Đối với người Việt, đi chùa đầu năm đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc, là kết quả của sự giao thoa giữa Phật giáo và tín ngưỡng bản địa. Không phân biệt Phật tử hay người ngoại đạo, hàng năm sau khoảnh khắc giao thừa, mọi người lại cùng nhau ra chùa dâng hương lễ Phật với mong muốn cầu chúc cho một năm mới bình an phát đạt.

Đi chùa đầu năm là một trong những hoạt động không thể thiếu trong ngày Tết với nhiều người, nhưng không phải ai cũng hiểu đúng về phong tục này. Người đi lễ chùa đua nhau đặt tiền lẻ, cầu xin tài lộc, bon chen xô bồ chốn cửa Phật để vào lễ mà không biết rằng đang làm biến tướng phong tục tốt đẹp này.

Đi chùa cầu gì?

Mùa xuân là mùa của lễ hội. Đi lễ là phương thức thỏa mãn tâm linh thường trực nơi mỗi con người để cầu an, cầu sự che chở và bảo trợ của thần thánh. Dù là con người mông muội hay hiện đại thì cũng vẫn phải dựa vào những niềm tin như vậy. Tuy nhiên việc đi lễ hiện nay không chỉ đơn giản là cầu an, xin một năm yên bình, mạnh khỏe. Nhiều người đến chùa để cầu thăng quan tiến chức, đỗ đạt, tiền bạc. Vậy cầu tài cầu lộc ở chùa có đúng với giáo lý nhà Phật?

Giải thích về vấn đề này, Thượng tọa Thích Thanh Huân, Phó văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Pháp Vân cho biết trong giáo lý của Phật giáo không dạy con người tham lam, vậy nên nếu đến cầu tài lộc, thăng quan tiến chức tại chùa là không đúng. Đến chùa chỉ nên cầu bình an.

Thượng tọa Thích Thanh Huân cho rằng việc cầu xin vốn là một nét đẹp văn hóa thể hiện những khát vọng của con người trong năm mới. Tuy nhiên, việc cầu xin của số đông hiện nay mới chỉ giới hạn ở phạm vi cá nhân, gia đình, mà chưa mở rộng ra cộng đồng xã hội, thể hiện sự từ bi của đạo Phật: “Những gì cầu mong cho bản thân thì cũng nên cầu mong cho gia đình, xã hội. Cầu mong an lành cho số đông mọi người thoát khỏi mọi khổ nạn, trải tình thương đến muôn loài, đến với mọi người. Cầu mong vốn là tốt nên hướng sự yêu thương đến nhiều người hơn, tránh sự thực dụng hóa”.

Còn theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam: “Đi chùa đầu năm chủ yếu là xin Phật phù hộ cho sự bình an, không phải để xin tài lộc vì đạo Phật dạy con người không nên tham, tránh xa tham vọng và dục vọng. Cầu tài lộc phải đến đền, miếu, nếu đi chùa cầu thăng quan tiến chức là sai, vì lòng tham dễ dẫn đến tội ác”.

Đừng đặt tiền lẻ

Nói về câu chuyện đi chùa đầu năm, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cùng các nhà tu hành theo đạo Phật cho rằng phong tục này đang bị trần tục hóa. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, từ chùa làng đến những di tích lớn cấp quốc gia, nhiều người đua nhau đi “đút lót” Phật bằng tiền lẻ.

Theo Thượng tọa Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân khi đi lễ chùa không nên đặt tiền lẻ lên các ban hay vào tay Phật. Điều này khiến việc hành lễ trở nên trần tục, thậm chí nhiều người đua nhau đặt tiền lẻ còn gây ra cảnh lộn xộn, mất mỹ quan. Ở nhiều chùa, những ngày Tết, hay mùa lễ hội còn phải có người đi thu tiền lẻ. Còn chưa kể đến việc này tạo điều kiện cho những người làm dịch vụ đổi tiền lẻ trục lợi từ “ăn chênh lệch”.

Nói về cách lễ chùa đúng, Thượng tọa Thích Thanh Huân tiếp: “Nếu đi lễ chùa, chỉ cần thắp một nén tâm hương, chắp tay hướng về phía Phật để tâm được thánh thiện”. Những người muốn làm công đức có thể để tiền vào hòm công đức. Số tiền công đức thực chất là để nhà chùa làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo, làm công tác xã hội. Thượng tọa cũng nhấn mạnh việc đặt tiền hay không không đồng nghĩa với việc có nhiều may mắn trong năm mới. Cũng không có giáo lý nào trong Phật giáo nói rằng, đặt nhiều tiền lẻ, Phật sẽ chứng giám cho lòng thành. Những hành động này xuất phát từ nhận thức sai lầm về nét đẹp văn hóa đi chùa đầu năm của người Việt.

“Đi lễ chùa đầu năm không chỉ mang ý nghĩa cầu chúc cho một năm mới an lạc, mà đây còn là khoảnh khắc để con người hướng thiện, loại bỏ hết những hận thù, buông bỏ hiềm khích. Lễ chùa đầu năm là khoảng thời gian con người tạm quên đi những xô bồ của cuộc sống, bỏ qua những hận thù. Trong mùi khói nhang phảng phất, ánh đèn nến, sự uy nghi của những pho tượng, cùng chung cảnh xung quanh giúp con người ta cởi bỏ mọi thứ khó chịu thường ngày, cởi mở với nhau hơn, sống trong sự thánh thiện, tinh khôi. Về cơ bản, đi chùa đầu năm mang hai nét ý nghĩa chính. Thứ nhất, đi chùa để cầu chúc cho một năm mới an lành. Hai là xây dựng trong tâm thức con người sự thuần khiết, thánh thiện; là cơ hội để mỗi người tìm lại cái cao khiết trong tâm hồn, hòa hợp với thiên nhiên” – Thượng tọa Thích Thanh Huân.

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, chuyên gia về Phật học, người dân không nên hái lộc ở chùa, chỉ cần đến thắp nhang, thành tâm hướng về Phật cầu may mắn cho gia đình là đủ.

Đêm giao thừa và dịp đầu năm mới, nhiều người Việt thường vào đình, chùa hái lộc đem về treo trước cửa nhà hoặc chưng trên bàn thờ gia tiên với hy vọng rước được phước lộc về cho gia đình.

Theo quan niệm, không có loài nào sinh sôi nảy nở và có sức sống mãnh liệt như loài cây. Mỗi độ xuân về, những chồi non nhú lên thể hiện sức sống tràn đầy sinh lực. Do đó, người ta đi xin lộc đêm giao thừa là để cầu mong có được sức sống dẻo dai, mạnh khỏe và có ích như loài cây.

Ngày nay, tục hái lộc vẫn còn nguyên giá trị trong quan niệm của người dân, có người chỉ chọn đúng một cành chồi non mang tính biểu trưng, nhưng một số người thiếu ý thức lại bẻ cả cành cây to đem về nhà với suy nghĩ càng to sẽ càng nhiều lộc. Vì thế, nhiều cây trong đình, chùa trở nên xơ xác sau đêm Giao thừa.

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và Phật học, nhiều người dân đang có quan niệm sai lầm về tục hái lộc.

Nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Mạnh Cường - Viện nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người cho biết: "Dân gian quan niệm rằng, những linh hồn trẻ nhỏ và oan hồn không thể siêu thoát thường vất vưởng, tá túc vào cây cối, nhất là cây trong chùa vì chùa chiền là chốn linh thiêng. Vì vậy không nên hái cành lộc vào ngày Tết rồi đặt lên ban thờ".

Ông Cường cho rằng, đầu tiên người dân phải hiểu được bản chất của tục hái lộc, nhà chùa cũng nên có hình thức thay thế hái lộc đầu xuân bằng việc phát lộc, có thể là hoa quả cho người dân.

Còn theo TS Nguyễn Sỹ Toản - ĐH Văn hóa Hà Nội: “Chúng ta nên thay đổi quan niệm, không nhất thiết phải bẻ cành hái quả mới là xin lộc đầu năm. Khi đi lễ đền, chùa đầu năm, ta thắp một nén hương, khấn Thần, Phật với tâm trong sáng, xin những điều may mắn, tốt lành đem về gia đình. Đó cũng là hình thức hái lộc theo đúng nghĩa và phù hợp với xu thế phát triển hiện nay”.

(Theo VTC & VOV)



Có phản hồi đến “Những Hiểu Lầm Về Hái Lộc , Đặt Tiền Lẻ Và Cầu Nguyện Đầu Năm Tại Chùa”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com