Năm 1954, tôi được 27 tuổi, lúc mới soạn viết Truyện Ký Phật Đà, đọc đến đoạn: “Người có thể nhẫn nhục đáng gọi là bậc đại nhân hữu lực. Nếu người không thể vui chịu hủy báng, chê bai, mắng chửi như uống nước cam lồ thì không thể gọi là người trí tuệ vào đạo”, trong lòng tôi cảm xúc sâu xa. Tôi nhìn lại những năm tháng lưu ly điên đảo, tự xét nếu không nương vào nhẫn nhục làm thuyền bè, làm sao có thể vượt qua thời gian liên miên khổ nạn? Tôi lại mở to mắt nhìn xã hội nhiều biến động phức tạp ở vị lai, sự sinh hoạt nhân ngã, đúng sai, tự biết mình cần nhẫn nhục cả trăm thứ này mới đủ để ứng phó muôn nạn.

Từ đây, tôi giờ giờ phút phút dùng nhẫn nhục làm tiêu chuẩn đẹp để xử sự với người. Hôm nay, đã sau nhiều năm, nhìn lại việc cũ, tôi thầm thầm cảm nhận: Nhẫn nhục thật là lực lượng mạnh mẽ nhất của thế giới.

Nhẫn nhục không phải là khiếp đảm

Tôi xuất thân từ Tô Bắc nghèo nàn, năm 12 tuổi xuất gia. Cảnh bần hàn thích hợp cho mình gắng chí. Tánh khắc khổ chịu nhọc của tôi đều được hun đúc từ lúc này.

Năm 30 tuổi tôi dời về Đài Loan. Trong lúc loạn lạc, vô ý đánh mất hành lý, không còn gì trong thân, chùa chiền lúc ấy lại không nhận người ngoài tỉnh đến. Tôi chỉ đành phiêu bạt khắp nơi, nuốt gió nằm sương qua ngày.

Nhớ lại đã từng đi trong mưa gió bão bùng, té xuống rãnh nước bị cuốn trôi cả đỗi, cũng đã từng đi dưới trời nắng cháy, mồ hôi ướt đẫm lưng, da đầu nổi nhọt. Cuối cùng lận đận từ Đài Nam đến Đài Trung, nhờ ơn tiên sinh Lâm Cẩm Đông ở chùa Bảo Giác đã cho tôi tá túc ít ngày.

Về sau tôi lại dần dà đến chùa Lôi Âm ở Nghi Lan hoằng pháp hơn mười năm. Thời gian đó kinh tế của tôi rất quẫn bách. Nhiều người muốn nhận làm mẹ con, anh em, quyến thuộc với tôi, thậm chí có người còn mong tôi kế thừa gia nghiệp, tài sản nhưng tôi hoàn toàn nghiêm trang cự tuyệt. Trong khi đó, tôi lại được tin có những đồng đạo, vì sinh hoạt khó khăn đã ùn ùn tìm cách kiếm đường thoát ra.

Nếu như tôi lúc đó không thể nhịn đói, chịu nghèo, há không phải cũng bị lưu chuyển theo đời hay sao? Lại làm sao có thể gánh vác việc phát triển hoằng pháp lợi sanh ngày sau? Do đó, nhẫn nhục không phải là khiếp đảm, mà là lúc đối diện với sự sống còn, vinh nhục, khen chê lại có thể đủ sức phát dũng khí vô bờ giữ vững lý tưởng của mình.

Tôi còn nhớ mười năm tham học ở tùng lâm, để phục vụ đại chúng, ngoài giờ lao động bình thường, tôi tự nguyện làm điển tọa nấu cơm sáu năm, gánh nước nấu trà một năm rưỡi. Lúc mới đến Đài Loan, để đáp ơn tự viện đã cho ở, ngoài lúc lên lớp ra, tôi phát tâm làm mọi việc khổ dịch, mỗi ngày xách sáu trăm thùng nước giếng, quét sạch lá rụng mấy giờ liền, cả ở ngòi nước, cầu tiêu. Mỗi ngày lại kéo xe hơn mười dặm đến chợ, mua dầu, mua củi, gạo cho hơn tám mươi chúng. Tuy tôi không rành ngôn ngữ ở đó, nhưng nhờ công tác siêng năng mau lẹ, nên được cảm tình của đại chúng. Nhưng có ai biết đâu, tôi thường vì sức khỏe kém mà bị nôn oẹ hoài, luôn luôn sau cơn trời xoay đất chuyển, tôi lại lặng lẽ nghiến chặt răng, tiếp tục việc làm dang dở.

Về sau, khi dùng văn tự Bát-nhã ra hoằng dương Phật pháp, tôi bắt đầu rút hết ruột gan, viết lách suốt đêm. Năm 1953, tôi hòa nhập vào xã hội, thuyết pháp độ sanh. Để chuẩn bị lời lẽ, tôi đã phí bao tâm sức hết năm này qua năm khác, có lúc suốt đêm chẳng ngủ. Lúc mới xây dựng Phật Quang Sơn, tôi lại phải chiến đấu ngày đêm với sơn băng, hồng thủy.

Gần mười năm trời, tôi như ngựa không dừng vó, giảng kinh độ chúng khắp trong và ngoài nước, cất chùa, an Tăng, hằng năm thi đua từng giây từng phút với thời gian có hạn. Mấy mươi năm qua, không lúc nào không trong nhẫn nhục bận rộn, nhẫn nhục bôn ba, nhẫn nhục lao nhọc, nhẫn nhục mỏi mệt mà vượt qua. Nhưng tôi không cho là cay đắng, bởi vì nhẫn nhục là muốn tích cực khai mở nhân sinh, sáng tạo tiến trình to lớn và xa xôi của Phật giáo.

Nhẫn nhục là gánh vác

“Anh hùng chỉ sợ bịnh đến mài!”

Tôi đem thân mình làm chứng, nhưng cũng có mấy phen kinh nghiệm đau ốm khiến tôi khổ không thể tả. Lúc tham học tùng lâm mười năm trời, tôi từng bị nổi nhọt, sốt rét. Tuy khổ sở khó chịu chết đi được, tôi vẫn chưa hề tìm thầy trị bịnh, vì chính đã đem “sắc thân quay về thường trụ, tánh mạng giao phó long thiên”, chỉ biết dùng niềm tin và thời gian trị liệu. Chẳng biết là nhờ chư Phật Bồ-tát gia bị hay do sức nhẫn nhục đem đến, mà tôi đều lành bịnh không cần thuốc men.

Ngoài ra, cảm mạo, đau răng, đau mắt, đau đầu đều coi như không. Do đó, suốt năm gặp cảm mạo tái phát nặng nề, đau bịnh nghiêm trọng, tôi cũng quen nhẫn chịu tiếp tục hoằng pháp, viết lách, thường thường đến khi công tác hoàn thành thì tôi cũng phát giác ra mình đã lành bịnh tự bao giờ.

Mấy năm gần đây, tinh lực của tôi không còn như trước. Bịnh tiểu đường, huyết áp cao, đau mắt, đau đùi theo nhau đến, tứ chi, ngũ căn cũng ngày càng suy yếu, thoái hóa, cũng may mà đầu óc vẫn trong sáng như thường, nên vẫn vân du mọi nơi, hoằng pháp lợi sanh không dứt. Kinh nghiệm của nhiều năm qua khiến tôi thầm cảm nhận bịnh khổ của xác thân chưa phải là thật khổ. Chỉ cần chúng ta chịu nhẫn nhục thì tự nhiên có đủ sức gánh vác tất cả bịnh khổ. Nếu ngay lúc bịnh không biết mình bịnh, lúc khổ không thấy mình khổ, thì tự biết lực lượng nhẫn nhục có thể ứng phó được tất cả.

Nhẫn nhục thành tựu đại khí

Thời trước, sự giáo dục tùng lâm ở Đại lục rất có truyền thống. Lúc lắng nghe bậc trưởng lão khai thị, phải chắp tay, nếu được chỉ dạy đến mấy tiếng đồng hồ, thì lúc buông tay ra, cánh tay đã cứng đờ không nhúc nhích nổi. Thời kỳ huấn luyện nghiêm khắc nhất phải kể là lúc thọ giới, chúng tôi phải quỳ trên lớp đá lởm chởm năm sáu tiếng đồng hồ. Lúc đứng lên, đá đã găm sâu vào thịt, hai chân đau buốt. Thầy kiểm soát tay cầm cành dương, như bóng theo hình sát sau lưng chúng tôi, có động tác nào không đúng tiêu chuẩn là ăn đòn liền, thử hỏi người học ngày nay có thể chịu nổi lối giáo dục nghiêm khắc như thế không? Lúc bình thường cũng bị đánh chửi, gậy hét hoài nhưng chưa hề nghe ai oán trách kêu than.

Còn nhớ, có lần tôi thưa với vị gia sư rằng có vị giáo sư ở học viện thúc giục tôi đi học trường Giáo Dục Quốc Lập. Gia sư nghe xong mắng:

- Đồ hỗn xược! Sao lại đi học ngoài đời?

Và tát cho tôi hai bạt tai tóe lửa. Sau đó, khi nghĩ đến việc học trường ngoài, hiện nay có rất nhiều thanh niên cống cao ngã mạn, hiếu động phản kháng, thật khiến cho tôi nặng lòng. Bọn họ làm sao ở thời đại lớn có thể đối mặt với mọi khiêu chiến được? Muốn thành bậc đại khí, trong sự sinh hoạt trước tiên cần phải học nhẫn nhục: “Muốn thành bậc long tượng trong cửa Phật, trước hãy làm trâu ngựa cho chúng sanh”. Đối với nghịch cảnh, trước nhịn ở miệng, đó là hạ nhẫn; rồi nhịn ở mặt, đó là trung nhẫn, nếu như có thể gặp việc gì cũng không động tâm, đó mới là thượng nhẫn.

Nhẫn nhục Không phải là rụt rè

Lúc mới vào Phật Học Viện, tôi đã không rành chữ Phạn, lại không thông hiểu kinh văn, do đó thường chịu sự kỳ thị của bạn đồng học. Thậm chí thầy dạy cũng nghĩ là tôi không thể học nổi. Thường thường lúc xếp bảng làm Phật sự thấy có tên, mà đến lúc làm bị bôi mất. Làm văn bị thầy giáo phê bình chẳng chỗ nào đúng, nếu may có làm được bài hay thì lại bị nghi ngờ là sao chép của ai. Một vị chức sự thậm chí nói ngay với mọi người nếu tôi làm được thì mặt trời mọc ở phương Tây.

Những oan uổng ủy khúc khác không thể đếm xuể, nhưng tôi luôn biết rằng tất cả việc này đều là lẽ đương nhiên, không cần suy tính gì nữa. Những việc này xảy ra đã lâu, hiện giờ đâu có ai biết!

Lúc vừa đến Đài Loan hoằng pháp, do vì Phật giáo chưa phổ biến, lại thêm tôi là dân ngoài tỉnh, nên thường có người không ưa, cứ chỉ chỉ, điểm điểm, thậm chí còn ngăn trở một vài cơ hội tốt. Cũng có người cố ý quấy nhiễu sự thuyết pháp, họ kéo đông người đến cầm gậy, trừng trợn làm dữ. Đối với sự đối xử khác biệt này, đối với sự quấy nhiễu hiểu lầm này, tôi xưa nay chưa hề oán hận, chỉ một lòng một dạ làm tròn bổn phận người xuất gia. Dùng hành động để chứng minh lòng thành thật của mình, lấy tĩnh lặng để đáp lại loạn động. Do đó nhẫn nhục không phải là co rút rụt rè, mà là dùng tâm bình thường để đối đãi với cảnh bất bình của nhân gian.

Nhẫn nhục Không phải là bất lực

Thể xác bị đói lạnh, gân cốt bị lao khổ, có thể dùng ý chí khắc phục. Những ủy khúc trong lòng, bị người khác hiểu lầm có thể dùng tâm bình thường đối trị. Thông thường điều khó nhẫn nhất là danh dự vô cớ bị thương tổn, bị người cố ý mạt sát. Nhưng trong mấy chục năm qua, những việc này, tôi hoàn toàn đã gặp đủ. Lúc còn ở Đại lục, bên kia bảo tôi là đặc vụ của bên này, muốn giết tôi. Sang đến Đài Loan, bên này lại bảo tôi gián điệp của bên kia, muốn xử bắn tôi.

Thời kỳ mới hoằng pháp, do tôi sáng lập khá nhiều hoạt động Phật giáo mới mà bị xã hội hiểu lầm, đồng môn phê bình, lúc thì bị những tội danh đáng bị chặt đầu, đưa vào chỗ chết. Nhưng tôi chẳng vội vã tranh cãi, chỉ đem hết khả năng làm việc đáng làm.

Lúc trẻ, tôi nhân vì Phật giáo mà nói năng mạnh mẽ, nhiều lần bị các nhân sĩ phê bình là phần tử dị đoan. Về sau, do vì quan viên trong các giới quân, công, thương tìm tôi thưa hỏi về Phật pháp, tôi lại bị nhóm “Tân Văn Môi Thể” gán là thả câu với chính trị. Toàn là những lời đả kích rất tổn thương, nhưng tôi chẳng để ý, chỉ đạm bạc đối xử, lặng thinh mà đáp. Quả nhiên, sự thật phát triển chứng minh lý niệm chính xác của tôi… Thời gian đổi thay cũng lại cho tôi rõ ràng công đạo.

Do đó nhẫn nhục không phải là nhu nhược, bất lực, mà là đối diện với hủy báng chê bai, lại có thể chọn điều thiện để giữ vững, không oán không hối.

Nhẫn nhục vì lợi người

Có người thấy tôi thường vân du hoằng pháp, đi hành khước ở những kinh đô nổi tiếng, những thành phố lớn, vui thích muôn phần. Kỳ thực sự cay đắng cá nhân ít ai biết đến.

Tôi thường chỉ vì một buổi diễn thuyết, phải chạy trên đường cao tốc suốt một đêm. Vì một câu nhận lời, phải bay trên trời hơn mười giờ. Gần mười năm nay, lời mời hoằng pháp không ngớt. Thường thường do hành trình gấp gáp, mồ hôi ướt đẫm y áo mà thay chẳng kịp, đành phải mặc y phục ướt rồi lại khô, khô rồi lại ướt. Độ ấm của bản thân cũng theo hơi lạnh, luồng nóng ở trong nhà, ngoài nhà mà chợt lạnh, chợt nóng.

Chạy một lượt ở hải ngoại, đến thăm năm, sáu nước là việc thường. Có lúc từ nhiệt đới đến hàn đới, có lúc chạy một vòng địa cầu. Thuyền xe vất vả cố nhiên là cực khổ; phải thích ứng với thời gian sai biệt, khí hậu, phong thổ, nhân tình bất đồng lại còn khó khăn hơn. Khi tôi đến thăm Tân Đề Ly – Ấn Độ lần đầu tiên, khí trời quá nóng nực, tối đến ngủ không được, tôi đành nằm bò trên đất viết nhật ký. Quyển “Hải Thuyên Du Tung” được hoàn thành theo lối này.

Ba năm, vào tháng bảy, tôi lại đến thăm Ấn Độ lần thứ bảy. Đến vùng Lạp-đát-khắc ở phía Bắc, tôi biết rõ mắc bịnh “núi cao” đủ để chí mạng, nhưng tôi cố chịu đau đầu, sưng mặt và hít thở khó khăn, ráng chủ trì pháp hội, thăm viếng khách khứa kéo dài cả tuần lễ. Kinh nghiệm này không phải chỉ xảy ra một lần, nhưng tôi lại vui không thấy mệt. Bởi vì nhẫn nhục có lúc không phải chỉ vì chính mình, mà còn vì lợi ích người khác. Tôi tự xét Bồ-tát phát tâm xả thân để thành tựu lòng nhân, quên mình để giữ nghĩa. Sự hy sinh nhỏ nhoi của tôi thực là ít ỏi có gì đáng nói.

Nhẫn nhục Hóa giải oán hận

Chịu nghèo, chịu đói, chịu bịnh, chịu khổ, chịu nhọc, chịu đánh, chịu chửi lại còn dễ dàng, chỉ việc nhẫn mà thôi. Còn khó tiêu trừ nhất là nhẫn hận tranh chấp.

Nhớ lúc tôi tám, chín tuổi, quê tôi thiếu nước, dân làng chen lấn giành nước không có lối ra. Ông hàng xóm họ Giải té chết ngay máy nước trước nhà tôi. Con ông ta là Giải Nhân Bảo đến gây sự, nói bướng là nhà tôi làm cha y chết, đòi nhà tôi phải lo tiền chôn cất. Người cha đôn hậu thật thà của tôi liền bị quan phủ bắt giữ. Sau may nhờ Giải Nhân Bảo không dám ra pháp đình thẩm xét nên cha tôi mới vô tội, được thả. Tai ách vô vọng tuy đã kết thúc, nhưng tâm linh bé nhỏ của tôi không cách gì dẹp được nỗi oán hận. Đến lúc xuất gia rồi, nghe nói Giải Nhân Bảo thất nghiệp, không có cách sinh sống, tôi lại trắc ẩn, bèn dẹp oán hận, xin ân sư giới thiệu công việc cho anh ta, giải quyết vấn đề sinh sống cho cả nhà anh ta.

Năm 1937, chiến tranh xâm lược Trung Quốc của Nhật bộc phát, Hà Sơn đẹp đẽ bị gót sắt của quân Nhật Bản chà đạp trở thành tan nát khó kham, vườn nhà êm ấm của tôi làm mồi cho ngọn lửa. Cha tôi đi buôn bị mất tích giữa đường. Căn cứ theo sự điều tra có lẽ ông đã bị hy sinh dưới mũi súng của quân Nhật.

Lúc mười một tuổi, tôi theo người mẹ góa bụa tìm cha khắp nơi, đi đâu cũng thấy ngói bể, tường sập, thây chết đầy rừng, càng làm đậm thêm ý thức thù Nhật trong lòng tôi. Đến khi thành nhân, tôi tuy có cơ hội đến Nhật mấy lần, nhưng rốt cuộc vì thù nhà hận nước chẳng đội trời chung mà dứt khoát hủy bỏ.

Năm 1973, vì chính phủ một lần nữa mời tôi xúc tiến việc giao lưu văn hóa giữa hai nước Hoa – Nhật, tôi nhẫn chịu nỗi thống khổ trong lòng bao năm, ra nhận chức Hội trưởng “Hội xúc tiến quan hệ Phật giáo Hoa – Nhật”. Rốt cuộc, oan gia nên cởi, không nên buộc. Lịch sử quá khứ cố nhiên không cho xóa hết, nhưng cứ tìm xét mãi chỉ khiến hận thêm sâu. Tôi chỉ ghi nhớ lời giáo huấn đã chiêm nghiệm trước để ngăn ngừa chút đỉnh, trên căn bản là xúc tiến việc cởi mở hai bên, hợp tác hỗ trợ. Đây mới là đường lối lâu dài, an ổn.

Anh thấy chăng? Bức tường giữa Đông và Tây Đức dựng đã lâu, nay họ đã giao lưu với nhau. Các nước Âu Châu cũng nhộn nhịp trừ bỏ thành kiến quá khứ, thiết lập thị trường chung, cùng nỗ lực gắng sức. Thậm chí giữa hai bên nhiều năm cừu hận, cũng nhờ một ý nghĩ của các ông lãnh đạo mà hóa giải được.

Nhẫn nhục thật là sự rộng lượng bao dung tôn quý nhất trong trời đất. Nhẫn nhục thật là động lực hòa bình vĩ đại nhất trong vũ trụ.

Nhẫn nhục là từ bi

Trong và ngoài nước, tín chúng của tôi có đến trăm vạn người. Ở Phật Quang Sơn, đệ tử xuất gia của tôi cũng không dưới ngàn người. Bọn họ đối với tôi cố nhiên cung kính hiếu thuận. Tôi cũng dâng hiến cho họ biết bao tinh lực, tâm huyết. Việc lớn chẳng nêu làm gì, chỉ nói việc nhỏ: Tôi chịu đựng tính cách sai khác của họ, chịu khó khéo léo dẫn dụ từ từ. Tôi chịu đựng việc làm tùy hứng của họ, chịu khó ôn tồn dạy dỗ. Tôi chịu đựng ý kiến bất đồng của họ, chịu khó theo đó điều hòa. Tôi chịu đựng sự không giữ giờ giấc của họ, chịu khó đợi chờ…

Nhẫn nhục là một lực lượng, là một loại từ bi, là một thứ trí tuệ, lại là một nghệ thuật. Do tôi chịu đựng, chịu khó mới có thể thu phục họ đến cửa Phật phục vụ đại chúng.

Con nít lấy kêu khóc làm sức mạnh, nhưng một mai đã khóc rồi, hơi sức cũng hết. Phụ nữ lấy vẻ đẹp làm sức mạnh, nhưng một mai vẻ đẹp ra đi, khí thế cũng tiêu mất. Người lỗ mãng lấy nắm tay làm sức mạnh, nhưng một mai xuôi tay rồi, chính khí cũng tan nát. Chỉ có người hành Bồ-tát, họ lấy nhẫn nhục làm sức mạnh, lấy từ bi làm sức mạnh, làm được việc khó làm, nhẫn được việc khó nhẫn, do đó có thể vỗ tay nên kêu, bài trừ muôn khó, thành tựu công nghiệp vĩ đại, phước nước lợi dân, hữu ích chúng sanh.

Nhẫn nhục Vô sanh pháp nhẫn tối thượng

Tuy nói tôi một mực chịu nhẫn nhục, nhưng nhớ lại cũng có lúc không nhịn được. Ví dụ như lúc tôi đang diễn giảng ở trên đài, trông thấy bên dưới có ghế trống mà người phía sau lại không có ghế ngồi, tôi lại ngại ngùng bất nhẫn. Lúc biết người khác bị xâm phạm, tôi cũng phẫn hận đè ngực. Khi đệ tử làm tàng với khách khiến người không vui, tôi cũng tới chỉ trích. Thấy nghe việc tốt không tức khắc tham dự, tôi cũng đứng ngồi chẳng yên.

Tôi cho rằng nén hơi, nuốt tiếng, nhân nhượng, dung bậy để được không biến đổi, chẳng phải là đạo nhẫn nhục. Nhẫn nhục chân chính phải là đảm đương việc nhân, không nhượng bộ, chiếu cố toàn thể đại cuộc, mưu cầu phước lợi cho mọi người.

Tôi năm nay đã gần bảy mươi tuổi, tự thẹn là trên nhẫn nhục không ngừng học tập, đột phá trong lúc sinh hoạt. Đối với ba cảnh giới nhẫn mà Phật dạy, tôi thể hội khá nhiều. Tôi cho rằng:

* “Sanh nhẫn” là vì sự sống còn cần phải gom sức chịu đựng với người.

* “Pháp nhẫn” là ở tâm cảnh chuyển tư tưởng, dùng Phật pháp để sanh trí tuệ.

* “Vô sanh pháp nhẫn” là tùy duyên, tùy chỗ rộng xét tất cả sự vật vốn ở cảnh giới tự tại không sanh diệt.

Nếu có đủ “sanh nhẫn” thì đầy đủ dũng khí đối diện cuộc sống. Có đủ “pháp nhẫn” thì đầy đủ lực lượng diệt trừ phiền não. Có đủ “vô sanh pháp nhẫn” thì nơi nơi, chốn chốn không đâu không là thế giới Đào nguyên, Tịnh độ, tự do tự tại.

HT Tinh Vân




Có phản hồi đến “9. Nhẫn Nhục Là Lực Lượng”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com