Mục Lục
Cùng một thân hình?
Giả thử chúng ta có thể sản xuất vô tính (cloning): mỗi tế bào trong cơ thể ta đều tạo ra được một thân người mới. Như vậy, một cái tâm của ta có thể trở thành nhiều tâm khác? Một người thành ra nhiều người? Nhưng con người mới kia, họ giống hệt nhau hay khác nhau?
Khoa học đã tiến tới mức có thể tạo ra những con vật bằng phép sinh sản vô tính (cloning). Chuyện này cũng có thể xảy ra cho con người. Nếu tỷ như người ta lấy ba tế bào của tôi để làm thành ra ba con người khác. Ba người đó với tôi là bốn, chúng tôi khác nhau hay giống nhau? Khi có sự sinh sản vô tính, tôi có thể đã khá già và ba người kia thì còn trẻ. Vậy thì tôi có giống mấy người kia không?
Khi chúng ta tu tập, chúng ta có thể nhìn sâu bằng năng lượng chánh niệm, với sự định tâm và trí tuệ lớn. Chúng ta nhìn được sự vật sâu hơn, rõ ràng hơn nhiều. Bụt đả thực tập như vậy, Ngài chia sẻ cái hiểu đó với chúng ta. Chúng ta cũng thực tập như Bụt và nếu cố gắng một chút, chúng ta có thể có trí tuệ như Ngài.
Trước hết chúng ta hãy nhìn sâu vào ý niệm giống nhau, khác nhau. Khi chúng ta hỏi Bụt: cơ thể này và ba cơ thể do sản sinh vô tính kia giống hay khác nhau?” Bụt sẽ trả lời: “chúng không giống nhau cũng không khác nhau.”
Vô thường nghĩa là luôn luôn thay đổi. Chúng ta nghĩ thân mình là thứ gì thường hằng.Thật ra sống chết diễn ra trên cơ thể chúng ta suốt ngày đêm. Bất kỳ lúc nào cũng có nhiều tế bào chết, và nhiều tế bào mới ra đời.
Chúng ta có ảo tưởng rằng thân mình luôn luôn như thế. Bạn là em bé khi ra đời. Mẹ có hình bạn khi còn là em bé. Nay bạn đã là một người nam hay nữ trưởng thành. Bạn nghĩ mình giống hay khác em bé kia?
Chúng ta thường nghĩ rằng cơ thể chúng ta lúc năm mươi tuổi cũng vẫn là cơ thể ta lúc năm tuổi. Nghĩ vậy không đúng. Nếu có cuốn hình gia đình, bạn sẽ nhìn thấy bạn ra sao khi được sáu tuổi, và ngày nay sáu mươi tuổi ra sao. Bạn sẽ thấy hai con người đó rất khác nhau. Nhưng nhìn cách khác, hai người đó không khác nhau. Nếu không có bé sáu tuổi kia thì cũng không có ông già sáu mươi tuổi này. Hai người đó không giống và cũng không khác nhau. Vô thường là giải đáp của sự lộn xộn này.
Sau một hơi thở vào hay hơi thở ra, chúng ta đã thành một con người khác rồi. Từ khi bắt đầu đọc cuốn sách này tới bây giờ, đã có biết bao thay đổi trong cơ thể và tâm thức chúng ta. Nhiều tế bào đã chết đi, nhiều cái mới được sinh ra. Tâm ta cũng vậy. Các ý nghĩ đến rồi đi, các cảm xúc sinh ra rồi hoại diệt. Biểu hiện, ngừng biểu hiện, liên tục tiếp nối nhau. Chúng ta không giống nhau trong hai thời điểm. Giòng sông, ngọn lửa, đám mây và bông hoa hướng dương kia cũng vậy.
Nhân duyên
Nhìn sâu vào một hộp quẹt, bạn có thể nhìn thấy lửa. Ngọn lửa chưa biểu hiện ra, nhưng là thiền giả bạn có thể nhìn thấy lửa. Mọi điều kiện đầy đủ cho lửa biểu hiện. Nào gỗ, diêm sinh, nào mặt phẳng gồ ghề, và bàn tay tôi. Vì thế khi ta quẹt cây diêm, thì lửa biểu hiện. Tôi không gọi là lửa sinh ra, mà nói đó là lửa biểu hiện ra.
Bụt dạy rằng khi có đủ nhân duyên thì bạn biểu hiện. Khi nhân duyên không đủ nữa, bạn sẽ ngưng hiện hữu để có thể xuất hiện dưới các hình tướng khác, trong những điều kiện khác.
Biểu hiện từ cái gì đó
Bạn nghĩ sinh ra nghĩa là gì? Đa số chúng ta nghĩ đó là sự bắt đầu hiện hữu của một sự vật mà trước đó nó không hiện hữu. Ta có nhận thức sinh là từ không bỗng nhiên trở thành có. Từ không là gì trở thành một con người. Đa số chúng ta định nghĩa chữ Sinh như vậy. Nhìn sâu, ta thấy định nghĩa đó không ổn. Từ không bạn không thể trở thành có, không thể thành một con người được.
Trước cái ngày bạn gọi là ngày sinh đó, bạn đã hiện hữu rồi, trong mẹ của bạn. Lúc ra đời chỉ là một sự tiếp nối. Hãy nhìn coi bạn có thể tìm được thời điểm nào từ không mà bạn trở thành có được chăng? Đó là lúc mẹ bắt đầu thụ thai? Điều này cũng không đúng, vì trước đó có thể bạn đã có trong cha một nửa, trong mẹ một nửa. Cũng có thể 1/3 trong cha, 1/3 trong mẹ và 1/3 trong vũ trụ. Có rất nhiều thứ đã hiện hữu rồi. Vì chúng đã có đó, chúng không cần sinh ra. Khi mẹ đẻ con ra, lúc đó không thật sự là lúc con mới sinh ra đời. Đó chỉ là thời điểm bạn chui ra ngoài từ bụng mẹ.
Trong nhà thiền chúng tôi ưa hỏi “Trước khi bà ngoại hay bà nội ra đời, thì mặt mũi bạn ra sao?” Hãy tự hỏi câu này và bạn sẽ bắt đầu thấy được sự tiếp nối trong bạn. Bạn sẽ thấy mình đã luôn luôn có mặt đó. Giây phút bạn được thụ thai là giây phút bạn tiếp tục biểu hiện dưới một hình tướng khác. Tiếp tục nhìn như thế bạn sẽ thấy không có sinh không có diệt, chỉ có sự chuyển hóa tiếp tục mà thôi.
Lửa từ đâu tới?
Tôi có thể nói với ngọn lửa: “Lửa ơi, con biểu hiện ra đi.” Khi tôi bật que diêm, ngọn lửa sẽ xuất hiện. Tôi cũng có thể hỏi lửa: “Con từ đâu tới đây?” Ngọn lửa có thể trả lời: “Thưa Thầy, con không từ đâu tới và cũng không đi về đâu hết. Khi nhân duyên đầy đủ thì con biểu hiện, vậy thôi.” Đó là chân lý của bản chất không đến không đi.
Chúng ta hãy thực tập nhìn sâu vào bản chất của ngọn lửa của cây nến. Đó có phải cùng là ngọn lửa trên que diêm đã châm mồi cho nó hay không? Hay nó là ngọn lửa khác? Nếu để cho nến cháy một giờ đồng hồ, nó sẽ là ngọn lửa ở phần dưới cây nến. Nó có thể giống nhau, nhưng đó chỉ là nhận thức của ta. Thật ra, có rất nhiều ngọn lửa nối tiếp nhau trong từng giây phút. Nó cho ta cảm tưởng nó chỉ là một ngọn lửa nhưng không phải vậy. Nhiên liệu khác nhau, dưỡng khí khác nhau. Căn phòng cũng thay đổi, tức là các điều kiện không giống nhau. Vậy thì ngọn lửa không hoàn toàn giống khi trước.
Không cần nhiều thời gian để ngọn nến thay đổi vì chỉ trong một giây đồng hồ trước, phần trên ngọn nến đã được dưỡng khí và chất sáp nuôi dưỡng rồi. Giây sau, hai thứ nguyên liệu đó đã bị cháy tiêu, và lại có dưỡng khí cùng chất sáp mới nên nó tiếp tục cháy. Nguyên liệu không giống nên ngọn lửa cũng không phải là cùng một thứ. Khi ngọn nến ngắn lại, bạn nhìn thấy nó đã tiêu thụ bao nhiêu dưỡng khí và bao nhiêu sáp, bạn biết rằng ngọn lửa thay đổi hoài hoài. Vậy thì trong hai thời điểm liên tiếp, ngọn lửa không hoàn toàn giống nhau.
Chỉ nhìn vào ngọn lửa bạn đã thấy được bản chất không giống, không khác nhau. Bên dưới cảm tưởng hiện hữu bất biến, là bản chất của vô thường. Không có sự vật nào hiện hữu giống nhau trong hai thời điểm. Điều này áp dụng cho con người ta, cho đám mây hay cho bất cứ vật gì. Nếu bạn nói rằng ngọn lửa của cây nến trước đây mười phút cũng là ngọn lửa bạn đang nhìn thấy, thì không đúng. Nếu bạn nói rằng có hàng ngàn ngọn lửa khác nhau nối tiếp nhau, thì cũng không đúng luôn. Bản chất của lửa là không khác cũng không giống. Khi chúng ta có thể vượt qua được các ảo tưởng về giống nhau, khác nhau, ta có thể chuyển đổi được rất nhiều khổ đau thành ra niềm an lạc.
Cảm quan
Trong kinh điển có một thí dụ rất hay. Trong bóng tối, một người cầm cây đuốc khua thành vòng tròn. Người khác đứng phía xa có thể nhìn đó là một vòng lửa. Nhưng thực ra không có vòng lửa, đó chỉ là những đốm lửa nối tiếp nhau làm cho ta có cảm tưởng đó là vòng lửa tròn mà thôi. Ảo tưởng này cũng giống như ảo tưởng về một bản chất cố định, thường hằng. Vòng lửa chỉ là một ý tưởng. Nó không thể áp dụng vào thực tại, không thể diễn tả đó là chân lý. Nếu bạn phân tích vòng lửa đó bạn sẽ thấy hàng triệu đốm lửa di động, nối tiếp nhau khiến cho ta tưởng như nó là một vòng tròn.
Khi chúng ta quay phim một người đang nhảy múa, chúng ta đã chụp rất nhiều hình. Sau khi chụp, đem chiếu những hình ảnh đó lên một cách liên tục, ta sẽ thấy người kia nhảy múa rất mềm mại. Nhưng thực ra đó là hình ảnh của rất nhiều những tấm hình tĩnh chồng lên nhau một cách liên tiếp.
Khi nhìn vào một con người, ta thấy họ như có một bản chất riêng bất biến và thường hằng. Ta nghĩ rằng buổi sáng, ta nhìn thấy con người đó và buổi chiều ta cũng thấy như vậy. Nếu ta đi vắng mười năm, khi gặp lại người kia, ta cũng nhận ra họ. Nghĩ vậy là ảo tưởng.
Trong kinh có một câu chuyện rất tức cười. Một phụ nữ để một nồi sữa ở nhà hàng xóm và dặn: “Xin giữ dùm, tôi sẽ trở lại sau vài ngày.” Không có tủ lạnh nên sữa đóng váng và trở thành một thứ phó-mát (cheese). Khi bà kia trở lui, bà hỏi “sữa của tôi đâu? Tôi để sữa ở đây, đâu có để phó-mát. Đây không phải là sữa của tôi!” Bụt dạy rằng bà đó đã không hiểu được sự vô thường. Sữa sẽ biến thành phó-mát nếu bạn để nó đó trong ít ngày. Người phụ nữ kia chỉ muốn lấy lại thứ sữa bà đã để đó mấy ngày trước, mà không chịu lấy phó-mát.
Bạn nghĩ rằng sữa và phó mát là hai thứ giống nhau hay khác nhau? Thực ra nó không giống mà cũng không khác. Sữa mất mấy ngày để trở thành phó-mát. Với sự hiểu biết về vô thường, chúng ta có thể thấy được thực tại của vũ trụ và mọi sự vật, thấy được bản chất không giống mà cũng không khác nhau của chúng.
Chúng ta cứ tưởng như mọi sự mãi mãi như vậy, nhưng thực tế là không có sự vật gì giống hệt nhau trong hai thời điểm liên tiếp. Vì vậy ý tưởng sự vật bất biến cũng là một ảo tưởng, không thể áp dụng vào thực tại được. Khi một dòng sông biểu hiện, ta có thể gán cho nó một cái tên – như sông Missisipi chẳng hạn. Dù cho tên sông không đổi, nhưng nó thay đổi hoài. Bạn tưởng như dòng sông luôn luôn có đó, nhưng nước sông thì không giống nhau dù chỉ trong hai giây phút liên tiếp.
Các triết gia nói rằng chúng ta không bao giờ có thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông. Đó là bản chất của vô thường, không phải chỉ Bụt mới nói mà đức Khổng Tử và Heraclitus cùng nhiều hiền nhân khác cũng đều biết như thế, khi họ nhìn sâu vào bản chất của thực tại.
Thanh Francis và cây hạnh đào
Một ngày mùa Đông, trong khi đi thiền hành trong vườn, Thánh Fancis Assisi nhìn thấy một cây hạnh đào trụi lá. Ông tiến gần tới cây, và trong khi thực tập thở, ông xin cây hãy nói với ông về Thượng Đế. Bỗng nhiên hoa trên cây hạnh đào nở bừng lên. Tôi tin câu chuyện đó có thật vì khi có quán chiếu sâu sắc, ta có thể nhìn thấy chiều sâu thực tại. Ông thánh không cần chờ tới mùa Xuân ấm áp mới nhận thức được rằng hoa hạnh đào vẫn có đó.
Tôi mời bạn nhìn vào hộp diêm với con mắt của Thánh Francis, con mắt của Bụt. Bạn cũng có những con mắt như thế. Bạn có nhìn thấy ngọn lửa đã sẵn có trong hộp diêm không? Nó chưa biểu hiện nhưng nó có đâu đó rồi. Nhìn cho sâu bạn có thể thấy lửa. Mọi điều kiện đều có đó để ngọn lửa biểu hiện ra trừ một thứ, đó là cử động của ngón tay bạn. Bạn có thể đưa ra điều kiện chót đó và ngọn lửa sẽ hiện ra. Khi bạn bật quẹt, xin hãy làm việc đó một cách cẩn thận.
Quán sát mọi nhân duyên, bạn có thể hỏi: “Ngọn lửa nhỏ bé ơi, con từ đâu tới?” Khi bạn làm nó tắt hãy hỏi: “Lửa đi đâu vậy?” Chúng ta tưởng rằng ngọn lửa mới sinh ra lúc trước nay đã chết đi. Thật ra có sự chia cách nào giữa cái không gian của chúng ta đây với không gian mà ngọn lửa đi tới đó chăng? Tôi không nghĩ vậy.
Bụt dạy rằng không có gì tới, không có gì lui. Những câu hỏi trên nhiều triết gia đã hỏi nhiều lần và đã dùng bao nhiêu là giấy mực và nước bọt để ráng trả lời. Nhìn kỹ vào mắt Bụt, bạn sẽ có câu trả lời.
Chân Như
Chân lý thực tại được gọi là Chân như. Chân như nghĩa là “tự nó như thế.” Bạn không thể mô tả nó bằng các khái niệm, nhất là khái niệm sinh-tử, có hay không có, đến hay đi. Không có từ ngữ nào, không có điều kiện nào diễn tả được chân lý, được thực tại của cái bàn, bông hoa, cái nhà hay của một sinh vật.
Đôi khi bạn giận cha bạn và nói: “Tôi không dính dáng gì tới ông đó.” Thật là đại ngôn! Bạn không biết rằng bạn và cha cùng thuộc vào một thực tại. Bạn là sự tiếp nối của ổng. Bạn chính là ông ấy. Hãy nhìn coi bạn giống hay khác cha bạn. Chân như của ta là bản chất không giống cũng không khác. Bạn và cha bạn không giống nhau, cũng chẳng khác nhau.
Khi bạn giúp cho ngọn lửa biểu hiện bằng cách bật que diêm, nhìn sâu vào nó bạn sẽ thấy là nó không từ đâu tới mà cũng không đi tới đâu cả. Dùng lửa diêm để châm lên ngọn nến, lửa nến giống hay khác lửa diêm? Khi thắp lên một ngọn nến thứ nhì, bạn sẽ thấy ba ngọn lửa đó khác nhau hay giống nhau?
Nhìn vào ngọn lửa của một cây nến bạn cũng thấy ý niệm không giống, không khác có thể áp dụng không chỉ cho lửa nến mà cả lửa diêm nữa. Ngọn lửa đó cũng không giống hay khác với lửa lúc trước đây, mỗi thời điểm là một ngọn lửa duy nhất. Chỉ trong thời khắc tiếp theo là ngọn lửa đã biểu hiện một cách khác trước rồi.
Sự biểu hiện của một sự vật hay một con người không tùy thuộc vào một nhân duyên, mà tùy theo nhiều nhân duyên. Ý niệm cho rằng một nhân duyên gây ra kết quả không đúng. Một điều kiện không bao giờ đủ để cho một sự vật biểu hiện.
Khi chúng ta ngắm ngọn lửa, ta không nhìn sâu đủ để nhìn thấy mọi nhân duyên. Chúng ta biết ngọn lửa được nuôi dưỡng bởi que diêm, gỗ và nhiên liệu. Chúng ta biết lửa được nuôi dưỡng bởi nhiều thứ: diêm, gỗ, và nhiên liệu. Tất nhiên không có gì tồn tại được khi không có nhiên liệu. Nhưng nhiên liệu chỉ là một yếu tố, một điều kiện mà thôi. Ngọn lửa chỉ biểu hiện ra được khi có đầy đủ các nhân duyên. Nếu không có dưỡng khí, lửa không biểu hiện được lâu. Ngọn lửa tùy thuộc vào gỗ, vào tim đèn cầy và vào dưỡng khí. Ngọn lửa có sẵn trong diêm, nó không cần xuất hiện. Nó chỉ biểu hiện ra khi các có đủ các điều kiện thôi.
Hiện nay chúng ta có thể chỉ là một em trai hay em gái mười hai tuổi, chưa hề sinh ra con. Nhưng trong chúng ta đã có tất cả các nhân duyên để cho con và cháu ta biểu hiện. Chỉ cần thời gian và một số các điều kiện khác nữa là đủ.
Tờ giấy
Không đến không đi
Không sau không trước
Tôi giữ người bên tôi
Tôi buông người ra để được tự do
Tôi ở trong người
Người cũng đang có trong tôi.
(Chân Đức)
Không đến không đi là bản thể chân thật của thực tại. Bạn không từ đâu tới, bạn cũng không đi về đâu. Bông hồng, đám mây, núi non, tinh tú, trái đất…mọi thứ đều như vậy. Bản chất đó là không tới không lui. Chết không có nghĩa là từ có trở thành không. Sinh ra không có nghĩa là từ không trở thành một con người nào đó. Chỉ có sự biểu hiện khi nhân duyên đầy đủ và sự biểu hiện ngừng lại khi không còn đầy đủ các điều kiện.
Tờ giấy ghi những dòng này có một lịch sử. Trang giấy bạn đang cầm trong tay đây được thành hình trong một thời điểm nào đó. Nhưng đó không phải là lúc nó ra đời. Nó đã có mặt trong tia sáng mặt trời, trong thân cây, trong đám mây và trong mặt đất. Khi nó được sản xuất ra trong nhà máy chỉ là lúc nó biểu hiện ra mà thôi.
Vậy chúng ta có thể hỏi: “Tờ giấy ơi, mi có đó trước khi mi được sinh ra không?” Tờ giấy sẽ trả lời: “Có chứ, trong hình hài của cái cây, ánh nắng, trong đám mây, trong mưa, trong các khoáng chất và trong đất. Giây phút trở thành tờ giấy chỉ là thời điểm tiếp tục hiện hữu. Tôi không phải từ không mà tới được, tôi từ vũ trụ mà tới. Tôi đã là cái cây, là đám mây, là ánh nắng, là đất đá vv…”
Nhìn sâu vào tờ giấy bạn vẫn có thể nhìn thấy cây cối, đám mây, và mặt trời. Bạn không cần trở lui quá khứ. Đó là lợi điểm của thiền quán, bạn không cần phải đi du lịch. Chỉ cần ngồi đó và nhìn sâu, bạn có thể nhìn thấy và nhận ra mọi sự. Tờ giấy chứa đựng mọi tin tức về vũ trụ, kể cả những gì liên quan tới cây cối, đám mây và ánh nắng, mặt đất. Nếu bạn đem một trong mấy thứ đó trả về chỗ của nó, tờ giấy sẽ không còn đó nữa. Nếu bạn trả ánh nắng cho mặt trời, thì sẽ không còn rừng, không còn tờ giấy. Vì thế ánh nắng mặt trời là tờ giấy. Khi bạn sờ vào tờ giấy là bạn chạm tới ánh nắng, đám mây, mưa, đất, bạn chạm tới tất cả vũ trụ. Một sự biểu hiện chứa đựng tất cả mọi thứ.
Khi bạn đưa ngón tay trên mặt giấy, bạn có thể cảm nhận đám mây trong đó. Không có mưa, do mây mà có, thì sẽ không có tờ giấy. Khi ngón tay tiếp xúc với tờ giấy, chúng cũng đang tiếp xúc với cây trong rừng. Ngón tay ta có thể tiếp xúc với mặt trời và tất cả các khoáng chất trong đất trên tờ giấy. Khi chúng ta tiếp xúc với tờ giấy bằng chánh niệm, chúng ta tiếp xúc được với tất cả các hiện hữu khác.
Khi chúng ta thực tập nhìn sâu vào tờ giấy, chúng ta có thể nhìn thấy rừng cây. Không có rừng thì không có cây và không có cây thì không làm được giấy. Vậy tờ giấy này không phải tới từ số không, nó tới từ thứ gì đó, như cây cối chẳng hạn. Nhưng cây cối không đủ để tạo ra tờ giấy. Mặt trời nuôi dưỡng cây, nước tưới tẩm cây, đất đá và khoáng chất cùng vô số các hiện tượng khác giúp cho cây biểu hiện. Và còn cần người tiều phu đốn cây, người chủ quán bán bánh mì cho tiều phu ăn trưa, những người thành lập công ty trả lương cho người đốn cây nữa. Những thứ đó không hiện hữu bên ngoài mà là một với tờ giấy.
Bạn có thể nghĩ “làm sao tôi có thể đồng hóa tờ giấy với rừng cây được? rừng ở ngoài tờ giấy chứ?” Nếu bạn lấy yếu tố rừng hay đám mây ra khỏi tờ giấy, thì giấy sẽ biến mất. Nếu không có đám mây, không có mưa làm sao cây sống được? Làm sao ta làm được bột giấy để từ đó sản xuất ra giấy?
Tờ giấy không có ngày sinh và bạn cũng không có sinh nhật. Bạn đã có đó trước khi bạn ra đời. Lần sau khi ăn mừng sinh nhật bạn có thể đổi bài hát thành “Mừng ngày tiếp nối.” Nếu ngày sinh thực sự là một ngày tiếp nối thì ngày chết cũng vậy. Nếu bạn thực tập giỏi thì lúc lìa đời bạn cũng hát “Mừng ngày tiếp nối.”
Hãy ráng làm thành hư không
Bạn có thể ráng sức để làm cho tờ giấy trở thành không. Có thể được chăng? Hãy bật que diêm và đốt nó coi nó sẽ trở thành không hay trở thành thứ gì khác? Đây không phải chỉ là chuyện lý thuyết, mà là chuyện chúng ta có thể chứng minh được. Thở vào thở ra và bật quẹt lên. Hãy chứng kiến sự chuyển hóa của tờ giấy. Khi bạn châm que diêm, hãy nhớ rằng ngọn lửa không cần sinh ra. Khi điều kiện đầy đủ, nó chỉ biểu hiện ra cho chúng ta nhìn thấy nó mà thôi. Khi đốt tờ giấy, hãy nhìn khói. Sức nóng của lửa cũng đủ làm cho ngón tay ta bị phỏng. Tờ giấy bây ở đâu?
Khi bạn đốt một tờ giấy, nó không còn hình thái một tờ giấy nữa. Nếu nhìn nó với sự tỉnh thức, bạn sẽ thấy là tờ giấy tiếp tục ở những hình thái khác. Một hình thức là khói. Khói từ tờ giấy sẽ bốc lên cao, nhập vào với đám mây có sẵn ở trên đó. Tờ giấy nay trở thành mây, và ta có thể vẫy tay tạm biệt nó. Tạm biệt giấy, sẽ gặp lại gần đây. Ngày mai hoặc tháng sau sẽ có mưa và hạt mưa có thể sẽ rớt xuống đầu bạn. Giọt nước đó là tờ giấy của bạn.
Hình thức khác mà tờ giấy hiện ra là tro. Bạn có thể đổ tro xuống đất. Khi trở lại đất, đất là một tiếp nối của tờ giấy. Có thể năm sau, bạn sẽ nhìn thấy sự tiếp nối của tờ giấy nơi một đóa hoa nhỏ xíu hay một cọng cỏ. Đó là kiếp sau của tờ giấy.
Trong khi cháy, tờ giấy cũng biến thành nhiệt lượng. Cái nóng đó ngấm vào cơ thể bạn, dù cho bạn không ở gần ngọn lửa lắm. Bây giờ bạn mang tờ giấy trong người bạn. Sức nóng cũng thấm sâu vào vũ trụ. Nếu bạn là khoa học gia có dụng cụ rất tinh vi, bạn có thể đo được sức nóng đó, ngay cả ở những tinh cầu thật xa xôi. Các tinh tú đó nay là biểu hiện tiếp nối của tờ giấy nhỏ bé kia. Chúng ta không thể biết tờ giấy đi xa tới đâu.
Các nhà khoa học đã từng nói khi chúng ta vỗ tay, tiếng động có thể ảnh hưởng tới một vì sao. Những gì xảy ra cho ta có thể ảnh hưởng tới giải ngân hà xa tắp. Và các giải ngân hà xa xôi đó cũng có ảnh hưởng trên chúng ta. Mỗi thứ đều chịu ảnh hưởng của mọi thứ khác.
Không có gì mất đi
Thiền quán nghĩa là một cuộc hành trình để nhìn sâu, để tiếp xúc được với bản chất của thực tại và hiểu được rằng không có gì mất đi hết. Nhờ đó chúng ta sẽ hết sợ. Không sợ là tặng phẩm lớn nhất của thiền quán. Nhờ đó mà chúng ta sẽ vượt thoát được đau khổ và ưu phiền.
Chỉ có không mới trở thành không. Có không thể trở thành không và không cũng không thể trở thành có. Nếu sự vật đã có đó, nó không cần được sinh ra. Thời điểm nó ra đời chỉ là thời điểm nó tiếp tục. Bạn được coi là một em bé mới sinh và ai cũng nghĩ ngày bạn ra đời là bắt đầu hiện hữu. Nhưng bạn đã hiện hữu tự trước ngày đó rồi.
Chết theo quan niệm của chúng ta là từ có bỗng nhiên trở thành không. Đang là một con người bạn không còn là gì nữa. Đó là một ý tưởng kinh khủng và vô nghĩa lý. Nếu một thứ chưa từng sinh ra thì nó có thể nào chết đi chăng? Bạn có thể nào làm cho tờ giấy biến mất, trở thành hư không thật sự chăng?
Tôi có thể làm chứng là tờ giấy chưa từng được sinh ra, vì sinh nghĩa là từ không trở thành có. Ý tưởng đó không hợp với sự thật. Bản chất chân thật của bạn là vô sinh. Bản chất của tờ giấy cũng là vô sinh. Bạn đã có đó rồi, từ lâu, rất lâu.
Bạn luôn luôn có đó
Khi còn nhỏ bạn có lẽ cũng thích chơi với cái kinh vạn hoa. Mỗi khi động đậy ngón tay là bạn tạo ra được một hình đồ màu sắc kỳ diệu. Chỉ cần động đậy một chút là bạn thấy hình đồ kia thay đổi. Hình mới cũng đẹp nhưng khác hình cũ. Bạn có thể nói các hình đồ trong kính vạn hoa đó sống rồi chết, nhưng là em bé, bạn không hề đau buồn về sự sống chết đó. Trái lại, bạn tiếp tục vui sướng nhìn các hình sắc khác nhau.
Nếu chúng ta có thể tiếp xúc được với bản chất của sinh tử, bạn sẽ không còn sợ hãi. Đó là bản chất của chân hạnh phúc. Khi nào trong bạn còn có cái lo sợ thì hạnh phúc của bạn không được hoàn toàn. Bồ tát Quan Âm đã hiến tặng chúng ta Tâm Kinh. Trong kinh đó chúng ta học được rằng thực tại là chân như, không bị ảnh hưởng bởi sống-chết, tới-lui, có-không hay thêm-bớt, nhơ-sạch. Chúng ta đầy những khái niệm như thế, vì vướng vào các khái niệm như thế nên chúng ta đau khổ. Ta sẽ được giải thoát thật sự khi không vướng mắc vào các khái niệm đó.
Khi bạn tới một trung tâm thiền tập, bạn hy vọng trút bỏ được một số những khổ đau. Bạn hy vọng được nhẹ nhàng hơn. Nhưng sự giải thoát lớn nhất mà bạn có thể đạt tới là tiếp xúc được với bản chất chân thật của bạn, với tính vô sinh bất diệt. Đó là bài học sâu sắc nhất mà Bụt tặng cho chúng ta.
Không sáng tạo
Hãy nhìn đóa hoa hướng dương trong vườn. Bông hoa đó nhờ vào bao nhiêu yếu tố để có thể biểu hiện ra được. Có đám mây trong hoa vì nếu không có mây thì không có mưa, và hoa không mọc được. Có mặt trời trong hoa hướng dương. Chúng ta biết rằng không có ánh nắng thì không cây gì lớn lên được, nên không thể có hoa hướng dương. Chúng ta nhìn đất, nhìn các khoáng chất, nhìn người nông phu, người làm vườn, chúng ta xem xét thời gian, không gian, các ý tưởng, ý muốn phát triển và nhiều yếu tố khác. Hoa hướng dương tùy thuộc vào nhiều điều kiện để có thể biểu hiện, chứ không chỉ cần một thứ.
Tôi thích dùng từ biểu hiện hơn là từ sinh ra. Tôi cũng thích dùng từ biểu hiện đó thay vì dùng từ sáng tạo. Trong trí óc ta, sáng tạo có nghĩa là từ không trở thành một vật gì đó. Người nông phu gieo hạt hướng dương không sáng tạo ra hoa hướng dương. Nếu nhìn cho sâu, bạn sẽ thấy người đó chỉ là một trong các điều kiện làm cho hoa hướng dương hiển lộ. Có hạt hướng dương trong kho, có cánh đồng để trồng cây hướng dương, có mây trên trời để làm ra mưa, có phân bón, có mặt trời giúp cho cây lớn lên. Là nông dân, bạn không phải là người sáng tạo ra cây hướng dương. Bạn chỉ là một trong nhiều điều kiện. Các điều kiện kia cũng vậy. Tất cả đều quan trọng như nhau trong việc làm cây hướng dương biểu hiện ra.
Khi bạn tới Làng Mai vào tháng bảy, bạn sẽ thấy hoa hướng dương trên khắp các ngọn đồi bao quanh làng. Hàng trăm ngàn bông hoa quay về hướng đông, mỉm cười rực rỡ. Nếu bạn tới Làng vào tháng năm hay tháng tư, các ngọn đồi đó còn trống. Nhưng người nông phu đi qua các đồi đó thì họ đã nhìn thấy hoa hướng dương. Họ biết cây hướng dương đã được trồng và mọi điều kiện đều đầy đủ rồi. Họ đã gieo hạt, đã làm đất sẵn sàng. Chỉ còn thiếu một điều kiện là hơi ấm, sẽ tới vào tháng sáu tháng bảy mà thôi.
Bạn không thể nói một sự vật là có đó chỉ vì nó biểu lộ ra. Bạn cũng không thể nói một sự vật là không khi nó chưa biểu lộ hay ngừng sự biểu lộ. Có và không, hiện hữu hay không hiện hữu, không áp dụng được vào thực tại. Nhìn sâu, bạn sẽ thấy thực tại không phải là chuyện có-không, hiện hữu hay không hiện hữu.
Khi Paul Tillich nói: “Thượng đế là nền tảng của mọi hiện hữu,” ta nên hiểu chữ hiện hữu đó không có nghĩa trái ngược với “không hiện hữu.” Xin mời bạn nhìn sâu vào khái niệm hiện hữu để có thể được tự do, không vướng mắc vào đó.
HT Thích Nhất Hạnh