VẤN: Con là một Phật tử kém căn cơ chỉ vừa bước vào cửa đạo. Con rất vui vì được đọc rất nhiều bài viết bổ ích trên trang nhà Linh Sơn Phật Giáo vì rất đơn giản và gần gũi với con, giúp con có động lực niềm tin trong cuộc sống cũng như mở lòng từ bi với cuộc đời. Vì thế, con cũng thỉnh thoảng đến chùa tụng kinh niệm Phật. Con muốn làm một chút gì đó hay cúng dường tam bảo bày tỏ tấm lòng thành kính của con. Tuy nhiên, vì con còn là học sinh, tiền bạc lại eo hẹp, bánh trái hoa quả không biết mua gì cho hợp túi tiền. Xin Sư cho con biết là con nên cúng dường như thế nào là tốt nhất. Con có một người bạn có điều kiện hơn cũng thích làm từ thiện. Bạn bảo nên giúp đỡ các trung tâm nhân đạo hay là các bếp ăn từ thiện, các khoa ung bướu vì ở đó cần sự giúp đỡ hơn. Có bạn lại bảo là nên cúng dường tam bảo, ấn tống kinh sách thì như thế sẽ có nhiều phước đức hơn trong hiện kiếp và ở kiếp sau vì được gieo duyên với Phật Pháp. Con phân vân không biết nên làm như thế nào. Xin Sư chỉ dạy cho con được rõ. Con xin cảm ơn Sư rất nhiều.
ĐÁP: Năm 1962, khi còn học ở Phật học đường Tây Phương Bồng Đảo (Bà Rịa) Sư được học về ý nghĩa cúng dường, như sau:
“Cúng dường là lối đọc trại của hai chữ “cung dưỡng”. Cung là cung cấp, lo cho đầy đủ. Dưỡng là nuôi lớn. Cung dưỡng là cung cấp vật thực để nuôi lớn thân tâm người tu Phật. Ngoài lương thực, tiền bạc, quần áo, thuốc men, nhà ở, vật dụng để nuôi thân, còn có kinh kệ, sách vở, lời khuyên dạy, nếp sống thanh cao để làm gương, để nuôi lớn tâm tánh, tất cả đều là vật cúng dường. Tại sao lại đọc trại ra cúng dường ? Vì hai chữ cung dưỡng chỉ có ý nghĩa tầm thường như con cung dưỡng cha mẹ, người dưới cung dưỡng người trên các thức ăn vật chất để nuôi thân cho no ấm mà thôi, không có vấn đề khuyến khích tu hành, tu tâm dưỡng tánh. Dùng chữ cung dưỡng e tầm thường thấp thỏi quá nên người xưa đọc trại ra cúng dường để tỏ bầy lòng tôn kính ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng. Cúng dường bao gồm mọi sự hy sinh tiền bạc, vật thực, thời giờ, sức khỏe, có khi luôn cả thân thể và sanh mạng nữa”.
Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Dược Vương Bồ Tát, ngài Hỷ Kiến Bồ Tát đốt tay rồi đốt thân để cúng dường Phật. Năm 1963 tại Sài Gòn, Bồ Tát Thích Quảng Ðức tự thiêu để cúng dường Tam Bảo và nguyện dùng ngọn lửa từ bi soi sáng nhà cầm quyền lúc đó chấm dứt kỳ thị tôn giáo.
Cúng dường có 02 pháp:
1) Tài cúng dường: gồm tiền bạc, vật thực, quần áo, thuốc men....
2) Pháp cúng dường.
Tài cúng dường đem lợi ích an lạc cho thân. Pháp cúng dường đem lợi ích an lạc cho tâm. Pháp cúng dường có nhiều cách, nhiều ý nghĩa từ thấp lên cao:
1) In kinh, dịch sách Phật để ấn tống, truyền bá Pháp Bảo.
2) Nghe lời Phật dạy, tin hiểu, thọ trì, giải nói, thuyết pháp độ sinh.
3) Truyền dạy các pháp môn tu hành như niệm Phật, tu thiền, trì chú, tụng kinh, để mọi người y pháp tu hành.
4) Tinh tấn tu hành, giữ gìn Chánh Pháp, trưởng dưỡng Pháp Thân, tiếp nối ngôi Tam Bảo.
5) Theo Kinh Hoa Nghiêm, Pháp cúng dường là cúng dường bằng cách sống và làm theo lời Phật dạy để lợi ích và hóa độ chúng sanh, chịu thay thế hết thảy đau khổ cho chúng sanh, siêng tu thiện căn, không rời sự nghiệp Bồ Tát, không bỏ Tâm Bồ Ðề rộng lớn. Thực hành cúng dường như vậy mới là chân thật cúng dường, đó là Pháp Cúng Dường bậc nhất.
6) Hy sinh tất cả mọi sự mọi vật để đạt tới Chân Lý, rồi đem Chân Lý ra truyền bá cứu giúp mọi loài chúng sanh khiến họ bỏ dữ làm lành, được giác ngộ giải thoát, đó là pháp cúng dường cao cả nhất. (Kinh Duy Ma Cật giảng giải)
Phước báo cúng dường:
Cúng dường là phước huệ trong cuộc đời làm con Phật, Bạn đi chùa, không phải chỉ để cúng dường phần vật chất, mà còn phát tâm cúng dường cả phần tinh thần.
- Cúng bằng vật chất: In kinh, dịch sách Phật để ấn tống, truyền bá Pháp Bảo, cúng dường vật chất chư Tăng Ni đó là tu phước.
- Cúng bằng tinh thần như: Nghe lời Phật dạy, tin hiểu, thọ trì, giải nói, thuyết pháp độ sanh, đó là tu huệ.
Ở Việt Nam, Phật tử đến chùa, có người phát tâm trích một ít tài sản, tịnh tài tịnh vật cúng dâng cho chư Tăng Ni, không tính kể ít nhiều gọi là cúng dường vật chất, có người chỉ đến với Tam Bảo bằng sự tụng kinh niệm Phật mà thôi. Thế nên người tu không bàn đến việc cúng ít cúng nhiều, cúng dường hay không cúng dường. Trong “Chơn lý Đại đồng của Tổ sư Minh Đăng Quang dạy: người cúng dường, cúng ít sanh bỏn sẻn, cúng nhiều sanh lòng tham, cúng vừa phải, tạo cho bên nhận và bên cúng đều giải thoát. Cúng dường là sự phụng dưỡng cao quý, hướng thượng; vì là đối với người trên thì phụng sự, tôn kính, đối với người dưới thì hòa nhã thương yêu, chăm sóc. Trong Kinh Kim Dadasutta Đức Phật đã trả lời câu hỏi của chư thiên về ý nghĩa của bố thí, cúng dường như bài kệ sau:
"Bố thí những vật thực, Là bố thí sức mạnh.
Bố thí những y phục, Là bố thí sắc đẹp.
Thí phương tiện đi lại, Là thí sự an lạc.
Bố thí đèn thắp sáng, Là bố thí đôi mắt.
Người bố thí chỗ ở, Là bố thí tất cả.
Bậc giảng dạy chánh pháp, Là thí pháp bất tử".
Thời gian làm Sa Di, Sư tu theo pháp hạnh Khất Sĩ, khi thọ thực lúc nào cũng đọc bài kinh cúng dường, để hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sanh. Bài cúng dường đọc nghe rất thâm trầm êm dịu, giúp cho người cúng lẫn người thọ đều được thanh tịnh.
“Phước cúng dường này của tín chủ
Tam nghiệp thanh tịnh định, huệ tu
Tánh cũ tự mình gồm chứa đủ
Tây phương an dưỡng hưởng thiên thu.
Phước cúng dường này của chư linh
Dứt tiêu tội chướng thoát vô minh
Sám hối ăn năn tâm niệm Phật
Tây phương Cực lạc đắc siêu sinh.
Phước cúng dường này của bá tánh
Cầu an tai nạn đặng muôn lành
Phát nguyện tu hành thành chánh giác
Tây phương Tịnh độ chỗ vãng sanh.”
Cúng dường như thế mới cúng dường, gọi là cúng dường Tam Bảo, cúng dường thanh tịnh, cúng dường chư Tăng Ni được phước vô lượng.
Làm Phật tử khi dùng cơm trưa, dù là tại gia, Bạn cũng nên niệm bài kệ pháp sau đây cũng gọi là cúng dường cao thượng:
Nguyện đọan nhứt thiết ác
Nguyện tu nhứt thiết thiện
Nguyện độ nhứt thiết chúng sanh
Ngoài việc cúng dường Tam Bảo, phụng dưỡng chư Tăng Ni, cúng dường pháp trong lúc thọ thực, người Phật tử Việt Nam và thế giới còn phát tâm làm việc bố thí, hùn phước giúp đỡ người nghèo, người già cả cô độc neo đơn, trẻ em tàn phế, hổ trợ bếp ăn từ thiện tại các bệnh viện, giúp những người nghèo đau bệnh không nơi nương tựa, những người vô gia cư, thất nghiệp… góp phần vào việc cân đối môi trường sinh thái, đời sống cộng đồng dân cư khu vực và trên hành tinh.
HT Thích Giác Quang