Mùa xuân chỉ là một nhưng mỗi người cảm nhận về mùa xuân laïi khác nhau, có người dùng vô số ngôn từ mỹ miều để bày tỏ tình yêu đối với mùa xuân, người thì ngây ngất hưởng những lạc thú của tuổi xuân, lại có người thì bàng quang đối với xuân, lo nghĩ cho cái già đang đến, đây là cái nhìn của những người chưa thấy thật tướng của xuân; với những Thiền sư, cái nhìn của của họ từ những tồn tại hiện hữu này đến một bản chất bên trong nó; đi từ những cái biến đổi đến những cái thường hằng. Với Trần Nhân Tông, Ngài dùng ngôn từ để chuyên chở thực tại đang là-mùa xuân, và trong thơ Ngài nói lên cái nhìn tiêu biểu của một Thiền sư.

Không ồn ào, ngôn từ giản dị, Trần Nhân Tông dùng cách nói rất bình dị để nói lên mùa xuân. Khi mở cánh cửa, ngạc nhiên, ồ xuân đến rồi:

Ngủ dậy mở cánh cửa,

Xuân đã về chẳng hay,

Bươm bướm một đôi trắng

Phơi phới nhắm hoa bay

(Buổi Sáng Mùa Xuân- Lê Mạnh Thát dịch)

Xuân đến đối với Ngài à những gì đang hiện hữu như chính nó. Có người không thấy bản thể nên chỉ cứ theo đuổi cái bên ngoài, còn Ngài không những thấy nó hiện hữu mà còn biết thưởng thức cái bản thể thật kia của mùa xuân. Ðây là cái nhìn đã trưởng thành. Trước kia, Ngài đã chưa tường lẽ sắc không nên chỉ khi xuân đến mới rộn tơ lòng nhưng giờ đây đã thấy được bản thể của mùa xuân, Ngài ngồi đây ngắm mùa xuân đang trôi chảy:

Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không,

Xuân sang, hoa nở, rộn tơ lòng.

Chúa xuân nay đã thành quen mặt,

Nệm cỏ ngồi yên ngắm rụng hồng

(Xuân Muộn - Ngô Tất Tố dịch)

Từ trong cái thay đổi của đông sang thu, hoa nở hoa tàn, Trần Nhân Tông đã nhận chân đươïc bản thể của nó. Chính vì thế mà cứ mỗi độ xuân sang, Người bình thản ngắm sự thay đổi của đất trời, của tạo hóa. Chắc chắn trong ý nghĩ của Người vẫn tự hỏi nó có thật thay đổi không.

Cuộc sống của thiền sư Trần Nhân Tông nói lên cái nhìn của Ngài đối với cuộc đời. Cái nhìn đó không bao giờ tách rời dù đó là xuân hay hạ. Khi xuân qua, nhìn những cánh hoa xuân tàn tạ, rơi rụng, Ngài cũng đã biết để cho thị phi, danh lợi rơi rụng theo:

... Phải trái rụng theo hoa buổi sớm,

Lợi danh lạnh với trận mưa đêm.

Hoa tàn, mưa tạnh, non im lắng,

Xuân cỗi còn dư một tiếng chim.

(Mạn Hứng Ở Sơn Phòng - Ðỗ Văn Hỷ dịch)

Phải chăng, Trần Nhân Tông nói đến xuân như muốn nhắc nhở cho đệ tử biết xuân đang là và đừng để một ngày qua rồi phải luyến tiếc ?! Ðiều này được thấy rõ qua bài thơ “Thân Như”:

Thân như hơi thở vào ra mũi

Thế tựa gió luồn mây núi xa

Ðỗ quyên rền rĩ trăng ngày sáng

Ðừng để tầm thường xuân loáng qua.

(Lê Mạnh Thát dịch)

Con người đau khổ là vì họ không biết cuộc sống của họ rất bấp bênh và ngắn ngủi. Nếu một ngày kia thở vào mà không thở ra thì còn gì gọi con người và cuộc sống nữa. Cho nên Trần Nhân Tông muốn nhắn nhủ cho con người, hãy hạnh phúc với những gì đang là, hãy từ cõi tạm này hướng đến một cuộc sống trường cửu. Muốn vậy ngay từ đây phải biết sống, phải biết chọn cách sống làm sao để hạnh phúc cho bây giờ và mai sau. Một trong những cách đó là trói chặt tâm ma, vọng động:

Số đời mờ mịt cả

Tình trong đôi mắt trong

Cung ma nếu quản chặt

Cõi Phật xuân không cùng.

(Ðề Chùa Làng Hương Cổ Châu - Trần Lê Văn dịch)

Tác giả làm bài thơ này để nói lên những cảm nghiệm, cảm xúc của Ngài khi đi thăm bệnh công chúa Thiên Thụy về. Bản dịch chưa lột tả được ý của tác giả, vì rằng nói “tình” trong đôi mắt trong” thì rất tối nghĩa. Thật ra ở đây có thể hiểu, tùy theo từng người, từng đối tượng nhìn mà cái nhìn thay đổi theo. Vì nguyên bản laø “tình thời lưỡng hải ngân”, theo ý của các nhà chú thích tại ‘Tổng Tập Thơ Văn Lý- Trần’ thì “hải ngân” là đôi mắt, vì theo niêm vận nên tác giả đã đảo chữ “ngân hải” thành ra “hải ngân”. Như vậy, tùy theo cái nhìn của chủ thể mà đối tượng có thể được thấy khác đi. Ví như công chúa Thiên Thụy đang ốm nặng thì rất khó cảm nhận được xuân đến trong từng ngày, trong từng sát na, còn đối với Trần Nhân Tông, Ngài đã kinh qua những vinh hoa phú quý, đã ngộ ra được bản thể của vạn pháp, giờ đây cho dù đứng trước nỗi đau thương nhưng Ngài vẫn thấy được một mùa xuân bất diệt. Cái nhìn này Người đã truyền dạy cho chúng ta, chúng ta phải biết trân trọng từng giây phút hiện tại, phải biết “quản” nội tâm, đừng để tâm ma, ngoại cảnh chi phối thì không đợi gì ngày xuân mới có xuân.

Có người(*)nhận xét cái nhìn về xuân của Trần Nhân Tông thật sự đạt độ chín, khi một mình Người đứng trên núi Bảo Ðài, thấy thế sự, dòng đời đang trôi chảy, thì bỗng nhiên ánh trăng Chân tâm xuất hiện :

Cảnh vắng đài thêm cổ,

Xuân sang, màu chửa già.

Gần xa mây tiếp núi,

Nắng rợp bóng xen hoa.

Muôn việc người cuốn nước

Trăm năm ta nhủ ta.

Tựa lan, nâng sáo ngọc,

Tâm sự ánh trăng già. (Lên Núi Bảo Ðài - Giản Chi dịch)

Hai câu Ðềù, thực tả cảnh cô tịch của ngôi tháp đứng chơ vơ trên ngọn núi, nơi xưa nay ít có ai tới được, tác giả nhìn thấy mùa xuân đang chuyển mình, tuy chưa rực rỡ nhưng cũng gợi cho người ta cảm thức được veû đẹp huyền bí của thiên nhiên. Hai câu Thực ghi hiện trạng cảnh núi đồi trùng điệp. Ðứng đây, tác giả lý hội trọn vẹn lẽ Sắc Không mầu nhiệm-“Cuộc đời là như thế đó”-để rồi dẫn đến hai câu Luận:

Vạn sự thủy lưu thủy,

Bách niên tâm ngự tâm.

Cảnh vật là vô thường biến đổi, tất cả hiện tượng chỉ như dòng nước chảy không bao giờ dừng nghỉ- họa chăng còn rớt lại trên vết thời gian một chút dư âm trăm năm lòng nhủ lòng.

Hai câu Kết, tác giả đứng cô độc dựa bức lan can, nâng sáo ngọc lên thổi, cho quên đi mọi ưu tư. Nhưng kìa! Trăng đã mọc từ lúc nào? Rồi bỗng nhiên vầng trăng sáng ùa vào lòng ngực, khiến khắp người cảm thấy thanh thoát như hòa mình (tiểu ngã) vào vũ trụ bao la rộng lớn (đại ngã). Vầng trăng là biểu thị CHÂN TÂM tồn tại trên sự sinh thành, hủy diệt của vạn pháp. Phải nói đây là bài thơ lẫm liệt, có sức cuốn hút lạ lùng nên mỗi chữ, mỗi câu là mỗi viên ngọc sáng lung linh.

Có một điều lạ là nhiều người biết đời là khổ, là vô thường song không ít người trong họ tự giác mà đi ra được, không biết đem những cái gì mình biết để cuộc sống một ngày càng thánh thiện hơn. Họ chỉ quan tâm tới ngày qua và mai sau sẽ như thế nào chứ không muốn biết ngày nay, hiện tại ra sao. Ðiều này không phải là chỉ bây giờ mà từ thời Trần Nhân Tông cũng đã có. Trong buổi thuyết pháp của Người tại chùa Sùng Nghiêm, có người hỏi : Thế nào là gia phong của Phật hiện tại ?

Ngài đáp:

Bạch Thủy gia phong mê én sớm

Ðào thắm vườn tiên say gió xuân.

Lại hỏi: Thế nào là gia phong của Phật vị lai?

Ngài đáp:

Bãi biển chờ triều, trời đợi nguyệt

Thôn chài nghe sáo, khách mong nhà(**)

Nếu chúng ta vượt ra khỏi cái nhìn ước lượng, cái nhìn không thật -tương lai- thấy ngay được thực tại -mùa xuân- thì chắc chắn rằng trong từng ngày của cuộc đời không lúc nào là không tràn ngập cánh én, không chỗ nào là không tràn ngập gió xuân.

Lỗi lầm nghiêm trọng nhất trong đời là sự xâm hại. Vấn đề quan trọng nhất trong đời là chánh kiến và tà kiến. Ðức hạnh quan trọng nhất trong đời là lòng từ bi. Lòng can đảm quan trọng nhất trong đời là dám nhận lỗi”

Master Chin Kung

(Nguyên Vũ dịch)


(*) Phân tích bài thơ này, người viết dùng lối diễn tả của cố Hòa Thượng Thích Ðức Nhuận, trong tác Phẩm Ðạo Phật Việt, Viện Lý Việt Nam và Triết Học Thế giới California, 1996, trang 312.

(**) Lê Mạnh Thát, Trần Nhân Tông Toàn Tập, NXB TP.HCM,trang 424.



Có phản hồi đến “Mùa Xuân Qua Cái Nhìn Của Trần Nhân Tông”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com