Ngày nay tổ chức "Mừng sinh nhật" đã trở thành "mốt" ở một số gia đình thành thị. Có nhà, mỗi năm cứ đến ngày sinh của con, hay của chính mình, đều tổ chức ăn mừng thêm một tuổi. Bạn bè, người thân mang quà đến mừng và dự bữa tiệc mừng, to-nhỏ tùy thuộc vào hoàn cảnh. Người sinh ấy là trung tâm duy nhất nổi lên, mình biết mình, và mọi người biết đến mình... Con cháu tuy còn nhỏ tuổi, cha mẹ và gia đình cũng tổ chức sinh nhật cho. Bạn bè, họ hàng đến cùng vui những ngày "sinh nhật"...
Có lẽ phong tục ấy du nhập từ các nước phương Tây và dần dần đã trở thành một nếp sống, một tập quán đáng duy trì.
Có thể nhiều người chưa biết, hoặc đã lãng quên việc tổ chức mừng sinh nhật, nói chung, và riêng đối với người già, là mừng thọ, ở một số nước phương Đông.
Theo chuyện kể lại của nhà nho học uyên bác, cụ Cử Trần, tác giả cuốn "Cổ học tinh hoa", thì khi người ta đến tuổi trưởng thành, tổ chức sinh nhật nhằm mục đích ghi công ơn của cha mẹ mình, nhớ lại ngày, giờ ấy, mẹ mình đang "vượt cạn", đang ở ranh giới giữa cái sống và cái chết, bố mình đang lo lắng mọi bề cho mẹ mình và cho bản thân mình, Sau ngày sinh nở, mọi nguy hiểm đã qua, "mẹ tròn con vuông", thì tiếp là "công cha nghĩa mẹ", đối với mình, liên lục từ lúc mới chào đời, đến lúc trưởng thành. Công ơn này đã được dân gian ghi lại từ thuở nào chẳng rõ, trong những câu ca dao truyền lại đến ngày nay :
"Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra !"
hay như câu :
"Công cha, đức mẹ cao đức dày,
Cưu mang trứng nước, những ngày ngây thơ."
hoặc là :
"Công cha, nghĩa mẹ cao vời,
Nhọc nhằn chẳng quản, suốt đời vì ta !"
... Cũng do đó, kỷ niệm ngày sinh của ta, thì ta tổ chức hồi hướng đến ông bà, cha mẹ, nếu đã qua đời, hoặc đềp đáp công ơn của cha mẹ hiện tiền đối với ta. Ta phải cư xử chăm sóc mẹ cha như thế nào để được như người đời đã dạy :
"Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ Hiếu, mới là đạo con !"
Đạo làm con là phải, trong khả năng của mình, chăm sóc thật đầy đủ đời sống của cha mẹ về mặt vật chất cũng như về mặt tinh thần, nhất là trong lúc mẹ cha yếu đau, già cả. Việc làm này không phải chỉ có "đi" mà không có "lại".
"Nếu mình hiếu với mẹ cha,
Chắc con cũng hiếu với ta, khác gì?"
Đối với những trẻ, còn trong tuổi bố mẹ chăm lo tổ chức mừng sinh nhật cho con; thì một mặt ta biểu lộ tình cảm yêu thương hết mức của mẹ cha đối với con cái, nhưng mặt khác cũng cần nhân dịp này giáo dục cho con cái biết, vì đâu mới có mình, mà mỗi lần kỷ ngày sinh của mình, trước hết phải biết công ơn cha mẹ, ông bà. Trong những giây phút tận tình chăm chút cho con cái mới thấy thấm thía qua câu ca dao :
"Lên non mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao ông bà!"
Và cần làm cho con cái tự giác nhận ra :
"Ai rằng công mẹ như non,
Thật ra công mẹ, lại còn lớn hơn."
Còn ta, khi bước vào hàng lớp người "xưa nay hiếm", hằng năm đến ngày sinh, thường tổ chức mừng thọ. Có thể hoàn cảnh nhiều người đến lúc này mẹ cha đã "khuất núi", cũng nên có chút lễ bạc tưởng nhớ đến công ơn của mẹ cha. Nếu cha mẹ còn trên trần thế, thì thật có phúc lớn. Trong Kinh Bổn Sư đã ghi cụ thể ân đức, tình thương của mẹ cha đối với con cái, tư khi lọt lòng, còn tấm bé đến trọn cuộc đời, thấy rõ "Ân cha lớn hơn núi cả, ân mẹ to hơn biển rộng". Bổn phận hiếu hạnh đền đáp công ơn sinh thành đã được nêu rõ thành 38 hành động cụ thể trong Kinh Điềm Làn (Mangala Sutta).
Giáo lý và đạo đức Phật giáo đã xác định : "Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh Hiếu là hạnh Phật".
Điều dạy đó đã thấm sâu trong tư duy dân gian, nên đã phát ra thành ca dao :
"Vào chùa thấy Phật muốn tu,
Về nhà thấy Mẹ, công phu chưa đền."
hay là :
"... Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ, mới là chân tu."
Nhân việc tổ chức "mừng sinh nhật" ngày càng phát triển, gặp mùa Vu Lan Báo Hiếu, Báo Ân, duyên khởi nẩy sinh suy ngẫm kể trên. Đây mới chỉ là một trong Tứ Ân.
Ngoài công ơn mẹ cha ra, còn công ơn Thầy dạy nên người, có văn hóa, có đức hạnh, có nghề nghiệp, biết lẽ sống... trong đó người Thầy cao cả vĩ đại nhất là Đức Phật Thích Ca, mà các Pháp của Phật được truyền lại đến ngày nay đều khuyên làm điều thiện, xa lánh việc làm ác, sống cuộc sống hữu ích, đầy tình thương và biêt "báo hiếu, báo ân"... Bên Thầy còn có Bạn. Cổ xưa đã khuyên "Học Thầy không tày học Bạn". Lại còn công ơn đối với đồng bào nhân loại, từ bát cơm manh áo đến nhà ở, đường đi... vì ai mà có để ta hưởng thụ ! Công ơn cũng còn cả đối với đất nước quê hương, từ biển rừng, sông núi đến cỏ cây cần trân trọng và giữ gìn bồi đắp. Trong Kinh Ưu-bà-tắc có ghi : "... Người nghỉ nhờ dưới bóng cây, cho dù chỉ trong một thời gian ngắn, cũng phải trân trọng, chớ bẻ hoa lá..." hàm ý răn dạy ta biết công ơn người trồng, công ơn cây cỏ đã đem lại lợi ích, cho ta bóng mát, hương sắc, không nên đang tâm phá hoại nó, cũng đúng với tinh thần bảo vệ môi sinh ngày nay.
Hiểu thấu đáo ý nghĩa "Báo Hiếu, Báo Ân" trong mùa Vu Lan, nâng cao "giác ngộ", vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào cuộc sống, vào nội dung tổ chức "mừng sinh nhật" ngày càng lan rộng trong xã hội, sẽ góp phần xây dựng được một phong tục, tập quán có thủy có chung, không chỉ biết có riêng mình, mà còn biết đềp đáp ân nghĩa theo truyền thống đạo đức Á Đông, làm cho xã hội Việt Nam có sắc thái riêng, ngày càng đẹp đẽ hơn.
Trần Lê Nghĩa