Bí quyết của quản lý – Ở chỗ nên đem trái tim của chính mình quản lý trước đã. Điều rất trọng yếu là để trong tâm của mình có sự tồn tại của kẻ khác, có lợi ích của đại chúng, có một trái tim từ bi nhu hòa.

Diệu Mục sau khi tốt nghiệp Phật Học Viện ra, bị thường trụ phái tới chùa Tây Lai ở Lạc-sam-cơ (Mỹ) làm tri khách. Một hôm, tôi khoản đãi khách ở Tây Lai Tự, có một chút ý kiến đối với quá trình…, tôi hỏi cô:

- Cô được giáo dục ở đâu?

Cô nói:

- Trước khi con học ở Tùng Lâm Học Viện Phật Quang Sơn, con học ngành Quản lý ở Hương Cảng.

Tôi nghe xong, bảo cô ta:

- Quản lý học mà con đã học ở quá khứ đều là học để quản việc, quản người. Điều đó không đủ, nay con cuối cùng nên cần học tập đem mình ra quản lý, mới là quản lý học tối cao.

Hôm nay chính là lúc mà môn Quản lý học phổ cập khắp nơi, luận về chủng loại thật không kể xiết. Có Xí nghiệp quản lý, Nhân tánh quản lý, Dân chủ quản lý, Phân tầng quản lý cho đến Quản lý tiệm ăn, Quản lý bệnh viện, Quản lý hành chánh, Quản lý thương khố… Nhưng đối với việc quản lý chính mình thế nào, quản lý nội tâm ra sao, thì rất ít khóa trình thiết lập như thế!

Năm 1996, tôi lập ra Học Viện Quản Lý Nam Hoa, cùng các Đại học ở Đài Loan cùng lúc tham gia chiêu sinh liên hợp. Sau khi nghiên cứu, tôi thầm thầm cảm nhận Phật giáo kỳ thực là một môn Quản lý học rộng lớn tinh thâm.

Như một cuốn kinh A-Di-Đà, chính là “Quản lý học” của Phật A-di-đà, ở trong thế giới Tây phương Cực lạc của Ngài, không những hưởng hoàn cảnh tự nhiên ưu mỹ, đền đài lầu các tráng lệ, vui chơi nhàn nhã thanh tịnh, sinh hoạt quần sanh dung hòa, mà chẳng có bị chính trị bức hại, chẳng có sự quấy nhiễu của người ác, không có cảnh kinh tế khốn cùng, không có sự chiếm hữu nam nữ, không có sự cố giao thông, không có ô nhiễm sinh thái, không có chuyện cơm áo phiền người, không có già bệnh làm chướng ngại, không có giới hạn chủng tộc, không có đối địch oan gia. Phật A-di-đà đem cư dân của thế giới Cực lạc quản lý thành “Chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”. Có thể nói Phật A-di-đà là một chuyên gia Quản lý tối cao, vì Ngài có thể cung cấp an toàn cho người, an tâm cho người và an thích cho người.

Một cuốn Phổ Môn Phẩm là Quản lý học rất hay của Bồ-tát Quán Thế Âm. Bồ-tát Quán Thế Âm vì muốn đem chúng sanh trong thế giới của Ngài quản lý cho tốt, do đó trước hết cứu khổ cứu nạn, để chúng sanh được không lo không sợ. Ví dụ như anh có cái ham muốn, Ngài bố thí hỷ xả giúp đỡ anh. Anh có sân giận, Ngài đem từ bi đến giáo hóa anh. Anh ngu si, Ngài dùng trí tuệ đến dẫn dắt anh. Anh nghi ngờ tật đố, Ngài ban lòng tin đến nhiếp thọ anh. Người cầu sanh con trai, Ngài giúp cho sanh con trai phước đức trí tuệ. Người cầu sanh con gái, Ngài có thể giúp được con gái đoan chánh đẹp đẽ. Nếu như anh là quân nhân, Ngài nói về pháp quân nhân cho anh. Nếu anh là nhân sĩ công thương, Ngài giảng quản lý công thương với anh. Ngay dù anh là đồng nam hay đồng nữ, Ngài cũng biết đem giáo dục đồng nam đồng nữ bố thí cho anh… Vì Bồ-tát Quán Thế Âm khéo tùy loài ứng hóa, xem căn cơ mà thuyết pháp, do đó Ngài đi thẳng vào trong tâm từng người, mà người tin Ngài cũng đem chỗ đẹp nhất trong gia đình mình để dâng lên Ngài, với lòng vui vẻ chân thành kính phục mà tiếp nhận tín ngưỡng và lãnh đạo của Ngài.

Do đây mà xét, chúng ta có thể biết được, các loại Quản lý học của Phật A-di-đà và Bồ-tát Quán Thế Âm, đúng là hợp với Quản lý chính mình, Quản lý tự tánh, Quản lý tự giác, Quản lý tự tri.

Do Phật A-di-đà và Bồ-tát Quán Thế Âm cấp cho chúng ta cách thức quản lý cho nên Phật giáo được phát triển cách quản lý của các loại tông phái, cách quản lý của tòng lâm tự viện, cách quản lý của giới luật Tăng đoàn, cách quản lý của Tổ sư đại đức… có thể nói là nội dung rất nhiều, thật là tốt đẹp, thậm chí việc “quản lý chính mình”… Vì thế, Phật giáo đối với xã hội ngày nay đều có cống hiến rất lớn.

Ba mươi năm trước, lúc tôi thăm viếng Nhật Bản thấy đoàn thể xí nghiệp công thương của Nhật Bản, từng đội từng đội, từng đoàn từng đoàn, đều đến các đại Tự viện tập họp thụ huấn, nghe gọi là “huấn luyện trước khi nhận chức”, là vì công ty hàng hiệu muốn giáo dục công nhân có tư tưởng và tập quán sinh hoạt tốt đẹp. Do đó trước khi chính thức công tác, y1đưa đến tự viện để tiếp nhận huấn luyện “Quản lý của Phật giáo”. Đương thời trong tự viện của Nhật Bản, Pháp sư xuất gia phụ trách hành chánh đều dùng phương thức “Quản lý làm người”, “Quản lý công tác” dốc túi truyền trao. Lúc ấy tôi nhận ra phương diện quản lý tại xã hội, Phật giáo nên đưa ra một ít cống hiến.

Trên thế gian, quản lý vật phẩm tương đối dễ dàng, vì vật phẩm chẳng biết nêu ý kiến, cũng không biết chống đối kháng cự anh. Anh xếp đặt thế nào, nó phát huy công dụng thế ấy. Nói đến quản lý sự tình, sự tình lại cũng quản lý được rất tốt, vì sự tình có nguyên tắc nhất định. Nếu như có thể đem sự nặng nhẹ, hoãn gấp của sự tình nắm bắt thỏa đáng, sự tốt xấu, được mất của sự tình cân nhắc rõ ràng thì quản lý cũng chẳng khó.

Quản lý khó nhất là người, vì tính người là cái riêng tư. Người có rất nhiều phiền não, rất nhiều ý kiến, điều trọng yếu nhất là đối diện với tư tưởng bất đồng, thói quen bất đồng, cách nhìn bất đồng, học lực bất đồng, tư cách bất đồng, nơi chốn bất đồng, tuổi tác bất đồng… Làm sao ở trong sai biệt nhiều như thế mà thống nhiếp họ lại được, trên sự thực rất khó khăn.

Người, rất khó quản lý; kỳ thật, cái khó quản lý hơn chính là cặp mắt của chính mình. Anh muốn quản lý nó không phải lễ thì chớ nhìn, có lúc nó vẫn chẳng nghe lời. Hai lỗ tai, anh muốn quản lý nó phi lễ thì chớ nghe, nó vẫn ưa nghe trộm điều riêng tư của người khác. Một cái miệng, anh muốn quản lý nó không được nói bậy, nó khăng khăng họa tùng khẩu xuất, gây bao phiền phức. Một cái tay, anh muốn quản lý nó, chẳng phải vật của mình thì không được lấy, nhưng người ham thích một ít tiện nghi đều chẳng kể đến hậu quả… Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân đều chẳng thể nghe theo mệnh lệnh của chính mình, lại làm sao quản lý người khác, quản lý sự tình nào khác ư?

Kỳ thực, quản lý mắt, tai, mũi, lưỡi, thân là cái có hình có tướng, tính ra lại quản lý tốt, nếu như quản lý nội tâm của chính mình, đây là khó lại càng khó hơn. Trong tâm có vô minh riêng của mình, phiền não tà kiến, như kiêu mạn, tật đố, phẫn hận, chấp trước… như sóng mòi đánh vỗ không dừng. Nếu như chính mình thiếu sót đại nguyện, đại lực, đại trí, đại bi thì làm sao có thể quản lý được nội tâm của chính mình?

Phiền não chiếm ngự trong tâm tuy khó quản lý, ngay một niệm tình chấp trong tâm cũng chẳng dễ quản lý, có người bỏ thân để thành tựu nhân, liều chết để thủ nghĩa. Có thể nói là đem tâm ý tình chấp của chính mình phát huy đến cực điểm. Có người yêu nước yêu dân, yêu nhà, yêu người, dù cho thế nào cũng chấp chặt chẳng bỏ, cũng lại có thể được xã hội tiếp nhận. Nhưng, lại có một số người, tâm họ giống như khỉ cứng đầu, ngựa trở chứng xâm phạm lúa mạ của người. Rốt cuộc, chính mình bị hại rất sâu.

Một cá nhân định đem chính mình quản lý cho tốt, thì phải quản lý sự tình hiện tại thật nhiều. Ví dụ như tư tưởng của mình muốn quản lý tốt, tâm niệm của mình muốn quản lý tốt, oai nghi của mình muốn quản lý tốt, lời nói của mình muốn quản lý tốt; bất cứ chỗ nào quản lý chẳng tốt, đều đem đến cho chúng ta ít nhiều tai ương, vô nghĩa.

Bình thường có người khen ngợi tôi, bảo tôi đồ chúng môn hạ đông, tự viện nhiều chẳng biết làm sao quản lý? Kỳ thực tôi biết chính mình chẳng có phép tắc “quản lý”ù gì. Giống như tôi quản lý tự viện, cửa nẻo chẳng đóng, như Đại Hùng Bảo Điện, Đại Bi Điện, Hội Nghị Thất, Khách Đường, Giáo Thất… đều mở toang cả ngày để đại chúng tùy lúc đều có thể đến chiêm ngưỡng, sử dụng. Tôi quản lý vật chất, chẳng thích xây nhà kho, tôi biết vật phẩm là làm ra để cấp cho mọi người dùng, tốt nhất có thể dùng cho hết, đồ vật một khi chất vào kho, không có người xem đến, thường thường bỏ quên nhiều năm, đợi đến lúc muốn dùng đã lên meo lên mốc, không đáng tiếc sao!

Tôi quản lý tiền, cũng chẳng thích cất chỗ bí mật. Ba mươi năm trước khi ở chùa Thọ Sơn, tôi đem tiền để nơi cố định, để học sinh đồ chúng ai cần bao nhiêu thì lấy, tôi nhận ra đây mới là đạo công bình. Tôi quản lý “người” đề xướng pháp trị, nhân trị cho đến lấy vô vi mà trị. Tôi biết được quản lý tốt nhất, kỳ thực là quản lý nội tâm của chính mình. Tâm trị thì thân trị, thân trị thì tất cả đều trị.

Có một đoạn nói líu lưỡi của dân gian: “Có một miếu Thành Hoàng, bên Đông có một Quản phán quan ngồi, bên Tây có Phan phán quan ngồi. Phan phán quan bên Tây muốn quản Quản phán quan bên Đông, Quản phán quan bên Đông muốn quản Phan phán quan bên Tây, rốt cuộc là cần Quản phán quan bên Đông đến quản Phan phán quan bên Tây, lại là Phan phán quan bên Tây đến quản Quản phán quan bên Đông”. Đó là phán quan mà kia đây cũng chẳng phục nhau, anh muốn quản tôi, tôi muốn quản anh, hỗ tương chẳng trọng nể nhau, khăng khăng chẳng bỏ, bèn rất khó làm cụ Thành Hoàng.

Có thể thấy, hễ có cách định quản lý đối phương, bèn có sự phân biệt đối lập, ngược lại càng khó quản lý.

Trong thiền môn có một chuyện rất thú vị, có thể cùng câu chuyện líu lo trên kia đối nhau. Có một tín đồ đến tự viện tìm Trụ trì giảng pháp. Trụ trì gọi một vị sư già bên cạnh nói:

- Ông mau pha trà!

Không bao lâu, Trụ trì lại gọi ông ta:

- Ông mau đi dọn một mâm trái cây!

Cùng tín đồ giảng xong, Trụ trì lại kêu vị sư già, nói:

- Ông tiếp khách chơi nhen! Tôi có việc phải đi trước!

Trụ trì đi rồi, tín đồ rất lạ lùng hỏi thiền sư già:

- Vị trụ trì này là gì của Thầy?

Thiền sư già đáp:

- Là đồ đệ của tôi!

Tín đồ rất bất mãn, nói:

- Đã là đồ đệ của Thầy, tại sao có thể sai Thầy rót nước?

Lão thiền sư đáp:

- Ông ta chỉ kêu tôi rót nước, đâu có kêu tôi đun trà, đun trà mới khó chứ.

- Ông ta lại kêu Thầy dọn trái cây!

- Ông ta rất từ bi đó! Chỉ có kêu tôi dọn trái cây, chẳng có kêu tôi trồng trái cây, trồng trái cây khó hơn.

- Ông ta tự mình đi trước, lại gọi Thầy đến tiếp tôi!

- Ông ta tuổi trẻ, hữu dụng hơn. Tôi già rồi do đó làm một chút việc lặt vặt.

Kỳ thực, trong tự viện này Lão thiền sư mới đúng là người hiểu được “Quản lý tam-muội”. Do Sư có thể nhìn toàn đại cuộc, buông bỏ thân mình, thấu suốt nhân duyên quan hệ giữa con người, nhân đây để toàn thể tự viện được hòa hợp không tranh giành.

Có xét “Nhân hòa vi quý” nên tôi một mực chủ trương “Tập thể sáng tác”, tôi biết được phương thức quản lý tối thượng thừa, phải là nhường cho mọi người tự động tự phát, khẳng định vai trò diễn xuất của đây kia, hỗ tương hợp tác, cùng chung phấn phát đột phá. Tôi cũng ra sức đề xướng tinh thần “Đồng thể cộng sinh”, tôi biết được nguyên lý quản lý cao minh nhất là phải nên để cả đoàn thể có thể sản sinh ý thức chung đầy đủ, trên dưới một lòng. Tuy nhiên, một tay tôi sáng lập Phật Quang Sơn, nhưng tôi đều triệu tập hội nghị để thay thế mình đưa ra mệnh lệnh. Dù tôi là Sư ông, Sư phụ của bao nhiêu người, nhưng tôi thà nguyện để mọi người bàn bạc nghiên cứu, cũng chẳng chịu phủ quyết cắt đứt ý kiến của người khác. Đương nhiên, trong đó cũng từng gặp rất nhiều quấy nhiễu không cần thiết. Ví dụ như một số thì muốn mau chóng thực hành nghị án, nhưng vì sự bảo thủ của người chủ sự mà trễ mất thời cơ, đến nỗi về sau phải nỗ lực và tiền bạc gấp bội. Nhưng vì tôn trọng cách nhìn của người khác cũng có sự tất yếu của nó. Cho nên tôi bằng lòng gánh mọi hậu quả.

Ba mươi năm nay, vì để điều đình ý kiến của các đơn vị, vì để điều hòa cách nhìn bất đồng của các vị chủ quản, đều có mở hội nghị bất hoàn (chẳng hoàn hảo). Nhưng nghĩ đến có thể cấp cho người ít nhiều lợi ích, cho người bao nhiêu phương tiện, cho người ít nhiều học tập thì tất cả cay đắng biến thành không có.

Quá khứ từng nghe qua chuyện của một bà nội trợ, khiến tôi cảm niệm rất nhiều.

Có một bà mẹ đã qua bảy mươi tuổi. Người nhà bí mật bàn với nhau chúc thọ bà thế nào. Nghĩ cả nửa ngày mà chẳng biết bà thích cái gì nhất. Cuối cùng một chú bé nói:

- Tôi biết, mẹ thích nhất là ăn cơm thừa mỗi bữa của chúng ta.

Mọi người ngẫm nghĩ thì thật đúng như thế. Rồi đến một ngày, con cái đem thức ăn thừa trong tủ lạnh thanh lọc lại rồi nấu một nồi, nói:

- Mẹ ơi! Hôm nay là ngày sinh nhật của mẹ, chúng con nấu thức ăn thừa mà mẹ thích nhất để dâng mẹ.

Người mẹ này nghe xong, vừa khóc vừa nói:

- Đúng rồi, ta rất thích thức ăn thừa, mấy mươi năm nay món mà các con không thích, ta đều thầm thầm vui vẻ chịu đựng.

Từ xưa đến nay, đàn ông phần nhiều gọi vợ mình là nội nhân, chuyết hình, thậm chí là tiện nội…, kỳ thực vợ hiền mẹ tốt mới là người chủ đạo mặt trong của gia đình, là nhân vật hạch tâm cả trong lẫn ngoài. Tôi đem cách quản lý là nhận hy sinh, chịu cống hiến, không so đo, không sợ khổ này gọi là “Triết học thức ăn thừa” để dạy dỗ đồ chúng. Nếu xem cổ kim trong ngoài, các bậc danh tướng lương thần khéo việc quản lý không phải là đều nhân vì có loại mỹ đức quan tâm, gánh vác, do đó có thể đủ sức thắng địch đó sao? Như Ngô Khởi lãnh quân, chẳng những cùng binh sĩ ngủ chung giường, ăn chung bàn mà lại hỏi han ấm lạnh, hút máu mủ, do đó quan binh đều chịu ông, vì ông ta nhảy vào dầu sôi lửa bỏng không hề từ nan. Lý Quảng dẫn binh, lúc đói khát phát hiện suối nước, không đợi sĩ tốt uống hết, ắt không đến gần nước, không đợi sĩ tốt ăn hết, ắt chẳng nuốt cơm. Do đó, mọi người đều yêu thích ông ta, góp sức liều mình, vào sanh ra tử.

Nhân đây, chỗ nói quản lý không nhất định là ngồi tuốt trên cao, ra lệnh phát hiệu mà nên thâm nhập quần chúng, đem tinh thần đoàn đội ra dẫn dắt.

Hơn ba mươi năm trước, tôi mới xây Học Viện Phật Giáo, ngay việc ban đất, tôi cũng đích thân thuyết minh ý nghĩa, và dẫn đầu trước tiên, khuân ngói gánh nước. Hôm nay sau ba mươi năm, định số đồ chúng giúp tôi làm việc cả muôn ngàn, nhưng tôi chẳng những chưa hề dùng miệng ra lệnh cho người làm, mà thường chủ động vì đồ chúng giải quyết vấn đề. Thường nghe nói đồ chúng nọ ở phía Bắc bận rộn, tôi bèn vì họ chủ trì hội nghị ở phía Nam. Thường thường biết đồ chúng kia ngay tại chủ trì hội báo, nhất thời không cách kết thúc, tôi bèn vì họ dạy thế giáo thư. Tôi biết được: Quản lý tốt nhất, là chính mình trước hết cùng đối phương thiết lập quan niệm “sống chết có nhau”, mới có thể phát huy lực lượng toàn thể lớn nhất.

Có một số người quản lý, khéo dùng mưu lược tạo mâu thuẫn giữa mình người. Nhưng một khi bị người lột trần, không dễ được thuộc hạ tôn trọng. Có một số người làm quản lý, thích dùng kế sách để thăm dò sự trung thành của người khác. Nhưng một khi bị người biết rõ, thì không thể được đối phương tin phục. Chỗ nói “Nghi người thì đừng dùng, dùng người thì đừng nghi”. Phương thức quản lý tốt nhất là đem lòng mình để đo lường tình người, dùng trao quyền thay thế can thiệp. Như tiên sinh Cung Bằng Trình với tôi chẳng hề quen biết, chỉ nhân nghe nói về tài hoa của ông, lập tức đang ở trong toa xe chạy vùn vụt trên đường cao tốc, trước hết dùng điện thoại mời ông giữ chức Hiệu trưởng. Ông ta ngạc nhiên một trận, nghe nói tôi muốn xây dựng một Đại học Tinh Trí thuộc toàn dân, liền bằng lòng. Từ đây nhiều năm sau, công việc nhà trường tôi chưa hề nhúng tay can thiệp. Nam Hoa, từ khi ông lãnh đạo, ngày càng tiếng tăm. Trước mắt, tiên sinh Trần Thần làm Hiệu trưởng Đại Học Tây Lai, quá khứ là Hiệu trưởng trường Sư phạm Hoa Liên, sau khi giao phó việc trường cho ông rồi, cũng rất ít hỏi qua, việc trường Đại Học Tây Lai dưới sự phát triển của ông, cũng càng ngày càng vươn lên vùn vụt.

Trên thế gian, có một số cha mẹ bảo con cái:

- Con xem! Con nhà họ Trương sát vách hay quá, thành tích tốt như thế, đâu giống như con!

Kết quả, đứa con bị nói không chỗ nào được, chỉ có tự sa ngã. Trên xã hội, một số vị chủ quản cứ trách móc thuộc hạ không bằng người khác. Người nói cố nhiên là “Tiếc rằng chưa thành tài”, nhưng không nghĩ đến lối suy nghĩ của người nghe thế nào, căn khí thế nào thì cũng uổng phí tâm cơ. Mỗi cá nhân tư cách bất nhất, mỗi người có diệu dụng, chỉ cần ông khéo lãnh đạo, thì quân lính bại trận cũng có thể thành kiện tướng dũng sĩ. Điều trọng yếu nhất chính là ông có thể nhìn ra chỗ sở trường, ưu điểm của họ hay không, để ban lời khích lệ thích đáng? Ông có khả năng nhìn ra mấu chốt sai lầm của họ để hướng dẫn cho đích xác. Nhất là ông có khả năng không làm tổn hoại sự tôn nghiêm của họ hay không, để cho cuộc đời họ được đến chỗ trưởng thành? Như thiền sư Bàn Khuê dùng tâm yêu thương từ bi làm cảm động kẻ quen thói ăn cắp không đổi tánh xấu. Thiền sư Tiên Nhai dùng cách chẳng nói rõ để dạy Sa-di ngang ngược quấy rối. Có thể xem Cao tăng Đại đức nhiều đời quản lý tòng lâm mười phương có trí tuệ khéo léo tiếp dẫn các loại Tăng chúng.

Quá khứ từng có cậu bé chẳng biết viết một chữ được đưa đến Phật Quang Sơn, mọi người đều bực mình sự ngu độn của chú, tôi dùng phương thức chơi đùa để dạy chú, từ từ cuối cùng chú khai mở trí tuệ. Lúc Đại Hùng Bảo Điện mới lạc thành, mặt trong đường dây điện của 14800 cái đèn nhỏ đều do một mình chú ta bao biện. Lại, có một cô gái đương xuân Ma-đăng-già, mỗi lần đến núi đều đánh phấn trang điểm lộng lẫy. Lúc ấy, không biết bao nhiêu người phản đối tôi nhận cô ta làm đệ tử xuất gia. Nhưng sau cô ta ở cửa Phật hun đúc, chẳng những siêng năng gắng sức mà lại làm hết bổn phận, được mọi người khen ngợi. Do đó, nói đến quản lý, kỳ thật là ở chỗ khảo nghiệm tâm mình có bao nhiêu từ bi, trí tuệ.

Lúc tín đồ cùng tôi nói chuyện, thường lạ lùng nói:

- Thầy nói trúng tâm sự con rồi!

Đây là vì từ hơn bốn mươi năm qua tôi hoằng pháp cho đến giờ thường ở trước thính chúng tín đồ tìm hiểu xem họ làm nghề gì, ôm tâm trạng gì, ta cần giảng gì cho họ, để họ hoan hỷ, để họ cảm động, do ta có thể dụng tâm vì người mà nghĩ đến. Do đó về sau lúc quản lý người đông, tôi mới có thể ứng phó ung dung.

Lúc tôi tiếp tục mở Học Viện Quản Lý Nam Hoa, từng sửa đổi thiết kế nơi chốn của một tòa lầu. Việc xong, có nhiều người nói sửa thật là hay. Họ hỏi tôi có biết xem phong thủy địa lý hay không? Kỳ thật tâm thì có tâm lý, người thì có lý của người, tình thì có lý của tình, vật thì có vật lý, địa thì đương nhiên cũng có địa lý. Quá khứ lúc tôi học ở Phật Học Viện, mỗi lần lên Phật điện, tôi biết cần mau mau đến vị trí nào, vì tôi thích đánh pháp khí, dù cho không có khai bảng của tôi, tôi vẫn nghĩ có cơ hội bổ sung. Mỗi lần đến trai đường, tôi cũng biết nên ngồi chỗ nào, vì tôi ăn nhiều, muốn tìm một nơi mà hành đường dễ thấy, sẽ châm thêm thức ăn cho tôi. Mỗi lần đến giáo thất, tôi cũng biết nên đến vị trí nào, vì quá khứ tự viện không có tiền đốt đèn dầu, chỉ có chính mình mau mắn chọn chỗ ánh sáng tốt nhất. Mỗi lần cùng Sư trưởng nói chuyện, tôi cũng biết nên đến đứng ở đâu, vì tôi muốn khiến họ để ý, có thể cho tôi cơ hội học tập được nhiều. Về sau, hễ sắp đặt hình thức đội ngũ, kiến trúc xa gần, cao thấp, sự tình trình tự mau chậm… Tôi đều có thể nắm bắt chuẩn xác. Đây là vì tôi có thể dụng tâm đem “không gian” của mình quản lý được đích đáng.

Tôi thường đến trước một khắc để đón tiếp khách muốn đến tại cổng, để đối phương kinh ngạc vui mừng không thôi. Có người hỏi tôi có thần thông không? Kỳ thực, là vì từ nhỏ tôi đã huấn luyện chính mình cần có quan niệm thời gian. Như thế nào là năm phút, thế nào là mười phút, từ chỗ này đến chỗ nọ cần bao nhiêu thời khắc, làm một việc gì tốn bao nhiêu thời gian, trong tâm tôi đều rõ ràng phân minh, do đó tất cả sự vật đương nhiên cũng đủ có thể quản lý đúng mức.

Mồng một Tết mỗi năm, tôi có thể ước lượng được năm nay mùa Xuân đại khái có bao nhiêu người lên núi. Tại chỗ kia, đợi trên một, hai ngày, tôi cũng có thể biết ở đó hương đèn nhiều ít. Đồ chúng lấy làm kinh lạ, kỳ thật tôi không có mảy may công năng đặc dị, chỉ là vì tôi có tâm lưu ý lưu lượng xe lớn nhỏ, tôi chịu chủ động hiểu rõ nhân văn kinh tế mỗi địa phương. Do tâm tôi có khái niệm số chữ, do đó lúc quản lý tự viện, bất kể hành chánh, tài vụ, công trình, tổng vụ… đương nhiên đủ có thể dự tính việc mà lập, mọi mặt đều đến nơi đến chốn.

Do đó, diệu quyết quản lý, ở chỗ đem một trái tim của mình trước tiên quản lý tốt, để trong tâm mình có quan niệm thời gian, có tầng lớp không gian, có thống kê chữ số, có nguyên tắc làm việc. Điều trọng yếu nhất là để cho trong tâm có sự tồn tại của người khác, có lợi ích của đại chúng, đủ có thể đem tâm chính mình quản lý được từ bi nhu hòa, đem tâm của chính mình quản lý được ta người nhất như, mới tính tu học phần Quản lý học tối cao được hoàn mãn.

HT Tinh Vân




Có phản hồi đến “2. Quản Lý Học Tối Cao”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com