Nghi lễ là điều quan trọng không thể thiếu trong kiếp nhân sinh nói chung, giới Phật giáo nói riêng. Vì ngoài cơm ăn, áo mặc, nơi ở v.v…, nếu không có nghi lễ thì nơi đó, người đó thiếu phẩm chất, văn hóa, tư cách đạo đức của con người.
Người xưa nói: “Nghi tại tướng, Lễ tại tâm”. Bởi vậy, người tu sĩ trượng phu xuất trần, phát túc siêu phương không thể không biết nghi lễ. Vì nghi lễ liên quan đến oai nghi, qui cũ thiền môn, bởi lẽ “Hữu oai khả úy, hữu nghi khả kính”. Nghi lễ được đánh giá là không nặng về âm thanh, tán tụng, mà chính là đạo phong trang nghiêm, tâm thành cung kính, đó mới là “Đạo tràng ư xứ xứ”.

Như trên đã nói “Ngi tại tướng, Lễ tại tâm”, như vậy điều này muốn nói lê khi ứng phú đạo tràng phải đầy đủ hành sự và lý tu. Nếu sự lý viên dung, tức tam mật tương ưng thì thành tựu công đức viên mãn, mà công đức ấy chính là “hạ thủ công phu viết công, vận tâm bình đẳng viết đức”.


Đức Chánh Biến Tri (Đức Phật) khi còn tại thế, sở dĩ có vô lượng công đức là bởi thường hằng công phu, giữ đại định tam muội, hóa độ vô số chúng sanh trong muôn loài, cũng chính là ban ân đức bi điền; Liệt vị Tổ sư hóa đạo vô biên là do ứng cơ tiếp vật. Cho nên hôm nay cộng đồng thế giới nói chung, nước Việt thân yêu nói riêng, nơi đâu cũng có nghi lễ và nghi lễ Phật giáo. Tuy nhiên tùy theo quốc độ mà nghi lễ có khác nhau, nhưng không ngoài sự thành kính trang nghiêm để cúng dường, tán thán chư Phật, chư Tổ, chính là xiển dương giáo pháp cao thâm của Phật đà. Chẳng hạn như bài:

“La liệt hương hoa kiến bảo đàn
Trùng trùng Phật cảnh nhất hào đoan
Tâm dung diệu lý hư không thiểu (tiểu)
Đạo khế chơn như pháp giới khoan
Tướng hảo từ bi thu nguyệt mãn
Hóa thân đằng vận mộ vân phiền
Hương vân đôi lý chiêm ứng hiện
Vạn vật sum la hải ấn hàm”

Nước Việt Nam chúng ta có 3 miền rõ rệt, thế nhưng không ngừng phát triển nghi lễ từng địa phương. Nói đến nghi lễ trong một đạo tràng thì không thể thiếu âm nhạc và pháp khí, nói cách khác đó là “Lễ nhạc”. Vì “Lễ” là kỷ cương, phép tắc, là trật tự cung kính cho đời và đạo tràng; còn “Nhạc” là lành mạnh, tươi vui, là hòa âm cung bậc, là cao thấp thăng trầm, goi chung là pháp khí nhạc cụ như chuông mõ, tang đẩu, linh khánh, trống kèn, đàn sáo v.v…

Nghi lễ do chư Tổ soạn ra, nhưng không ngoài chuyển tải giáo lý cao thâm của Phật đà. Nghi lễ cũng chính là hoằng pháp lợi sanh, âm dương lưỡng ích, “Đạo sư ba cõi đại hiếu Thích Ca Văn, bao đời phụng dưỡng mẹ cha, nhiều kiếp tu hành thành Phật”. Đó chẳng phải là dạy cho con người hiếu đạo chăng? Hay là “Thỉnh sư na bộ đăng đài, đài vị cô hồn thuyết giới. Đã cổ tam thông đăng bảo tọa, Phật tử cô hồn tận siêu thăng”. Như vậy chẳng phải hoằng pháp cho âm cảnh sao? Rồi từ pháp âm ấy đi vào ngõ ngách tâm linh, mang lại tín ngưỡng văn hóa đặc thù.
Thiết nghĩ, chúng sanh đa tánh, Phật pháp đa môn. Vả lại, vô lượng pháp môn đại khai phương tiện, trong phương tiện không xem nhẹ pháp môn nào. Nếu hiểu “Nhất thiết pháp giai thị Phật tánh” thì chúng ta nên duy trì, phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật, xiển dương nghi lễ bằng cách:

1. Từ mỗi chùa đến mỗi địa phương nên phát huy một cách năng động, trang nghiêm phần nghi lễ để lợi ích tự tha, tránh hiểu lầm mê tín.

2. Nghệ thuật, sắc tướng âm thanh cũng là một phần quan trọng trong nghi lễ, nhưng không nên quá đặt nặng vấn đề này mà đánh mất tự tâm thanh tịnh, khuy việt lạ lạp giới phẩm.

3. Cần đưa bộ môn lễ nhạc vào giảng dạy tại các trường Phật học, các khóa an cư kiết hạ để hậu học hiểu đúng ý nghĩa của nghi lễ.

4. Sớm biên soạn giáo án, giáo trình về bộ môn nghi lễ để Tăng Ni sinh các trường Phật học và hành giả an cư tiếp cận bộ môn nghi lễ tốt hơn.

Ban Nghi lễ Phật giáo tỉnh Bình Định


Có phản hồi đến “Ý Nghĩa Nghi Lễ Phật Giáo”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com