Kinh Dịch nói: Nhà nào chứa lành sẽ có dư phúc. Xưa nhà họ Nhan trước khi muốn gả con gái cho Thúc Lương Ngột đã không quên tra xét công việc chứa đức của Tổ tông nhà ấy để suy xét con cháu về sau chắc chắn hưng xương. Đức Khổng Tử có lời khen vua Thuấn là đại hiếu rằng: Ông Thuấn mà tế Tổ tông thì Tổ tông chứng hưởng, phước để con cháu thì con cháu được trông nhờ.

Ông Thiếu sư Dương Vinh người đất Kiên Ninh, nhà đã nhiều đời sống với nghề đưa đò, có một lần xảy ra cơn mưa lụt nước ngập tràn phá hại dân cư, nhiều người bị trôi theo dòng nước. Trong lúc đó, mọi kẻ khác lo bơi thuyền vớt của, riêng ông cố và ông nội của Thiếu sư lại lo tìm vớt người, chẳng chút để tâm tới tài vật, người chung quanh thấy thế chê là ngu, nhưng từ ngày thân phụ Thiếu sư ra đời, nhà ông dần dần thịnh vượng. Có một Thần nhân gia hình Đạo sĩ đến nói với ông rằng: Tổ phụ nhà người có âm đức, con cháu sẽ nên quý hiển. Quả thật sau sinh Thiếu sư, mới 20 tuổi đã đậu đại khoa, làm quan tới chức tam công, và cả ông cố, ông nội và thân phụ của Thiếu sư đều được phong chức quan lớn. Ai cũng biết dòng dõi nhà này đến nay vẫn phát nhiều người hiền tài xuất chúng.

Ông Dương Tự Trưng, người huyện Cần, lúc đầu được làm huyện Lại, giữ lòng nhân hậu, xử đoán công minh, nhân một lần ông gặp quan Tri huyện đánh khảo một tên tù máu tuôn lai láng mà vẫn chưa đã giận. Dương Tự Trưng mới quỳ gối khuyên giải, ông Tri huyện trả lời: Những kẻ làm điều vượt pháp trái lẽ thế này, khiến ai không giận được. Dương Tự Trưng cúi đầu nói: quan trên đã bỏ rơi pháp luật, khiến dân lý tán lâu ngày rồi, nay giả sử quan huyện xét thấy người kia quả có tội phạm, động lòng thương xót buồn bã, thế mà xử trị sợ còn chưa được công minh, huống lại nổi giận đùng đùng, làm sao công minh được. Nghe câu ấy quan huyện liền dịu lòng thôi giận.

Dương Tự Trưng tuy nhà rất nghèo, nhưng ai tặng biếu gì cũng không nhận. Hễ gặp tù nhân thiếu thốn ông thường tìm cách giúp đỡ. Một lần nọ có vài người tù đang đói đến xin, gặp lúc nhà ông thiếu gạo, nếu giúp cho tù thì người nhà phải nhịn đói, còn để cho người nhà ăn thì cảnh tù đói đáng thương, ông mới thương lượng với vợ. Vợ ông hỏi: Các người tù ấy đâu đến? Ông đáp: Từ Hàng Châu đến. Nhận thấy họ đi xa đói khát, mặt mày xanh xao hốc hác đáng thương, vợ chồng ông liền đem phần gạo của mình nấu cháo cho họ ăn. Về sau hai vợ chống sinh được hai trai, một tên Thủ Trần, một tên Thủ Chí. Cả hai đều làm quan tới chức Lại bộ tả hữu thị lang. Cháu trưởng làm Hình bộ thị lang, cháu thứ làm chức Liêm hiến tỉnh Tứ Xuyên, toàn là những vị triều thần tên tuổi còn để tiếng đời nay.

Khoảng niên hiệu Chánh Thống đời Minh, có Đặng Mậu Thất nổi loạn tại tỉnh Phúc Kiến, sĩ dân trong xứ theo rất đông, triều đình cử quan Ngự sử Trương Giai dùng mưu bắt giặc, sau ông này lại ủy quan Bố chánh họ Tạ làm chức Đô sự tìm giết đảng giặc. Tạ xét trong sổ hễ thấy người nào nghi không thực sự oan phạm, thì âm thầm trao cho một lá cờ nhỏ vải trắng, dặn khi nào quân binh đi đến thì cắm cờ ấy ra trước cửa, đồng thời ra lệnh cho quân lính không ai được giết càn, nhờ đó hàng vạn người sống sót khỏi bị chết oan. Về sau con của Tạ là Thiên, thi đỗ Trạng nguyên, làm Tể tướng, cháu Tạ tên Phỉ, thi đỗ Thám hoa.

Nhà họ Lâm ở huyện Phố Điển, nhiều đời trước trong nhà có một là lão ưa làm việc thiện. Bà thường lấy bột gạo làm thành từng vắt để bố thí. Hễ ai đến xin là cho, không hề tỏ vẻ buồn chán. Có một vị Đạo nhơn hằng ngày đến xin sáu, bảy vắt, bà lão vẫn vui lòng cho, suốt ba năm liền như thế. Vị Đạo nhân biết bà ta thật có lòng thành, mới bảo rằng: Tôi ăn của bà suốt ba năm, bây giờ biết lấy gì báo đáp, thôi tôi chỉ cho bà biết ở sau phủ bà ở có chỗ đất tốt, bà hãy dặn con cháu say này đem bà đến đó, chôn, tất con cháu sẽ phát tước lộc lớn. Về sau con cháu y lời dặn chôn bà. Quả thật đời thứ nhất có tới chín người đỗ đạt, và tiếp tục nhiều đời nhà này trở thành một nhà thế kiệt trâm anh, đến đỗi tại tỉnh Phúc Kiến có câu ca dao: Thiếu mặt người họ Lâm thì bảng vàng không nở.

Tóm lại những điều trên, tuy thi hành với nhiều lối, nhưng rốt lại đồng là việc thiện. Những việc thiện này nếu gia tâm xem xét kỹ sẽ thấy có chân có giả, có thẳng có công, có âm có dương, có thị có phi, có thiên có chánh, có nửa có toàn, có lớn có nhỏ, có khó có dễ. Nếu làm lành mà không thấu đạt lý lẽ này, nhiều khi khổ công nhọc trí, chẳng đem lại lợi ích gì.

Việc lành có chân có giả là thế nào? Xưa có mấy Nho sinh đến hỏi Trưởng lão Trung Phong Hòa thượng rằng: Nhà Phật dạy điều thiện ác báo ứng như bóng theo hình, nhưng tại sao hiện thấy có những người làm lành mà con cháu không phát đạt, còn những người làm ác mà gia đình thịnh vượng, thế Phật nói nhân quả chẳng có bằng cớ gì xác đáng? Hòa thượng Trung Phong trả lời: Vì phàm tình chưa sạch, chánh nhãn chưa bày, người đời thường nhận lầm thiện ra ác, ác ra thiện, ít ai biết tự trách điều thị phi điên đảo của mình. Mấy Nho sinh nói: Thiện là thiện, ác là ác, làm sao tương phản được? Hòa thượng bảo họ chỉ cho xem ít việc. Một người nói: đánh mắng người là ác, kính trọng người là thiện. Hòa thượng nói: không hẳn như thế. Một người khác nói tiếp: Tham tài vọng phú là ác, liêm khiết thủ thường là thiện. Hòa thượng vẫn nói: Không hẳn như thế. Mấy Nho sinh lần nữa nói đủ tướng trạng thiện ác. Hòa thượng vẫn một mực: Không hẳn thế. Nhân đó mấy Nho sinh cầu ngài chỉ dạy. Ngài dạy: giúp ích người gọi là thiện, chỉ vì ích mình gọi là ác. Vì giúp ích người cho nên dù có đánh mắng cũng vẫn là thiện, trái lại chỉ vì ích mình nên dù có kính trọng người cũng vẫn là ác (1). Vì vậy người làm thiện đem lại ích lợi cho người là công, mà công tức là chân, còn vì lợi mình ấy là tư, mà tư tức là giả. Lại việc thiện tự lòng phát ra là chân, tập theo thói cũ là giả, không trước tướng mà làm chân, trước tướng mà làm giả...

Việc lành có thẳng có cong là thế nào? Thế thường thấy kẻ mềm mỏng lừ đừ không khí khái quật cường, ai cũng hoan hỉ cho là người lành, nhưng Thánh nhân lại ưa hạng người có chí khí cao xa, hoặc an phận thủ kỹ, vì hạng này dễ khai hóa, còn hạng trên tuy được mọi người khen tặng, xét kỹ họ chỉ là giặc của nền đạo đức tiến bộ. Thiện ác của người đời tương phản với thiện ác của Thánh nhân như thế, đủ thấy những điều thiện ác thủ xả theo chỗ nhận xét của thế thường làm sao không bị sai lạc! Vậy nên người nào muốn tích tập thiện căn, quyết không thể bằng vào các điều thiện ác bề ngoài mắt thấy tai nghe, nhưng cốt ở chỗ ẩn nhiệm của tâm tư, lo vun bồi gột rửa. Nếu quả thật thuần có lòng cứu người giúp đời ấy là thẳng, còn hễ xen vào mảy may mị thế là cong, thuần một lòng yên người là thẳng, hễ xen chút ghét giận là cong, thuần một lòng kính người là thẳng, còn xen vào ý nghĩ cốt làm đẹp lòng người là cong....

Việc lành có Âm có Dương là thế nào? Phàm làm việc lành mà người ngoài biết được là dương thiện, làm việc lành mà người ngoài không biết được là âm đức. Âm đức được phúc báo, dương thiện hưởng danh thơm. Nhưng danh thơm thường khi là điều đáng húy kỵ. Từ xưa nay biết bao nhiêu người vì háo danh thành thử bị danh làm hại, lâm vào cảnh tai họa, ngược lại những người không tội lỗi mà cứ bị thiên hạ chê oan, thì lắm lúc con cháu họ được phát đạt. Cái lẽ âm dương như thế, phải để tâm nhiều mới hiểu hết.

Việc làm có thị có phi là thế nào? Nước Lỗ có lệ hễ người nào bỏ tiền chuộc người nước Lỗ khỏi tay các chư hầu địch thì được lãnh lại số tiền tại quan phủ. Tử Cống giàu có, bỏ tiền ra chuộc được nhiều người song không chịu lãnh lại số tiền vì ông thầm nghĩ mình chỉ làm việc nghĩa mà thôi. Đức Khổng Tử nghe được chê Tử Cống là sai, vì đại phàm bậc Thánh nhân làm gì cũng cốt hy vọng cải tiến thói đời thế tục, giúp cho ai nấy làm theo, chớ không phải cốt để thỏa chí riêng mình. Hiện nay trong nước Lỗ người giàu ít, người nghèo đông, nếu cho rằng kẻ nào chuộc người rồi còn trở lại lãnh tiền ở quan phủ là không liêm chính, thì chắc từ này không còn mấy ai dám nghĩ tới việc chuộc người khỏi tay địch nữa! Thầy Tử Lộ vớt người bị đắm, được người ta tạ ơn một con trâu. Đức Khổng Tử nghe được mừng rằng: Từ này nước Lỗ sẽ có nhiều người để ý vớt kẻ chết chìm.

Cứ lấy mắt thường tình mà xem, việc Tử Cống không nhận tiền bồi thường là cao quí, Tử Lộ nhận trâu là thấp hèn, nhưng Đức Khổng Tử lại khen Tử Lộ mà chê Tử Cống. Cho biết khi làm lành không nên kể sự trạng trước mắt mà nên kể ảnh hưởng lan truyền sâu xa, không nên kể một thời mà nên kể đến lâu dài, không nên kể một thân mình mà nên kể cả thiên hạ. Những việc đang làm tuy là thiện nhưng nếu lưu tệ tại người thì đó là tợ thiện chớ không phải chơn thiện, những việc đang làm tuy như bất thiện mà lưu ích giúp người thì nó in tuồng phi thiện mà thật ra là thiện. Cứ thế suy rộng ra những điều nghĩa phi nghĩa, lễ phi lễ, tín phi tín, từ phi từ, đều không ngoài cách thức đó.

Việc lành có thiên có chánh thế nào? Xưa ông Lã Công là người đức độ, cả nước đều kính ngưởng ông như Thái Sơn Bắc Đẩu, sau khi từ chức Tể tướng về ở quê nhà, một hôm có người say rượu đến mắng ông dữ dội, ông vẫn thản nhiên và bảo người nhà đóng cửa lại, không nên cạnh tranh với kẻ say. Năm sau người ấy vì say phạm tội sát nhân bị bắt bỏ ngục. Lã Công biết được ân hận lắm: Cơ chi năm trước nó đến mắng ta, ta cho nó vài hèo rồi bắt tống giam quách để trị, chắc nó được tránh khỏi mối đại họa hôm nay. Nhưng lúc đó chỉ nghĩ việc bảo tồn tâm nhân hậu, không ngờ đó là cách dưỡng ác cho nó, nên nỗi ngày nay nó mới ra người phạm trọng tội (1). Đây là một việc chứng tỏ trong tâm lành mà hành sự ra ngoài ác. Lại có khi đem tâm ác mà hành sự ra ngoài lành, như có nhà nọ rất giàu, gặp năm đói khó, đem lúa ra chợ bán, bị dân nghèo cướp ngay giữa chợ, nhà nọ cáo quan, quan bỏ qua không xử, dân nghèo được thế làm già, nhà ấy rình bắt ít tên làm khổ nhục, bấy giờ cả bọn mới chịu yên, nếu không thì đã loạn cả chợ. Cho hay thiện là chánh mà ác là thiện, điều ấy ai cũng biết, nhưng ít người để ý tới có khi tâm lành mà hành sự lại ác, thì việc lành đó là thiên trong chánh chớ không phải chánh trong chánh, có khi tâm ác mà hành sự lại lành, thì việc lành đó lại là chánh trong thiên chớ không phải thiên trong thiên.

Việc lành có nửa, có toàn là thế nào? Kinh Dịch có câu: không chứa lành không đủ để nên danh, không chứa ác không đủ để diệt thân. Kinh Thi nói: Tội nhà Thương như xâu tiền đầy. Chứa lành chứa ác như chứa vật vào kho, hễ siêng chứa thì đầy, nhát chứa thì lưng, sư đã quá rõ ràng vậy. Xưa có người đàn bà vào Chùa, muốn cúng mà nghèo, chỉ được có hai tiền đem cúng, vị Trú trì thân hành làm lễ kỳ nguyện, sau bà ấy được đưa vào chỗ sang giàu, lại đem vài ngàn lượng vàng vào chùa cúng, lần này vị trú trì sai đồ chúng làm lễ. Bà ta lấy làm ngạc nhiên hỏi: Ngày trước tôi chỉ cúng có hai tiền mà ngài thân hành lễ sám, nay tôi cúng tới đôi ngàn lượng vàng sao ngài lại không thân hành lễ sám cho tôi? Vị trú trì đáp: ngày trước vật tuy đạm bạc mà lòng rất chân thành, phi lão Tăng lễ sám không đủ để báo đức bà, nay vật tuy hậu song tâm cúng dường không thiết tha bằng trước, nên người thay lão Tăng làm lễ cũng đủ rồi. Ấy, ngàn vàng là nửa là lưng, mà hai tiền là toàn là đầy vậy.

Lại, Tiên Chung Ly khi trao dạy phép luyện đơn cho Lã Tổ có dặn rằng: Khi đơn luyện thành có thể đem chấm trên tiền thì tiền biến ra vàng, giúp cho người nghèo khổ tiêu dùng được. Lã Tổ hỏi: cuối cùng nó có biến mất không? Chung Ly đáp: Sau năm trăm năm nó biến lại tiền như cũ. Lã Tổ nói: như thế thì hại cho người ở đời sau khoảng năm trăm năm, tôi thề không làm điều đó. Chung Ly khen: Pháp tu tiên cần phải chứa đủ ba ngàn công hạnh, nay ngươi nói được câu đó thì ba ngàn công hạnh ngươi đã đủ rồi. Đây lại một cách xét việc lành đầy, lưng, nửa, toàn vậy.

Lại làm lành mà tâm không chấp trước thì mỗi việc đều được viên mãn, trái lại tuy làm suốt đời mà việc lành cũng chỉ có được một nửa. Ví như đem của giúp người mà trong không thấy mình giúp, ngoài không thấy người nhận, trung gian không thấy vật đem giúp thì được gọi là bố thí tam luân không tịch hay nhất tâm thanh tịnh. Bố thí như vậy, dù một Lon gạo cũng có thể gây vô lượng phước, một đồng bạc có thể tiêu ngàn kiếp tội. Nhược bằng tâm khư khư chấp trước, thời tuy bố thì từng thoi vàng, phước đức cũng chỉ có được một nửa. Đây lại một cách xét việc lành đầy, lưng, nửa, toàn vậy.

Việc lành có lớn có nhỏ là thế nào? Xưa có ông Vệ Trọng Đạt làm quan Hàng Lâm, nhân một hôm mộng thấy Minh Quan bắt về âm phủ, Phủ quan sai lại dịch đem trình hai bản ghi thiện ác, thấy bản ghi ác chất một đống to, còn bản ghi thiện chỉ bằng chiếc đũa, nhưng đem cân thì một đống to lại nhẹ, mà bằng chiếc đũa lại nặng. Trọng Đạt ngạc nhiên nói: Tôi chưa đầy 40 tuổi, có đâu đã làm nhiều ác đến thế. Minh Quan đáp: một niệm bất chính là ác rồi, không đợi phải hành phạm. Trọng Đạt bèn chỉ cuốn giấy và hỏi: Trong cuốn giấy bằng chiếc đũa kia ghi gì? Minh Quan đáp: Triều đình hưng đại công làm cái cầu đá ở Tam Sơn, người đã dám thượng sớ can ngăn việc ấy. Cuốn giấy này là bản sớ của ngươi. Trọng Đạt nói: Tôi tuy có sớ can nhưng triều đình bác bỏ, chẳng bổ ích gì thực sự, làm sao nó có hiệu lực thế kia? Minh Quan nói: triều đình không cứ mặc dù, song một niệm lành của ngươi đã làm cho muôn dân cảm mến, giả sử triều đình khi ấy chấp cứ, thời việc tốt của ngươi càng lớn lao hơn nữa. Cho hay hễ chí để vào thiên hạ quốc gia thời việc lành tuy nhỏ mà lớn, nếu chí để vào bản thân thời việc lành tuy nhiều vẫn ít, (việc ác cũng thế).

Việc lành có khó có dễ là thế nào? Tiên Nho thường nói: muốn khắc kỷ phải bắt đầu khó. Đức Khổng Tử khi luận cập điều nhân cũng nói trước phải khó khăn, nghĩa là phải trừ khử tư tâm. Chẳng hạn như ở Giang Tây có Thư Lão Ông làm nghề dạy học, nhân gặp một người nghèo thiếu tiền quan, vợ người ấy sắp bị quan bắt làm tôi tớ, Thư Lão Ông liền bỏ số tiền nhập học của học trò mà ông đã dồn được trong hai năm ra chuộc, nhờ đó vợ chồng người kia khỏi bị ly tán. Trương Lão Ông ở tỉnh Trực Lệ, nhân gặp một người bị nợ khốn, phải đem cầm vợ con. Lão Ông liền bỏ số tiền mình dồn được trong 10 năm ra chuộc, nhờ đó vợ con người kia được an toàn. Bỏ tiền cứu người như hai trường hợp trên thật là hiếm có, ít ai làm nổi. Những kẻ có tiền tài thế lực, họ làm công đức rất dễ, nhưng dễ mà không chịu làm ấy là người tự bao tự hãm, những kẻ nghèo hèn làm được phước rất khó, khó mà gắng làm ấy mới đáng quý.

Tuy những cơ hội giúp người thì vô kể, song ước tóm đại cương thì mười điều này khả dĩ gọi là lớn: 1. Chung với người làm lành; 2. Giữ tâm ái kính; 3. Giúp người nên tốt; 4. Khuyên người làm lành; 5. Cứu người nguy cấp; 6. Gây dựng lợi lớn; 7. Bỏ của làm phước; 8. Hộ trì Chánh pháp; 9. Kính trọng tôn trưởng; 10. Yêu tiếc sinh vật.

Chung người làm lành là thế nào? Ông Thuấn khi chưa làm vua, nhà ở bên đầm Lôi Trạch, nhân thấy những kẻ chài cá trai tráng thì đành chài ở chỗ đầm sâu, nước tụ nhiều cá, còn người già yếu phải chài ở chỗ nước cạn nước chảy phóng cá, ông Thuấn động lòng thương mới cùng họ đi chài. Hễ thấy người nào có tánh tranh giành, ông làm thinh không nói, còn thấy kẻ nào biết tương nhượng thì ông tán dương và bắt chước. Ông làm như thế suốt một năm, sau đó ai nấy đều noi gương ông mà tương nhượng nhau để ai cũng được chài ở chỗ đầm sâu nước tụ. Ôi! Ông Thuấn là bậc minh triết, há lại không đủ lời để dạy kẻ khác sao, thế nhưng ông đã không dạy bằng lời mà lại đem thân ra làm để chuyển hóa. Thật là một cử chỉ cao thượng khó khăn vậy. Xem thế, bọn ta ở đời mạt thế cũng chớ nên ý chỗ mình hay mà lấn lướt người, ỷ điều mình tốt mà làm khó dễ người, ỷ mình tài năng mà khốn ức người, hãy nên thâu liễm tài trí, làm như vụng về, thấy tội lỗi người thì bao dung che dấu, một mặt khiến họ cải đổi, một mặt họ húy k không dám làm càn. Hoặc thấy ai có điều gì hay, điều gì tốt dù nhỏ dù lớn hãy nên hạ mình bắt chước và tán dương phổ biến. Hằng ngày nói lời gì, làm việc gì chớ nên vị kỷ mà cốt để hay để khéo cho thiên hạ. Được vậy tức là người có độ lượng, công bằng, lây thiên hạ làm mình như vị đại nhân vậy.

Sao gọi là giữ lòng ái kính? Cứ xem bề ngoài thì khó biết ai là quân tử, ai là tiểu nhân, nhưng nếu xét thấu tâm can thì thiện ác đôi đàng cách tuyệt như đen trắng, thế nên xưa nay thường nói, quân tử sở dĩ khác người là do chỗ tồn tâm. Cái tâm mà người quân tử bảo tồn là cái tâm yêu người kính người, vì người quân tử thường nghĩ rằng dù ở đời có thân, sơ, quý, tiện, có kẻ trí người ngu, người bất tiếu, vạn vật có sai thù mặc lòng, xét kỹ đều là đồng bào, cùng ta nhất thể, làm sao ta không kính yêu họ được. Hễ ái kính mọi người tức là ái kính Hiền Thánh, cảm thông ý chí mọi người tức như cảm thông ý chí Hiền Thánh. Sao vậy? Vì ý chí Thánh Hiền không ngoài muốn cho đời cũng như người đều đạt sở nguyện thân lẫn mạng, nên nếu ta hợp với ý chí Thánh Hiền mà an định cho mọi người tức là ta đã làm việc thay thế Thánh Hiền vậy.

Sao gọi là giúp người nên tốt? Ngọc ở trong đá, nếu không biết mà vất đi thì thành ngói gạch, biết mà dũa mài thì thành khuê chương, vậy hễ thấy ai làm được việc lành, có chí tiến thủ, hãy giúp đỡ khuyên dụ họ mau thành tựu, cố gắng tán trợ duy trì, giải bày hơn thiệt, loại bỏ sàm láng ký thế nào cho họ nên người tốt đẹp mới thôi. Thế thường người ta hay ghét kẻ khác không giống mình, người ác không ưa người lành, thế mà người ác bao giờ cũng nhiều hơn người lành, nên người lành sống nổi giữa người ác là một điều rất khó. Vả người lành là người hào kiệt thường có ý chí cương trực, không ưa trau chuốt bề ngoài, trong khi đó người đời ít kẻ có kiến thức cao, nên những bậc hào kiệt lắm lúc lại dễ bị chê bai. Vì thế việc lành thường dễ hỏng, người lành thường bị chê, chỉ trừ người có lòng nhân, mắt trí mới dám thẳng thắn khuôn phi người có thiện tâm thiện chí, nên hạng người này cũng được công đức không ít.

Sao gọi là khuyên người làm lành? Đã sinh làm người ai chẳng có lương tâm, nhưng vì đường danh nẻo lợi ở đời dễ làm cho vùi lấp, vậy khi cư xử cùng nhau hay tìm cách mở lời mê hoặc, khiến được giác tĩnh giữa chốn đêm trường, làm cho thanh lương trong vòng phiền não. Ông Hàng Dũ nói: dùng lời thì khuyên người được một đời, làm sách thì khuyên người được trăm đời. Việc khuyên người làm lành ở đây đem so với việc cùng người làm lành ở trên có phần sút kém, song theo bệnh cho thuốc, theo thời khuyên răn vẫn thâu được hiệu quả rất nhiều. Nếu khuyên người mà người không theo, hãy kiểm xét lại trí tuệ và lời lẽ của mình để lo bồi bổ.

Thế nào là cứu người nguy cấp? Người đời ai chẳng trải qua những lúc hoạn nạn ngã nghiêng. Vậy khi gặp ai lâm cảnh ách nạn hãy xem như chính mình lâm nạn mà lo vội vã cứu trừ, hoặc lấy lời biện bạch an ủi, hoặc dùng phương chước khôn ngoan giải trừ. Thôi Tiên sinh có câu: Ân huệ không cần phải đợi lớn lao mới làm, chỉ cần cứu kịp người lúc cấp nạn là quý. Đó thật là lời của kẻ có lòng nhân vậy.

Thế nào là gây dựng lợi lớn? Nhỏ thời trong một làng, lớn thời trong một ấp, một nước, hễ thấy việc có lợi thì lo hưng công, như khai rạch đào mương, hoặc đắp đê điều phòng vệ, hoặc xây cầu cống tiện cho khách bộ hành, hoặc thí nước cơm giúp kẻ đói khát. Cứ tùy duyên khuyến hóa, hiệp lực hưng tu, chớ nệ hiềm nghi, chớ từ nhọc mệt.

Thế nào là bỏ của làm phước? Trong muôn hạnh của Phật day, hạnh bố thí đứng đầu. Bố thí là xả bỏ, đem cho. Kẻ đạt ngộ thì trong xả sáu căn, ngoài xả sáu trần, bất cứ điều gì cũng đều xả được, còn kẻ chưa đạt ngộ trước hãy tập xả thí tài vật. Người đời ai cũng lấy cơm áo nuôi sống, nên tiền tài cơm áo là điều tối trọng. Ai xả được tiền tài cơm áo thì bên trong sẽ phá được lòng xan lẫn, bên ngoài cứu được kẻ lâm nguy. Lúc đầu tuy làm miễn cưỡng, nhưng lúc sau thành thói tự nhiên, và kết quả sẽ dũ sạch tính vị kỷ, phát hết tâm chấp lẫn keo rít sâu dày.

Thế nào là hộ trí Chánh pháp? Pháp là con mắt của muôn loại hàm linh. Pháp có chánh có tà, thiếu chánh pháp không thể nào tiến hóa cùng trời đất, dinh dưỡng thành muôn loài, thoát lý ngoài triền phược, và an bài thế gian, đạt tới xuất thế. Thế nên thấy chùa miếu kinh sách Thánh Hiền, hãy đem lòng kính trọng tô bồi, và trên hết là phát tâm hoằng dương chánh pháp, báo bổ Phật ân, là điều càng nên cố gắng.

Thế nào là kính trọng Tông trưởng? Ngoài Ông, Bà, Cha, Mẹ, Anh, Chị, phàm gặp người tuổi nhiều, đức lớn, vị cao, kiến thức rộng đều nên để ý kính nhường. Ở nhà thì thờ cha kính mẹ với niềm thân ái nhu hòa, ra ngoài thì bất luận làm việc gì, chớ nghĩ không ai biết mà làm càn, khi đối xử người nào, chớ nghĩ chẳng ai hay mà uy hiếp. Ai để ý một chút, tất thấy xưa nay những kẻ trung hiếu, bao giờ con cháu họ cũng được xương hưng, thành người trung hiếu.

Thế nào là yêu tiếc sinh mạng? Người sở dĩ là người chỉ bởi có tâm trắc ẩn. Người cầu nhân chính là cầu cái tâm đó, người chưa đức cũng chính là chứa cái tâm đó. Sách Châu Lễ có câu: Tháng giêng tế lễ không dùng con nái làm vật hy sinh (con nái là con vật mẹ đang nuôi con). Thầy Mạnh Tử nói: Người quân tử xa chốn bếp núc, sở dĩ để bảo toàn tâm trắc ẩn. Vì thế các bậc Tiên Hiền thường kiêng kỵ bốn thứ thịt không ăn: nghe tiếng kêu con vật bị giết không ăn, thấy con vật bị giết không ăn, vật mình nuôi dưỡng không lớn không ăn, vật chỉ vì mình mà bị giết thịt không ăn. Kẻ thức giả hiền nhân ngày nay nếu chưa thể đoạn tuyệt nghiệp ăn thịt, hãy gắng tập theo các điều này. Cứ như thế lần tăng trưởng từ tâm, chẳng những việc sát sanh nên kiêng kỵ đã đành, đến việc nấu tằm lấy tơ, bới đất sát trùng cũng toàn là việc vì cơm áo nuôi mình mà giết lây loài vật. Cho đến để ý đề phòng khi dơ tay cất chân để khỏi giết lầm vô số động vật. Cổ Thi có câu: thương chuột thường để cơm, thương nga chẳng thắp đèn (Ái thử thường lưu phạn, lân nga bất điểm đăng). Đó há không phải những cử chỉ biểu lộ lòng nhân ư.

Việc lành có vô cùng tận không thể kể hết, nhưng do mười việc trên đây suy rộng ra, muôn đức đều bao quát trong đó.

HT Thích Thiện Siêu



Có phản hồi đến “Chuyện Số Mệnh - Chứa Đức Làm Lành”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com