Những nhà hảo tâm người thì làm việc thiện với cả tấm lòng thương yêu, chia sẻ với đồng loại, lại có người người dựa vào từ thiện để cầu danh lợi, “trống dong cờ mở” nhằm đánh bóng tên tuổi. Hãy nghe các tăng, ni phân tích về vấn đề này theo quan điểm của Phật giáo.

Vẫn có những hình thức từ thiện không chân chính

Theo Đại đức Thích Trí Huệ - Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Từ thiện là di sản của Đức Phật để lại. Đó là lòng thương yêu, là lòng từ bi. Như vậy, chúng ta thừa hưởng tinh thần từ bi, trí tuệ cứu khổ chúng sinh, thấy chúng sinh đau khổ thì giúp đỡ. Cái đó hoàn toàn tốt, không có gì bàn cãi”.

Tuy nhiên, tinh thần từ bi đó được cụ thể hóa trong hoạt động từ thiện hiện nay cũng có nhiều khía cạnh đáng bàn. Thượng tọa Thích Minh Nhẫn - Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ: “Hiện nay, nhiều người thông qua việc làm từ thiện để quảng cáo sản phẩm của họ. Điều này còn rẻ hơn chi phí quảng cáo. Đó là những hình thức từ thiện không chân chính”.

Đại đức Thích Trí Huệ lại nhìn nhận ở một góc độ khác: “Hình thức bên ngoài không thể đánh giá được cái gốc bên trong. Ví dụ thấy nhà hảo tâm lên truyền hình thì có thể họ không phải vì cái danh, có thể họ làm từ thiện mà địa phương và truyền hình mời lên quay. Họ không cầu điều đó. Lại có những người sắp xếp để đạt được điều đó. Vì thế nếu nhìn hình ảnh bên ngoài mà đánh giá thì khó xác đáng”.

Làm việc thiện phải từ tâm thiện

Làm việc thiện trong quan điểm của Phật giáo xuất phát từ tâm thiện, bằng tấm lòng chân chính mong muốn người khác có đời sống tốt hơn, chứ không mong cầu, không vì mục đích vụ lợi. Bởi thế, có những người làm việc thiện để làm màu, hòng lấy hư danh hay mưu cầu lợi lộc khác, những kiểu làm thiện này không những không mang lại phúc báo mà còn tạo nghiệp.

“Những người làm từ thiện “trống dong cờ mở” là chưa rốt ráo, đó mới chỉ một phần nào của học theo, của tập tành cái thiện thôi. Những cái tâm như vậy mới là “sơ”, giống như học trò nhỏ học bài phải la lớn lên mới thuộc, còn người lớn đâu ai cầm cuốn sách mà đọc to, phải ngẫm nghĩ từng chữ, từng chữ mà nhớ lâu”, Sư cô Thích Nữ Liên Hòa - Ủy viên Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng làm từ thiện cũng phải có phương pháp. Thượng tọa Thích Minh Nhẫn - Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, làm từ thiện đúng nghĩa cần đúng đối tượng, làm sao cho người gặp hoàn cảnh khó khăn được khích lệ hơn, có chí làm ăn, không có tâm lý ỷ lại, lười biếng. Ví như, nếu quà từ thiện tới người nhân cách kém, suốt ngày chửi bới, say rượu, cờ bạc, thì dẫu có cho họ bao nhiêu thì họ vẫn nghèo. Chia sẻ với đối tượng này rất khó, làm sao để hướng họ nghĩ, nói, và làm điều thiện mới là hiệu quả.

Vì vậy, từ thiện là phải làm sao chia sẻ được với những người có ý chí, khát vọng vươn lên xây dựng một cuộc sống no đủ. Nếu họ thiếu cơ hội thì khi được nhà hảo tâm hỗ trợ, họ sẽ nỗ lực thoát nghèo. Đó sẽ là hạt giống để mọi người gieo tình yêu thương với người khác và tâm chân thiện sẽ được nhân lên khắp nhân gian.

(Theo ANTD)





Có phản hồi đến “Từ Thiện Vì Hư Danh Có Khi Còn Tạo Nghiệp”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com