Thời đức Phật còn tại thế, có một bà lão nghèo khổ, ăn xin độ nhật. Bà lão ăn xin vì hoàn cảnh nghèo khó, hằng ngày chỉ biết lo miếng ăn, nên chưa bao giờ gặp được đức Phật. Tuy thế, bà lão vẫn âm thầm ngưỡng mộ, quí kính đức Phật.

Một hôm, có lễ hội cúng dường Phật và chư Tăng, từ hàng Phật tử tại gia giàu sang, quyền thế, cho đến những người có thiện tâm đều nô nức trẩy hội. Ngày hội gần đến, gần xa nô nức kéo về tịnh xá Kỳ Viên.

Lúc nầy, bà lão nghĩ rằng: Một đời mình đói khổ, lại già nua, sắp hết tuổi trời, nếu hội này không gặp Phật thì không bao giờ được gặp Ngài. Nghĩ như thế, bà lão vừa lần hồi xin ăn dọc đường, vừa đến gần Kỳ Viên tịnh xá, nơi đức Phật và chư Tăng đang trú ngụ.

Khi đến gần Kỳ Viên, một cảnh tượng huy hoàng, tráng lệ chưa từng thấy, ngựa xe chen chúc, đủ mọi hạng người nêm cứng những con đường về tinh xá. Dọc trên những con đường đó, hoa kết, đèn treo để cúng dường đức Phật và chư Tăng. Những ngọn đèn sơn son thếp vàng rực rỡ của hạng vua quan đại thần, bên cạnh những ngọn đèn nhỏ hơn của hàng thứ dân dâng cúng. Đủ thứ loại ngọn đèn sáng trưng, màu sắc chói cả mắt người qua lại.

Bà lão tự nghĩ mình chỉ có khả năng cúng dường Phật Pháp Tăng một ngọn đèn nhỏ nhoi, không cầu gì cho riêng mình cả, nhưng tâm nguyện rằng: Ngài là đấng Thế Tôn, là bậc đại từ đại bi, có thể đem Pháp cam lồ giúp chúng sanh thoát khỏi sanh tử luân hồi. Hạnh nguyện cao thượng với bồ đề tâm "vì người không vì mình" của bà lão, được đức Phật chứng tri.

Thế rồi, bà lão dốc hết cả gia tài chỉ được 2 xu, để mua cây đèn nhỏ và dầu thắp. Bà lão hướng về Kỳ Viên tịnh xá, hướng về đức Phật đảnh lễ, mong đức Phật chứng tri cho tấm lòng thanh tịnh và thành kính đã phát nguyện.

Ba ngày đêm trôi qua, những tràng hoa héo rủ, những ngọn đèn lần lượt cạn dầu rồi tắt ngúm. Chỉ riêng ngọn đèn nhỏ của bà lão nghèo ăn xin vẫn còn cháy sáng. Hiện tượng đó thật kỳ lạ, nên mọi nguời truyền nhau đi xem, ai cũng cho rằng đó là điều hy hữu, xưa nay chưa từng thấy. Một thí chủ giàu sang đến thưa hỏi đức Phật: Tại sao ngọn đèn nhỏ, ít dầu kia vẫn còn cháy sáng?

Đức Phật dạy rằng: Vì đó là ngọn đèn của một thí chủ, tuy nghèo khó, nhưng tâm kính trọng Phật Pháp Tăng và hạnh nguyện cao thượng vượt bực mà cúng đèn.

Tâm của bà lão chỉ cầu mong ánh sáng từ bi và trí tuệ soi sáng đến muôn loài. Vì tâm thành hiền lương thanh tịnh cao tột đó, nên ngọn đèn Phật tâm Phật tánh hiển hiện của bà lão vẫn còn sáng mãi không tắt. Những ngọn đèn khác tuy sang trọng hơn, lớn hơn, nhưng do tâm chúng sanh phàm phu ích kỷ, vì tư lợi mà dâng cúng, và lòng tham mong cầu riêng cho bản thân. Tất cả chỉ cháy sáng trong một thời gian ngắn rồi cũng đều lịm tắt.

" Này đệ tử ! Trời đã sáng, hãy ra tắt hết những cây đèn còn đỏ", đức Phật dạy với ngài Mục Kiền Liên như thế.

Tôn giả Mục Kiền Liên làm theo lời Phật. Nhưng đến cây đèn của bà lão hành khất, thì ba lần tôn giả quạt mạnh, nhưng ánh sáng cũng không mất. Lần thứ tư, tôn giả cầm ngay vạt áo cà sa và vận hết thần công diệu lực của mình quạt hắt vào đèn nhưng đèn lại rực sáng hơn trước. Tôn giả Mục Kiền Liên và những người chung quanh đều ngạc nhiên cho đó là một cây đèn kỳ lạ chưa từng thấy.

Ngay lúc ấy, đức Phật vừa đến, Ngài điềm đạm bảo:

" Thôi ! Đệ tử hãy thôi. Dù cho đệ tử có tận dụng cả thần lực của đệ tử cũng không thể nào làm tắt được cây đèn nầy, vì đó là ánh sáng công đức của vị Phật trong tương lai".

Lời dạy ấy của đức Phật đã làm cho nhiều đệ tử của Ngài muốn tìm hiểu ai là người đã cúng dường đèn ấy. Sau một cuộc điều tra kỹ càng, họ biết rõ người cúng dường cây đèn kỳ lạ ấy chính là một bà lão hành khất !

Câu chuyện nầy đến tai vua A Xà Thế. Nhà vua cho vời đại thần Kỳ Bà đến để thuật lại câu chuyện và hỏi:

- Kỳ Bà ! Như khanh đã biết được quả nhân làm rất nhiều công đức và cúng dường rất nhiều đèn nhưng không thấy đức Thế Tôn dạy gì về quả báo của quả nhân. Trái lại, bà lão hành khất chỉ cúng dường có một cây đèn lại được Ngài thọ ký là nghĩa làm sao ?

Đạ i thần Kỳ Bà đứng lên ngần ngại mãi không dám trả lời.

- Kỳ Bà ! Ngươi đừng ngại gì cả, quả nhân muốn tìm hiểu những khuyết điểm chứ không bao giờ dám nghĩ khác về đức Thế Tôn.

Đôi mắt của đại thần Kỳ Bà bỗng sáng lên và khiêm tốn trả lời câu hỏi của nhà vua:

- Tâu đại vương ! Theo những điều mà hạ thần được phỏng văn từ miệng của những người thân cận các thầy Tỳ kheo và cộng thêm sự suy luận của hạ thần thì tuy đại vương cúng dường rất nhiều phẩm vật, song tâm ý không được chí thành cho lắm và có lẽ đại vương không phát đại nguyện; cho nên tuy có công đức mà không làm sao bằng công đức của bà lão hành khất chỉ cúng dường một cây đèn nhưng đó là cả một tấm lòng chí thiết, một dạ chí thành đối với những đấng Giác ngộ và nhất là lời thệ nguyện cao rộng của bà ấy.

Nghe đại thần Kỳ Bà phân tích tỷ mỉ về động cơ của sự cúng dường của mình và của bà lão hành khất, sau một hồi suy nghĩ và xét lại bản tâm, vua A Xà Thế liền cởi mở được tất cả những điều thắc mắc.

"Công đức cúng dường không đánh giá nơi phẩm vật nhiều ít, mà căn cứ nơi sự thành tâm".

Nam Mô A Di Đà Phật!
(Truyện cổ PG)


Ý Nghĩa Chuyện Bà Lão Cúng Đèn Thời Đức Phật

Người tu học đạo phải trải lòng cao thượng rộng lớn, Từ Bi Hỷ Xả, trong khi cúng dường hoa, trái, nhang, đèn, nên phát tâm cầu giác ngộ Chánh Pháp hiện đời cho mình và cho tất cả chúng sanh, đều thành Phật đạo.

Suy Ngẫm:

Có hai loại ngọn đèn:
1. Ngọn đèn trí tuệ: tượng trưng "Phật tâm Phật tánh" sáng suốt của mỗi con người ai cũng có sẵn, bình đẳng, không có biệt trừ. Chỉ có phàm phu mới có tâm phân biệt giai cấp, sang hèn, hơn thua, so đo, nên sanh phiền não.

Ý nghĩa cúng đèn với bản tâm thanh tịnh, mồi ánh sáng trí tuệ từ ngọn đuốc Phật Pháp. Ngoài ra, không cầu xin gì riêng cho cái tôi (bản ngã), không đòi hỏi Chư Phật phải ban cho mình gì cả và cũng không tính toán hơn thua danh lợi. Đó mới là tấm lòng cúng dường Phật Pháp trong sáng thanh tịnh, vì người không vì riêng cá nhân mình, gia đình mình (gọi là cúng dường ba la mật), cho nên tương ưng với tâm của Chư Phật và Chư Bồ tát. Ngọn đèn công đức, đầy đủ từ bi trí tuệ đó cháy mãi với thời gian.

2. Ngọn đèn thế tục: tượng trưng sự giàu có phô trương, mặc dù nhiều dầu, sang trọng, mắc tiền, nhưng có lúc cũng phải cạn và lịm tắt dần. Ví như của cải sang giàu, phước báu, nhưng khi hưởng hết, hoặc cuối cuộc đời rồi cũng phải buông xuôi, mất đi tất cả theo luật vô thường.

Con người thế gian khi cúng đèn với tâm cầu xin hưởng phước, đòi hỏi nhiều việc từ nơi Chư Phật, Chư Bồ tát, cầu mong được giàu sang an nhàn (cúng dường cầu danh lợi) cho riêng bản thân, thì chỉ được phước hữu lậu trong thời gian ngắn ngủi. Đèn thế tục còn lắm phiền não, tham lam và ích kỷ thì không thể cháy sáng lâu dài được. Đó là những phước báo rất ít ỏi khiến cho con người trôi lăn mãi trong luân hồi lục đạo.

Người tu học đạo phải trải lòng cao thượng rộng lớn, Từ Bi Hỷ Xả, trong khi cúng dường hoa, trái, nhang, đèn, nên phát tâm cầu giác ngộ Chánh Pháp hiện đời cho mình và cho tất cả chúng sanh, đều thành Phật đạo. Tu tâm sửa tánh, không khinh người, giúp đời hành thiện, tha thứ bao dung. Đó là hạnh nguyện đúng chánh pháp của người phát tâm tu theo Phật, hành Bồ Tát đạo.

(Theo vanhoaphatgiao)




Có phản hồi đến “Công Đức Cúng Dường Không Do Phẩm Vật Nhiều Hay Ít Mà Tùy Vào Sự Thành Tâm”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com