Những quan đại phu thời Xuân Thu, thường quan sát sự nói năng hành động của mọi người để đoán định điều họa phúc của họ, phần nhiều đúng nghiệm cả. Những điều này đều có ghi trong các bộ Tả truyện, Quốc ngữ, hãy đọc đến tất thấy. Hầu hết những triệu chứng tốt xấu, đều manh nha từ trong tâm ý rồi hành động ra tay chân. Nếu một người thiên hẳn về phúc hậu họ thường gặp phước, một người thiên hẳn về khắc bạc họ thường mang họa. Song người phàm mắt tục ít ai thấy rõ điều này, mới vội cho họa phúc báo ứng mâu thuẫn khó lường!

Hễ người nào đem tâm thành tín làm việc thiện tất yếu việc làm của họ hợp cùng chân lý, mà hạnh phúc sẽ đến với họ, trái lại thì tai họa theo chân. Cứ xem ở điều lành điều ác của họ làm, người ta cũng biết trước việc đó. Nhưng những người muốn lánh họa cầu phúc, hãy lo ăn năn cải quá, trước khi nói tơi việc làm lành.

Theo pháp cải quá, đầu tiên phải có tâm biết hổ thẹn, nghĩ rằng ta cũng là bậc trượng phu nam tử như cổ Thánh tiên Hiền, thế sao các ngài làm thầy cả thiên hạ, được muôn đời tôn thờ, còn ta lại cứ lẹt đẹp thấp hèn một đời ngói bể, cứ lo say đắm dục tình, thầm lén làm điều bất nghĩa, còn cho là không ai biết, Vễnh mặt ngạo nghễ không chút thẹn thùng, đến đổi mỗi ngày mỗi sa đọa xuống hàng cầm thú mà không tự biết, thật chẳng còn chi hổ nhục cho bằng! Thầy Mạnh Tử nói: Điều lớn lao khẩn yếu nhất đối với con người là tâm biết hổ. Vì rằng hễ người nào giữ được tâm đó thì trở nên Thánh Hiền, kẻ nào bỏ mất tâm đó thì chẳng khác chi cầm thú. Cho biết tâm hổ thẹn là động cơ chính trong việc cải quá tự tâm.

Thứ hai, phải có tâm sợ hãi. Hãy nghĩ rằng mình làm việc gì đều có Thánh thần ở trên mình, xung quanh mình biết rõ, không dối trá được. Dẫu mình có phạm tội lỗi nhỏ nào, người đời đều không thấy, Thánh thần đâu có mù mờ. Hễ tạo tội nặng, có trăm họa kéo theo, gây tội nhẹ thì giảm mất phước báo hiện tiền. Như vậy sao được không dè dặt sợ hãi.

Chẳng những thế thôi, ngay lúc nhàn cư, thần linh càng thấy rõ. Mặc dù ta có che dấu những điều mình làm kín đáo đến đâu, trau chuốt khéo léo thế nào, oan trường vẫn bị bại lộ, cuối cùng không thể tự dối; huống chi đã bị mọi người dòm thấy thì dù một chút giá trị chẳng còn, như vậy há không đáng cẩn thận sao?

Vả lại, khi còn hơi thở, dù có gây ác tày trời vẫn còn mong hối cải, nên lắm người một đời tạo ác, đến phút lâm chung biết hối ngộ, nhất một niệm thiện tâm mãnh liệt, họ vẫn có thể hưởng được một cái chết an lành. Cổ đức nói: Một niệm lành mãnh liệt đủ rửa sạch tội trăm năm, ví như cái hang sâu tối ngàn năm, chỉ rọi một ngọn đèn, tối kia liền biến mất. Vậy không kể tội lỗi đã tạo lâu hay mới tạo, miễn biết thành thật hối cải là tội hết. Trần thế vô thường, mạng người chẳng mất, khi hơi thở ra không vào, dù muốn hối cải chẳng kịp nào. Kẻ làm ác đã phải mang tiếng ác suốt trăm ngàn năm trên dương thế, không con hiền cháu thảo nào rửa sạch, lại phải chịu ngục báo trầm luân muôn vạn đời, dù Thánh hiền, Phật, Bồ-tát cũng khó lòng cứu vớt. Như thế là không kiêng sợ được ư?

Thứ ba, phát tâm dõng mãnh: những người không ăn năn hồi quá, phần nhiều là những người dần dà có tánh thụt lui. Biết vậy, ta cần phải dũng mãnh hăng hái, đừng nên do dự, đừng nên chần chờ, hãy xem tội nhỏ như bị mũi nhọn châm làm thúi thịt, mau mau khoét vất, sợ tội lớn như bị rắn độc cắn tay, mau mau cắt bỏ, không được trì trễ phút nào. Càng trễ càng nguy, càng mau càng có lợi.

Những người có đủ ba thứ tâm nói trên, dù có tội lỗi đến đâu vẫn cải đổi được như băng sương gặp ánh mặt trời làm sao không tan biến. Nhưng nên biết có những tội lỗi được cải đổi do việc làm thực sự, có những tội lỗi được cải đổi do triệt ngộ đạo lý, có những tội lỗi được cải đổi do tận tâm. Công phu không đồng nên hiệu quả cũng khác. Chẳng hạn ngày trước sát sanh nay sẽ răn dè đừng giết, ngày trước nóng giận nay phải răn dè đừng nóng... đó là cách hối lỗi do việc làm thực sự. Lối này chỉ mới là lối cưỡng chế bên ngoài, khó lòng sạch tội, vì bệnh căn còn chất chứa trong lòng, thì tội dù diệt bên Đông lại mọc bên Tây, nên lối cải quá này chưa phải là hoàn hảo cứu cánh. Vậy muốn dứt lỗi triệt để, trước khi cưỡng chế sự việc phải thấu rõ đạo lý. Như muốn chừa bỏ tội sát sanh trước hãy rõ lẽ này:

Trời đất vốn hiếu sinh, muôn loài đều tiếc mạng, giết vật để nuôi mình, làm sao yên lòng được. Vật bị giết đã đành phải chịu cắt xẻ, nếu đau đớn tận xương tủy, ảo não muôn phần, mà ta ăn vào dù béo bổ ngon bùi đến đâu hễ nuốt khỏi cổ liền trở thành đồ hôi thối rồi tiêu ma, chi bằng rau dưa vẫn no bụng, còn tránh khỏi cái tội sát sanh làm tổn phước mình không ít.

Vả chăng, phàm là loài huyết khí đều có tính linh tri, đã có tính linh tri thì cùng ta không khác (vật ngã nhất thể). Ví bằng không thực hành nổi những điều chí đức khiến chúng nó kính ta, thân ta, thì cũng chớ nên mỗi ngày sát phạt sinh linh, khiến chúng nó mãi oán ta thù ta đời kiếp! Người nào đã nghĩ được như thế thì dẫu muốn giết vật ăn thịt, cũng thấy thương tâm chẳng ham ăn nữa.

Lại nếu muốn trừ bỏ tật hay nóng giận thì trước hãy suy nghĩ: Người có chỗ hư hỏng không bằng ta là người đáng thương, còn người trái lẽ xâm phạm ta, lỗi ấy thuộc về họ, chớ ta can dự gì mà nổi cơn giận dữ. Huống hồ trong thiên hạ không đáng hào kiệt nào là người nặng tánh tự thị, cũng không bậc học thức nào là người hay oán trách tha nhân, vì họ biết rõ việc mình làm không thành là bởi đức tu của mình chưa thấu đáo, cho cảm ứng chưa tới nơi, họ luôn luôn phản tĩnh, nên đối với họ dù gặp những điều hủy báng, cũng xem như cơ hội tốt để mà luyện tâm đức, mà luôn luôn hoan hỷ đón nhận không hề phẫn nộ. Khi nghe lời hủy báng mà không phẫn nộ thì dù ngọn lửa bài báng cao ngất trời xanh cũng tự nhiên tắt biến như phóng lửa đốt hư không. Trái lại hễ nghe lời dèm chê vội nóng giận thì dù có khôn ngoan xảo biện đến đâu, cũng chỉ như tằm xuân kéo kén, càng kéo lại càng buộc chặt mình. Nóng giận, chẳng những vô ích mà còn gây nên tai hại đến thế.

Ngoài các tính nóng giận còn bao nhiêu tính xấu khác đều có thể suy biết, và hễ rõ thấu lẽ này thì tội lỗi nào cũng trừ diệt được.

Thế nào là tội từ tâm cải? Tội lỗi vô vàn đều do tâm tạo, tâm không vọng động thì tội lỗi dựa vào đâu phát sinh? kẻ học thức không cần phải phanh tìm từng bệnh hiếu sắc, hiếu danh, hiếu tài, hiếu nộ, nhưng chỉ cần nhất tâm hành thiện, giữ gìn chánh niệm tự khắc tiêu tan như vầng thái dương chiếu giữa hư không, mọi thứ ma mị đều bặt dấu. Tội lỗi do tâm tạo tất cũng do tâm cải đổi, như muốn chặt cây độc, chỉ chặt ngay gốc nó, chớ cần chi phải tỉa từng nhánh lá nhọc công lâu lắc.

Đại để cách đối trị tâm bệnh hay nhất là giữ lòng cho thanh tịnh. Hễ tâm vừa móng động liền giáo biết, biết tất liền tiêu. Hoặc nó không tiêu, hãy quán xét lý lẽ nói trên để trừ đoạn, nếu cũng không trừ được, thì lại lấy sự để cấm chỉ. Trước lo tu tâm sau lo khởi công hạnh sự. Như thế mới là lối sửa chữa tội lỗi đắc sách nhất.

Khi phát nguyện cải quá cần phải nhờ thiện hữu đề huề, cầu Hiền Thánh chứng tri. Nhất tâm sám hối ngày đêm không giải đãi, trải qua một thất (bảy ngày), hai thất, cho đến một tháng, ba tháng, tất sẽ có hiệu nghiệm rõ ràng, hoặc tự thấy tâm thần thoải mái, trí tuệ mở mang, hoặc đang trong chỗ phiền toái rối ren mà gặp đâu thông suốt đó, hoặc gặp oán cừu mà họ bỏ giận làm lành, hoặc mộng thấy khạc nhổ vật đen, mộng thấy được các bậc Thần, Thánh, Tiên, Hiền đề huề tiếp dẫn, hoặc mộng thấy bay đi giữa hư không, mộng thấy tràng phan bảo cái đưa rước, tóm lại là gặp được các chuyện tốt lành nhờ lỗi tiêu, tội diệt hiện ra. Tuy nhiên, không được cố chấp lấy đó để tự cao tự đại, lãng quên bề tiến hóa.

Xưa ông Cừ Bá Ngọc, đang lúc 20 tuổi đã biết xét tội lỗi lúc thiếu thời để lo chừa bỏ, đến lúc 21 tuổi vẫn thấy rõ lỗi trước chưa sạch, đến 22 tuổi lại thấy lúc 21 tuổi còn như kẻ ở trong mộng. Cứ mỗi năm lại mỗi năm, ông không ngớt cải đổi, đến lúc 50 tuổi ông còn thấy gì sai quấy lúc 49 tuổi. Cái lối cải quá của người xưa như thế thật đáng phục thay! Chúng ta hiện mang thân phàm tục, tội ác dập dồn, thế mà ít ai xét thấy, đó phải chãng là vì tâm còn thô và mắt bị lòa? Dù thấy không thấy mặc lòng, hễ đã tạo tội ác sâu dày tất không tránh khỏi những điều bất hảo, hoặc tâm thần hôn muội, chưa nhớ đã quên, hoặc thường sinh phiền não dẫu không việc gì xúc động, hoặc gặp người quân tử thì hoảng sợ mặt đỏ hồn tiêu, hoặc chẳng ưa nghe lời hay lẽ phải, hoặc giúp người mà lại bị người oán, hoặc mộng thấy điên đảo, đến nỗi nói cuồng thất chí... đó toàn là các tướng quái nghiệt của tội ác hiện ra, người nào gặp cảnh như thế này cố gắng dõng mãnh cải quá tự tân, may ra mới khỏi điều mê hoặc.

HT Thích Thiện Siêu



Có phản hồi đến “Chuyện Số Mệnh - Hối Cãi Lỗi Lầm”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com