(Hán bộ phần sa quyển thứ mười tám)

Phật bảo Ca Diếp Bồ Tát : “ Thế nào gọi là Anh Nhi Hạnh ?

Nầy Thiện nam tử ! Chẳng có thể đứng dậy, đi tới, đi lui, nói chuyện, đây gọi là Anh Nhi. Cũng vậy đức Như Lai chẳng thể khởi dậy, vì Như Lai trọn chẳng khởi các pháp tướng. Cũng chẳng thể đứng dừng, vì Như Lai chẳng chấp trước tất cả pháp. Chẳng thể đến vì thân hình của Như Lai không có lay động. Cũng chẳng thể đi vì Như Lai đã đến Đại Niết Bàn. Chẳng thể nói, vì Như Lai dầu nói pháp cho tất cả chúng sanh nhưng thật ra không chỗ nói. Bởi có chỗ nói thời gọi là pháp hữu vi, do đây nên không chỗ nói. Lại không ngôn ngữ, như Anh Nhi ngôn ngữ chưa rõ, dầu có ngôn ngữ thật ra không ngôn ngữ. Cũng vậy, ngôn ngữ chưa rõ chính là lời bí mật của chư Phật, dầu có nói, chúng sanh cũng chẳng hiểu nên gọi là không ngôn ngữ. Lại như Anh Nhi gọi tên những đồ vật chẳng duy nhất, vì chưa biết rõ tên chánh, dầu gọi tên đồ vật chẳng duy nhất rõ tên chánh chưa biết nhưng chẳng phải chẳng nhân nơi đây mà đặng biết đồ vật. Cũng vậy, tất cả chúng sanh, giống loại, nơi chỗ, ngôn ngữchẳng đồng. Như Lai phương tiện thuận theo tiếng của họ mà nói, cũng làm cho tất cả loài, nhân nơi đó đặng hiểu biết.

Lại Anh Nhi có thể nói được chữ cái.Cũng vậy, đức Như Lai nói chữ cái, như nói “Bà” “Hòa”. “Hòa” là hữu vi, “Bà” là vô vi, đây gọi là Anh Nhi. “Hòa” là vô thường, “Bà’ là thường. Như Lai nói thường, chúng sanh nghe rồi vì cầu pháp thường mà dứt vô thường, đây gọi là Anh Nhi Hạnh. Lại Anh Nhi chẳng biết khổ, vui, ngày, đêm, cha mẹ. Cũng vậy, Đại Bồ Tát vì chúng sanh nên chẳng biết khổ vui, không tướng ngày đêm, tâm bình đẳng đối với chúng sanh nên không có cha mẹ thân sơ sai khác.

Lại Anh Nhi chẳng thể tạo tác những việc lớn việc nhỏ. Cũng vậy, Bồ Tát chẳng tạo nghiệp sanh tử, đây gọi là chẳng làm việc lớn, việc lớn tức là tội ngũ nghịch. Việc nhỏ tức là tâm Thanh Văn Duyên Giác. Bồ Tát trọn chẳng thối tâm Bồ Đề mà tu hạnh Thanh Văn, Bích Chi Phật.

Lại như Anh Nhi lúc kêu khóc, cha mẹ liền lấy lá dương vàng mà bảo rằng : Nín đi đừng khóc ! Vàng đây ta cho con. Anh Nhi thấy lá dương vàng tưởng là vàng thật bèn thôi không khóc nữa. Nhưng đây là lá dương chẳng phải là vàng thật. Trâu gỗ, ngựa gỗ, người gỗ, Anh Nhi cũng tưởng là trâu, ngựa, người thật, liền chẳng khóc nữa. Do vì chẳng phải thật trâu, ngựa v.v… mà tưởng là thật trâu, ngựa v.v… nên gọi là Anh Nhi.

Đức Như Lai cũng như vậy. Nếu có chúng sanh muốn tạo tội ác đức Như Lai vì họ mà nói trời Đao Lợi Thiên là cõi tốt đẹp an vui tự tại. Chúng sanh nghe cõi vui đẹp như vậy, sanh lòng ưa thíchbèn thôi chẳng tạo tội ác, mà siêng thật hành những nghiệp lành. Nhưng thật ra cõi trời Đao Lợi là sanh tử chẳng phải thật là an vui tự tại.

Lại như có chúng sanh nhàm khổ sanh tử, đức Như Lai vì họ nói hạnh quả nhị thừa, nhưng thật ra quả nhị thừa chẳng phải rốt ráochân thật, vì hàng nhị thừa biết lỗi sanh tử, thấy vui Niết Bàn bèn có thể tự biết có dứt cùng chẳng dứt, có chân thật cùng chẳng chân thật, có tu cùng chẳng tu, có chứng đặng cùng chẳng chứng đặng. Như Anh Nhi kia đối với vật chẳng phải vàng mà tưởng là vàng thật.

Đức Như Lai ở trong chỗ bất tịnh mà nói là tịnh, vì đã chứng được đệ nhất nghĩa đế nên Như lai không có hư vọng.

Như Anh Nhi kia đối với những vật không phải trâu ngựa mà tưởng là trâu ngựa thật. Nếu có chúng sanh ở nơi phi đạo mà tưởng là chân đạo, Như Lai cũng nói phi đạo là đạo, nơi phi đạo thật không có đạo, vì có thể làm chút ít nhân duyên sanh ra đạo nên nói phi đạo là đạo.

Như Anh Nhi kia đối với người gỗ mà tưởng là người thật. Cũng vậy, Như Lai biết chẳng phải chúng sanh mà nói tướng chúng sanh, nhưng thật ra không có tướng chúng sanh. Nếu Như Lai nói không chúng sanh thời tất cả chúng sanh sẽ đọa tàkiến. Do đây nên Như Lai nói có chúng sanh, những người đối với chúng sanh mà tưởng là chúng sanh, thời không thể phá tướng chúng sanh. Nếu ở nơi chúng sanh phá được tướng chúng sanh, người nầy có thể đặng Đại Niết bàn. Do đặng Đại Niết Bàn như vậy nên chẳng còn kêu khóc nữa. Đây gọi là Anh Nhi Hạnh.

Nầy Thiện nam tử ! Nếu có người thọ trì đọc tụng thơ tả giải thuyết năm hạnh nầy, nên biết rằng người nầy quyết định sẽ được năm hạnh như vậy.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật rằng : “ Thế Tôn ! Theo như chỗ tôi hiểu, y cứ theo lời của Phật dạy, thời tôi cũng quyết định sẽ đặng năm hạnh nầy.”

Phật nói : “ Nầy Thiện nam tử ! Chẳng riêng gì ông đặng năm hạnh như vậy, nay trong hội nầy có chín mươi ba muôn người cũng đồng được năm hạnh như ông.”

HẾT TẬP I

HT Thích Trí Tịnh



Có phản hồi đến “21. Phẩm Anh Nhi Hạnh Thứ Hai Mươi Mốt”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com