Hôm nay 2-11, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức hội thảo “Giáo hội Phật giáo Việt Nam - 35 năm hình thành và phát triển”.
Theo kế hoạch, đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, đến dự hội thảo và có bài tham luận. Đồng chí nhấn mạnh: “Những người con Phật Việt Nam luôn ước nguyện riêng, ước mơ ấp ủ từ bao đời về xây dựng một Giáo hội Phật giáo chung trong cả nước nhằm gắn kết, thống nhất tất cả các hệ phái Phật giáo Việt Nam theo cùng một ý chí, một hiến chương, chương trình hành động, trong cùng một cơ cấu tổ chức và lãnh đạo, nhằm mục đích chung là duy trì chánh pháp, đề cao chánh tín, thành khối đoàn kết chặt chẽ trong khối đại đoàn kết dân tộc. Tâm nguyện này của tăng, ni, phật tử cả nước xuất phát từ lý tưởng giác ngộ “chân lý hòa hợp chúng sinh, hòa bình và công bằng xã hội” của giáo lý Đức Phật, nhằm phục vụ dân tộc, Tổ quốc và nhân loại”.
Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc toàn văn bài tham luận của đồng chí Lê Thanh Hải.
Ở nước ta, Phật giáo là một tôn giáo được biết sớm nhất, đã hơn 2.000 năm nay, với việc tu tập gần gũi với thiên nhiên, với đại chúng, đời sống tu hành đơn sơ, mộc mạc, giản dị, Phật giáo dễ đi vào cuộc sống của quãng đại cư dân. Đạo Phật ở Việt Nam đã mang màu sắc Việt Nam rõ rệt đã dựa trên các điều kiện cụ thể của nước nhà đề hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh và tạo một đạo Phật rất Việt Nam gắn bó mật thiết, không thể phân ly trong lòng dân tộc, do sự tương đồng giữa giáo lý “từ bi - hỷ xả”, “cứu khổ, cứu nạn” của Đức Như Lai với tư tưởng, tình cảm và truyền thống nhân văn của người Việt Nam nên đạo Phật đã ăn sâu bám rễ trong tâm tư, tình cảm, lối sống, đạo đức của đông đảo người Việt, luôn gắn bó, đồng cam cộng khổ cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.
Đinh Tiên Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của nước Đại Cồ Việt độc lập tự chủ đã mời Thiền sư Ngô Châu Lưu làm cố vấn trong công việc trị quốc. Để tỏ niềm tôn kính và đánh giá đúng công lao, vua đã ban hiệu “Khuông Việt Đại Sư” cho ngài. Hình ảnh Thiền sư Đỗ Pháp Thuận cải dạng thành người lái đò để tiếp sứ thần nhà Tống thật khó phai mờ trong lòng người hậu thế, một hình ảnh đẹp, một sự hy sinh lớn, một minh chứng cho tấm lòng vì nước, vì dân. Thời nhà Lý cũng đã có nhiều bậc cao tăng đứng ra cùng vua chung lo gánh vác việc nước như Thiền sư Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Thông Biện, Viên Thông, Không Lộ…
Đặc biệt, mỗi lần lật lại trang sử vẻ vang của thời Trần, chúng ta thật cảm động và khâm phục các vua Trần đã đoàn kết toàn dân, vua tôi hòa hợp, quyết tâm bảo vệ giang sơn cẩm tú, ba lần đánh tan quân Nguyên xâm lược. Một Trần Thái Tông anh minh và đức hạnh, hành xử viên dung cả đời lẫn đạo; một Tuệ Trung Thượng Sĩ với tâm hồn siêu thoát đã hòa mình trong cuộc đời và đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, một anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn, đồng thời là người khai sáng phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, thiền phái mang đậm sắc của Phật giáo Việt Nam. Nhiều vị vua, quan thời Lý, thời Trần am hiểu sâu sắc Phật pháp, đã chuyển hóa tư tưởng, triết lý sống của Phật giáo để dựng đạo, xây đời tốt đẹp. Đạo Phật trở thành một nhân tố quan trọng góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam; sau lũy tre làng luôn ẩn hiện những ngôi chùa vừa uy nghiêm, vừa gần gũi, một hiện hữu không thể thiếu trong cộng đồng làng xã Việt Nam.
Trước Cách mạng Tháng Tám, trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, Phật giáo Việt Nam lại tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, hòa mình và gắn bó chặt chẽ với dân tộc. Nhiều ngôi chùa là cơ sở của cách mạng, nuôi giấu cán bộ, nơi tổ chức hội họp bí mật, cất trữ vũ khí, biến thành trường học, nơi cứu tế người nghèo; nhiều tăng, ni tạm thời rời bỏ Thiền môn, trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng như Hòa thượng Thiện Chiếu, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thiện Hào… Trong lúc đất nước lâm nguy, Hòa thượng Thích Thế Long ở chùa Cổ Lễ (Nam Định) đã một lúc làm lễ “cởi áo cà sa, khoác áo chiến bào” cho 27 vị tu sĩ Phật giáo trở thành những chiến sĩ cách mạng. Tháng 6-1963, Bồ tát Thích Quảng Đức đã tự thiêu cùng với sự hy sinh phi danh lợi của tăng, ni và phật tử miền Nam, miền Trung chống độc tài, áp bức, đòi tự do tôn giáo, độc lập dân tộc. Hành động vô úy của Bồ tát Thích Quảng Đức đã làm rung chuyển lương tâm của loài người tiến bộ, thức tỉnh lòng người ủng hộ chính nghĩa Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về sự hy sinh của Bồ tát Thích Quảng Đức: Vị Pháp thiêu thân, vạn cổ hùng huy thiên nhật nguyệt/ Lưu danh thiên cổ, bách niên chính khí rạng sơn hà. Hình ảnh các vị cao tăng đáp ứng tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, sát cánh cùng toàn dân đánh giặc, cứu nước đã tô thắm thêm màu cờ của Tổ quốc. Toàn thể tăng, ni và đồng bào phật tử Việt Nam ghi lòng tạc dạ lời dạy của Bác Hồ, nhận thức rằng “lý tưởng giải thoát của người tu hành không thể tách rời sự nghiệp giải phóng dân tộc, do Hồ Chủ tịch và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”(*). Trong lao động sản xuất, thực hiện nếp sống đạo đức văn hóa, nhiều quý vị tăng, ni, phật tử đã trở thành những người tiêu biểu, gương mẫu, làm chỗ dựa đáng tin cậy trong khối đại đoàn kết toàn dân… Đó là những minh chứng cho tinh thần yêu nước chân chính của Phật giáo Việt Nam trong dòng chảy lịch sử của dân tộc.
Trong niềm hân hoan vô hạn về độc lập, hòa bình, thống nhất của cả dân tộc, những người con Phật Việt Nam luôn ước nguyện riêng, ước mơ ấp ủ từ bao đời về xây dựng một Giáo hội Phật giáo chung trong cả nước nhằm gắn kết, thống nhất tất cả các hệ phái Phật giáo Việt Nam theo cùng một ý chí, một hiến chương, chương trình hành động, trong cùng một cơ cấu tổ chức và lãnh đạo, nhằm mục đích chung là duy trì chánh pháp, đề cao chánh tín, thành khối đoàn kết chặt chẽ trong khối đại đoàn kết dân tộc. Tâm nguyện này của tăng, ni, phật tử cả nước xuất phát từ lý tưởng giác ngộ “chân lý hòa hợp chúng sinh, hòa bình và công bằng xã hội” của giáo lý Đức Phật, nhằm phục vụ dân tộc, Tổ quốc và nhân loại. Những ước nguyện của các vị chư tôn, giáo phẩm trong các hệ phái đã trở thành hiện thực khi tất cả đều đồng tâm, đồng sức xây dựng giáo hội duy nhất của đất nước Việt Nam độc lập, hòa bình là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cơ duyên đó được bắt đầu từ ngày 12 đến ngày 14-2-1980, tại TPHCM, các chư tôn, giáo phẩm, cùng hàng ngàn nhân sĩ phật tử tiêu biểu ba miền Bắc - Trung - Nam đã gặp mặt để bày tỏ thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, đi đến quyết định thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban. Thành viên Ban Vận động thống nhất Phật giáo gồm 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước.
Từ ngày 4 đến ngày 7-11-1981, tại thủ đô Hà Nội, 165 đại biểu của 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo đã cùng dự hội nghị và nhất trí thành lập một Giáo hội Phật giáo chung thống nhất trong cả nước. Sự thống nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một sự kiện lịch sử, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử Phật giáo nước nhà, nhằm tiếp tục thực hiện sứ mệnh tiếp nối truyền thống vẻ vang của hơn 2.000 năm. Hội nghị đã xác định rõ: Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt quan hệ ở trong nước và nước ngoài. Sự đoàn kết, thống nhất các tổ chức hệ phái của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là sự nối tiếp lịch sử yêu nước, gắn bó cùng dân tộc của tăng, ni, phật tử cả nước. Với phương châm hoạt động “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, đây là sự lựa chọn đúng đắn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thể hiện tinh thần tiếp tục gắn bó, hòa mình cùng dân tộc để thực hiện mục tiêu “tốt đời, đẹp đạo”, thực hiện chính sách nhất quán, trước sau như một của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong 35 năm qua, là tổ chức thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trải qua 6 kỳ đại hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và đã đạt được nhiều thành tựu Phật sự quan trọng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của Giáo hội; đã thành lập và phát triển được 63 Ban trị sự Giáo hội ở tất cả tỉnh, thành phố trong cả nước. Công tác giáo dục và đào tạo tăng tài được chú trọng cả về nội dung và phương pháp giảng dạy. Hiện có 4 học viện Phật giáo, đã đào tạo được trên 4.800 tăng, ni sinh tốt nghiệp cử nhân Phật học và đang đào tạo trên 2.000 tăng, ni sinh; 8 lớp cao đẳng Phật học đã đào tạo trên 1.500 tăng, ni sinh tốt nghiệp và đang đào tạo 690 tăng, ni sinh; 31 trường trung cấp Phật học đã đào tạo trên 7.000 tăng, ni sinh tốt nghiệp và đang đào tạo trên 2.600 tăng, ni sinh; 50 lớp sơ cấp Phật học đào tạo gần 1.500 tăng, ni sinh. Có gần 100 tăng, ni đã tốt nghiệp tiến sĩ, thạc sĩ và gần 400 tăng, ni sinh học thạc sĩ, tiến sĩ ở các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Sri Lanka, Nhật Bản...
Đây là những tăng, ni trẻ kế thừa sự nghiệp các sư thầy đã đi trước để tham gia cùng với tập thể Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện thật tốt phương châm Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội. Công tác hoằng dương, chính pháp được mở rộng phạm vi truyền bá, với gần 10 triệu tín đồ, trên 46.000 chức sắc, trên 14.000 cơ sở thờ tự; trên 1.000 cơ sở từ thiện nhân đạo; 126 tuệ tĩnh đường; 950 lớp học tình thương... Nhiều chùa chiền, tự viện được sửa chữa tu bổ, xây dựng mới, nhất là những ngôi cổ tự gắn liền với lịch sử Phật giáo Việt Nam đã trở thành những trung tâm tu tập và thuyết giảng giáo lý nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đặc biệt được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ kinh phí Nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã biên dịch bộ Đại tạng kinh Việt Nam, ấn hành và tái bản nhiều lần, tạo điều kiện cho tăng, ni và đồng bào phật tử dễ tu học, nghiên cứu.
Cùng với việc xây dựng Giáo hội ngày càng lớn mạnh, Giáo hội đã đẩy mạnh công tác đối ngoại, góp phần làm cho bạn bè thế giới ngày càng biết nhiều hơn, sâu hơn về Việt Nam, về một quốc gia độc lập, chủ quyền dân tộc và hiện đang hội nhập và phát triển mạnh mẽ; đã tham gia các đại lễ, hội nghị, hội thảo Phật giáo quốc tế tại châu Âu, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ..., tiếp các phái đoàn Phật giáo quốc tế tới thăm Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Phật giáo khu vực và quốc tế, tăng cường tham gia đối thoại tôn giáo nhằm hợp tác bảo vệ hòa bình của nhân loại. Hình ảnh và uy tín của Phật giáo Việt Nam ngày càng được khẳng định trong cộng đồng Phật giáo thế giới.
Đặc biệt, với việc Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã giao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai Đại lễ Phật Đản (Vesak 2008) lần thứ 5 tổ chức tại thủ đô Hà Nội, từ ngày 13 đến ngày 17-5-2008, với sự tham dự của khoảng gần 5.000 đại biểu, trong đó có nhiều chư tôn đức giáo phẩm, lãnh đạo các tông môn, pháp phái của Phật giáo, các học giả của trên 70 nước đến tham dự, đã khẳng định với thế giới về tinh thần đoàn kết tôn giáo và đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam; tạo hình ảnh tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam với bạn bè thế giới về đất nước và con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, hòa hợp và đoàn kết. Thông qua đó, bạn bè trên thế giới càng hiểu hơn về chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Giáo hội đã tổ chức nhiều đoàn hoằng pháp thăm viếng, thuyết giảng và tổ chức lễ cầu an đầu năm, lễ Phật đản, lễ Vu lan… tại các trung tâm văn hóa Phật giáo ở châu Âu cho phật tử Việt Nam ở nước ngoài. Đến nay, Giáo hội đã công nhận được các hội phật tử Việt Nam ở hải ngoại như Hội Phật tử ở Cộng hòa Czech, Liên bang Nga, Ba Lan, Ukraine… Điều đó đã nói lên rằng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam rất quan tâm đến đời sống tinh thần, văn hóa, đặc biệt là tín ngưỡng Phật giáo của bà con đang sinh sống ở nước ngoài.
Với truyền thống yêu nước, hộ quốc, an dân, thực hiện phương châm hoạt động của Giáo hội: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội và vì mục tiêu tốt đời đẹp đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; cuộc vận động “Vì người nghèo” và được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo tăng, ni, phật tử cả nước. Giáo hội coi trọng công tác từ thiện xã hội, cứu khổ độ sinh, giúp đỡ người già neo đơn, trẻ em tàn tật, mồ côi, người khó khăn, tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng với nhiều kết quả thiết thực. Đồng thời, Giáo hội tích cực tham gia ủng hộ bạn bè quốc tế không may bị thiên tai, bão lũ, điển hình là đợt ủng hộ, chia sẻ nhân dân Nhật Bản khắc phục hậu quả động đất, sóng thần mấy năm trước; gửi thư chia buồn sâu sắc đến Chính phủ và lãnh đạo Phật giáo Nhật Bản, Myanmar, Campuchia… về những thảm họa do thiên tai gây ra.
Sự đóng góp của Phật giáo Việt Nam đối với dân tộc đã được lịch sử Việt Nam ghi nhận và được Đảng, Nhà nước 2 lần tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhà nước đã công nhận 257 chùa là di tích lịch sử cấp quốc gia và có nhiều con đường ở các tỉnh, thành phố được mang tên các vị cao tăng có nhiều đóng góp cho Đạo pháp - Dân tộc như: Thiền sư Vạn Hạnh, Quốc sư Khuông Việt, Sư Liễu Quán, Sư Thiện Chiếu, Bồ tát Thích Quảng Đức... Đảng và Nhà nước cũng đã trao tặng nhiều danh hiệu cao quý cho nhiều vị cao tăng của Giáo hội, như Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Minh Châu... đã được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều vị cao tăng khác đã được Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng nhiều huân chương, huy chương, kỷ niệm chương cao quý vì đã có nhiều cống hiến, đóng góp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
35 năm qua, tiếp nối truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc, với một môi trường hoằng pháp thuận lợi, đường hướng hành đạo phù hợp, phương hướng hoạt động Phật sự đúng đắn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng bước phát triển vững chắc. Hiện nay, các cấp Giáo hội cùng đồng bào theo đạo Phật đang phấn khởi tổ chức các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa để chào mừng kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng như chuẩn bị tiến hành đại hội các cấp để hướng tới Đại hội lần thứ VII Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhằm tiếp tục kế thừa và phát huy lòng yêu nước, thương nòi, sát cánh với dân tộc, hòa mình vào dân tộc, quán triệt thuyết “vô ngã” trong mọi việc Phật sự, hành đạo và truyền đạo đều vì “lợi lạc quần sinh”, lấy thực tại đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam để làm thực tại của Giáo hội, không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết mọi giới đồng bào thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tăng, ni, phật tử cả nước đang tích cực thực hiện chương trình hành động của Đại hội toàn quốc lần thứ VI Giáo hội Phật giáo Việt Nam, theo tôn chỉ của đạo Phật “Duy tuệ thị nghiệp”, dùng trí tuệ làm sự nghiệp để thức tỉnh chính mình và thức tỉnh chúng sinh để cùng mưu cầu hạnh phúc cho muôn loài, để Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhập thế, thực hiện tốt phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” gắn bó mật thiết với Tổ quốc và dân tộc, cùng nhau xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Là một trung tâm về nhiều mặt của cả nước và cũng là đầu mối giao lưu quốc tế, TPHCM luôn có sự tác động bởi bối cảnh chung trong cả nước và quốc tế. Thời cơ, thuận lợi nhiều và rất cơ bản nhưng đan xen khó khăn, thách thức không ít.
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa những thành tựu đã đạt được và khắc phục những tồn tại, yếu kém, thực hiện mục tiêu tổng quát của nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển TP theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X đã đề ra; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, năng động, sáng tạo; vì cả nước, cùng cả nước phấn đấu xây dựng: “Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á”.
Trên lĩnh vực tôn giáo, Đảng bộ, chính quyền TP luôn nhận thức và nhất quán thực hiện: “Đồng bào các tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn giáo và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Động viên giúp đỡ đồng bào theo đạo và các chức sắc tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”. Các tổ chức tôn giáo hợp pháp hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ. Thực hiện tốt các chương trình kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của đồng bào các tôn giáo. Đấu tranh ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan, các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm phương hại đến lợi ích chung của đất nước, vi phạm quyền tự do tôn giáo của công dân”.
Trước yêu cầu mới, các hoạt động Phật sự, từ hoạt động hoằng pháp, giáo dục tăng, ni, hướng dẫn phật tử, đến hoạt động nghi lễ, văn hóa, kinh tế, từ thiện xã hội, đối ngoại nhân dân, nghiên cứu Phật học, truyền thông, kiến trúc… đòi hỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, gắn bó cùng dân tộc, triển khai nhuần nhuyễn và phát huy mạnh mẽ phương châm: “Trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội” để hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh và tổ chức các hoạt động của Giáo hội. Giáo hội cần có quy hoạch, đào tạo, giáo dục tu học, nâng cao đức hạnh, năng lực, bồi dưỡng tăng tài cho các thế hệ tăng, ni, cư sĩ trẻ có đủ đạo hạnh, tri thức Phật học, kiến thức xã hội và tinh thần dấn thân phục vụ, ra sức gánh vác nhiệm vụ của Giáo hội, góp phần xây dựng Giáo hội, xây dựng, bảo vệ đất nước.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP cần phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam, kết hợp văn hóa Phật giáo với văn hóa dân tộc, làm giàu thêm nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chủ động phòng ngừa, khắc phục các hiện tượng trào lưu văn hóa tiêu cực đã và đang xâm hại đến các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và Phật giáo Việt Nam; chủ động đấu tranh mạnh mẽ với tình trạng mê tín, lợi dụng tôn giáo gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời với việc chăm lo công tác Phật sự, Giáo hội cần tiếp tục động viên đông đảo tăng, ni, phật tử trong và ngoài nước dấn thân trong tinh thần từ bi, hỷ xả, chủ động hăng hái tham gia các công việc chung của đất nước thông qua các phong trào ích nước lợi dân, thiện tâm công đức: học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát triển sản xuất, đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo, góp sức giảm nghèo bền vững, hướng dẫn thanh - thiếu niên phật tử làm điều thiện, không rơi vào các tệ nạn xã hội.
Giáo hội cần thường xuyên quan tâm việc tăng cường đoàn kết, thắt chặt mối quan hệ gắn bó của các thành viên, các hệ phái, các thế hệ; duy trì và phát huy các giá trị đạo đức, văn hóa của các hệ phái Phật giáo. Tăng cường mối quan hệ đồng đạo, tình đoàn kết thân ái giữa Phật giáo với các tôn giáo Việt Nam, đồng thời có chương trình hỗ trợ các hoạt động Phật sự của Phật giáo các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo và đồng bào phật tử đang sinh sống, học tập ở nước ngoài, góp phần cùng Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy tinh thần yêu nước của đồng bào xa Tổ quốc luôn hướng về cội nguồn, về quê hương đất nước, góp công sức cùng nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Đảng bộ, chính quyền TPHCM tin tưởng rằng: Với tinh thần hòa hợp, đoàn kết, vô ngã vị tha, tuân thủ các nguyên tắc của Giáo hội, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được và nhanh chóng khắc phục những khó khăn, vướng mắc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM nói riêng sẽ có những bước phát triển mới căn cơ, bền vững hơn theo phương châm Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội, làm cho Giáo hội luôn là địa chỉ tin cậy, thân thương, tìm đến, tìm về của phật tử Việt Nam khắp bốn phương trời, là điểm sáng văn hóa, đoàn kết, là nhân tố tích cực trong hợp tác, hữu nghị vì hòa bình, phát triển của các dân tộc, vì phẩm giá con người; hoằng dương chánh pháp, hộ quốc - an dân, gắn bó keo sơn với dân tộc, tích cực cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xây dựng TP “có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.
(*) Tâm thư của Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam kính gửi Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trường Chinh, do Hòa thượng Thích Trí Thủ thay mặt Đoàn Chủ tịch hội nghị ký.
LÊ THANH HẢI
(Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM)
(Theo SGGP)