Người mê tín theo quỉ thần là tin một cách quàng xiên không có căn cứ, không có lý luận, tin bướng tin càn, mất hết lý trí, trở thành con người khờ khạo. Ðó là hình ảnh những người tin vào ông đồng bà bóng, xác cô xác cậu tạo nên. Tại sao họ như thế? Bởi vì họ gởi gấm tâm hồn vào sự huyền bí, vào thế giới vô hình, họ mất hết trí thông minh thực tế. Có khi họ gần như người điên nói lảm nhảm một mình, hoặc nói những việc đâu đâu vô căn cứ…
BỊ CỘT TRÓI, ÍCH KỶ, TÀN NHẪN
Người mê tín vào lịch số, ngày giờ, là kẻ bị cột trói một cách thảm hại. Họ không bao giờ dám quyết định, một việc làm thích hợp với thời biểu hiện tại. Họ đợi giờ lịch xem giờ tốt hay xấu, ngày lành hay dữ. Thế rồi họ bị chết khô trong cái rọ ngày giờ. Bởi quen lựa ngày giờ tốt xấu, nên họ trở thành con người ích kỷ dễ sợ. Có những việc đáng làm ngay lúc đó để giúp người, họ lại sợ giờ xấu rồi không chịu làm. Cho đến việc ma chay cha mẹ, họ vẫn lựa ngày tốt, giờ tốt để lợi cho con cháu họ, không nghĩ gì đến người chết. Có khi còn dùng thuật trấn ếm, nếu cha mẹ họ chết nhằm ngày trùng. Thật là tàn nhẫn, họ không còn chút tình thương đối với người chết. Mọi việc ma chay, chọn lựa ngày giờ, họ đều một bề vì họ. Những người ấy lúc nào họ cũng nơm nớp lo sợ, trên đầu trên cổ họ đã cột sẵn trăm ngàn mối dây năm tháng ngày giờ, không cho họ thong thả một phút giây nào.
KHIẾP NHƯỢC MẤT TỰ TÍN
Người tin vào bói xăm, sao hạn… là con người khiếp nhược mất tự tín. Bởi không tự tín nên làm việc gì họ cũng phải đi hỏi thần, hỏi thánh. Họ lo âu, sợ hãi năm nào gặp sao La Hầu, Kế Ðô. Nhân lành họ không chịu tạo, nhân dữ không chịu tránh, mà một bề sợ sao sợ hạn, quả là những con người mù mịt, tối tăm. Họ sợ những cái không đáng sợ, họ cầu những điều không thể cầu, thật là oái ăm vô lý. Người Phật tử thấy rõ lẽ tà chánh ấy, can đảm quăng đi những tệ tục sai lầm, mới có thể sống với tinh thần đạo giác ngộ.
CẦU NGUYỆN LÀ CHÁNH TÍN HAY MÊ TÍN?
Trong nhà chùa mỗi khi tụng kinh, mọi Phật sự đều có cầu nguyện. Sự cầu nguyện này là chánh tín hay mê tín? Câu hỏi này không thể trả lời một chiều, tùy chỗ hiểu biết của mỗi người, sự cầu nguyện là mê tín, cũng là chánh tín.
- MÊ TÍN
Nếu chúng ta khẳng định rằng mọi sự cầu nguyện đều được toại nguyện, đó là mê tín. Vì sao? Bởi vì, nếu cầu nguyện mà được, thì không cần nói đến nhân quả nghiệp báo. Nếu mọi sự kiện xảy ra đều do nhân quả thì sự cầu nguyện khó mà toại nguyện. Bởi lẽ, thế gian có kẻ tạo nghiệp lành, người tạo nghiệp dữ. Người tạo nghiệp lành khi phước báo đến thì được như nguyện. Kẻ tạo nghiệp dữ khi nghiệp báo đến, dù có nguyện cầu cũng khó thoát khỏi quả khổ. Thế thì làm sao dám cố định cầu nguyện là được như ý. Người chấp cố định, là sai lầm không hợp lý, nên thuộc mê tín.
- CHÁNH TÍN
Chúng ta chỉ xem cầu nguyện như những lời chúc lành là chánh tín. Vì quí kính cha mẹ, quí kính người thân, chúng ta hằng cầu nguyện cho những vị ấy song có được như nguyện hay không, còn tùy thuộc phước duyên dày mỏng của những vị ấy. Mặc dù không được như nguyện, cũng nói lên được lòng hiếu thảo chân thành của chúng ta. Cũng như vì hiếu kính những người trưởng thượng, những bạn bè thân hữu, đầu năm mọi người chúc lành cho nhau. Những lời chúc lành này không hẳn thể hiện được, nhưng cũng nói lên được lòng quí mến nhau.
Hơn nữa, người tu Phật cầu nguyện với mục đích phá tan tâm niệm vị kỷ của mình. Bất cứ một Phật sự nào, chúng ta đều hồi hướng nguyện cầu cho tất cả chúng sanh đều thành Phật đạo. Mới nghe qua dường như những lời nguyện suông, không thể thực hiện được. Song trên tinh thần phá ngã, cứ lập tới, lập lui mãi tâm niệm vì tất cả chúng sanh, khiến người ta quên bẵng bản ngã riêng tư của mình. Mọi việc làm đều không phải vì mình, không được nghĩ lợi ích riêng cho mình, mà phải vì nhân loại, vì tất cả chúng sanh. Hằng ngày cứ huân tập mãi tâm niệm này, đến một khi nào đó, chúng ta không còn thấy bản ngã riêng, đồng hóa mình và chúng sanh không khác. Thế là chúng ta phá được chấp ngã và phát tâm đại từ bi, xem mọi khổ vui của người như của chính mình. Hiểu cầu nguyện và ứng dụng cầu nguyện như vậy, quả thật là chánh tín.
Trích "Sách BƯỚC ĐẦU HỌC PHẬT"
HT. Thiền sư Thích Thanh Từ