiện tại ở ađâu cũng là như vậy và tương lai cũng sẽ là như vậy. Phàm niềm tin vào một đạo lý hay một sự việc gì mà không chịu đựng nổi sự thử thách của ba điều kiện cơ bản nói trên thì không phải là chính tín, mà là mê tín. Giáo lý của một tôn giáo, mà không chịu đựng nổi sự khảo nghiệm của thời đại, của hoàn cảnh, không dẫn tới một cảnh giới mới và tốt đẹp, thì đó là mê tín, không phải chính tín.

Thế nhưng, phải nói rằng, nền Phật giáo chính tín, tại các vùng có lưu hành Phật giáo Đại Thừa, nhất là ở Trung Quốc, đã trở thành sở hữu riêng của những cao tăng ở ẩn trên núi, và của một số ít nhân sĩ trí thức. Còn ở trong dân gian, thì Phật giáo chính tín đến nay vẫn chưa phổ cập được. Dân chúng nói chung, trong cuộc sống của mình, có một quan niệm tín ngưỡng pha tạp cả ba giáo Nho, Phật, Lão. Thí dụ, như việc sùng bái quỷ thần hay là niềm tin người chết biến thành quỷ, không thể là sản vật của Phật giáo.

3. ĐỨC PHẬT CÓ PHẢI LÀ CHÚA SÁNG THẾ KHÔNG

Không phải. Phật giáo chính tín không có quan niệm Chúa sáng thế. Đức Phật là bậc giác ngộ trong nhân gian, Ngài tuy thấu rõ tất cả mọi nguyên lý của thế gian này, nhưng Ngài lại không thể thay đổi trạng thái vốn có của thế gian này. Đức Phật có thể hóa độ chúng sinh, nhưng chúng sinh có được hóa độ hay không, còn phải do bản thân chúng sinh, tự mình nỗ lực mới được. Đức Phật là vị thầy thuốc giỏi nhất, có thể chẩn đoán bệnh khổ của chúng sinh và cho thuốc. Nếu uống thuốc của Phật cho, thế nào chúng sinh cũng khỏi bệnh. Nhưng nếu không chịu uống thuốc, thì đức Phật cũng chịu bó tay. Đức Phật là người hướng đạo giỏi nhất, có thể hướng dẫn chúng sinh vượt ra ngoài biển khổ, nếu chúng sinh chịu để cho Phật hướng dẫn thì thế nào cũng được độ, nhưng nếu không chịu, thì đức Phật cũng chỉ biết thương mà không thể làm gì được.

Do đó, đức Phật không phải có địa vị Chúa sáng thế, cũng không muốn quần chúng sùng bái Ngài trên hình thức. Nếu thực hành được những lời dạy của Phật, thì cũng không khác gì thấy Phật, kính lễ Phật. Bằng không thì tuy thấy Phật trước mặt đó, cũng không khác gì không thấy Phật.

Như vậy, đức Phật đã không phải là Chúa sáng thế, cũng không phải là một ông Thần chủ tể. Đức Phật chỉ có thể dạy cho chúng sinh phương pháp thoát khổ được vui. Đức Phật tuy bản thân mình đã thoát khổ được vui, nhưng không thể thoát khổ và được vui thay cho chúng sinh.

Đức Phật là nhà giáo dục vĩ đại, là bậc đạo sư cho loài Người và loài Trời, nhưng không phải là nhà huyễn thuật hay ma thuật, và Ngài không thể mị dân với khẩu hiệu "chuộc tội thay cho chúng sinh". Ngài dạy rằng tất cả mọi người phải chịu trách nhiệm đối với bản thân mình : "Trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu".

Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm


Có phản hồi đến “Phật Giáo Chánh Tín - Đức Phật Có Phải Là Chúa Sáng Thế Không?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com