Nên hiểu một cách đơn giản: “Phật là giác ngộ” thì ngày Phật đản chính là thời điểm của ánh sáng giác ngộ ra đời. Sự hiển hiện của con người xuất thế tại vườn Lâm-tỳ-ni vào một ngày trăng tròn cách đây 2592 năm (tính theo thời điểm 1968) là hình ảnh của Chân lý viên dung. Ngày Phật đản cho tới nay đã được các nhà bác học, văn nghệ, truyền giáo thuật lại với nhiều vẽ linh động, nhiều dữ kiện huyền bí. Có sách nói Ngài đã từ trong cánh tay vương mẫu bước ra, bước bảy bước trên bảy hoa sen nở tươi dưới gót, miệng nói “thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Có người theo khuynh hướng khoa học lại cứ đoán chắc Đức Phật ra đời không khác mọi người trần tục. Những gì là quả đất rung chuyển, hoa Đàm mưa xuống, hương thơm sực nức đều là những điều tô điểm của người sau. Chung quy, một đàng coi Đức Phật như một bậc tiên thánh thần thông, một đàng nhìn Ngài dưới lăng kính của giác quan thế tục.
Nhưng điều quan hệ không phải ở đó. Điều chính yếu là Phật với Chân lý, Phật với Giác ngộ là một. Sự đản sanh của Phật là sự xuất hiện của Giác ngộ.
Có người bẻ lại rằng: Nếu thái tử Tất Đạt Đa đã giác ngộ từ phút sơ sinh thì:
– Tại sao Ngài phải du ngoạn bốn cửa thành rồi mới chứng được hệ luận thứ nhất: “Đời là bể khổ” qua thực tế “sinh, lão, bệnh, tử”?
– Tại sao, sau khi cưới vợ, sinh con, rồi đợi một đêm trăng tròn tháng hai, Ngài mới lìa xa cung vàng điện ngọc, đổi thay trang phục vương giả để lấy tấm áo chăn chiên, đi tìm chân lý?
– Tại sao, Ngài phải đi qua con đường khổ hạnh, phải suy tư sáu năm ở Núi tuyết, rồi một sớm ngày trăng tròn tháng chạp mới chứng ngộ được Chân lý Giải thoát?
Xem thế, con đường tầm đạo của Đức Phật, tưởng cũng không khác với con đường khảo nghiệm, phát minh của các triết gia, khoa học.
Suy ra, những vấn nạn trên không vượt ra ngoài ý niệm căn bản: Đức Phật chỉ là một con người như mọi con người. Và nói theo luận lý thì những khám phá của Đức Phật, dù thuộc phạm vi siêu hình hay biểu tượng, cũng chỉ là kết quả của một chuỗi suy luận lâu dài chứ không phải là một trực kiến siêu việt như người ta hằng ca tụng. Đức Phật là một siêu nhân chứ không phải là đấng siêu nhiên. Thật ra, nếu đứng trên quan điểm thường-nghiệm như vậy, ta sẽ không bao giờ hiểu được ý nghĩa nhân bản của Đạo Phật, của Phật đản, của các Đức Phật.
Điều trước tiên, ai cũng thấy rõ, Chân lý có thể đến trong trí tuệ nhân lạoi bằng hai đường: THẤY và TÌM. Thấy được Chân lý là con đường trực kiến. Tìm Chân lý là con đường suy nghiệm. Những chân lý trong những lãnh vực khoa học, tư tưởng đều phát sinh từ suy nghiệm. Điều ấy đã hiển nhiên. Những khám phá của khoa học, triết học ngày một tiến tới. Lý thuyết sau thay thế lý thuyết trước. Nguyên lý nọ đạp đổ nguyên lý kia. Quá trình phát triển của khoa học, triết học, là một chuỗi chân lý kế tục thay thế nhau, chen lấn nhau khiến cho nhân loại cứ đi mãi về cái đối tượng “chưa tìm thấy” ở đàng trước. Chưa tìm thấy thì chưa có thể tin. Chưa biến thành đức Tin thì còn phải quanh quẩn ở phê phán. Nhờ tìm thấy mãi, các nhà khoa học, triết học đã có một ảo giác là đi vào quang phổ Chân lý lung linh màu sắc mà càng ngày càng cảm thấy bơ vơ! Các triết gia cho yếu tính của triết học là hoài nghi.
Không hoài nghi cái “hiện có” thì không còn ai đi tìm cái “chưa có” nữa. Như vậy, những điều khám phá được mệnh danh là chân lý trong khoa học, triết học, đã không có giá trị tuyệt đối. Đã tương đối thì phải đối đãi, phải so sánh và đương nhiên không thoát khỏi thăng trầm. Đức tin cốt yếu của nhà khoa học, triết học là phải công nhận những khám phá của mình không có giá trị vĩnh cửu dù rất phổ quát và tất yếu. Phổ quát vì áp dụng rất đúng với sự vật. Tất yếu, vì đó là những bậc thang của lý trí không thể thiếu để hoạt động. Tin mình không tin như thế là tự thú một mặc cảm, xác nhận một trình độ. Mặc cảm về khả năng tương đối của suy nghiệm, thú nhận sự bất lực của những công trình nhân tạo.
Ngược lại, “thấy” Chân lý là trực giác ngoại lý siêu việt của đấng xuất thế. Thấy Chân lý là trực kiến được quy luật sâu xa chi phối mọi hiện tượng hữu hình, mọi định mệnh chi phối thân phận con người. Đã là trực kiến thì không thể biện giải được. Bởi thế, con người đạo học trong khi suy nghiệm Chân lý giải thoát là để thấy rõ cái thấy vi diệu của chư Phật chứ không phải đi tìm. Theo Phật mà đi tìm Phật thì có khác chi ngồi với chủ nhà lại đi tìm chủ nhà. Mọi sự biện giải đều là phương tiện để thấu hiểu chứ không phải để bài bác, biện giải. Muốn biện giải thì phải nhờ tới suy nghiệm, mà phương tiện này không thể đạt được cái tuyệt đối, thì dù có mượn cũng không dùng được và nếu gượng ép thì lại làm cho Chân lý bị phân hóa đi. Trước nay, đã có nhiều người cố gắng biện giải đạo Phật qua lăng kính triết học, khoa học. Ta phải nhận rằng, nhờ họ mà ánh sáng Chơn lý trở thành lung linh nhưng họ cũng làm cho ta choá mắt và không vượt nổi hình thức, giáo điều. Biết đạo chưa phải là hiểu đạo. Hiểu đạo chưa phải là hành đạo. Hành đạo cũng chưa phải là liễu đạo.
Chân lý giải thoát của Phật đã tuyệt đối, không thể biện giải được. Đã không biện giải được thì làm sao mà truyền bá cho quần sanh?
Trong mục đích này, chư Phật đã dùng một phương tiện để cảm thông: Đó là thị hiện.
* * *
Thị hiện là gì?
Tức là đem cái vô hìng lồng vào cái hữu hình. Là cụ thể hóa các ý niệm trừu tượng. Là đem những gì ở lĩnh vực khả tri gắn liền với hiện tượng khả giác. Phật đản, Xuất gia, Thành Đạo đều là những biểu thị chân chính của đạo Phật. Một triết gia hiện đại có nói: “Cho dù Thượng đế có tạo ra con người chăng nữa, thì sự hiện hữu của Thượng đế cũng phải biểu hiện qua sự hiện hữu của con người”. Quả vậy, ý niệm Thượng đế chỉ có thể tồn tại qua những chứng tích của con người. Ai chẳng biết Thượng đế chỉ là một ý niệm sơ khởi. Ý niệm ấy được các người hữu thần gán cho cái khả năng sáng tạo muôn vật, nhưng nếu không có sự hiện hữu của muôn vật thì lấy ai để cho biết là có Thượng đế đây? Tôn giáo nào cũng có tượng ảnh, nghi lễ, kinh sách, giới luật, văn chương... tức là đã vay mượn các công trình sáng tạo của con người. Đã có tượng hình là đã vay mượn cái hình thể con người. Có thờ phụng là có mượn công trình kiến trúc, xây dựng của con người. Có kinh sách là có mượn ngôn ngữ, văn tự. Và, giới luật là gì? nếu không phải là những hình thức, khuôn khổ ghép con người vào phương tiện để đi vào cứu cánh? Cho nên, dù con người dù có thấp hèn, ngu dốt, vẫn là trọng tâm của mọi hiện hữu của thế gian. Vì đó, ta có thể nghĩ rằng: “nếu không có con người thì lấy ai để chứng minh cho sự hiện diện của Thượng đế?” Ấy vậy, lắm nhà thuyết giáo vẫn không chịu xác nhận sự hiện hữu nhân bản, sự hiện hữu của con người.
* * *
Đức Phật đã không vào đời với con đường ấy. Đức Phật không phủ nhận sự hiện hữu nhân thể. Trước tiên, Ngài là một nhân vật có được phụ mẫu sinh dưỡng theo quy luật sinh tử của con người phổ biến. Hoàng hậu Magia cũng hoài thai như muôn ngàn thiếu phụ khác. Đúng ngày sinh nở, Thái tử Tất Đạt Đa cũng chào đời qua lòng mẹ như mọi trẻ khác. Có điều, Ngài là một bậc vương giả, sinh trong gia đình quý tộc, phong kiến, giữa thời đại đa thần thì tất nhiên các quan thái sử chẳng ngần ngại gì mà không thêm bớt một vài huyền thoại cho vị Hoàng đế tương lai! Đến khi Phật giáo truyền qua Trung Hoa, thế giới của truyện ma quái, thì tiểu sử của Ngài lại được nhuộm thêm một phần hoang đường huyền bí nữa. Rất đổi, Ngài Huyền Trang chỉ là một vi cao tăng có trí lớn, trèo non, lội suối qua Ấn Độ thỉnh kinh mà các văn sĩ Trung Hoa cũng ghép vào mấy chú Tề thiên, Bát giới, Sa tăng với 72 chúa yêu, muốn cho Ngài muốn gặp Đức Quán Thế Âm lúc nào thì gặp, huống nữa là đức Bổn sư? Cũng may là các nhà văn ấy chưa dám tiểu thuyết hóa đời Ngài như một ông văn sĩ nước ta bây giờ. Dù vậy, các khuynh hướng thần lý trong tư tưởng học thuật Trung Hoa cũng đã lũng đoạn Chân lý không phải ít!
Lớn lên, Thái tử cũng biết nóng đến phải ở cung mùa hè, cũng rét đến ở cung mùa đông và cũng sẽ có vợ con như nghìn triệu con người khác. Tuy nhiên, những dữ kiện đầy nhân tính ấy không chứng tỏ Đức Phật trong tương lai chỉ là một kẻ nhân giả tầm thường mà chính Phật đã thị hiện nhân bản để gây nên cái ý thức tự cứu nơi mỗi con người. Đạo Phật không truyền bá sự cứu rỗi, không ai cứu ai được. Mỗi cá nhân được chư Phật chỉ cho sự u mê, vạch đường Chân lý thì phải tự mình tu tập để tự cứu. Cùng một lẽ đó, nếu Đức Phật giáng trần như một bà tiên cho phép lạ thì có ngay hai cái hại: Một là, con người nảy ra tính ỷ lại. Hai là, không tin mình có thể tự cứu lấy thân phận mình. Vì vậy, Đức Phật đã lấy đời người làm xuất phát điểm. Đản sanh, xuất gia, thành đạo, nhập diệt. Bốn giai đoạn, bốn bước tới Chân lý từ thấp đến cao. Thật rõ ràng và thực tế biết bao nhiêu? Đức Phật đã không chối bỏ con người, Ngài lại cũng không quên sự ràng buộc đớn đau của hoàn cảnh. Sống trong một hoàn cảnh kiêu xa như Thái tử Tất Đạt Đa mà nói tới sự “bỏ tất cả để được tất cả” không phải là một điều giản dị. Người ta chỉ chối bỏ hiện tại khi bị đau khổ, nghịch lý áp bức.
Chính Thái tử đã không chịu được sự thống khổ đó. Nếu chỉ có những người cùng hoàn cảnh mới thương mến nhau, thì phải nói Thái tử Tất Đạt Đa là con người lẻ loi nhất thời đó và trong xã hội nhiều giai cấp như Ấn Độ, không ai có được hoàn cảnh quyến rũ như Ngài. Cần phải có sự giao tiếp với tha nhân, với ngoại cảnh. Thế rồi, nhân cuộc du ngoạn, Ngài cảm được sự đau khổ của những con người không cùng chung giai cấp, tuổi tác, hoàn cảnh. Sự thông cảm ấy đương nhiên khó mà có ở thường nhân. Đức Phật không phải nhờ học nhiều sách, nghe nhiều thầy mà nhận định được “Đời là bể khổ”. Có bao giờ phụ vương Tịnh Phạn lại dám để cho Ngài buồn đâu? Tự Ngài đã thấy, đã trực kiến, đã chấp nhận sự đau khổ của tha nhân và cũng là của tự thân, tức cái thân phận con người. Và rồi, Ngài lẫn tránh mọi phiền trược để đi tìm Chân lý.
Chính đây mới là vấn nạn lớn nhất của những người hứa đựng óc thực nghiệm. Họ cho rằng: “Phật phải tu luyện, phải suy tư rồi mới thấy được Chân lý”? Ngài là một triết gia như mọi triết gia. Và, vì Ngài xuất chúng quá nên Bertrand Russel đã suy tôn là Đại tư tưởng, Đại giáo dục, v.v...
Để hiểu được ý nghĩa thâm diệu của giai đoạn này, ta cần lưu ý tính cách liên tục suốt cả hành trạng của đời Ngài, một chuỗi thị hiện thuần nhất rất phù hợp với quy thức Tứ đế sau này. Từ giai đoạn đản sanh là một biểu thị nhân bản đến việc du ngoạn chứng kiến cảnh sinh, lão, bệnh, tử là ý thức tự giác, đến giai đoạn này là giai đoạn tìm Chân lý, vẫn có một tiến trình điều hòa vi diệu. Thực vậy, Trực kiến Chân lý là diệu năng của chư Phật. Thế còn chúng sanh thì có trực kiến ấy không? Vậy thì, nhận biết chúng sanh không thể có trực kiến để thấy được tuyệt đối, sáu năm suy tưởng của Ngài ở Tuyết sơn là bài học cho thấy: con đường suy nghiệm dù chỉ có giá trị tương đối, không giúp chúng sanh thấy được Chân lý và chỉ vẫn có thể nhờ đó mà tìm tới Chân lý do Đức Phật đã trực kiến mà thôi. Công việc này có khác chi nhà triết học sau khi tìm ra tư tưởng đã phải dùng tư tưởng để giúp cho mọi người hiểu được tư tưởng của mình.Cao hơn nữa, Đức Phật lại cho rằng Chân lý không ở ngoài con người. “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Cái ý thức tự giác đốt lên trong tâm hồn của từng cá nhân. Và ý nghĩ của chuỗi ngày suy tư dưới gốc Bồ Đề chỉ bao hàm một ý dụ là bất cứ một chúng sanh nào, nếu chịu y cứ vào giáo pháp thì đều có thể chứng ngộ được Chân lý giải thoát do Ngài đã trực kiến được.
* * *
Kỷ niệm Phật đản, căn cứ vào những dữ kiện đã trình bày ở trên, ta có thể rút ra những hệ luận sau đây, nói về sự thị hiện của Phật giáo:
1. Đức Phật chấp nhận nhân bản tính
Đức Phật không bao giờ tự xưng là đấng sáng thế mà chỉ bày tỏ thiện niệm cứu thế. Có người nói: “Tôi không chấp nhận sự hiện hữu của ông sáng thế, vì ổng đã bày đặt ra lắm trò rắc rối, chỉ làm khổ cho chúng sinh. Ông càng có lại càng làm thêm rắc rối cho nhân sinh. Tôi chỉ thờ phụng đấng cứu thế mà thôi. Ai cứu tôi, cứu cuộc đời quanh tôi khỏi khổ đau là tôi thờ phượng”. Ý nghĩ ấy kể cũng có phần chua chát đấy nhưng vẫn thâm trầm lắm. Thật vậy, Đức Phật đã không tự phong cho mình chức vụ sáng thế mà chỉ muốn hoàn thành nhiệm vụ cứu thế. Thiện nguyện của Ngài đã đi trước thời đại hằng ba mưoi thế kỷ và để hoàn thành thiện nguyện ấy, Ngài cũng không tạo ra những phép thuật mầu nhiệm để phạt tội, đe dọa hay tha tội cho ai như một vài tôn giáo đã chủ trương. Ngài đã đản sanh trong nhân thể, nhân cách của con người. Ngài gợi ra cái ý thức tự cứu của cá nhân. Sống trong một xã hội phong kiến, trong khi nhân loại còn đắm trong hoang đường, thần lý, mà Đức Phật lại đề ra một phương thức tự giác như vậy thì quả là táo bạo và tiến bộ. Táo bạo vì sẽ không thoát tay bọn phù thủy Bà la môn. Tiến bộ vì không chịu mặc lấy bộ áo hoang đường. Thuận theo quá trình tiến triển của tư tưởng nhân loại thì trong trạng thái thần lý (état théologique) như Auguste Comte nói: “con người chỉ chấp nhận những gì hoang đường huyền bí, mà phủ nhận những gì hiện thực”. Đức Phật đã đi ngược lại. Người đi vào con đường của khoa học hiện tại. Nếu có ai đã đọc cuốn kinh “Báo phụ mẫu ân” tức thấy Ngài diễn tả sự biến hóa của cái bào thai trong bụng mẹ rất kỹ càng không khác gì khoa phôi sinh học ngày nay. Hơn nữa, Đức Phật bắt đầu việc truyền giáo từ ý thức tự cứu tức là Ngài “tìm sự giác ngộ cho mình” rồi mới “đem bốn mươi chín năm đi giác tha” cho nhân loại.
2. Đức Phật lấy nhân bản để hướng lên Siêu việt
Ở trên, căn cứ các dữ kiện, ai cũng thấy Đức Phật đi vào lòng người để cứu rỗi con người. Dù vậy, những chất người trong đời Ngài chỉ có tính cách biểu thị mà thôi. Chứng cớ, sau bốn mươi chín năm thuyết pháp, Ngài đã tuyên bố là “chưa từng nói một lời gì” hoặc “giáo lý là ngón tay trỏ, Chân lý là mặt trăng”. Không nên bám vào ngón tay (phương tiện biểu hiện) mà quên Chân lý. Ngài đã dùng cái “cụ thể” (hình hài, ngôn ngữ, hành trạng) để biểu hiện cái “trừu tượng” là Chân lý. Ngài đã đản sanh và hành đạo qua nhân thể là đem cái khả tri gửi vào biểu tượng khả giác cho mọi chúng sinh từ sơ cơ tới thượng tri đều có thể hiểu được, bắt chước mà làm theo được? Dù vậy, với hệ luận “thành, trụ, hoại, không”, Ngài luôn luôn nhắn nhủ cho nhân loại thấy mọi biểu tượng đều giả trá, tạm bợ. Đó chỉ là “bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê”. Thuyết tương đối của Einstein hiện đại đã làm cho ánh sáng Chân lý của Đức Phật thêm hiện thực. Các cuộc du hành không gian hiện tại nào có thoát ra khỏi “ba ngàn đại thiên thế giới” do Đức Phật phát kiến? Những khám phá của khoa học, triết học hiện tại chỉ là những dẫn chứng cụ thể cho giáo lý vi diệu của Đức Phật. Cũng vì đượm nhiều nhân bản tính, đạo Phật đã không mâu thuẩn với khoa học, triết học. Nhờ ở viễn kiến của Ngài mà Phật giáo đã không vấp phải một trận thánh chiến nào, dù trong lãnh vực tư tưởng. Nhà khoa học chủ trương đả phá thần quyền. Đạo Phật không đề cao thần quyền thì làm sao trở thành đối tượng đả phá của họ được. Triết học chủ trì hoài nghi nhưng làm sao nghi ngờ được Chân lý Phật giáo khi mà họ chưa đạt được cả ba đối tượng Chân, Thiện, Mỹ? Nhà chính trị cũng không phủ nhận giá trị đạo Phật vì trong công cuộc hiện đại hóa của đạo Phật có chủ nghĩa nào tiến bộ hơn phép lục hòa, tứ nhiếp của đạo Phật chưa?
* * *
Kỷ niệm ngày đản sanh, chúng ta đón nhận luồng tư tưởng giác ngộ chói rạng tâm hồn. Không nên coi đây là sự xuất hiện của một con người mà phải chiêm nghiệm sự ban bố của Chân lý. Chân lý giác ngộ ấy không ở ngoài ta. Đức Phật đản sanh ở trong ta, trong sự đau khổ hiện thực của ta, của những con người. Đức Phật vì sự đau khổ của con người mà tìm phương giải khổ cho con người. Ngài không phải là một nhà khoa học vì Ngài không đem cái trí tuệ minh mẫn của mình để chế ngự thiên nhiên bằng tư tưởng. Ngài không phải là một nhà khoa học vì Ngài không biện giải những tư tưởng hoài nghi. Xuất thân là một vị vương giả, đã nghiêng mình xuống, hòa mình với kẻ bần cùng, đau khổ. Giáo lý Ngài tồn tại trong tim óc người bị áp bức, đày đọa. Xưa nay, giáo lý của Ngài chưa bao giờ bị bọn thống trị dùng làm khí cụ để khống chế nhân loại. Các vị tăng lữ, dù hữu hành hay vô hành, đều chỉ có hai đường lối: hoặc là nhập thế độ sanh, hoặc là ly thế nhập định chứ không hề có một vị nào trở thành một phần tử của đẳng cấp thống trị. Cho nên, hãy nghĩ rằng Đức Phật đã vì ta mà đản sanh, Đức Phật đã vì chúng sanh mà thị hiện. Vậy trong cương vị chúng sanh, tưởng chúng ta chỉ có một nhân sanh quan rất nhân bản là:
Nhận định: Đời là bể khổ.
Giải pháp: Tự giác để giác tha.
Ánh sáng Chân lý đã chiếu rọi, ta chỉ cần phát triển cho rực rỡ lên. Đó cũng là tâm niệm lớn nhất cho con người Việt Nam đang đau khổ vì chiến tranh và bạo lực./.
Lữ Hồ